Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá

Chương 3.

SẢN XUẤT SẢN PHẨM THUỐC LÁ

Điều 17. Điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá

1. Doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm thuốc lá trước thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá trong giai đoạn 2000 - 2010 hoặc doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư trong trường hợp sáp nhập, liên doanh để sản xuất thuốc lá.

2. Điều kiện về đầu tư và sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước:

a) Doanh nghiệp phải tham gia đầu tư trồng cây thuốc lá dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và Quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc lá được phê duyệt;

b) Phải sử dụng nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước để sản xuất thuốc lá. Trong trường hợp không đủ nguyên liệu trong nước thì được nhập khẩu phần nguyên liệu còn thiếu theo kế hoạch nhập khẩu hàng năm do Bộ Công Thương công bố, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá nhãn nước ngoài hoặc sản phẩm thuốc lá để xuất khẩu. Kế hoạch này được xác định phù hợp với Quy hoạch sản xuất sản phẩm thuốc lá và vùng nguyên liệu thuốc lá được phê duyệt.

3. Điều kiện về máy móc thiết bị:

a) Có máy móc thiết bị chuyên ngành gồm các công đoạn chính: Cuốn điếu, đóng bao;

b) Trong công đoạn cuốn điếu, đóng bao, đóng tút doanh nghiệp phải sử dụng các máy cuốn, máy đóng bao, đóng tút tự động, trừ trường hợp sản xuất sản phẩm thuốc lá theo phương pháp truyền thống phải thao tác bằng tay;

c) Có các thiết bị kiểm tra để thực hiện đo lường, kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng như: Trọng lượng điếu, chu vi điếu, độ giảm áp điếu thuốc. Đối với các chỉ tiêu lý, hóa khác và chỉ tiêu vệ sinh thuốc lá, doanh nghiệp có thể tự kiểm tra hoặc thông qua các đơn vị dịch vụ có chức năng để kiểm tra. Kết quả kiểm tra phải được lưu giữ có hệ thống, thời gian lưu giữ phải dài hơn thời hạn sử dụng của sản phẩm là 6 tháng để theo dõi;

d) Toàn bộ máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm thuốc lá phải có nguồn gốc hợp pháp.

4. Điều kiện về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá.

Doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm thuốc lá.

5. Điều kiện về sở hữu nhãn hiệu hàng hóa.

Doanh nghiệp phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.

6. Điều kiện về môi trường và phòng, chống cháy nổ.

Có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá

1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có đăng ký ngành nghề sản xuất sản phẩm thuốc lá.

3. Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 03 năm gần nhất (nếu có) và dự kiến sản lượng sản xuất kinh doanh của 05 năm tiếp theo (trong đó nêu rõ chỉ tiêu sản lượng sản xuất đối với từng nhóm sản phẩm thuốc lá quy đổi ra bao 20 điếu).

4. Bảng kê danh mục máy móc, thiết bị cuốn điếu thuốc lá và đóng bao thuốc lá (năng lực từng công đoạn quy đổi ra bao 20 điếu tính theo 03 ca/ngày).

5. Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của máy móc thiết bị.

6. Hợp đồng gia công chế biến sợi, hợp đồng dịch vụ kiểm tra chất lượng (nếu có).

7. Bảng kê diện tích, sơ đồ kho tàng, nhà xưởng, văn phòng làm việc và các khu phụ trợ khác.

8. Bản sao các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp.

9. Bản sao công bố phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.

10. Bản sao hồ sơ chứng minh đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá.

Điều 19. Thẩm quyền, trình tự cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá

1. Thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

Bộ Công Thương là cơ quan cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

2. Trình tự cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

a) Doanh nghiệp sản xuất thuốc lá nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá cho Bộ Công Thương;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương xem xét và cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện theo quy định, Bộ Công Thương sẽ có văn bản trả lời từ chối cấp phép và nêu rõ lý do;

c) Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bổ sung.

3. Lập và lưu giữ Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá được lập thành 04 bản: 02 bản lưu tại Bộ Công Thương, 01 bản gửi doanh nghiệp được cấp, 01 bản gửi Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

4. Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá có thời hạn 05 năm. Trước thời điểm hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày, doanh nghiệp sản xuất thuốc lá nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá trong trường hợp tiếp tục sản xuất. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp lại được quy định tại Điều 39 của Nghị định này.

Điều 20. Sản lượng sản xuất và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá

1. Tổng sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá hàng năm của toàn ngành để tiêu thụ trong nước không được vượt quá tổng sản lượng sản xuất của toàn ngành thuốc lá đã được Bộ Công Thương công bố trước ngày ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

2. Sản lượng sản phẩm thuốc lá sản xuất và nhập khẩu hàng năm của doanh nghiệp để tiêu thụ trong nước không được vượt quá sản lượng ghi trong Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá.

3. Trên cơ sở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong 03 năm và dự kiến kế hoạch sản xuất kinh doanh của 05 năm tiếp theo, Bộ Công Thương xem xét và công bố sản lượng được phép sản xuất và nhập khẩu của từng doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong giai đoạn 05 năm tiếp theo trong Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp.

4. Đến năm 2017 sản lượng các sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất được quy đổi ra thuốc lá điếu (loại 20 điếu/bao) phải đạt từ 100 triệu bao/năm (gồm sản lượng sản xuất tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) trở lên, trường hợp không đạt được sản lượng trên sẽ phải chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc sáp nhập với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá khác.

Điều 21. Năng lực sản xuất và điều chuyển năng lực sản xuất của doanh nghiệp

1. Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và toàn ngành thuốc lá là năng lực máy móc thiết bị có tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ do Bộ Công nghiệp xác định và công bố trước ngày ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

2. Năng lực sản xuất của từng doanh nghiệp là cơ sở để quản lý đầu tư máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá và sản lượng sản xuất và nhập khẩu sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá có thị trường tiêu thụ sản phẩm thuốc lá và được Bộ Công Thương cấp phép sản xuất sản phấm thuốc lá nhưng không đủ năng lực sản xuất được phép:

a) Gia công sản xuất sản phẩm thuốc lá tại các doanh nghiệp còn dư năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá;

b) Thuê, mượn, chuyển nhượng máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá của các doanh nghiệp sản xuất còn dư năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá sau khi được Bộ Công Thương đồng ý bằng văn bản.

4. Điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá từ các doanh nghiệp còn dư năng lực sản xuất nhưng chưa khai thác hết năng lực và không có phương án khả thi để khai thác năng lực sản xuất sang các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, có thị trường phát triển nhưng đã hết năng lực sản xuất theo nguyên tắc sau:

a) Có sự thỏa thuận thống nhất giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp;

b) Trường hợp các doanh nghiệp không thỏa thuận được theo quy định tại Khoản 3, Điều này. Việc điều chuyển nhượng máy móc thiết bị giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Nhãn hiệu sản phẩm thuốc lá

1. Sản phẩm thuốc lá chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

3. Chỉ các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá mới được phép in nhãn hoặc hợp đồng với cơ sở in để in nhãn bao bì thuốc lá.

Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá

Ngoài các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá còn có các quyền và nghĩa vụ sau:

1. Được tổ chức hệ thống phân phối, bán buôn sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất và được bán lẻ sản phẩm thuốc lá trực tiếp tại hệ thống cửa hàng trực thuộc của doanh nghiệp theo đúng quy định mà không phải đề nghị cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá.

2. Được phân phối sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp sản xuất ra (trực tiếp hoặc thông qua chi nhánh hoặc công ty trực thuộc) để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép phân phối, bán buôn sản phẩm thuốc lá.

3. Phải công bố tiêu chuẩn cơ sở về sản phẩm và bảo đảm sản phẩm thuốc lá của doanh nghiệp phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.

Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá

  • Số hiệu: 67/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/06/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 11/07/2013
  • Số công báo: Từ số 401 đến số 402
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH