Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

MỤC 1:

QUY TRÌNH CÔNG VIỆC

Điều 33. Chuẩn hóa quy trình công việc của cơ quan nhà nước

1. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm cải tiến và chuẩn hóa các quy định công việc theo hướng phù hợp với chương trình cải cách hành chính đồng thời phát huy tối đa khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các quy trình sau đây:

a) Hoạt động nội bộ và giao dịch với các cơ quan nhà nước khác;

b) Giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt trong hoạt động cung cấp các dịch vụ hành chính công;

2. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quy định trong các hoạt động của cơ quan mình.

Điều 34. Yêu cầu đồng bộ quy trình công việc giữa các cơ quan nhà nước

1. Các quy trình công việc chung phải được chuẩn hóa và áp dụng vào các cơ quan nhà nước có quy trình công việc tương ứng theo lộ trình thích hợp.

2. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường khả năng liên thông giữa các quy trình công việc, cải tiến các quy trình công việc đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều cơ quan nhà nước nhằm giảm tối đa thời gian xử lý.

MỤC 2:

QUẢN LÝ VĂN BẢN ĐIỆN TỬ

Điều 35. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử

1. Văn bản điện tử phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước.

2. Văn bản điện tử gửi đến cơ quan nhà nước không nhất thiết phải sử dụng chữ ký điện tử nếu văn bản đó có thông tin về người gửi, bảo đảm tính xác thực về nguồn gốc và sự toàn vẹn của văn bản.

Điều 36. Thời điểm gửi, nhận văn bản điện tử

1. Thời điểm gửi một văn bản điện tử tới cơ quan nhà nước là thời điểm văn bản điện tử này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo.

2. Cơ quan nhà nước được Chính phủ giao trách nhiệm có nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin bảo đảm xác định thời điểm nhận và gửi văn bản điện tử. Thời điểm nhận là thời điểm văn bản điện tử nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định.

Điều 37. Thông báo nhận được văn bản điện tử

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm thông báo ngay bằng phương tiện điện tử cho người gửi về việc đã nhận văn bản điện tử sau khi xác nhận được tính hợp lệ của văn bản đó.

Điều 38. Tiếp nhận văn bản điện tử và lập hồ sơ lưu trữ

1. Văn bản điện tử gửi đến cơ quan nhà nước phải được sao lưu trong hệ thống lưu trữ điện tử.

2. Việc sao lưu hoặc biện pháp tiếp nhận khác phải chỉ ra được thời gian gửi và kiểm tra được tính toàn vẹn của văn bản điện tử.

3. Văn bản điện tử của cơ quan nhà nước phải được đưa vào hồ sơ lưu trữ theo cách bảo đảm chính xác thực, an toàn và khả năng truy nhập văn bản điện tử đó.

Điều 39. Xử lý văn bản điện tử

Cơ quan nhà nước có quyền sử dụng các biện pháp kỹ thuật đối với văn bản điện tử nếu thấy cần thiết để làm cho văn bản điện tử đó dễ đọc, dễ lưu trữ và để phân loại nhưng bảo đảm không thay đổi nội dung văn bản điện tử đó.

Điều 40. Sử dụng chữ ký điện tử

1. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm sử dụng chữ ký điện tử để xác nhận văn bản điện tử cuối cùng.

2. Chữ ký điện tử của cơ quan nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về giao dịch điện tử.

MỤC 3:

BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG

Điều 41. Nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin

1. Việc bảo đảm thông tin là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành, nâng cấp và hủy bỏ các hạ tầng kỹ thuật của cơ quan nhà nước.

2. Thông tin số thuộc quy định danh mục bí mật nhà nước của các cơ quan nhà nước phải được phân loại, lưu trữ, bảo vệ trên cơ sở quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Cơ quan nhà nước phải xây dựng nội quy bảo đảm an toàn thông tin; có cán bộ phụ trách quản lý an toàn thông; áp dụng, hướng dẫn và kiểm tra định kỳ việc thực hiện các biện pháp bảo đảm cho hệ thống thông tin trên mạng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin.

4. Áp dụng quy trình bảo đảm an toàn dữ liệu bao gồm:

a) Lưu trữ dự phòng;

b) Sử dụng mật mã để bảo đảm an toàn và bảo mật dữ liệu trong lưu trữ và giao dịch theo quy định của Nhà nước về mật mã;

c) Quản lý chặt chẽ việc di chuyển các trang thiết bị công nghệ thông tin lưu trữ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước;

d) Giám sát các khâu tạo lập, xử lý và hủy bỏ dữ liệu;

đ) Các quy trình bảo đảm an toàn dữ liệu khác.

5. Áp dụng quy trình quản lý an toàn hạ tầng kỹ thuật bao gồm:

a) Các giải pháp bảo vệ nhằm ngăn chặn và phát hiện sớm việc truy cập trái phép vào mạng máy tính hay thiết bị lưu trữ dữ liệu;

b) Áp dụng các công nghệ xác thực, cơ chế quản lý quyền truy cập và cơ chế ghi biên bản hoạt động của hệ thống để quản lý và kiểm tra việc truy cập mạng;

c) Kiểm soát chặt chẽ việc cài đặt các phần mềm mới lên máy chủ và máy trạm;

d) Theo dõi thường xuyên tình trạng lây nhiễm và thực hiện loại bỏ phần mềm độc hại khỏi hệ thống;

đ) Các quy trình quản lý an toàn hạ tầng kỹ thuật khác.

6. Điều kiện bảo đảm thực hiện an toàn thông tin:

a) Cán bộ, công chức, viên chức phải nắm vững các quy định của pháp luật và nội quy của cơ quan về an toàn thông tin;

b) Cán bộ kỹ thuật về an toàn thông tin phải được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao và được tạo điều kiện làm việc phù hợp;

c) Cơ quan nhà nước ưu tiên sử dụng lực lượng kỹ thuật về an toàn thông tin của mình; khi cần thiết có thể sử dụng dịch vụ của các tổ chức bảo đảm an toàn thông tin đủ năng lực được Nhà nước công nhận;

d) Hạ tầng kỹ thuật phải được định kỳ kiểm tra, đánh giá hoặc kiểm định về mặt an toàn thông tin phù hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định.

Điều 42. Trách nhiệm giải quyết và khắc phục sự cố an toàn thông tin

1. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có hạ tầng kỹ thuật bị sự cố:

a) Áp dụng mọi biện pháp để khắc phục và hạn chế thiệt hại do sự cố xảy ra, lập biên bảo báo cáo cho cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp;

b) Trường hợp có sự cố nghiêm trọng vượt quá khả năng khắc phục của đơn vị, phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 43 Nghị định này;

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng tham gia khắc phục sự cố và thực hiện theo đúng hướng dẫn;

d) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời những thông tin cần thiết cho cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp;

đ) Báo cáo bằng văn bản về sự cố cho cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp và cơ quan quản lý nhà nước.

2. Trách nhiệm của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp:

a) Tùy theo mức độ của sự cố, hướng dẫn hoặc cử cán bộ có thẩm quyền đến cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ khắc phục sự cố.

b) Huy động các phương tiện cần thiết để khắc phục sự cố.

3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước:

a) Tùy theo mức độ sự cố, cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn hoặc điều phối lực lượng ứng cứu để tham gia khắc phục sự cố;

b) Phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ để điều tra khắc phục sự cố;

c) Thực hiện cam kết trong Điều ước quốc tế có liên quan đến sự cố mà Việt Nam là thành viên.

Điều 43. Tổ chức điều phối các hoạt động ứng cứu khẩn cấp, chống tấn công và chống khủng bố trên mạng

1. Bộ Bưu chính, Viễn thông đảm nhiệm chức năng điều phối hoạt động ứng cứu máy tính tại Việt Nam và là đầu mối hợp tác quốc tế của Việt Nam để ngăn chặn các sự cố và các cuộc tấn công trên mạng. Căn cứ vào thông lệ quốc tế và các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, cơ quan quản lý nhà nước quy định hoạt động điều phối an toàn thông tin để phối hợp trong việc phòng, chống, đối phó, khắc phục sự cố về các vấn đề an toàn thông tin trên môi trường mạng.

2. Cơ quan điều phối có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị hay bộ phận an toàn thông tin trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ an toàn thông tin, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng hợp tác tham gia ngăn chặn các nguồn tấn công gây sự cố trên mạng.

3. Cơ quan điều phối có trách nhiệm thông báo danh sách các nguồn tấn công trên mạng Internet, nguy cơ và nguồn gốc phát sinh sự cố mạng, trên cơ sở đó điều phối lực lượng phản ứng khẩn cấp để ngăn chặn và khắc phục sự cố.

4. Trong trường hợp khẩn cấp có thể gây sự cố nghiêm trọng hay khủng bố mạng, các cơ quan chức năng có quyền tổ chức ngăn chặn các nguồn tấn công trước khi có thông báo, sau đó lập biên bản báo cáo cho cơ quan điều phối.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều tra để nhanh chóng ngăn chặn sự cố và khắc phục hậu quả khi xảy ra tấn công, khủng bố trên môi trường mạng.

Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước

  • Số hiệu: 64/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/04/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 03/05/2007
  • Số công báo: Từ số 290 đến số 291
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH