Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật

Chương 2.

QUY HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH HẠ TẦNG KỸ THUẬT SỬ DỤNG CHUNG

Điều 7. Yêu cầu đối với công tác quy hoạch

1. Quy hoạch đô thị phải xác định công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (hướng tuyến, vị trí và quy mô) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý đầu tư xây dựng.

2. Quy hoạch chung đô thị phải xác định hướng tuyến và quy mô các công trình cống cáp, hào và tuy nen kỹ thuật trên các đường trục chính đô thị.

3. Quy hoạch phân khu phải xác định vị trí, số lượng, quy mô các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung từ đường chính khu vực trở lên và được thể hiện trên mặt cắt ngang điển hình.

4. Quy hoạch chi tiết phải xác định vị trí, số lượng, quy mô công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung từ cấp đường nội bộ trở lên và được thể hiện trên mặt cắt ngang điển hình.

5. Đối với thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phải xác định các hạng mục công trình theo lĩnh vực tham gia vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bảo đảm tính đồng bộ, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

6. Trong các quy hoạch quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này phải xác định số lượng, loại đường dây, cáp và đường ống tham gia lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

7. Đối với các đô thị đã có quy hoạch đô thị được phê duyệt nhưng chưa có các nội dung được quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 tại Điều này thì phải bổ sung ngay khi điều chỉnh quy hoạch. Trường hợp công trình hạ tầng sử dụng chung chưa có trong quy hoạch đô thị, khi đầu tư xây dựng phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch tại địa phương.

8. Đối với đô thị hiện hữu, trên cơ sở khảo sát đánh giá công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có, đề xuất giải pháp cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhằm bảo đảm tính kế thừa, đáp ứng nhu cầu sử dụng chung trong khu vực quy hoạch.

Điều 8. Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Đối với đô thị mới, khu đô thị mới, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với các đô thị hiện hữu, Ủy ban nhân dân các thành phố, thị xã, thị trấn theo phân cấp quản lý phải có kế hoạch từng bước đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

3. Đối với các khu vực khác, khuyến khích đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhằm bảo đảm kết nối, khả năng khai thác, sử dụng thuận lợi và an toàn.

4. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung theo các hình thức đầu tư phù hợp và có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Điều 9. Nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Vốn ngân sách nhà nước.

2. Vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh.

3. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

4. Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài.

5. Vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

6. Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trên địa bàn.

Điều 10. Sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung

1. Ủy ban nhân dân các thành phố, thị xã, thị trấn theo phân cấp quản lý là chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung bao gồm:

a) Công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương;

b) Nhận bàn giao lại từ các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung sau khi hết thời hạn quản lý khai thác theo quy định.

2. Các tổ chức được giao quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung là chủ sở hữu, quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung cho đến khi bàn giao cho địa phương theo quy định.

3. Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng đô thị mới, khu đô thị mới là chủ sở hữu, quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung đến khi bàn giao theo quy định.

4. Các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do mình bỏ vốn đầu tư xây dựng đến khi bàn giao theo quy định.

5. Các chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Nghị định 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật

  • Số hiệu: 72/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/09/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 04/10/2012
  • Số công báo: Từ số 619 đến số 620
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH