CHÍNH PHỦ ****** | CÔNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2006/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2006 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
NGHỊ ĐỊNH :
Nghị định này quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, trang thiết bị, trang phục, phù hiệu và công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa.
1. nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hoá, hành khách trên đường sắt quốc gia hoặc có các hoạt động liên quan đến đường sắt quốc gia.
2. Nghị định này không áp dụng đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, xí nghiệp thuộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
3. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Tổ chức của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa
1. Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả được tổ chức trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia.
2. Lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa được tổ chức thành các Phòng, Ban, Đội, Tổ bảo vệ phù hợp với quy mô, đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Lực lượng bảo vệ cấp nào thì chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu đơn vị cấp đó, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ của tổ chức bảo vệ cấp trên và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan công an.
Điều 4. Tiêu chuẩn nhân viên bảo vệ trên tàu hoả
1. Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, đạo đức tốt, không có tiền án, có trình độ văn hoá từ phổ thông trung học trở lên, có đủ sức khoẻ để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ trên tàu hỏa.
2. Đã được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ trên tàu hỏa do cơ quan công an cấp tỉnh trở lên tổ chức và cấp Giấy chứng nhận đã học nghiệp vụ bảo vệ trên tàu hoả.
3. Đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ an toàn giao thông đường sắt theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 5 . Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
Lực lượng bảo vệ trên tàu hoả có các nhiệm vụ sau:
1. Xây dựng kế hoạch, đề xuất các kiến nghị và biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên tàu hỏa với người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
2. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định để phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi sau đây:
a) Ngăn cản việc chạy tàu trái pháp luật, đe dọa an toàn chạy tàu;
b) Ném đất đá và các vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống khi tàu đang chạy;
c) Làm hư hỏng và mất vệ sinh đoàn tàu;
d) Gây mất an toàn cho người đi trên tàu;
đ) Gây rối trật tự công cộng trên tàu;
e) Đe dọa sức khỏe, tính mạng của người đi tàu;
g) Trộm cắp tài sản của người đi tàu, hàng hoá, hành lý bao gửi, ký gửi vận chuyển trên tàu và tài sản của doanh nghiệp;
h) Các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Thực hiện các quy định về phòng, chống cháy nổ trên tàu, dưới ga; quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại.
4. Làm nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc trong các nhà ga, trên các đoàn tàu do doanh nghiệp quản lý. Phối hợp với các tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho người thuê vận tải và hành khách đi tàu. Hướng dẫn người thuê vận tải, hành khách đi tàu tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên tàu, dưới ga.
5. Phối hợp với công an xã, phường, thị trấn và cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự - xã hội nơi có đường sắt đi qua để nắm vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
6. Phối hợp với lực lượng bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, lực lượng công an và chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện, thiết bị đường sắt, gây mất an toàn giao thông đường sắt.
7. Phối hợp với nhà ga, nhân viên công tác trên tàu làm công tác kiểm soát người và hành khách ra vào ga, lên xuống tàu; khi xảy ra cháy nổ, tai nạn, gây rối trật tự trên tàu, dưới ga, phải kịp thời phối hợp với trưởng tàu, trưởng ga và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn tiếp diễn, tổ chức cấp cứu nguời bị thương, bảo vệ hiện trường, bắt giữ người phạm tội quả tang, lập hồ sơ ban đầu và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để giải quyết tiếp.
8. Tham gia giải quyết, khắc phục sự cố thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật.
9. Phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông, an toàn giao thông kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông đường sắt.
Điều 6. Quyền hạn của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
Lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa có quyền hạn sau:
1. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cán bộ, nhân viên công tác trên tàu, người thuê vận tải, hành khách đi tàu chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt và nội quy đi tàu.
2. Kiểm tra giấy tờ, người, hàng hoá nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật; được quyền kiểm tra việc mang, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên tàu (trừ lực lượng vũ trang đi làm nhiệm vụ).
3. Sử dụng trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống đối người thi hành công vụ trên tàu theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với những người có hành vi vi phạm và dẫn giải người vi phạm giao cho trưởng ga, công an hoặc chính quyền địa phương khi tàu dừng tại ga gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Tham gia xác minh những vụ việc xảy ra ở trên tàu theo yêu cầu của người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 7. Trang bị công cụ hỗ trợ và trang thiết bị của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
1. Lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa khi làm nhiệm vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
2. Lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa được trang bị máy bộ đàm, máy ảnh, camera, đèn pin và các thiết bị cần thiết khác cho công tác bảo vệ trên tàu hoả.
Điều 8. Trang phục của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
1. Trang phục của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa gồm có: áo (xuân - hè, thu - đông), quần, mũ kêpi, cà vạt (cravat), thắt lưng, và các trang phục khác (găng tay, bít tất, giày, áo mưa).
2. Áo xuân - hè:
Áo sơ mi ngắn tay có nẹp bong ở tay áo, cổ đứng, hai túi ngực có nẹp bong, vai áo có hai quai để cài cấp hiệu, vải màu ghi.
3. Áo thu - đông:
a) Áo veston màu xanh đen, có hai lớp vải, 4 túi có nắp, ve cổ áo hình chữ V, nẹp bong, vai áo có 2 quai để cài cấp hiệu, có 4 khuy, cúc áo bằng nhựa, màu cúc như màu áo;
b) Áo sơ mi dài tay cổ đứng hai túi ngực có nẹp bong, vai áo có 2 quai để cài cấp hiệu, vải màu ghi;
c) Áo gilê màu xanh đen, mặc trong áo veston.
4. Quần âu, vải màu xanh đen, dài ống, ống rộng vừa phải, có hai túi thẳng hai bên quần.
5. Mũ kêpi, phần trên và cầu mũ màu xanh đen, lưỡi trai và quai mũ màu đen, viền xung quanh phần trên mũ và phần cầu mũ bằng 1 đường nỉ màu vàng, phía trên lưỡi trai nối với cầu mũ viền xung quanh bằng 2 đường nỉ màu vàng.
6. Càvạt (ravat) màu xanh đen.
7. Thắt lưng loại da đen, khoá bằng kim loại sáng màu.
8. Cặp đựng tài liệu màu đen bằng da (hoặc giả da, sợi tổng hợp) có dây đeo.
9. Giày da màu đen, ngắn cổ, buộc dây.
10. Bít tất màu xanh đen.
11. Áo mưa loại chuyên ngành, kiểu măng tô.
12. Trang phục của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả phải có chất lượng tốt, bền, đẹp.
13. Mẫu trang phục của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa được quy định tại Phụ lục I, ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 9. Sao hiệu, phù hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
1. Sao hiệu: hình tròn có đường kính hình tròn bên trong bằng 2/3 đường kính hình tròn bên ngoài, nền màu đỏ tươi có ngôi sao vàng năm cánh nổi màu vàng, phía dưới ngôi sao là hàng chữ “BẢO VỆ TÀU HOẢ” màu vàng, liền với nền đỏ là nền xanh thẫm có hai bông lúa màu vàng bao quanh. Phía dưới hàng chữ “BẢO VỆ TÀU HOẢ” có nửa hình bánh xe màu vàng, giữa nửa bánh xe có chữ “ĐSVN" màu đen (viết tắt của chữ Đường sắt Việt Nam). Vành ngoài sao hiệu màu vàng.
Sao hiệu của bảo vệ trên tàu hoả gắn trên mũ kêpi, trên phù hiệu gắn ở tay áo sơ mi, áo veston và trên phù hiệu đeo ở ve cổ áo sơ mi:
a) Sao hiệu gắn trên mũ kêpi hình tròn làm bằng kim loại có đường kính ngoài 35 mm, đeo chính giữa ở trước cầu mũ kêpi phía trên lưỡi trai cùng với cành tùng kép bằng kim loại màu trắng liền thành một khối cao 54 mm, rộng 64 mm;
b) Sao hiệu trên phù hiệu gắn ở tay áo sơ mi, áo veston làm bằng chỉ thêu có đường kính ngoài bằng 35mm;
c) Sao hiệu gắn trên phù hiệu đeo ở ve cổ áo sơ mi làm bằng kim loại có đường kính ngoài bằng 18mm.
2. Phù hiệu của bảo vệ trên tàu hoả gồm phù hiệu gắn trên tay áo sơ mi, áo veston và đeo trên ve cổ áo sơ mi:
a) Phù hiệu gắn trên tay áo veston và sơ mi bên trái, cách cầu vai từ 80 mm đến 100 mm, có hình khiên có kích thước chiều ngang chỗ rộng nhất là 80 mm, chiều cao chỗ cao nhất là 100 mm bằng vải màu xanh da trời, giữa hình khiên có thêu hình sao hiệu của bảo vệ tàu hoả, hai bên là hình bông lúa dài màu vàng, xung quanh hình khiên viền màu vàng, phần trên có ghi hàng chữ màu vàng cao 5 mm ghi tên doanh nghiệp vận tải đường sắt quản lý trực tiếp lực lượng bảo vệ trên tàu;
b) Phù hiệu đeo trên ve cổ áo sơ mi: hình bình hành có cạnh 55 mm x 35 mm nền màu xanh đen giữa có gắn sao hiệu bảo vệ trên tàu hoả.
3. Cành tùng đơn bằng kim loại màu trắng đeo trên ve cổ áo veston.
4. Mẫu sao hiệu, phù hiệu, cành tùng đơn của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả được quy định tại Phụ lục II, kèm theo Nghị định này.
Điều 10. Cấp hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
1. Cấp hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa được trang bị cho những người trực tiếp làm công tác bảo vệ trên tàu hỏa và được đeo trên hai cầu vai áo để phân biệt chức vụ của cán bộ, nhân viên lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa.
Chức vụ của cán bộ, nhân viên bảo vệ trên tàu hỏa gồm có: Nhân viên bảo vệ, Tổ trưởng bảo vệ, Đội phó bảo vệ, Đội trưởng bảo vệ.
2. Cấp hiệu làm bằng vải, màu xanh đen có kích thước dài 120 mm, rộng phía ngoài 50 mm, rộng phía trong 40 mm, độ chếch đầu nhọn 18 mm, xung quanh viền nỉ màu vàng, kích cỡ, màu sắc như sau:
a) Cấp hiệu của Đội trưởng bảo vệ: có hai vạch ngang rộng 10 mm bằng nỉ màu vàng, vạch nọ cách vạch kia 7 mm, giữa có 2 ngôi sao vàng năm cánh;
b) Cấp hiệu của Đội phó bảo vệ: có hai vạch ngang rộng 10 mm bằng nỉ màu vàng, vạch nọ cách vạch kia 7 mm, giữa có một ngôi sao vàng năm cánh;
c) Cấp hiệu của Tổ trưởng bảo vệ: có một vạch ngang rộng 10 mm bằng nỉ màu vàng, giữa có một ngôi sao vàng năm cánh;
d) Cấp hiệu của nhân viên bảo vệ: có hai vạch hình chữ V rộng 10 mm bằng nỉ màu vàng; vạch nọ cách vạch kia 7 mm.
3. Mẫu cấp hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa được quy định tại Phụ lục III, ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 11. Biển hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
1. Biển hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa làm bằng mica, có kích thước 50mm x 84mm đeo ở trên áo trang phục phía ngực trái.
2. Phần trên của biển hiệu: nền màu xanh sẫm, rộng 11 mm, giữa ghi hàng chữ màu đỏ tên doanh nghiệp vận tải đường sắt quản lý trực tiếp cán bộ, nhân viên bảo vệ trên tàu hỏa: cao 5 mm, in đứng có đủ dấu (nếu không đủ chiều dài thì cho phép viết tắt).
3. Phần dưới của biển hiệu: nền màu trắng, phía trái là ảnh bán thân; phía phải là họ và tên chữ màu xanh đậm da trời, nét chữ in đứng, đủ dấu, cao 7 mm. Dưới dòng chữ ghi họ tên là chức danh, nét chữ đứng, đủ dấu, cao 5 mm. Dưới dòng chữ ghi chức danh là mã số và số thứ tự của cán bộ, nhân viên bảo vệ.
4. Mẫu biển hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa được quy định tại Phụ lục IV, ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Việc cấp phát trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu cho lực lượng bảo vệ trên tàu hoả do người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt căn cứ tình hình hoạt động cụ thể để quyết định.
2. Những người trực tiếp làm công tác bảo vệ trên tàu hoả bao gồm: Nhân viên, Tổ trưởng, Đội phó, Đội trưởng bảo vệ được cấp trang thiết bị, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và có trách nhiệm:
a) Mặc trang phục, mang sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu theo quy định khi làm nhiệm vụ;
b) Bảo quản, giữ gìn các loại trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu;
c) Trường hợp mất hoặc hư hỏng phải báo ngay cho thủ trưởng doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra hậu quả;
d) Nghiêm cấm việc cho mượn các loại trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa;
đ) Cán bộ, nhân viên bảo vệ trên tàu hỏa khi nghỉ chế độ, chuyển công tác khác, bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc thì phải nộp lại các trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và biển hiệu cho doanh nghiệp.
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ KINH PHÍ ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG BẢO VỆ TRÊN TÀU HOẢ
Điều 13. Chế độ, chính sách đối với lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
Cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác bảo vệ trên tàu hoả được hưởng các quyền lợi và chế độ, chính sách sau đây:
1. Được hưởng các quyền lợi, chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên bảo vệ theo quy định hiện hành và những quy định cụ thể của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt;
2. Được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ và chuyên môn kỹ thuật thuộc lĩnh vực công tác đang đảm nhận;
3. Được trang bị các loại trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định này để thực hiện các nhiệm vụ được giao;
4. Trong khi làm nhiệm vụ mà bị thương, hy sinh được áp dụng tiêu chuẩn xác nhận là thương binh, liệt sỹ và được hưởng chính sách như đối với thương binh, liệt sỹ theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Kinh phí cho hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
Kinh phí cho hoạt động của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa do doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chịu trách nhiệm và được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG BẢO VỆ TRÊN TÀU HOẢ
Điều 15. Trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt
1. Tổ chức bảo vệ trật tự an toàn trên các đoàn tàu thuộc phạm vi quản lý của doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Thanh tra giao thông đường sắt, công an, chính quyền địa phương để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật trên tàu, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn cho các chuyến tàu, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và tài sản của hành khách và người thuê vận tải.
2. Chịu trách nhiệm cấp trang thiết bị, trang phục, sao hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu cho lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa và các chi phí khác cho các hoạt động bảo vệ trên các đoàn tàu khách, tàu hàng do doanh nghiệp quản lý; quy định niên hạn sử dụng cho các loại trang phục, sao hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, biển hiệu của lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa.
3. Căn cứ vào yêu cầu, tính chất và quy mô của các đoàn tàu để quyết định hình thức tổ chức, bố trí lực lượng, kế hoạch huấn luyện và trang bị phương tiện nghiệp vụ làm việc cho lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa. Chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, nội quy bảo vệ trên tàu. Đôn đốc, kiểm tra các hoạt động bảo vệ trên tàu hỏa.
4. Tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an về công tác bảo vệ trên tàu hỏa.
5. Tổ chức huấn luyện về nghiệp vụ an toàn giao thông đường sắt cho lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
6. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ trên tàu hoả.
Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ trên tàu hỏa theo quy định tại
2. Quy định chương trình, nội dung huấn luyện nghiệp vụ, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ trên tàu hoả; cấp Giấy chứng nhận đã học nghiệp vụ bảo vệ trên tàu hoả.
3. Quy định việc phối hợp giữa các lực lượng công an và lực lượng bảo vệ trên tàu hoả nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trên tàu.
4. Chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ, nghiệp vụ bảo vệ của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Phối hợp với Bộ Công an xây dựng nội dung huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ trên tàu hoả.
2. Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của công tác bảo vệ trên tàu hoả đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
Điều 18. Trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt cho nhân dân địa phương.
2. Chỉ đạo lực lượng công an địa phương phối hợp với lực lượng bảo vệ trên tàu hoả ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm sức khoẻ, tính mạng và tài sản của hành khách, người thuê vận tải, xâm phạm phương tiện giao thông đường sắt và các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Tập thể, cá nhân làm nhiệm vụ bảo vệ trên tàu hoả có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ trên tàu hoả và trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Xử lý kỷ luật, vi phạm
Tập thể, cá nhân khi làm nhiệm vụ bảo vệ trên tàu hỏa nếu lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện các hành vi vi phạm Quy chế của doanh nghiệp và vi phạm pháp luật thì tuỳ theo theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo Quy chế của doanh nghiệp, bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 55/2006/NĐ-CP về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn,trang thiết bị, trang phục, phù hiệu và công cụ hỗ trợ của lực lượng bảo vệ trên tàu hoả
- Số hiệu: 55/2006/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 31/05/2006
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 14/06/2006
- Số công báo: Từ số 13 đến số 14
- Ngày hiệu lực: 29/06/2006
- Ngày hết hiệu lực: 01/07/2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực