Hệ thống pháp luật

Chương 7 Nghị định 65/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường sắt

Chương VII

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KINH DOANH ĐƯỜNG SẮT TRONG TRƯỜNG HỢP VẬN TẢI PHỤC VỤ NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT, AN SINH XÃ HỘI

Điều 43. Đối tượng được hỗ trợ

1. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

2. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Điều 44. Các trường hợp được hỗ trợ

1. Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt: Được hỗ trợ chi phí vận tải trong các trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, vận tải phục vụ an sinh xã hội.

2. Đối với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt: Được hỗ trợ phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt phần trực tiếp liên quan đến chạy tàu để tổ chức chạy tàu phục vụ nhiệm vụ vận tải đặc biệt, vận tải phục vụ an sinh xã hội.

Điều 45. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý để doanh nghiệp cân đối được thu, chi và không tính đến lợi nhuận.

2. Chi phí hợp lý của doanh nghiệp được xác định và thống kê đầy đủ, cụ thể cho từng chuyến tàu trên từng tuyến, khu đoạn đường sắt khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và nhiệm vụ an sinh xã hội.

3. Kinh phí hỗ trợ được Nhà nước thanh toán trực tiếp cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

4. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt được hỗ trợ toàn bộ chi phí hợp lý của doanh nghiệp (không bao gồm lãi) để chạy tàu khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và nhiệm vụ an sinh xã hội cho từng chuyến tàu từ ngân sách nhà nước.

Điều 46. Quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ đặc biệt

1. Thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ đặc biệt:

a) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị bằng văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;

b) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt về việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn và cứu nạn;

c) Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp kinh doanh đường sắt về việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đề nghị bằng văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác.

2. Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này phải lập phương án tổ chức thực hiện và dự trù kinh phí (không bao gồm lãi), gửi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và cơ quan yêu cầu.

3. Thanh quyết toán chi phí hỗ trợ nhiệm vụ đặc biệt:

a) Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán các khoản chi phí thực hiện cho từng nhiệm vụ đặc biệt gửi Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này thẩm định báo cáo quyết toán các khoản chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và có văn bản gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở quyết toán với ngân sách nhà nước;

b) Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt phải loại trừ các trường hợp đã được bên đề nghị thanh toán khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt;

c) Hồ sơ thanh, quyết toán, gồm: Văn bản yêu cầu hoặc đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này; phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và dự trù kinh phí thực hiện của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; báo cáo quyết toán chi phí thực hiện do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt lập.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải đặc biệt.

Điều 47. Quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội

1. Thủ tục phê duyệt kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội:

a) Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt xây dựng dự kiến kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội của năm tiếp theo gửi Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường sắt đi qua và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Nội dung kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội được quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Trên cơ sở kế hoạch dự kiến của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đường sắt đi qua có ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Giao thông vận tải, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trước ngày 15 tháng 11 hằng năm để tổng hợp;

c) Bộ Giao thông vận tải chủ trì thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt xong trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.

2. Nội dung kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội, gồm:

a) Số lượng đội tàu và thành phần của các đoàn tàu an sinh xã hội;

b) Dự toán doanh thu, chi phí, chênh lệch thu - chi của từng mác tàu an sinh xã hội hằng năm;

c) Tổng hợp chênh lệch thu, chi theo phương án chạy tàu an sinh xã hội của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hằng năm.

3. Thực hiện kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội:

a) Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tổ chức thực hiện trên cơ sở kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

Trường hợp có sự thay đổi về kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trình Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh kế hoạch trước khi thực hiện;

b) Hằng quý, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm thống kê, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ chạy tàu an sinh xã hội theo kế hoạch được giao gửi Bộ Giao thông vận tải.

4. Thanh, quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội:

a) Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán các khoản chi phí thực hiện cho từng nhiệm vụ an sinh xã hội gửi Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải thẩm định báo cáo quyết toán các khoản chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt và có văn bản gửi Bộ Tài chính để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định chi hỗ trợ cho doanh nghiệp;

b) Hồ sơ thanh, quyết toán, gồm: Quyết định giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Bộ Giao thông vận tải; báo cáo quyết toán chi phí thực hiện do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt lập.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn chi tiết quy trình, hồ sơ thanh quyết toán, thủ tục hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội.

Nghị định 65/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đường sắt

  • Số hiệu: 65/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 28/05/2018
  • Số công báo: Từ số 637 đến số 638
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH