Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bàng các chương trình truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông.

2. Đài Truyền hình Việt Nam có tên viết tắt tiếng Việt là THVN; tên giao dịch quốc tế tiếng Anh là Vietnam Television, viết tắt là VTV.

3. Đài Truyền hình Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ và Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án quan trọng khác của Đài Truyền hình Việt Nam và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, trình cấp có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia; ban hành tiêu chuẩn cơ sở theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức sản xuất, truyền dẫn, phát sóng, phát hành, lưu trữ các chương trình truyền hình, báo điện tử, báo in theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình.

5. Quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình và thời lượng phát sóng hàng ngày trên các kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.

6. Quản lý trực tiếp hệ thống kỹ thuật chuyên dùng của Đài Truyền hình Việt Nam để sản xuất nội dung; truyền dẫn tín hiệu trên hạ tầng viễn thông, internet băng thông rộng; phát sóng trên các phương thức truyền hình vệ tinh, mặt đất và mạng truyền hình cáp; cung cấp trên nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam và nền tảng số khác các chương trình, kênh chương trình ở trong nước và ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.

7. Chủ trì, phối hợp với các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình địa phương về kế hoạch sản xuất các chương trình phát trên kênh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam.

8. Quản lý, quyết định các dự án đầu tư và xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng thuộc chuyên môn, nghiệp vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

9. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc; được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

10. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.

11. Thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp do Đài Truyền hình Việt Nam quyết định thành lập và đối với phần vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

12. Tổ chức thực hiện nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động của Đài Truyền hình Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng nền tảng truyền hình số (trực tuyến) ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số để phát huy sự tham gia, sáng tạo nội dung của khán giả.

13. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truyền hình và truyền thông đa phương tiện khác theo quy định của pháp luật.

14. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Đài Truyền hình Việt Nam theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

15. Quản lý tổ chức bộ máy, viên chức và người lao động; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Đài Truyền hình Việt Nam theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công theo quy định của pháp luật.

17. Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật.

18. Tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

19. Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

20. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Văn phòng.

2. Ban Tổ chức cán bộ.

3. Ban Kế hoạch - Tài chính.

4. Ban Kiểm tra.

5. Ban Hợp tác quốc tế.

6. Ban Thư ký biên tập.

7. Ban Thời sự.

8. Ban Khoa giáo.

9. Ban Truyền hình tiếng dân tộc.

10. Ban Truyền hình đối ngoại.

11. Ban Văn nghệ.

12. Ban Sản xuất các chương trình Giải trí.

13. Ban Thể thao.

14. Ban Biên tập truyền hình đa phương tiện.

15. Trung tâm Phim tài liệu.

16. Trung tâm Phim truyền hình.

17. Trung tâm Tư liệu.

18. Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.

19. Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

20. Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam Bộ.

21. Các cơ quan thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.

22. Trung tâm Kỹ thuật truyền hình.

23. Trung tâm Mỹ thuật.

24. Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số.

25. Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng.

26. Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ truyền hình.

27. Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình.

28. Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình.

Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc; đơn vị quy định tại khoản 6 Điều này là tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và sản xuất chương trình; các đơn vị quy định từ khoản 7 đến khoản 23 Điều này là các tổ chức sản xuất chương trình; đơn vị quy định tại khoản 24 Điều này là tổ chức sản xuất chương trình và cung cấp nội dung số đa nền tảng; đơn vị quy định tại khoản 25 Điều này là tổ chức phát sóng chương trình; các đơn vị quy định từ khoản 26 đến khoản 28 Điều này là các tổ chức sự nghiệp khác.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ việc thành lập, giải thể và tổ chức sắp xếp các đơn vị khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Ban Thư ký biên tập được tổ chức 13 phòng; Văn phòng được tổ chức 08 phòng.

Điều 4. Lãnh đạo

1. Đài Truyền hình Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 04 Phó Tổng Giám đốc.

2. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

3. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Đài Truyền hình Việt Nam; các Phó Tổng giám đốc giúp việc Tổng giám đốc và chịu trách nhiệm trước Tổng giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công.

4. Tổng Giám đốc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các đơn vị trực thuộc.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 9 năm 2022.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 02/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Đài Truyền hình Việt Nam và Nghị định số 34/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Nghị định số 02/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Đài Truyền hình Việt Nam.

Điều 6. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV(3b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Bình Minh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 60/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam

  • Số hiệu: 60/2022/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/09/2022
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phạm Bình Minh
  • Ngày công báo: 20/09/2022
  • Số công báo: Từ số 729 đến số 730
  • Ngày hiệu lực: 08/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản