Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 78/2010/NĐ-CP cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ

Chương 3.

QUY TRÌNH, THỦ TỤC CHO VAY LẠI

Điều 18. Cơ quan cho vay lại và lựa chọn Cơ quan cho vay lại

1. Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện việc cho vay lại đối với:

a) Tổ chức tài chính, tín dụng để thực hiện chương trình hạn mức tín dụng không có ràng buộc cụ thể. Các tổ chức tài chính, tín dụng được tự lựa chọn đối tượng vay vốn cuối cùng, quyết định lãi suất cho vay đến người vay lại cuối cùng và chịu rủi ro tín dụng.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Một số dự án đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn thẩm định các điều kiện cho vay lại và bảo đảm tiền vay.

2. Bộ Tài chính ủy quyền cho tổ chức tài chính, tín dụng làm cơ quan cho vay lại trong các trường hợp:

a) Cho doanh nghiệp vay lại để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Trong trường hợp này, các tổ chức tài chính, tín dụng không chịu rủi ro tín dụng.

b) Để thực hiện các chương trình, hạn mức tín dụng có ràng buộc về đối tượng, địa bàn, lĩnh vực, lãi suất cho vay lại và/hoặc các điều kiện khác có liên quan. Tùy theo tính chất của chương trình, hạn mức tín dụng, tổ chức tài chính, tín dụng có thể phải chịu hoặc không chịu rủi ro tín dụng.

3. Lựa chọn cơ quan cho vay lại

Bộ Tài chính lựa chọn các tổ chức tài chính, tín dụng làm cơ quan cho vay lại theo các tiêu chí sau:

a) Có kinh nghiệm thực hiện cho vay các chương trình, dự án đầu tư trong lĩnh vực được vay lại.

b) Có địa bàn hoạt động phù hợp với địa bàn của chương trình, dự án vay lại.

c) Chấp nhận các quy định về quản lý, thu hồi vốn cho vay lại, phí cho vay lại và chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật.

d) Được bên cho vay nước ngoài chấp thuận làm cơ quan cho vay lại (nếu thỏa thuận vay nước ngoài có quy định).

đ) Đối với cho vay lại vốn vay ODA, ưu tiên lựa chọn các ngân hàng chính sách của Chính phủ. Đối với cho vay lại vốn vay thương mại, vay ưu đãi, lựa chọn các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính tín dụng khác trong đó ưu tiên các ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng tham gia đồng tài trợ cho dự án vay lại.

4. Cơ quan cho vay lại được hưởng phí cho vay lại theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

Điều 19. Thẩm định chương trình, dự án cho vay lại

1. Cho vay lại vốn vay ODA cho các chương trình, dự án đầu tư và Cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

a) Cơ quan cho vay lại thẩm định phương án tài chính của chương trình, dự án cho vay lại, năng lực tài chính của người vay lại theo quy định về thẩm định của cơ quan cho vay lại.

b) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ cho việc thẩm định, cơ quan cho vay lại thực hiện thẩm định và gửi báo cáo kết quả thẩm định chương trình, dự án cho Bộ Tài chính để xem xét, xác định các điều kiện cho vay lại theo các quy định của Nghị định này. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính có thông báo về điều kiện cho vay lại cho cơ quan cho vay lại và người vay lại.

2. Cho vay lại vốn vay ODA theo Chương trình, dự án đầu tư và Cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng.

a) Để thực hiện việc xác định điều kiện cho vay lại, người vay lại cần cung cấp các hồ sơ dưới đây cho Bộ Tài chính:

- Văn bản của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay ODA;

- Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) của dự án hoặc chương trình đã được phê duyệt;

- Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền (nếu có).

b) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của người vay lại, Bộ Tài chính có thông báo về điều kiện cho vay lại cho cơ quan cho vay lại và người vay lại.

3. Trường hợp cho các tổ chức tài chính, tín dụng vay lại theo chương trình, hạn mức tín dụng

a) Để thực hiện việc thẩm định và xác định điều kiện cho vay lại, tổ chức tài chính, tín dụng cần cung cấp cho Bộ Tài chính (trường hợp cho vay lại vốn ODA) hoặc Ngân hàng Nhà nước (trường hợp cho vay lại vốn vay thương mại và vay ưu đãi) các hồ sơ sau:

- Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất;

- Phương án tài chính sử dụng và hoàn trả vốn vay dựa trên cơ sở tham chiếu các điều kiện cho vay lại theo Nghị định này.

b) Trường hợp cho vay lại vốn vay ODA, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức tài chính tín dụng, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định và có thông báo về kết quả thẩm định và điều kiện cho vay lại cho tổ chức tài chính, tín dụng nhận vay lại.

Trường hợp cho vay lại vốn vay thương mại và vay ưu đãi, trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức tài chính, tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thẩm định và thông báo kết quả thẩm định cho Bộ Tài chính. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thẩm định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính thông báo về điều kiện cho vay lại cho tổ chức tài chính, tín dụng nhận vay lại và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Cho các doanh nghiệp vay lại vốn vay thương mại, vay ưu đãi.

a) Để thực hiện việc thẩm định chương trình, dự án vay lại, người vay lại cần cung cấp các hồ sơ dưới đây cho Cơ quan cho vay lại:

- Dự án đầu tư (Báo cáo nghiên cứu khả thi) của Dự án hoặc chương trình đã được phê duyệt;

- Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền;

- Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất (đối với các doanh nghiệp/tổ chức kinh tế đang hoạt động); đối với những trường hợp doanh nghiệp mới thành lập hoặc chưa đủ 3 năm hoạt động thì phải có văn bản cam kết của đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ về đảm bảo khả năng trả nợ; nội dung cam kết của đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu hoặc của công ty mẹ nhằm đảm bảo sự sẵn sàng trả nợ thay trong trường hợp người vay lại gặp khó khăn trong việc trả nợ;

- Phương án tài chính dựa trên cơ sở tham chiếu các điều kiện cho vay lại theo Nghị định này.

b) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ nói trên, cơ quan cho vay lại thực hiện thẩm định và gửi báo cáo kết quả thẩm định chương trình, dự án cho Bộ Tài chính để xem xét, xác định các điều kiện cho vay lại theo các quy định của Nghị định này. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính có thông báo về điều kiện cho vay lại cho cơ quan cho vay lại và người vay lại.

5. Trường hợp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại

a) Để thực hiện việc thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần cung cấp các hồ sơ cần thiết dưới đây cho Bộ Tài chính:

- Kế hoạch ngân sách địa phương trong năm ký Thỏa thuận vay nước ngoài;

- Phương án sử dụng vốn vay và trả nợ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

b) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định và có thông báo về kết quả thẩm định về khả năng trả nợ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận vay lại.

Điều 20. Ký hợp đồng ủy quyền cho vay lại và thỏa thuận cho vay lại

1. Ký hợp đồng ủy quyền cho vay lại

Sau khi các điều kiện cho vay lại cụ thể được xác định (hoặc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trong vòng 30 ngày, Bộ Tài chính ký hợp đồng ủy quyền cho vay lại với cơ quan cho vay lại trên các nguyên tắc chung theo mẫu đính kèm tại Phụ lục II của Nghị định này.

2. Ký thỏa thuận cho vay lại

Trong vòng 15 ngày sau khi ký hợp đồng ủy quyền cho vay lại với Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại ký thỏa thuận cho vay lại với Người vay lại theo các điều kiện ghi trong hợp đồng ủy quyền cho vay lại. Sau khi ký thỏa thuận cho vay lại, cơ quan cho vay lại gửi 01 bản đến Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi quản lý.

Trường hợp Bộ Tài chính là cơ quan cho vay lại, trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo điều kiện cho vay lại cho người vay lại, Bộ Tài chính ký thỏa thuận cho vay lại với người vay lại theo các điều kiện đã thông báo cho người vay lại.

Điều 21. Thủ tục nhận nợ

Căn cứ vào thông báo từng lần rút vốn của bên cho vay nước ngoài hoặc thông báo của ngân hàng phục vụ về việc chi từ tài khoản đặc biệt, Bộ Tài chính hạch toán ghi thu ngân sách nhà nước và ghi chi cho cơ quan cho vay lại để nhận vốn và thông báo cho người vay lại nhận nợ. Trường hợp Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp, người vay lại nhận nợ trực tiếp với Bộ Tài chính.

Ngay sau khi nhận được thông báo kết thúc thời hạn rút vốn của thỏa thuận vay nước ngoài, Bộ Tài chính thông báo cho cơ quan cho vay lại hoặc người vay lại về tổng số vốn nhận nợ cuối cùng của người vay lại.

Điều 22. Thu hồi nợ cho vay lại

Người vay lại thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo nghĩa vụ trả nợ ghi trong thỏa thuận cho vay lại cho cơ quan cho vay lại.

Cơ quan cho vay lại thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo nghĩa vụ trả nợ ghi trong hợp đồng ủy quyền cho vay lại vào Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp Bộ Tài chính ủy quyền cho cơ quan cho vay lại trả nợ trực tiếp cho nước ngoài, cơ quan cho vay lại chỉ chuyển cho Bộ Tài chính phần còn lại sau khi đã thực hiện trả cho nước ngoài.

Điều 23. Xử lý rủi ro

1. Đối với phương thức cho vay lại nhưng cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, trong trường hợp người vay lại gặp khó khăn không trả được một phần hoặc toàn bộ nợ và sau khi cơ quan cho vay lại đã áp dụng mọi biện pháp, chế tài cần thiết theo quy định của pháp luật mà vẫn không thu hồi được nợ, cơ quan cho vay lại có trách nhiệm kiểm tra, xác định rõ các nguyên nhân để báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan thẩm định chương trình, dự án cùng với các kiến nghị để Bộ Tài chính xem xét, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Thẩm quyền xử lý rủi ro:

a) Trường hợp người vay lại gặp khó khăn tạm thời, Bộ Tài chính được phép xử lý theo hướng sắp xếp lại lịch trả nợ (khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ) cho phù hợp với khả năng trả nợ của người vay lại nếu tổng nghĩa vụ trả nợ không thay đổi hoặc thời hạn trả nợ không vượt quá thời hạn vay nước ngoài.

b) Trường hợp người vay lại gặp khó khăn nghiêm trọng dẫn tới phải thay đổi điều kiện cho vay lại (lãi suất, thời hạn trả nợ vượt quá thời hạn vay nước ngoài) hoặc phải xóa một phần nợ (gốc, lãi), Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với cơ quan thẩm định chương trình, dự án và các cơ quan khác có liên quan xây dựng phương án xử lý trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng trường hợp cụ thể.

c) Trường hợp người vay lại hoàn toàn mất khả năng trả nợ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xử lý đối với tài sản bảo đảm khoản vay lại để thu hồi nợ. Trường hợp sau khi xử lý tài sản bảo đảm khoản vay lại mà vẫn không thu hồi đủ số nợ thì giải quyết theo quy định của pháp luật.

d) Trong mọi trường hợp không trả được nợ nói trên, nếu xác định do nguyên nhân chủ quan, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật các cá nhân có trách nhiệm dẫn đến tình trạng không trả được nợ.

Điều 24. Chế độ báo cáo

1. Hàng quý, cơ quan cho vay lại có báo cáo gửi Bộ Tài chính về đánh giá thực hiện việc cho vay lại đối với các chương trình, dự án và kế hoạch thu hồi vốn cho vay lại trong quý sắp tới.

2. Hàng quý, người vay lại có báo cáo gửi cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính về đánh giá thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn vay lại và kế hoạch trả nợ vốn vay lại trong quý sắp tới.

Nghị định 78/2010/NĐ-CP cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ

  • Số hiệu: 78/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/07/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 29/07/2010
  • Số công báo: Từ số 434 đến số 435
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra