Hệ thống pháp luật

Điều 5 Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Điều 5. Phạm vi và hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho cơ quan quản lý tài sản

1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này như sau:

a) Cơ quan quản lý tài sản ở trung ương được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trung ương quản lý.

b) Cơ quan quản lý tài sản ở địa phương (gồm: Cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh; cơ quan quản lý tài sản cấp huyện; cơ quan quản lý tài sản cấp xã) được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý.

2. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản.

Sau khi được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan. Trường hợp cơ quan quản lý tài sản ở trung ương phân cấp/ủy quyền/giao cho các tổ chức hành chính trực thuộc (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền/giao cho các tổ chức hành chính trực thuộc hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh) thực hiện kế toán, quản lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, bảo trì, báo cáo kê khai, đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nội dung khác (nếu có) thì cơ quan quản lý tài sản phải quy định rõ nội dung phân cấp/ủy quyền/giao và quy trình nội bộ để bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này. Riêng việc phân cấp/ủy quyền/giao thực hiện kế toán, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý). Việc phân cấp/ủy quyền trong các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý cho cơ quan quản lý tài sản được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản giao cho cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này quản lý.

4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao cho cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này quản lý thì thẩm quyền, thủ tục giao tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

5. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:

a) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư/chủ dự án/ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

b) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng không phải là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì xử lý như sau:

Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này;

Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này.

c) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt không xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao hoặc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

6. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do các đối tượng không phải là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này quản lý mà đối tượng đang quản lý có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp pháp luật có liên quan chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản thì được áp dụng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định này để quyết định và thực hiện việc điều chuyển tài sản.

Nghị định 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

  • Số hiệu: 44/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/04/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 607 đến số 608
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH