Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 406-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1979

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA BỘ CƠ KHÍ VÀ LUYỆN KIM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-7-1960;

Căn cứ vào Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính phủ và bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ban hành kèm theo nghị định số 172-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 01-11-1973;

Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Cơ khí và luyện kim,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Bộ cơ khí và luyện kim là cơ quan của Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm:

1. Nghiên cứu xây dựng trình Hội đồng Chính phủ quyết định quy hoạch của toàn ngành cơ khí; cùng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chuẩn bị để Hội đồng Chính phủ xét duyệt kế hoạch đầu tư phát triển cơ khí của các Bộ và các địa phương; tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về kế hoạch sản xuất của toàn ngành cơ khí.

2. Thực hiện đầy đủ chức năng thống nhất quản lý Nhà nước trong cả nước đối với các chuyên ngành cơ khí chế tạo phục vụ cho sự phát triển của ngành; các chuyên ngành cơ khí chế tạo các thiết bị và sản phẩm cơ khí dùng chung cho nhiều ngành và các chuyên ngành cơ khí chế tạo thiết bị chuyên dùng theo sự phân công của Hội đồng Chính phủ, kể cả chế tạo các phụ tùng sửa chữa thay thế của các thiết bị thuộc các chuyên ngành đó (các chuyên ngành này được nêu cụ thể ở điều 2 của nghị định này).

3. Thống nhất quản lý trong cả nước ngành luyện kim (đen, mầu, quý, hiếm) từ khai thác khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại và khoáng sản làm nhiên liệu do Hội đồng Chính phủ giao, đến tuyển khoáng, luyện kim, cán kim loại.

4. Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch được giao theo đường lối phát triển kinh tế của Đảng và luật pháp của Nhà nước nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế quốc dân và của quốc phòng về trang bị kỹ thuật và về vật liệu kim loại, góp phần đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Điều 2: - Các chuyên ngành cơ khí, chế tạo do Bộ Cơ khí và luyện kim thống nhất quản lý Nhà nước:

1. Cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp: nông cụ, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp;

2. Cơ khí chế tạo máy công cụ và dụng cụ (dụng cụ cắt gọt, đo kiểm; dụng cụ đồ nghề cho công nhân cơ khí,v.v…);

3. Cơ khí chế tạo máy nặng (kể cả các chi tiết nặng);

4. Cơ khí chế tạo động cơ đốt trong máy kéo, ôtô, máy thi công… và phụ tùng;

5. Cơ khí chế tạo thiết bị kỹ thuật điện;

6. Cơ khí chế tạo các loại hàng quy chế thông dụng (vòng bi, bánh răng, hộp số, cơ cấu thủy lực,v.v…);

7. Cơ khí chế tạo các loại bơm, quạt, van,v.v…;

8. Công nghiệp điện tử.

Bộ Cơ khí và luyện kim được giao nhiệm vụ đóng mới tàu hút bùn, tàu đánh bắt hải sản từ 400CV trở lên và một số thiết bị chuyên dùng cho khai thác mỏ theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Bảo đảm chế tạo phụ tùng thay thế cho các sản phẩm cơ khí do Bộ sản xuất.

Điều 3: - Bộ Cơ khí và luyện kim có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Nghiên cứu xây dựng trình Hội đồng Chính phủ quyết định các dự toán quy hoạch phát triển hai ngành cơ khí và luyện kim;

Hướng dẫn xây dựng quy hoạch cơ khí của các địa phương;

Tham gia ý kiến vào quy hoạch cơ khí của các ngành;

Kiến nghị các biện pháp bảo đảm cho sự phát triển của toàn ngành được cân đối và mang lại hiệu quả.

2. Tham gia với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thẩm tra trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt nhiệm vụ thiết kế các công trình cơ khí trên hạn ngạch của các Bộ và các địa phương.

3. Tham gia ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về kế hoạch sản xuất 5 năm và hàng năm của toàn ngành cơ khí.

4. Tổng hợp nhu cầu, cân đối năng lực sản xuất, phân công sản xuất đối với các chuyên ngành cơ khí chế tạo được Hội đồng Chính phủ giao thống nhất quản lý.

5. Xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm từ đầu tư xây dựng cơ bản đến sản xuất của Bộ.

Duyệt các dự án kế hoạch của các đơn vị và liên hiệp sản xuất theo ngành trực thuộc Bộ, chỉ đạo các đơn vị ấy thực hiện Kế hoạch Nhà nước.

6. Tổ chức và trực tiếp quản lý các lực lượng khảo sát, thiết kế và thi công. Tự tổ chức thi công một số công trình của Bộ do Hội đồng Chính phủ giao.

7. Nghiên cứu ban hành hoặc đề nghị ban hành những tiêu chuẩn (tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam), định mức kinh tế-kỹ thuật, chế độ, chính sách có liên quan đến hai ngành cơ khí và luyện kim.

Cùng với Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý kỹ thuật trong toàn ngành.

8. Nghiên cứu hoặc phối hợp nghiên cứu cùng với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban quan hệ kinh tế với nước ngoài kiến nghị với Hội đồng Chính phủ về chủ trương, chính sách và kế hoạch hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật với nước ngoài của hai ngành cơ khí và luyện kim.

Đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các ban thường trực về cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, luyện kim trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Tổ chức thực hiện các kế hoạch hợp tác kinh tế và khoa học-kỹ thuật được giao theo đúng luật pháp và quy định của Nhà nước.

9. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật ngành cơ khí và luyện kim cho Bộ, các ngành và các địa phương theo sự phân công và chỉ tiêu kế hoạch do Hội đồng Chính phủ giao.

10. Xây dựng những đơn vị sản xuất kinh doanh, cơ quan nghiên cứu, sự nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ.

Điều 4: - Ty, Sở công nghiệp là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân cùng cấp, chịu sự chỉ đạo và quản lý về nghiệp vụ chuyên môn của Bộ Cơ khí và luyện kim về các mặt quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ, phát triển khoa học-kỹ thuật và bồi dưỡng đào tạo cán bộ, công nhân thuộc hai ngành cơ khí và luyện kim, kể cả việc phát triển hệ thống cơ khí sửa chữa ở địa phương.

Điều 5: - Bộ trưởng Bộ Cơ khí và luyện kim chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Hội đồng Chính phủ lãnh đạo toàn bộ các mặt hoạt động của Bộ.

Các thứ trưởng giúp Bộ trưởng trong việc chỉ đạo chung và được bộ trưởng ủy nhiệm chỉ đạo một số lĩnh vực công tác của Bộ.

Trong các thứ trưởng có một thứ trưởng thường trực. Thứ trưởng thường trực ngoài lĩnh vực được phân công còn trực tiếp giúp bộ trưởng điều hòa, phối hợp công việc chung của Bộ; giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của bộ khi bộ trưởng vắng mặt.

Điều 6: - Xét yêu cầu cần thiết, bộ trưởng được thành lập hội đồng khoa học-kỹ thuật làm tư vấn cho mình về những vấn đề khoa học-kỹ thuật quan trọng. Nhiệm vụ và thành viên của hội đồng do bộ trưởng quyết định.

Điều 7: - Cơ cấu tổ chức của Bộ Cơ khí và luyện kim gồm có:

A. Các tổ chức sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ:

1. Xí nghiệp liên hợp gang thép Thái Nguyên (trước đây là Công ty gang thép Thái Nguyên).

2. Xí nghiệp liên hợp luyện cán thép (trước đây là Công ty luyện kim đen).

3. Xí nghiệp liên hợp luyện kim mầu.

4. Xí nghiệp liên hợp cán kéo dây đồng và nhôm (trước đây là Công ty luyện kim mầu).

5. Liên hiệp các xí nghiệp điện tử.

6. Công ty cơ khí. (ở phía Nam)

7. Công ty xây lắp I (trước đây là Công ty xây lắp mỏ và luyện kim).

8. Công ty xây lắp II (trước đây là Công ty xây lắp cơ khí).

9. Công ty vật tư – thiết bị toàn bộ.

10. Các liên hiệp sản xuất khác do Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập theo đề nghị của Bộ và các xí nghiệp độc lập thuộc diện quản lý của Bộ.

B. Các tổ chức nghiên cứu khoa học-kỹ thuật, thiết kế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân thuộc Bộ:

1. Viện quy hoạch.

2. Viện nghiên cứu khoa học và kỹ thuật chế tạo máy, gọi tắt là Viện nghiên cứu máy.

3. Viện nghiên cứu các phương pháp công nghệ gia công cơ khí, gọi tắt là Viện công nghệ.

4. Viện thiết kế các công trình cơ khí.

5. Viện thông tin khoa học kỹ thuật cơ khí và luyện kim.

6. Viện nghiên cứu và thiết kế các công trình luyện kim đen, gọi tắt là Viện luyện kim đen.

7. Viện nghiên cứu và thiết kế các công trình luyện kim mầu, gọi tắt là Viện luyện kim mầu.

8. Viện nghiên cứu – thiết kế chế tạo máy động lực, ô-tô và máy kéo, gọi tắt là Viện máy động lực , máy kéo và ô tô.

9. Viện nghiên cứu – thiết kế chế tạo máy công cụ và dụng cụ cắt gọt, gọi tắt là Viện máy công cụ và dụng cụ.

10. Viện nghiên cứu – thiết kế chế tạo thiết bị kỹ thuật điện, gọi tắt là Viện thiết bị kỹ thuật điện.

11. Viện nghiên cứu – thiết kế chế tạo máy nông nghiệp, gọi tắt là Viện máy nông nghiệp.

12. Các trường trung học chuyên nghiệp, trường tại chức và trường đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc diện quản lý của Bộ.

Khi thành lập thêm các tổ chức liên hiệp sản xuất – kinh doanh theo chuyên ngành cơ khí hay luyện kim thì các viện nghiên cứu về chuyên ngành nào sẽ chuyển thành trực thuộc liên hiệp sản xuất – kinh doanh của chuyên ngành đó.

C. Bộ máy cơ quan Bộ:

1. Vụ kế hoạch – thống kê

2. Vụ kỹ thuật

3. Vụ tài chính – giá cả

4. Vụ lao động tiền lương

5. Vụ xây dựng cơ bản

6. Vụ tổ chức quản lý và cán bộ

7. Vụ đào tạo

8. Ban thanh tra

9. Văn phòng

Điều 8: - Bộ trưởng Bộ Cơ khí và luyện kim có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc nêu ở điều 7 trên nguyên tắc tinh giản tổ chức, xác định biên chế hợp lý, làm việc có hiệu quả thiết thực.

Điều 9: - Nghị này này thay thế cho các văn bản trước đây của Hội đồng Chính phủ đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cầu tổ chức của Bộ Cơ khí và luyện kim.

Điều 10: - Đồng chí Bộ trưởng Bộ Cơ khí và luyện kim, các đồng chí thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương có trách nhiệm thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 406-CP năm 1979 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Cơ khí và Luyện kim do Hội đồng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 406-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/11/1979
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 31/12/1979
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 27/11/1979
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản