Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về việc phân loại đô thị, tổ chức lập, thẩm định đề án và quyết định công nhận loại đô thị.

2. Đối tượng áp dụng: các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến việc phân loại đô thị và phát triển đô thị trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Mục đích phân loại đô thị

Việc phân loại đô thị nhằm:

1. Tổ chức, sắp xếp và phát triển hệ thống đô thị cả nước.

2. Lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng đô thị.

3. Nâng cao chất lượng đô thị và phát triển đô thị bền vững.

4. Xây dựng chính sách và cơ chế quản lý đô thị và phát triển đô thị.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai, được đầu tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chuẩn của đô thị theo quy định của pháp luật.

2. Dân số đô thị là dân số thuộc ranh giới hành chính của đô thị, bao gồm: nội thành, ngoại thành, nội thị, ngoại thị và thị trấn.

3. Hệ thống công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ là khi hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được đầu tư xây dựng đạt 70% yêu cầu của đồ án quy hoạch xây dựng theo từng giai đoạn; đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.

4. Hệ thống công trình hạ tầng đô thị được xây dựng hoàn chỉnh là khi hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được đầu tư xây dựng đạt yêu cầu của đồ án quy hoạch xây dựng theo từng giai đoạn; đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định khác có liên quan.

5. Đô thị có tính chất đặc thù là những đô thị có những giá trị đặc biệt về di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), lịch sử, thiên nhiên và du lịch đã được công nhận cấp quốc gia và quốc tế.

Điều 4. Phân loại đô thị

Đô thị được phân thành 6 loại như sau: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận.

1. Đô thị loại đặc biệt là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc.

2. Đô thị loại I, loại II là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và có thể có các đô thị trực thuộc; đô thị loại I, loại II là thành phố thuộc tỉnh có các phường nội thành và các xã ngoại thành.

3. Đô thị loại III là thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị.

4. Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thị và các xã ngoại thị.

5. Đô thị loại IV, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn.

Điều 5. Điều kiện để công nhận loại cho các đô thị điều chỉnh mở rộng địa giới và đô thị mới.

1. Việc điều chỉnh mở rộng địa giới đô thị phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Các khu vực điều chỉnh mở rộng địa giới phải được đầu tư xây dựng đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức lập đề án điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính đô thị theo quy định hiện hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Việc công nhận loại đô thị được tiến hành sau khi có quyết định điều chỉnh mở rộng địa giới và khi đô thị đó đã đạt được các tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị.

2. Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị mới phải có quy hoạch xây dựng đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã được đầu tư xây dựng về cơ bản đạt các tiêu chuẩn phân loại đô thị.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập đề án thành lập đô thị mới theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này.

Việc công nhận loại đô thị được tiến hành sau khi có quyết định thành lập đô thị mới và khi đô thị đó đã đạt được các tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị.

3. Trường hợp đặc biệt theo yêu cầu quản lý lãnh thổ, chủ quyền quốc gia hoặc quản lý phát triển kinh tế - xã hội, việc quyết định cấp quản lý hành chính của một khu vực có thể được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định trước khi khu vực đó được đầu tư xây dựng đạt được những tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị.

Điều 6. Các tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị

Các tiêu chuẩn cơ bản để phân loại đô thị được xem xét, đánh giá trên cơ sở hiện trạng phát triển đô thị tại năm trước liền kề năm lập đề án phân loại đô thị hoặc tại thời điểm lập đề án phân loại đô thị, bao gồm:

1. Chức năng đô thị

Là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, cấp tỉnh, cấp huyện hoặc là một trung tâm của vùng trong tỉnh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định.

2. Quy mô dân số toàn đô thị tối thiểu phải đạt 4 nghìn người trở lên.

3. Mật độ dân số phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị và được tính trong phạm vi nội thành, nội thị và khu phố xây dựng tập trung của thị trấn.

4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp được tính trong phạm vi ranh giới nội thành, nội thị, khu vực xây dựng tập trung phải đạt tối thiểu 65% so với tổng số lao động.

5. Hệ thống công trình hạ tầng đô thị gồm hệ thống công trình hạ tầng xã hội và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật:

a) Đối với khu vực nội thành, nội thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ và có mức độ hoàn chỉnh theo từng loại đô thị;

b) Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị phải được đầu tư xây dựng đồng bộ mạng hạ tầng và bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững.

6. Kiến trúc, cảnh quan đô thị: việc xây dựng phát triển đô thị phải theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị được duyệt, có các khu đô thị kiểu mẫu, các tuyến phố văn minh đô thị, có các không gian công cộng phục vụ đời sống tinh thần của dân cư đô thị; có tổ hợp kiến trúc hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu và phù hợp với môi trường, cảnh quan thiên nhiên.

Điều 7. Nguyên tắc đánh giá phân loại đô thị

1. Đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I hoặc loại II là thành phố trực thuộc Trung ương: các quận nội thành được xem xét, đánh giá theo tiêu chuẩn của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I hoặc loại II.

Đối với các đô thị thuộc thành phố có vị trí liền kề ranh giới nội thành được quản lý phát triển và đánh giá phân loại đô thị theo tiêu chuẩn của khu vực nội thành.

Đối với các đô thị khác thuộc thành phố được xem xét, đánh giá theo tiêu chuẩn của loại đô thị được xác định bởi quy hoạch chung đô thị và thực trạng phát triển của đô thị đó.

2. Đô thị loại I, loại II, loại III và loại IV thuộc tỉnh: các phường nội thành, nội thị được xem xét, đánh giá theo tiêu chuẩn của đô thị loại I, loại II, loại III và loại IV.

3. Đô thị loại IV và loại V thuộc huyện: các khu phố xây dựng tập trung được xem xét, đánh giá theo tiêu chuẩn của đô thị loại IV và loại V.

4. Khu vực ngoại thành, ngoại thị được đánh giá căn cứ tiêu chuẩn quy định tại điểm b khoản 5 tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13 và 14 Nghị định này.

Điều 8. Chương trình phát triển đô thị

Để làm cơ sở cho việc đề nghị phân loại đô thị, Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ các tiêu chuẩn phân loại đô thị được quy định tại Nghị định này lập Chương trình phát triển đô thị, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Chương trình phát triển đô thị phải bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững và giữ gìn những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị.

Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị

  • Số hiệu: 42/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/05/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 20/05/2009
  • Số công báo: Từ số 259 đến số 260
  • Ngày hiệu lực: 02/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH