Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 62-HĐBT

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 1984

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 62-HĐBT NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 1984 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ BỘ, TỈNH VÀ HUYỆN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ngày 30 tháng 6 năm 1983;
Căn cứ Nghị định số 75-CP ngày 14 tháng 4 năm 1975 ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế Nhà nước và Nghị định số 24-HĐBT ngày 10 tháng 8 năm 1981 sửa đổi, bổ sung một số điểm về tổ chức trọng tài kinh tế;
Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9 tháng 2 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trọng tài kinh tế bộ hoặc tổng cục (dưới đây gọi tắt là trọng tài kinh tế bộ), trọng tài kinh tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là trọng tài kinh tế tỉnh), trọng tài kinh tế huyện và cấp tương đương (dưới đây gọi tắt là trọng tài kinh tế huyện) là cơ quan của bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện có trách nhiệm giúp Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương quản lý công tác hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế.

Điều 2. Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương và chịu sự chỉ đạo của trọng tài kinh tế cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 3. Mọi hoạt động của trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện phải theo đúng đường lối, chính sách kinh tế của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ BỘ, TỈNH VÀ HUYỆN

Điều 4. Nhiệm vụ quản lý công tác hợp đồng kinh tế.

1. Từng kỳ kế hoạch, căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch của Bộ, của địa phương, nghiên cứu và trình Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân địa phương quyết định chủ trương về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong phạm vi Bộ hoặc địa phương. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định ấy.

Riêng trọng tài kinh tế bộ còn có nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức khác trong bộ nghiên cứu xây dựng các điều lệ ký kết từng chủng loại hợp đồng kinh tế thuộc phạm vi quản lý của Bộ để Bộ trưởng trình Hội đồng bộ trưởng ban hành.

2. Tham gia với cơ quan kế hoạch và các tổ chức khác thuộc bộ, địa phương trong việc dự thảo các hợp đồng nguyên tắc ký kết giữa các Bộ, giữa Bộ với Uỷ ban nhân dân tỉnh, giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh, giữa Uỷ ban nhân dân huyện với nhau hoặc giữa Uỷ ban nhân dân huyện với các sở chuyên môn thuộc tỉnh, nhằm bảo đảm các hợp đồng nguyên tắc được xây dựng và ký kết theo đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.

3. Tuyên truyền, phổ biến chế độ hợp đồng kinh tế trong phạm vi các cơ quan đơn vị, tổ chức thuộc bộ, hoặc địa phương quản lý.

4. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm kiểm điểm tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế với các cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc bộ hoặc địa phương quản lý; đề ra và kiến nghị những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm chấp hành đúng đắn chế độ hợp đồng kinh tế.

5. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ở các cơ quan quản lý và các đơn vị cơ sở. Khi phát hiện vi phạm hợp đồng kinh tế thì tiến hành thanh tra và tuỳ theo mức độ vi phạm, ra quyết định buộc bên vi phạm phải chấp hành đúng đắn chính sách, chế độ Nhà nước quy định.

6. Theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo với Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương và chủ tịch Trọng tài kinh tế cấp trên tình hình chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế và tình hình xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế ở cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc bộ hoặc địa phương quản lý. Kiến nghị biện pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, khắc phục các khâu sơ hở trong công tác quản lý kinh tế.

7. Tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

8. Tổng kết kinh nghiệm, kiến nghị những biện pháp cần thiết nhằm bổ sung sửa đổi, cải tiến, nâng cao công tác hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế.

Điều 5 - Nhiệm vụ xét xử các tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế.

1. Trọng tài kinh tế Bộ xét xử.

- Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty hoặc Công ty và các đơn vị khác thuộc bộ quản lý.

- Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế được trọng tài kinh tế Nhà nước uỷ quyền.

- Các vụ tranh chấp về kinh tế khác không có hợp đồng do Bộ trưởng giao.

- Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế mà bên thuộc bộ quản lý và một bên thuộc bộ hoặc địa phương khác quản lý, nếu các đương sự yêu cầu.

2. Trọng tài kinh tế tỉnh xét xử.

a) Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh quản lý, giữa một bên là cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc huyện quản lý và một bên là cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh quảnh lý; và giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc hai huyện trong cùng một tỉnh.

- Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế, chế độ ký kết hợp đồng kinh tế được Trọng tài kinh tế Nhà nước uỷ quyền.

- Các vụ tranh chấp về kinh tế khác không có hợp đồng do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

b) Chỉ đạo trọng tài kinh tế huyện về nghiệp vụ xét xử.

c) Giám sát tính đúng đắn và hợp pháp các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế huyện; yêu cầu sửa đổi các quyết định đó hoặc yêu cầu xét xử lại khi thấy cần thiết.

d) Góp ý kiến với chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện giải quyết các vụ kháng cáo đối với các quyết định xét xử của trọng tài kinh tế huyện. Nếu vụ kháng cáo đã được giải quyết nhưng đương sự thấy chưa thoả đáng mà vẫn tiếp tục có đơn kháng cáo thì chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện chuyển hồ sơ vụ đó lên chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh để xét xử lại. Quyết định xét xử của chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có giá trị chung thẩm.

3. Trọng tài kinh tế huyện xét xử

- Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và tổ hợp tác sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp được công nhận là có quy chế như hợp tác xã thuộc huyện quản lý.

- Các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế được trọng tài kinh tế tỉnh uỷ quyền.

- Các vụ tranh chấp về kinh tế khác không có hợp đồng do chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện giao.

Điều 6 - Trọng tài kinh tế các cấp có những quyền hạn sau đây:

1. Triệu tập các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc bộ hoặc địa phương quản lý để phổ biến, hướng dẫn thi hành các quy định của Nhà nước về hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế.

2. Kết luận là không có hiệu lực pháp lý đối với hợp đồng hoặc từng điều khoản của hợp đồng ký không đúng chỉ tiêu kế hoạch hoặc trái với các chính sách, chế độ, thể lệ hiện hành về quản lý kinh tế của Nhà nước.

Yêu cầu các bên phải sửa lại hợp đồng hoặc từng điều khoản của hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng nếu xét thấy hợp đồng là bất hợp pháp, và ấn định thời gian cho các bên thi hành.

3. Yêu cầu các đương sự, cơ quan quản lý cấp trên của đương sự, các cơ quan, tổ chức hữu quan khác cung cấp hồ sơ, tài liệu mẫu hàng, bản giám định có liên quan đến vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế. Khi cần thiết, tổ chức giám định để làm căn cứ giải quyết vụ tranh chấp và vi phạm đó.

4. Triệu tập thủ trưởng các bên đương sự và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan đến dự phiên họp xét xử của trọng tài kinh tế.

5. Quyết định phạt vật chất và bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của Nhà nước.

6. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thi hành kỷ luật hành chính đối với đơn vị tổ chức vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế; phạt tiền hoặc truy tố trước toà án đối với cá nhân, do thiếu tinh thần trách nhiệm gây ra vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng làm thiệt hại đến tài sản xã hội chủ nghĩa.

7. Đôn đốc kiểm tra việc thi hành các quyết định xét xử của trọng tài kinh tế.

8. Yêu cầu các cơ quan quản lý, các đơn vị cơ sở của bộ hoặc của địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu số liệu về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế để tổng hợp làm báo cáo gửi Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương cùng cấp đồng gửi trọng tài kinh tế cấp trên.

9. Được tham dự các cuộc họp bàn về các vấn đề liên quan đến kế hoạch, hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế của bộ hoặc của địa phương.

Chủ tịch Trọng tài kinh tế được tham gia làm thành viên của Hội đồng xét duyệt hoàn thành kế hoạch của Bộ hoặc của Uỷ ban nhân địa phương cùng cấp.

10. Được thông báo các quyết định về phương hướng nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước dài hạn, ngắn hạn của Nhà nước, của Bộ hoặc của địa phương.

Chương 3:

TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ BỘ, TỈNH HUYỆN

Điều 7. -

1. Cơ cấu tổ chức của trọng tài kinh tế.

Trọng tài kinh tế Bộ là cơ quan cấp vụ gồm có một chủ tịch, một phó chủ tịch, một số trọng tài viên và cán bộ giúp việc.

Trọng tài kinh tế tỉnh là cơ quan cấp Sở gồm có một chủ tịch, một phó chủ tịch, một số trọng tài viên và một số cán bộ giúp việc.

Trọng tài kinh tế huyện là cơ quan cấp phòng, bao gồm có một chủ tịch, một số trọng tài viên và một số cán bộ giúp việc.

2. Bổ nhiệm, bãi miễn Chủ tịch, Phó chủ tịch trọng tài kinh tế và các trọng tài viên.

Chủ tịch, Phó chủ tịch trọng tài kinh tế và các trọng tài viên do Bộ trưởng bổ nhiệm và bãi miễn sau khi thoả thuận với chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Chủ tịch trọng tài kinh tế tỉnh do chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước bổ nhiệm và bãi miễn theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; phó chủ tịch trọng tài kinh tế tỉnh và các trọng tài viên tỉnh do chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm và bãi miễn sau khi thoả thuận với chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Chủ tịch trọng tài kinh tế huyện và trọng tài viên huyện do chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện bổ nhiệm và bãi miễn sau khi thoả thuận với Chủ tịch trọng tài kinh tế tỉnh.

3. Trách nhiệm của chủ tịch, phó chủ tịch trọng tài kinh tế và trọng tài viên.

Chủ tịch trọng tài kinh tế bộ, tỉnh và huyện chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương về quản lý công tác hợp đồng kinh tế và trọng tài kinh tế trong ngành hoặc địa phương. Các phó chủ tịch trọng tài kinh tế giúp chủ tịch trong công tác lãnh đạo chung và được chủ tịch phân công phụ trách từng phần công việc. Các trọng tài viên được chủ tịch phân công phụ trách hướng dẫn ký kết hợp đồng, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế và xét xử các vụ tranh chấp và vi phạm hợp đồng kinh tế.

4. ở mỗi cơ quan quản lý và ở mỗi đơn vị kinh tế (xí nghiệp, liên hiệp các xí nghiệp, Công ty, Tổng công ty, Sở... ) đều có cán bộ làm công tác hợp đồng kinh tế để giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chế độ hợp đồng kinh tế. Số cán bộ này phải am hiểu về nghiệp vụ công tác hợp đồng kinh tế và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, được trọng tài kinh tế các cấp bồi dưỡng, hướng dẫn về mặt nghiệp vụ.

Điều 8.- Trọng tài kinh tế bộ và tỉnh có trụ sở, con dấu và ngân sách riêng. Trọng tài kinh tế huyện được sử dụng con dấu riêng, còn trụ sở và ngân sách thì sử dụng chung với Văn phòng Uỷ ban nhân dân huyện.

Biên chế của trọng tài kinh tế bộ, tỉnh, huyện nằm trong biên chế chung của bộ, tỉnh, huyện.

Điều 9 - Nghị định này có hiệu lực thi hành kể tư ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 10 - Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước, Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 62-HĐBT năm 1984 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trọng tài kinh tế bộ, tỉnh và huyện do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 62-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 17/04/1984
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 17/04/1984
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản