Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng

Chương II

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG KHẢO SÁT XÂY DỰNG

Điều 11. Trình tự quản lý chất lượng khảo sát xây dựng

1. Lập và phê duyệt nhiệm vụ khảo sát xây dựng.

2. Lập và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.

3. Quản lý chất lượng công tác khảo sát xây dựng.

4. Nghiệm thu, phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng.

Điều 12. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng

1. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được lập cho công tác khảo sát phục vụ việc lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp công trình hoặc phục vụ các công tác khảo sát khác có liên quan đến hoạt động xây dựng.

2. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng do nhà thầu thiết kế lập. Trường hợp chưa lựa chọn được nhà thầu thiết kế, người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng.

3. Các nội dung của nhiệm vụ khảo sát xây dựng bao gồm:

a) Mục đích khảo sát xây dựng;

b) Phạm vi khảo sát xây dựng;

c) Tiêu chuẩn khảo sát xây dựng được áp dụng;

d) Khối lượng các loại công tác khảo sát xây dựng (dự kiến) và dự toán chi phí cho công tác khảo sát xây dựng;

đ) Thời gian thực hiện khảo sát xây dựng.

4. Nhiệm vụ khảo sát xây dựng được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:

a) Trong quá trình thực hiện khảo sát xây dựng, phát hiện các yếu tố khác thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế hoặc khi có thay đổi nhiệm vụ thiết kế cần phải bổ sung nhiệm vụ khảo sát xây dựng;

b) Trong quá trình thiết kế, nhà thầu thiết kế phát hiện nhiệm vụ khảo sát xây dựng, báo cáo khảo sát xây dựng không đáp ứng yêu cầu thiết kế;

c) Trong quá trình thi công, phát hiện các yếu tố khác thường so với tài liệu khảo sát, thiết kế có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình, biện pháp thi công xây dựng công trình.

5. Khi lập nhiệm vụ khảo sát phải xem xét nhiệm vụ khảo sát và kết quả khảo sát đã thực hiện ở bước thiết kế trước và các kết quả khảo sát có liên quan được thực hiện trước đó (nếu có).

Điều 13. Phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng

1. Nhà thầu khảo sát lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng phù hợp với nhiệm vụ khảo sát xây dựng, các tiêu chuẩn về khảo sát xây dựng được áp dụng và trình chủ đầu tư phê duyệt.

2. Nội dung phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng:

a) Cơ sở lập phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng;

b) Thành phần, khối lượng công tác khảo sát xây dựng;

c) Phương pháp, thiết bị khảo sát và phòng thí nghiệm được sử dụng;

d) Tiêu chuẩn khảo sát xây dựng áp dụng;

đ) Tổ chức thực hiện và biện pháp kiểm soát chất lượng của nhà thầu khảo sát xây dựng;

e) Tiến độ thực hiện;

g) Biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình xây dựng khác trong khu vực khảo sát; biện pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan trong khu vực khảo sát và phục hồi hiện trường sau khi kết thúc khảo sát.

3. Chủ đầu tư kiểm tra và phê duyệt phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng. Chủ đầu tư có thể thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng làm cơ sở cho việc phê duyệt.

Điều 14. Quản lý chất lượng công tác khảo sát xây dựng

1. Nhà thầu khảo sát có trách nhiệm bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện khảo sát theo quy định của hợp đồng xây dựng; cử người có đủ điều kiện năng lực để làm chủ nhiệm khảo sát và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát chất lượng quy định tại phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.

2. Tùy theo quy mô và loại hình khảo sát, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức giám sát khảo sát xây dựng theo các nội dung sau:

a) Kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu khảo sát xây dựng bao gồm nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được sử dụng so với phương án khảo sát xây dựng được duyệt và quy định của hợp đồng xây dựng;

b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện khảo sát xây dựng bao gồm: Vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát, quy trình thực hiện khảo sát, lưu giữ số liệu khảo sát và mẫu thí nghiệm; kiểm tra thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm hiện trường; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát.

3. Chủ đầu tư được quyền đình chỉ công việc khảo sát khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định của hợp đồng xây dựng.

Điều 15. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát xây dựng

1. Căn cứ thực hiện khảo sát xây dựng.

2. Quy trình và phương pháp khảo sát xây dựng.

3. Khái quát về vị trí và điều kiện tự nhiên của khu vực khảo sát xây dựng, đặc điểm, quy mô, tính chất của công trình.

4. Khối lượng khảo sát xây dựng đã thực hiện.

5. Kết quả, số liệu khảo sát xây dựng sau khi thí nghiệm, phân tích.

6. Các ý kiến đánh giá, lưu ý, đề xuất (nếu có).

7. Kết luận và kiến nghị.

8. Các phụ lục kèm theo.

Điều 16. Nghiệm thu, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng

1. Nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng:

a) Chủ đầu tư kiểm tra khối lượng công việc khảo sát xây dựng đã thực hiện, xem xét sự phù hợp về quy cách, số lượng và nội dung của báo cáo khảo sát so với quy định của nhiệm vụ khảo sát xây dựng, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt và quy định của hợp đồng xây dựng; thông báo chấp thuận nghiệm thu báo cáo kết quả khảo sát xây dựng bằng văn bản đến nhà thầu khảo sát nếu đạt yêu cầu.

Trường hợp báo cáo kết quả khảo sát xây dựng chưa đạt yêu cầu, chủ đầu tư gửi nhà thầu khảo sát ý kiến không chấp thuận nghiệm thu bằng văn bản, trong đó nêu các nội dung chưa đạt yêu cầu mà nhà thầu khảo sát phải chỉnh sửa hoặc phải thực hiện khảo sát lại;

b) Chủ đầu tư có thể thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực để kiểm tra báo cáo kết quả khảo sát xây dựng làm cơ sở cho việc quyết định nghiệm thu.

2. Chủ đầu tư phê duyệt trực tiếp vào báo cáo kết quả khảo sát xây dựng sau khi thông báo chấp thuận nghiệm thu báo cáo này và chịu trách nhiệm về kết quả phê duyệt của mình.

3. Nhà thầu khảo sát chịu trách nhiệm về chất lượng khảo sát xây dựng do mình thực hiện. Việc nghiệm thu và phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng của chủ đầu tư không thay thế và không làm giảm trách nhiệm về chất lượng khảo sát xây dựng do nhà thầu khảo sát thực hiện.

4. Báo cáo kết quả khảo sát xây dựng là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình và được lưu trữ theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng

  • Số hiệu: 46/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/05/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 27/05/2015
  • Số công báo: Từ số 575 đến số 576
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH