Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 53/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

Mục 2. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CÓ TÍNH CHẤT KỸ THUẬT CHUYÊN NGÀNH VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 10. Quy định chung về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước

1. Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành về tài nguyên nước gồm Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh (sau đây gọi chung là quy hoạch).

Đối với Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia sẽ được lập khi có sự hợp tác giữa các quốc gia có chung nguồn nước và trình tự lập, thẩm định, phê duyệt sẽ căn cứ vào thỏa thuận giữa các quốc gia có chung nguồn nước.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và Hội đồng thẩm định quy hoạch. Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Cơ quan lập quy hoạch thực hiện việc lập quy hoạch. Cơ quan lập quy hoạch tổ chức xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và lập quy hoạch.

4. Thời gian xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch không quá 09 tháng kể từ ngày được giao nhiệm vụ; thời gian lập quy hoạch không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Trường hợp cần gia hạn, Cơ quan lập quy hoạch báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc điều chỉnh kéo dài thời gian nhưng tối đa không quá 03 tháng đối với xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và không quá 12 tháng đối với lập quy hoạch.

5. Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, rà soát, điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 11. Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch

1. Thành phần Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước;

c) Các thành viên của Hội đồng bao gồm: đại diện cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện tổ chức lưu vực sông liên quan (nếu có), đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, chuyên gia về tài nguyên nước.

2. Phiên họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và có mặt đại diện cơ quan lập nhiệm vụ lập quy hoạch.

3. Trách nhiệm của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định:

a) Tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến;

b) Tổ chức họp Hội đồng thẩm định, lập biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định;

c) Yêu cầu cơ quan lập quy hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng lại nhiệm vụ lập quy hoạch theo kết luận của Hội đồng thẩm định;

d) Tổ chức thẩm định lại nhiệm vụ lập quy hoạch trong trường hợp nhiệm vụ lập quy hoạch không được thông qua.

4. Thành phần Hồ sơ thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định của cơ quan lập quy hoạch;

b) Dự thảo tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

c) Dự thảo quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

d) Thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch;

đ) Tài liệu khác (nếu có).

5. Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch:

a) Nội dung chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước bao gồm: căn cứ lập quy hoạch; mục tiêu; phạm vi; đối tượng; nội dung nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện chủ yếu; kinh phí; kế hoạch và tiến độ lập quy hoạch; trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc tổ chức lập quy hoạch;

b) Nội dung chính của nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Tài nguyên nước.

6. Nội dung thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

a) Sự phù hợp của các căn cứ pháp lý;

b) Sự phù hợp, tính khoa học, độ tin cậy của nội dung và phương pháp lập quy hoạch;

c) Sự phù hợp giữa nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch với dự toán chi phí và nguồn vốn để lập quy hoạch; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch;

d) Tính khả thi của kế hoạch lập quy hoạch.

7. Thời gian thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch không quá 30 ngày tính từ ngày cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định nhận đủ hồ sơ trình thẩm định.

8. Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch:

a) Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch phải thể hiện rõ ý kiến của các thành viên hội đồng và kết luận của Chủ tịch Hội đồng;

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày họp Hội đồng thẩm định, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định có trách nhiệm hoàn thiện biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và gửi tới cơ quan lập quy hoạch;

c) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định và chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Điều 12. Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

2. Hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm:

a) Tờ trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch;

b) Dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch kèm theo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch;

c) Biên bản họp thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch kèm theo bản giải trình, tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng;

d) Tài liệu khác (nếu có).

3. Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Đối với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, nội dung chính gồm: tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi, mục tiêu lập quy hoạch; nội dung, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu; thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, quy cách hồ sơ quy hoạch; yêu cầu về hệ thống sơ đồ, bản đồ, thông tin dữ liệu (nếu có); kinh phí lập quy hoạch; tổ chức thực hiện;

b) Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nội dung chính gồm: tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch; yêu cầu về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch; yêu cầu về nội dung, phương pháp lập quy hoạch; thời hạn lập quy hoạch; quy định về thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, yêu cầu về hệ thống sơ đồ, bản đồ, thông tin dữ liệu (nếu có); quy cách hồ sơ quy hoạch; kinh phí lập quy hoạch; tổ chức thực hiện.

Điều 13. Lập quy hoạch

1. Căn cứ nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt, Cơ quan lập quy hoạch xây dựng các nội dung của Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Luật Tài nguyên nước và nội dung của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh theo quy định tại Điều 16 Luật Tài nguyên nước và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Riêng đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, Cơ quan lập quy hoạch còn có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được lập, thẩm định đồng thời với quá trình lập, thẩm định quy hoạch.

2. Hồ sơ quy hoạch bao gồm:

a) Báo cáo tổng hợp quy hoạch;

b) Báo cáo tóm tắt;

c) Dự thảo tờ trình phê duyệt quy hoạch;

d) Dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch;

đ) Hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch; tỷ lệ bản đồ đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định này;

e) Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt;

g) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có);

h) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Điều 14. Lấy ý kiến về quy hoạch

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi lấy ý kiến đối với hồ sơ quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này trước khi tổ chức thẩm định quy hoạch. Nội dung dự thảo quy hoạch được lấy ý kiến trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng lấy ý kiến về quy hoạch, gồm:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quy hoạch;

c) Tổ chức lưu vực sông (nếu có);

d) Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, ngoài việc lấy ý kiến các đối tượng theo quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này còn phải lấy ý kiến của cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và một số tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước quy mô lớn gồm: các hồ chứa, công trình tích trữ nước, phát triển nguồn nước có khả năng điều tiết năm, nhiều năm; công trình điều tiết, khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh hoặc có tác động lớn đến nguồn nước.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch.

4. Hồ sơ quy hoạch phải được đăng tải trong thời gian ít nhất 30 ngày trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật) để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.

5. Cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch và gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Điều 15. Hội đồng thẩm định quy hoạch

1. Thành phần Hội đồng thẩm định quy hoạch bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước;

c) Các thành viên khác của Hội đồng bao gồm đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định; đại diện tổ chức lưu vực sông liên quan (nếu có); đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quy hoạch, chuyên gia về tài nguyên nước, các cơ quan, đơn vị khác có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định.

Thành phần Hội đồng có ít nhất 02 thành viên là ủy viên phản biện, riêng đối với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh có thêm ít nhất 01 ủy viên phản biện là đại diện cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thẩm định:

a) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội đồng thẩm định; tổ chức, điều hành các cuộc họp của Hội đồng thẩm định hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thực hiện các nội dung công việc thuộc quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng;

b) Ủy viên phản biện có trách nhiệm tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến phản biện bằng văn bản gửi cho cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định trước khi họp Hội đồng thẩm định; tham gia ý kiến tại phiên họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch về lĩnh vực chuyên môn và vấn đề chung; rà soát các nội dung đã được tiếp thu, giải trình trong hồ sơ quy hoạch theo Biên bản Hội đồng thẩm định quy hoạch; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về những ý kiến tham gia thẩm định đối với hồ sơ trình thẩm định quy hoạch;

c) Thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp của Hội đồng thẩm định; nghiên cứu hồ sơ trình thẩm định quy hoạch; chuẩn bị ý kiến bằng văn bản tại các cuộc họp của Hội đồng thẩm định.

3. Trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định:

a) Tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ, cung cấp hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cho các thành viên của Hội đồng thẩm định nghiên cứu tham gia ý kiến;

b) Tổ chức họp Hội đồng thẩm định theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng;

c) Dự thảo biên bản cuộc họp Hội đồng thẩm định và trình Chủ tịch Hội đồng xem xét quyết định.

Điều 16. Nội dung thẩm định quy hoạch

1. Đối với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt, sự phù hợp với các quy định của pháp luật về quy hoạch;

b) Việc đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước; các yêu cầu về thông tin, số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phạm vi cả nước;

c) Tính khả thi của việc đề xuất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, thứ tự ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch và mạng quan trắc tài nguyên nước; sự phù hợp của danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước liên tỉnh, danh mục nguồn nước dưới đất;

d) Các giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện quy hoạch.

2. Đối với Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh:

a) Sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được phê duyệt, sự phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

b) Sự phù hợp của quy hoạch với quy hoạch tài nguyên nước; các quy hoạch ngành quốc gia khác; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan;

c) Diễn biến tài nguyên nước, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

d) Việc phân vùng chức năng nguồn nước; khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước; dòng chảy tối thiểu; ngưỡng, lượng nước có thể khai thác của nguồn nước; các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch;

đ) Về quan điểm, mục tiêu của quy hoạch; định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và các nội dung mang tính đặc thù trên lưu vực sông; đánh giá sự phù hợp về nội dung, quy cách, sơ đồ, bản đồ quy hoạch;

e) Các khu vực, nguồn nước cần ưu tiên lập kế hoạch chi tiết;

g) Các giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện quy hoạch;

h) Nội dung thẩm định đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 17. Tổ chức thẩm định quy hoạch

1. Cơ quan lập quy hoạch gửi Hồ sơ thẩm định quy hoạch đến các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định.

2. Thành phần Hồ sơ thẩm định Quy hoạch bao gồm hồ sơ quy hoạch quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này đã được chỉnh sửa theo ý kiến góp ý kèm theo bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thẩm định quy hoạch hợp lệ, các ủy viên phản biện phải gửi ý kiến bằng văn bản tới cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định để tổ chức họp Hội đồng.

4. Phiên họp thẩm định quy hoạch được tiến hành khi có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên Hội đồng thẩm định, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng và tối thiểu 01 ủy viên phản biện, riêng đối với quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh phải có thêm 01 ủy viên phản biện là đại diện cơ quan thẩm định đánh giá môi trường chiến lược; đại diện cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và có mặt đại diện cơ quan lập quy hoạch.

5. Hoàn thiện hồ sơ lập quy hoạch sau Hội đồng thẩm định:

a) Trường hợp quy hoạch được Hội đồng thẩm định thông qua hoặc thông qua có chỉnh sửa, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gửi đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch;

b) Trường hợp quy hoạch không được Hội đồng thẩm định thông qua, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm hoàn thiện lại hồ sơ, gửi đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định lại theo quy trình thẩm định quy hoạch của Nghị định này.

Điều 18. Phê duyệt quy hoạch

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

2. Thành phần hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch bao gồm:

a) Tờ trình phê duyệt quy hoạch;

b) Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, nội dung chủ yếu gồm: thời kỳ quy hoạch, phạm vi, đối tượng quy hoạch, quan điểm, mục tiêu, nội dung quy hoạch, giải pháp thực hiện quy hoạch, kinh phí thực hiện quy hoạch và tổ chức thực hiện;

c) Biên bản họp Hội đồng thẩm định; văn bản báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định quy hoạch;

d) Bản tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến và bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;

đ) Báo cáo thuyết minh quy hoạch đã chỉnh lý, hoàn thiện;

e) Hệ thống sơ đồ, bản đồ về quy hoạch;

g) Tài liệu khác (nếu có);

h) Riêng đối với Hồ sơ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh còn có thêm Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 19. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch

1. Trong trường hợp thay đổi yêu cầu thông tin, số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phạm vi cả nước để đáp ứng nhu cầu quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Trình tự lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như việc lập Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

2. Đối với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Tài nguyên nước. Việc điều chỉnh cục bộ quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Tài nguyên nước được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi về nội dung phân vùng chức năng nguồn nước;

b) Bổ sung, điều chỉnh quy mô hoặc đưa ra khỏi quy hoạch đối với công trình đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có quy mô thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ các hồ chứa, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có khả năng điều tiết năm, nhiều năm;

c) Thay đổi về nguồn nước, công trình dự phòng để cấp nước cho sinh hoạt;

d) Bổ sung, điều chỉnh các công trình bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra;

đ) Bổ sung, điều chỉnh khu vực, nguồn nước cần ưu tiên lập kế hoạch chi tiết về điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nội dung về bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra;

e) Thay đổi thứ tự ưu tiên để điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước cho các ngành, địa phương, đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

3. Trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ Quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình gửi hồ sơ đề nghị điều chỉnh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;

b) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh gồm: văn bản đề nghị điều chỉnh quy hoạch; báo cáo thuyết minh đề nghị điều chỉnh; tài liệu khác (nếu có).

Báo cáo thuyết minh đề nghị điều chỉnh phải luận chứng, thuyết minh rõ về căn cứ, quy mô, phạm vi đề nghị điều chỉnh; thuyết minh và kèm theo thông tin, số liệu để chứng minh việc điều chỉnh không làm thay đổi quan điểm, mục tiêu, nội dung chính của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức lưu vực sông (nếu có) và các địa phương liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định này về Hồ sơ đề nghị điều chỉnh quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy thêm ý kiến một số chuyên gia, tổ chức cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia để cho ý kiến góp ý trước khi xem xét, quyết định việc điều chỉnh;

d) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sau khi phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Điều 20. Danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch

Các lưu vực sông liên tỉnh phải lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh bao gồm:

1. Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng và vùng phụ cận.

2. Lưu vực sông Hồng - Thái Bình và vùng phụ cận.

3. Lưu vực sông Mã và vùng phụ cận.

4. Lưu vực sông Cả và vùng phụ cận.

5. Lưu vực sông Hương và vùng phụ cận.

6. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng phụ cận.

7. Lưu vực sông Trà Khúc và vùng phụ cận.

8. Lưu vực sông Ba và vùng phụ cận.

9. Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và vùng phụ cận.

10. Lưu vực sông Sê San và vùng phụ cận.

11. Lưu vực sông Srêpốk và vùng phụ cận.

12. Lưu vực sông Đồng Nai và vùng phụ cận.

13. Lưu vực sông Cửu Long và vùng phụ cận.

14. Lưu vực sông ven biển Quảng Ninh.

15. Lưu vực sông ven biển Quảng Bình và Quảng Trị.

16. Lưu vực sông ven biển Nam Trung Bộ.

Nghị định 53/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước

  • Số hiệu: 53/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/05/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 675 đến số 676
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH