Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh

MỤC 2. LẬP VI BẰNG

Điều 25. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng

1. Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này, các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm.

2. Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 26. Thủ tục lập vi bằng

1. Việc lập vi bằng phải do chính Thừa phát lại thực hiện. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại có thể giúp Thừa phát lại thực hiện việc lập vi bằng, nhưng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm về vi bằng do mình thực hiện.

2. Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực.

3. Trong trường hợp cần thiết Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

4. Vi bằng lập thành 03 bản chính: 01 bản giao người yêu cầu; 01 bản gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh để đăng ký trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lập vi bằng; 01 bản lưu trữ tại văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về chế độ lưu trữ đối với văn bản công chứng.

5. Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phải vào sổ đăng ký vi bằng Thừa phát lại.

Điều 27. Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng

1. Vi bằng lập thành văn bản viết bằng tiếng Việt và có các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên, địa chỉ văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;

b) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lập vi bằng;

c) Người tham gia khác (nếu có);

d) Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng và nội dung yêu cầu lập vi bằng;

đ) Nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

e) Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;

g) Chữ ký của Thừa phát lại lập vi bằng và đóng dấu văn phòng Thừa phát lại, chữ ký của những người tham gia, chứng kiến (nếu có) và có thể có chữ ký của những người có hành vi bị lập vi bằng.

2. Kèm theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

Điều 28. Giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập

1. Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.

2. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Thỏa thuận về việc lập vi bằng

1. Cá nhân, tổ chức muốn lập vi bằng phải thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau:

a) Nội dung cần lập vi bằng;

b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

c) Chi phí lập vi bằng;

d) Các thỏa thuận khác, nếu có.

2. Việc thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Người yêu cầu phải cung cấp các thông tin và các tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng, nếu có.

3. Văn phòng Thừa phát lại phải vào sổ theo dõi việc thỏa thuận lập vi bằng.

Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 61/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/07/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 05/08/2009
  • Số công báo: Từ số 369 đến số 370
  • Ngày hiệu lực: 09/09/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH