Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 50/2019/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉnh hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội

Chương IV

THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ VÀ GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Mục I. THỦ TỤC THU HỒI CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 26. Thủ tục thu hồi chứng chỉ hành nghề

Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám bệnh, chữa bệnh, thủ tục thu hồi được thực hiện như sau:

1. Bộ Quốc phòng ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải nộp bản gốc chứng chỉ hành nghề về Phòng/Ban quân y cấp trên trực tiếp để chuyển đến Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi về Cục Quân y.

Điều 27. Thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật khám bệnh, chữa bệnh, thủ tục thu hồi được thực hiện như sau:

1. Bộ Quốc phòng ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo mẫu quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp bản gốc giấy phép hoạt động về Phòng/Ban quân y cấp trên trực tiếp để chuyển đến Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi về Cục Quân y;

3. Bộ Quốc phòng thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép hoạt động và đăng tải thông tin về việc thu hồi giấy phép hoạt động trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

Mục 2. ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA NGƯỜI HÀNH NGHỀ VÀ CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 28. Các trường hợp người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động chuyên môn do sai sót chuyên môn kỹ thuật

1. Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật khám bệnh, chữa bệnh; hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 29 của Luật khám bệnh, chữa bệnh thì bị đình chỉ hoạt động chuyên môn.

2. Mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 của Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ của người hành nghề.

Điều 29. Trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh khi bị đình chỉ hoạt động chuyên môn do sai sót chuyên môn kỹ thuật

Ngay khi quyết định đình chỉ có hiệu lực, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các nội dung sau:

1. Không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh một phần hoặc toàn bộ phạm vi hoạt động chuyên môn theo quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn;

2. Trường hợp tại thời điểm nhận được quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang có người bệnh do mình chăm sóc, điều trị thì phải có trách nhiệm giới thiệu hoặc chuyến người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện tiếp tục khám và điều trị để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người bệnh.

Điều 30. Các trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai sót chuyên môn kỹ thuật hoặc không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại các điều trong Mục 1 Chương III Nghị định này phải bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn.

2. Mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 của Luật khám bệnh, chữa bệnh xác định là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 31. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi bị đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn

Ngay khi quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn có hiệu lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện các nội dung sau:

1. Không được thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định đình chỉ của cơ quan có thẩm quyền;

2. Báo cáo Phòng/Ban quân y cấp trên quản lý trực tiếp về số lượng, tình trạng người bệnh, phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh và kế hoạch chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đủ điều kiện để tiếp tục khám và điều trị cho người bệnh;

3. Có trách nhiệm tổ chức và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người bệnh hoặc chuyển người bệnh hiện đang khám và điều trị tại cơ sở mình đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có đủ điều kiện để tiếp tục khám và điều trị cho người bệnh.

Điều 32. Thủ tục đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

1. Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định này, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải được thông báo tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng.

3. Trước khi đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, phải có kết luận về việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có sai sót chuyên môn kỹ thuật của hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 74, Điều 75 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 33. Thủ tục đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định này, Bộ Quốc phòng ban hành quyết định đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Quyết định đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thông báo tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

3. Trước khi đình chỉ một phần hoặc đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phải có kết luận của hội đồng chuyên môn theo quy định tại Điều 74, Điều 75 Luật khám bệnh, chữa bệnh hoặc Đoàn kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại các điều trong Mục 1 Chương III Nghị định này.

Điều 34. Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

a) Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn được ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và khả năng khắc phục của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 24 tháng;

b) Trường hợp người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động quá thời gian đình chỉ mà người hành nghề chưa khắc phục được sai sót chuyên môn thì Cục Quân y báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét quyết định gia hạn thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng tổng thời gian đình chỉ và thời gian gia hạn đình chỉ tối đa không quá 24 tháng;

c) Trường hợp

thời gian đình chỉ và thời gian gia hạn mà người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không khắc phục được sai sót chuyên môn kỹ thuật thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

2. Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

a) Thời gian đình chỉ hoạt động chuyên môn được ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và khả năng khắc phục của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng tối đa không quá 12 tháng;

b) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động chuyên môn dưới 12 tháng.

Nếu hết thời gian đình chỉ mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa khắc phục được sai sót chuyên môn thì Cục Quân y báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét quyết định gia hạn thời gian đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng tổng thời gian đình chỉ và thời gian gia hạn đình chỉ tối đa không quá 12 tháng;

c) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoạt động chuyên môn nếu đủ thời gian 12 tháng mà không khắc phục được sai sót chuyên môn kỹ thuật thì bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn;

d) Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động chuyên môn nếu đủ 12 tháng mà không khắc phục được sai sót chuyên môn kỹ thuật thì bị thu hồi giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.

Điều 35. Thủ tục cho phép được tiếp tục hành nghề sau khi bị đình chỉ hoạt động chuyên môn

1. Hồ sơ đề nghị cho phép người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn bao gồm:

a) Đơn đề nghị được tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề;

c) Báo cáo về việc khắc phục sai sót chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

d) Giấy chứng nhận cập nhật kiến thức y khoa liên tục về chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến sai sót chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động chuyên môn.

2. Thủ tục cho phép người hành nghề tiếp tục hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

a) Người hành nghề gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này về Phòng/Ban quân y cấp trên trực tiếp để chuyển đến Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng;

b) Phòng/Ban quân y đơn vị cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng tổng hợp, gửi hồ sơ của người hành nghề và công văn đề nghị của thủ trưởng đơn vị về Cục Quân y trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc chuyển dữ liệu điện tử;

c) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Quân y phải có văn bản trả lời đơn vị gửi hồ sơ, trong đó nêu cụ thể lý do không hợp lệ, yêu cầu những tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi trong hồ sơ đề nghị;

d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quân y tiến hành xét duyệt hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép người hành nghề tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 36. Thủ tục cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiếp tục hoạt động sau khi bị đình chỉ

1. Hồ sơ đề nghị cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn bao gồm:

a) Đơn đề nghị được tiếp tục hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Báo cáo về việc khắc phục sai sót chuyên môn hoặc các biện pháp đã thực hiện để bảo đảm các điều kiện quy định tại các điều trong Mục 1 Chương III Nghị định này và các tài liệu liên quan;

c) Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Thủ tục cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này về Phòng/Ban quân y cấp trên trực tiếp để chuyển đến Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Phòng/Ban quân y cấp đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng gửi hồ sơ của cơ sở và công văn đề nghị của thủ trưởng đơn vị về Cục Quân y trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc chuyển dữ liệu điện tử;

b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Quân y phải có văn bản trả lời đơn vị gửi hồ sơ, trong đó nêu cụ thể lý do không hợp lệ, yêu cầu những tài liệu cần bổ sung, nội dung cần sửa đổi trong hồ sơ đề nghị;

c) Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Quân y tiến hành xét duyệt hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Nghị định 50/2019/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉnh hành nghề đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Quân đội

  • Số hiệu: 50/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/06/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 477 đến số 478
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH