Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 8-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 1960

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 8/CP NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 1960 VỀ VIỆC CẤP GIẤY ĐĂNG KÝ CHO THỢ VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG NGOÀI BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để cho việc quản lý, điều hòa và sử dụng nhân công được hợp lý, đồng thời để đáp ứng nguyện vọng của thợ và người lao động mong được Nhà nước chứng thực khả năng nghề nghiệp và quá trình lao động của mình;
Theo đề nghị của ông Bộ trường Bộ Lao động;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 30-3-1960.

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Nay quy định việc cấp giấy đăng ký cho thợ và người lao động chưa có việc làm, hoặc đang làm tạm thời trong các cơ sở sản xuất, xây dựng, cơ quan của Nhà nước, của các đoàn thể và trong các cơ sở sản xuất của tư nhân.

Từng thời gian, Bộ Lao động sẽ căn cứ vào nhu cầu kế hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước mà ấn định loại thợ và lao động cần đăng ký.

Điều 2. Giấy đăng ký cấp cho thợ và người lao động ngoài biên chế Nhà nước gồm có những mục sau đây:

1. Sơ lược lý lịch

2. Hoàn cảnh gia đình và bản thân

3. Nghề nghiệp

4. Sức khoẻ

5. Công việc làm sau khi đăng ký

6. Khen thưởng

7. Kỷ luật

8. Di chuyển chỗ ở

9. Dạng người

10. Cơ quan cấp giấy ký và đóng dấu.

Điều 3. Người được cấp giấy đăngký phải có những điều kiện sau đây:

a. Có sức khoẻ để làm được nghề của mình, hoặc làm được công việc do cơ quan Lao động phân phối.

b. Nếu là thợ thì phải biết nghề, làm được một số việc chính trong nghề.

c. Nếu là người không nghề, thì phải là người lấy lao động làm nguồn sống chính, và phải chính thức ở thành phố.

Người được cấp giấy đăng ký trả lại tiền giấy và công in giấy đăng ký.

Điều 4. Người thợ và người lao động muốn được cấp giấy đăng ký phải khai xin đăng ký với Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố nơi mình đang ở hoặc đang làm việc. Uỷ ban hành chính xã hoặc khu phố sẽ xét và chứng thực tờ khai ấy, trước khi chuyển lên cho Uỷ ban hành chính khu, thành phố hoặc tỉnh xét cấp giấy đăng ký.

Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm cấp giấy đăng ký cho thợ và người lao động đang ở hoặc đang làm việc trong địa phương mình.

Điều 5. Giấy đăng ký khi đã cấp cho thợ và người lao động phải được giữ gìn cẩn thận: không người nào được tự ý sửa chữa, bôi xoá hoặc thêm bớt những điều đã ghi trong giấy đăng ký, không được cho người khác mượn.

Giấy đăng ký chỉ được cấp lại khi bị hư hỏng, rách, nát, hoặc khi không còn chỗ để ghi chép nữa.

Khi giấy đăng ký bị mất, người giữ giấy phải báo ngay với cơ quan Công an và cơ quan Lao động địa phương.

Điều 6. Các đơn vị sử dụng nhân công có trách nhiệm:

a. Tổ chức việc cấp giấy đăng ký dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính và theo sự hướng dẫn của cơ quan Lao động địa phương.

b. Giữ giấy đăng ký trong thời gian thợ và người lao động làm việc ở đơn vị mình, ghi chép những điều cần thiết và chứng thực vào giấy đăng ký, trả lại giấy đăng ký khi thợ và người lao động thôi việc, báo cáo đều đặn tình hình sử dụng nhân công cho Uỷ ban hành chính và cơ quan lao động địa phương.

c. Khi cần tuyển dụng nhân công, trước tiên phải tuyển dụng người đã có giấy đăng ký do cơ quan Lao động giới thiệu.

Khi tuyển người chưa có giấy đăng ký, thì phải báo với Uỷ ban hành chính và cơ quan Lao động địa phương để xin cấp giấy đăng ký cho người mới tuyển.

Điều 7. Ông Bộ trưởng Lao động quy định chi tiết thi hành Nghị định này.

 

 

Phạm Văn Đồng

(Đã ký)