Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 39-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ39-CP NGÀY 9-6-1993 VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987, luật sửa đổi, bổ xung một số điều của luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990, luật sửa đổi, bộ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 23 tháng 12 năm 1992.
Căn cứ Nghị định số 15-CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Điều 2.- Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Xây dựng chiến lược, phương hướng và cơ cấu ưu tiên gọi vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam gắn với việc thực hiện cơ cấu kinh kế của cả nước theo ngành và theo vùng để trình Chính phủ; hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch kêu gọi đầu tư trực tiếp vào ngành, địa phương, soạn thảo và công bố danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam;

2. Soạn thảo và trình Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh, chính sách về đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam, và của Việt Nam ra nước ngoài; soạn thảo và trình Chính phủ các hiệp định với các nước về bảo hộ và khuyến khích đầu tư;

3. Hướng dẫn các bên nước ngoài và Việt Nam trong việc đầu tư vào Việt Nam, và từ Việt Nam ra nước ngoài, việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đầu tư; hướng dẫn bên nước ngoài về thủ tục thành lập xí nghiệp 100% vốn nước ngoài; kiến nghị Chính phủ việc thành lập khu chế xuất và các hình thức đầu tư khác;

4. Theo quy định của Chính phủ, tổ chức thẩm định để cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp theo Luật Đầu tư nước ngoài; tham gia xét duyệt những công trình đầu tư gián tiếp (vay vốn và viện trợ nước ngoài) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan cho các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng được hưởng những ưu đãi theo quy định của pháp luật;

5. Quản lý nội dung các hoạt động vận động đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài, các hội thảo đầu tư, tư vấn đầu tư theo quy định của Chính phủ;

6. Hướng dẫn, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện chương trình, chính sách của Nhà nước đối với việc đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; quản lý Nhà nước đối với các tổ chức làm dịch vụ tư vấn đầu tư.

Làm đầu mối để phối hợp với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác để xử lý các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài;

7. Phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan để giám sát, kiểm tra hoạt động của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các hợp đồng hợp tác kinh doanh; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp.

8. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức phụ trách công tác hợp tác đầu tư ở các ngành và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng viên chức thuộc lĩnh vực hợp tác đầu tư; quyết định việc tuyển dụng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ khác của Nhà nước đối với viên chức do Uỷ ban trực tiếp quản lý.

Điều 3.- Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư gồm có:

1. Vụ Pháp luật và xúc tiến đầu tư,

2. Vụ Thẩm định dự án,

3. Vụ Quản lý dự án,

4. Vụ Quản lý khu chế xuất,

5. Vụ Tổ chức-Cán bộ và đào tạo,

6. Văn phòng,

7. Cơ quan đại diện Uỷ ban tại thành phố Hồ Chí Minh,

8. Trung tâm giao dịch đầu tư.

Bộ trưởng, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế cụ thể của các đơn vị nói trên.

Điều 4.- Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban lãnh đạo, giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban có các Phó chủ nhiệm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ công việc của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư. Các Phó chủ nhiệm chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban về công tác được phân công.

Điều 5.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bãi bỏ Nghị định số 31-HĐBT ngày 25-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, quyết định số 71-HĐBT ngày 16-6 1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành "Điều lệ tạm thời về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư", và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.

Điều 6.- Bộ trưởng, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 39-CP năm 1993 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư

  • Số hiệu: 39-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/06/1993
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản