Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 70/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân

Chương 2.

BẢO ĐẢM AN TOÀN NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN

Điều 9. Mục tiêu bảo đảm an toàn

Khi đầu tư, xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động của nhà máy điện hạt nhân phải bảo đảm các mục tiêu sau đây:

1. Thiết lập và duy trì các hệ thống và quy trình bảo đảm an toàn tại nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo vệ con người, xã hội và môi trường khỏi các tác động có hại của bức xạ.

2. Trong điều kiện vận hành bình thường, đảm bảo mức chiếu xạ trong và ngoài nhà máy dưới mức giới hạn cho phép và ở mức thấp nhất có thể đạt một cách hợp lý. Trong trường hợp xảy ra sự cố phải bảo đảm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của chiếu xạ.

3. Thực hiện những biện pháp hợp lý với độ tin cậy cao nhằm ngăn chặn sự cố có thể xảy ra trong nhà máy điện hạt nhân. Đối với tất cả sự cố được tính đến khi thiết kế nhà máy, thậm chí cả những sự cố có xác suất xảy ra rất thấp thì hậu quả phóng xạ, nếu có, là nhỏ và khả năng xảy ra sự cố nghiêm trọng là hết sức nhỏ.

Điều 10. Báo cáo phân tích an toàn

Báo cáo phân tích an toàn được thực hiện trên cơ sở thiết kế nhà máy điện hạt nhân ở từng giai đoạn và gồm các nội dung sau đây:

1. Giới thiệu chung.

2. Mô tả chung nhà máy điện hạt nhân.

3. Quản lý an toàn

4. Đánh giá địa điểm.

5. Các khía cạnh thiết kế chung.

6. Mô tả các hệ thống chính của nhà máy điện hạt nhân.

7. Phân tích an toàn

8. Chương trình hiệu chỉnh và vận hành thử.

9. Các khía cạnh vận hành

10. Các điều kiện và giới hạn vận hành.

11. Bảo vệ bức xạ.

12. Ứng phó sự cố.

13. Các khía cạnh môi trường.

14. Quản lý chất thải phóng xạ.

15. Tháo dỡ và các vấn đề kết thúc vận hành.

Điều 11. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân

1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân và trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt. Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình đề nghị thẩm định của chủ đầu tư;

b) Báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân;

c) Các văn bản pháp lý có liên quan.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn nội dung, số lượng hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân.

3. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo để chủ đầu tư dự án bổ sung, hoàn chỉnh.

Điều 12. Thẩm định Báo cáo phân tích an toàn

1. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức thẩm định Báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân.

2. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân có thể thuê hoặc mời các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia thẩm định một phần hoặc toàn bộ nội dung Báo cáo phân tích an toàn quy định tại các Điều 21, 22, 25, 30, 31, 34 Nghị định này.

3. Kết quả thẩm định Báo cáo phân tích an toàn được thể hiện trong báo cáo thẩm định với đầy đủ các nội dung, kết luận theo quy định.

4. Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng an toàn hạt nhân Quốc gia kết quả thẩm định Báo cáo phân tích an toàn.

5. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo phân tích an toàn.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định chi tiết về nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định Báo cáo phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân.

Điều 13. Quy trình bảo đảm chất lượng

Quy trình bảo đảm chất lượng liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân có mức độ chi tiết phù hợp cho từng giai đoạn và gồm các nội dung sau đây:

1. Tổ chức hệ thống bảo đảm chất lượng.

2. Chương trình bảo đảm chất lượng.

3. Kiểm soát thiết kế.

4. Kiểm soát hồ sơ mua sắm.

5. Chỉ dẫn, quy trình và bản vẽ.

6. Kiểm soát hồ sơ.

7. Kiểm soát vật tư, thiết bị và các dịch vụ được mua sắm.

8. Xác định và kiểm soát thiết bị, bộ phận và vật tư.

9. Kiểm soát các quá trình đặc biệt.

10. Chương trình kiểm tra chất lượng.

11. Kiểm soát thử nghiệm.

12. Kiểm soát thiết bị đo lường và thử nghiệm.

13. Kiểm soát việc tiếp nhận, lưu giữ và vận chuyển.

14. Xác nhận tình trạng kiểm tra, thử nghiệm và vận hành.

15. Kiểm soát thiết bị, bộ phận, vật tư không đạt chuẩn.

16. Các biện pháp khắc phục sửa chữa.

17. Các hồ sơ bảo đảm chất lượng.

18. Kiểm soát nội bộ.

Điều 14. Kiểm soát hạt nhân

1. Đối với nhà máy điện hạt nhân, các đối tượng và khu vực chịu sự kiểm soát hạt nhân:

a) Nhiên liệu hạt nhân;

b) Vật liệu và thiết bị hạt nhân;

c) Nơi lưu giữ và xử lý vật liệu hạt nhân.

2. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm:

a) Thực hiện kế toán hạt nhân và định kỳ báo cáo kết quả kế toán hạt nhân theo yêu cầu của Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân;

b) Thực hiện các biện pháp giám sát đối với nhiên liệu hạt nhân;

c) Lưu trữ hồ sơ kế toán hạt nhân trong suốt thời gian hoạt động của nhà máy;

d) Chịu sự kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức quốc tế có liên quan;

đ) Thực hiện các quy định khác của pháp luật đối với nguồn nhiên liệu hạt nhân.

3. Thanh tra quốc tế:

a) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thống nhất với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế về hình thức và kế hoạch thanh tra quốc tế đối với các đối tượng và khu vực chịu kiểm soát hạt nhân quy định tại khoản 1 điều này;

b) Các cơ quan, tổ chức liên quan phải tuân thủ kế hoạch thanh tra quốc tế quy định tại điểm a khoản này.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Quy định và hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục kiểm soát hạt nhân;

b) Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kiểm soát hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân.

Điều 15. Kế hoạch quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng

1. Kế hoạch quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của nhà máy điện hạt nhân có mức độ chi tiết phù hợp cho từng giai đoạn và gồm các nội dung sau đây:

a) Tổng quan;

b) Phương án quản lý, lưu giữ;

c) Các biện pháp xử lý chất thải phóng xạ;

d) Chương trình kiểm soát;

đ) Cơ chế đảm bảo tài chính

2. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân phải thực hiện việc quản lý chải thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng theo kế hoạch đã được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn môi trường quốc gia.

Điều 16. Bảo vệ an ninh nhà máy điện hạt nhân

1. Nhà máy điện hạt nhân cần phải áp dụng công tác bảo vệ đặc biệt, tuyệt đối an toàn trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng và vận hành.

2. Chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm:

a) Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người và công trình trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng và vận hành;

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ, đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn của công trình;

c) Tổ chức lực lượng bảo vệ các hạng mục công trình căn cứ vào yêu cầu bảo vệ và tính chất, quy mô của mỗi hạng mục sau khi đã thống nhất với Bộ Công an.

3. Tổ chức có nhà máy điện hạt nhân có trách nhiệm:

a) Tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực nhà máy điện hạt nhân;

b) Thiết lập khu vực hạn chế người qua lại, khu vực bảo vệ an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân.

Nghị định 70/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân

  • Số hiệu: 70/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 07/07/2010
  • Số công báo: Từ số 380 đến số 381
  • Ngày hiệu lực: 10/08/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH