Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 43/2005/NĐ-CP về việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Chương 2:

THỦ TỤC ĐƯA VÀO LƯU TRÚ TẠM THỜI TẠI CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Điều 8. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

1. Lực lượng công an khi phát hiện đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị định này thì lập biên bản và hồ sơ theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đối tượng do công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã), công an cấp huyện trực tiếp phát hiện thì lập biên bản và hồ sơ báo cáo Trưởng công an cấp huyện.

3. Trường hợp đối tượng do công an tỉnh, công an thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trực tiếp phát hiện thì lập biên bản và hồ sơ chuyển cho công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm để Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định.

Điều 9. Xem xét, quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Trên cơ sở biên bản và hồ sơ về đối tượng bị đề nghị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh do công an các cấp gửi đến, trong thời hạn quy định tại Điều 11 của Nghị định này, Trưởng Công an cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định của địa phương.

Điều 10. Hồ sơ đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Hồ sơ đưa người vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh gồm:

1. Biên bản về hành vi vi phạm pháp luật của người đó và kết quả xét nghiệm chất ma tuý (đối với người nghiện ma tuý).

2. Bản lý lịch tự khai của người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

3. Bản xác minh đối tượng không có nơi cư trú nhất định.

4. Quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh của Trưởng Công an cấp huyện.

Điều 11. Thời hạn quyết định việc đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

1. Thời hạn xem xét quyết định việc đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh không quá 12 giờ, trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ; đối với vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu tạm giữ người vi phạm theo quy định tại Điều 44 và 45 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Quá thời hạn trên mà Trưởng Công an cấp huyện không ra quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh thì phải thả ngay người đã bị tạm giữ.

2. Thủ tục, thẩm quyền tạm giữ người và chế độ đối với người bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Điều 12. Gửi quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được gửi cho người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Hội đồng nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm và gia đình hoặc thân nhân của người đó (nếu có).

Điều 13. Nội dung quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi đăng ký nhân khẩu thường trú (nếu xác định được) của đối tượng bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh; hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng và điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; thời hạn và nơi thi hành quyết định; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Thi hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

1. Cơ quan công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm có trách nhiệm đưa đối tượng phải chấp hành quyết định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

2. Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được tính từ ngày đối tượng bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

Điều 15. Thủ tục tiếp nhận người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh. Khi tiếp nhận người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh thì cơ sở chữa bệnh phải thực hiện các việc sau:

1. Xem xét, quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh và các tài liệu, thủ tục cần thiết khác để bảo đảm việc lưu trú tạm thời đúng người, đúng pháp luật.

2. Lập biên bản giao, nhận hồ sơ và giao, nhận người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, đồng thời xác định tình trạng sức khoẻ của họ.

3. Vào sổ theo dõi danh sách đối tượng bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

4. Phổ biến nội quy cơ sở chữa bệnh cho đối tượng bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, kiểm tra thân thể và đồ vật mang theo của họ trước khi đưa vào lưu trú tạm thời. Việc kiểm tra thân thể của đối tượng bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải do người cùng giới tiến hành ở phòng kín.

5. Đăng ký tạm trú với công an cấp xã nơi cơ sở chữa bệnh đóng trụ sở.

Điều 16. Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh

Khi đưa người phải chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh thì cơ quan công an cấp huyện phải nhanh chóng phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ của đối tượng theo quy định của pháp luật để gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh gồm:

1. Bản tóm tắt lý lịch.

2. Tài liệu về các vi phạm pháp luật của đối tượng.

3. Bản xác minh đối tượng không có nơi cư trú nhất định.

4. Quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh của Trưởng Công an cấp huyện.

5. Bệnh án (nếu có).

6. Biện pháp giáo dục đã áp dụng (nếu có).

Trình tự, thủ tục xét đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Nghị định 135/2004/NĐ-CP.

Điều 17. Thực hiện quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh

Khi người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về việc đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ sở chữa bệnh chuyển người đó ra khỏi khu vực lưu trú tạm thời để thực hiện quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh thì thời gian lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Một ngày lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được tính bằng một ngày chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

1. Nếu hết thời hạn lưu trú tạm thời mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không ra quyết định đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh thì Trưởng công an cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh quyết định cho đối tượng trở về cộng đồng.

2. Trường hợp hết thời hạn lưu trú tạm thời mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không ra quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh và Trưởng công an cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh vẫn không quyết định cho đối tượng trở về cộng đồng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đó. Trường hợp này, Giám đốc cơ sở chữa bệnh báo cáo cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Giám đốc công an cấp tỉnh biết, đồng thời quyết định cho đối tượng trở về cộng đồng.

Điều 19. Bảo lãnh hành chính đối với người có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

1. Trong quá trình xác minh lý lịch hoàn thiện hồ sơ đối tượng, nếu xác định đối tượng có nơi cư trú nhất định thì cơ quan công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan công an cấp huyện nơi đối tượng cư trú để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đối tượng cư trú quyết định giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú. Trường hợp đối tượng là người chưa thành niên thì trách nhiệm bảo lãnh hành chính được giao cho cha, mẹ hoặc người giám hộ.

2. Gia đình, tổ chức xã hội, người được giao trách nhiệm bảo lãnh có trách nhiệm không để đối tượng tiếp tục vi phạm pháp luật và bảo đảm sự có mặt của đối tượng tại nơi cư trú khi được yêu cầu.

3. Trưởng công an cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm huỷ quyết định đó.

Điều 20. Thành lập khu vực lưu trú tạm thời

Cơ sở chữa bệnh lập khu vực riêng để quản lý người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh và phải treo biển ghi rõ là: "Khu vực lưu trú tạm thời". Trong khu vực lưu trú tạm thời phải tách riêng những đối tượng sau:

1. Phụ nữ.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

3. Người chưa thành niên. Trong khu vực người chưa thành niên cũng tách nam riêng, nữ riêng.

Điều 21. Tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cở sở chữa bệnh theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự

1. Việc tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh chỉ được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.

2. Văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải ghi rõ:

a) Cơ quan, họ và tên, chức vụ, cấp bậc của người yêu cầu;

b) Họ và tên, tuổi, địa chỉ, ngày bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh và hành vi vi phạm pháp luật của người được tạm thời đưa ra khỏi cơ sở chữa bệnh;

c) Mục đích và thời hạn tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh;

d) Họ và tên, chức vụ, cấp bậc của cán bộ trực tiếp nhận người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được tạm thời đưa ra khỏi cơ sở chữa bệnh.

Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên thủ trưởng cơ quan, đóng dấu vào văn bản yêu cầu tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh.

3. Cơ quan có yêu cầu đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh chịu trách nhiệm đưa đối tượng đi và trả lại cơ sở chữa bệnh đúng thời hạn đã ghi trong văn bản yêu cầu tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định lưu trú tạm thời ra khỏi cơ sở chữa bệnh. Khi giao, nhận đối tượng cơ sở chữa bệnh phải lập biên bản giao, nhận. Trường hợp quá thời hạn thì phải thông báo bằng văn bản cho Giám đốc cơ sở chữa bệnh biết. Thời gian tạm thời đưa ra khỏi cơ sở chữa bệnh được tính vào thời hạn chấp hành quyết định.

4. Giám đốc cơ sở chữa bệnh yêu cầu cán bộ trực tiếp thực hiện việc tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh phải giao đầy đủ các văn bản quy định tại các khoản 2 và 3 của Điều này để xem xét, kiểm tra nhằm đảm bảo đúng người và lập thủ tục giao nhận người, có ghi rõ tình trạng sức khoẻ của người đó.

5. Cơ sở chữa bệnh phải lập sổ theo dõi việc tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh.

Nghị định 43/2005/NĐ-CP về việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

  • Số hiệu: 43/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/04/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 10/04/2005
  • Số công báo: Từ số 7 đến số 8
  • Ngày hiệu lực: 25/04/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH