Chương 2 Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Chương II
QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRONG CÁC DANH SÁCH CỦA UNESCO VÀ DANH MỤC CỦA QUỐC GIA
Điều 6. Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể
1. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản sau đây:
a) Tiếng nói chữ viết gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua ngôn ngữ, ký tự để truyền đạt thông tin, trao truyền kiến thức, ký ức và các giá trị văn hóa, xã hội của cộng đồng;
b) Ngữ văn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện bằng những tác phẩm do cộng đồng sáng tạo, thực hành gồm các câu chuyện, truyền thuyết, giai thoại, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tiếu lâm, ca dao, tục ngữ và các bài hát dân ca, hò vè, câu đố và những biểu đạt văn hóa tương đồng khác được truyền miệng qua nhiều thế hệ, phản ánh văn hóa, tập quán, tín ngưỡng và nhận thức của cộng đồng nhằm phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng;
c) Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua các hình thức diễn xướng do cộng đồng sáng tạo và thực hành gồm âm nhạc, hát, múa, trò diễn và các hình thức trình diễn khác, xuất phát từ đời sống văn hóa, tâm linh, lao động sản xuất của cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thể hiện và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng;
d) Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng thực hành thông qua các hoạt động thường xuyên mang tính nghi lễ, cách thức thể hiện niềm tin hoặc mong muốn của cá nhân, cộng đồng gắn với các sự kiện quan trọng, nhận thức về thế giới, lịch sử và ký ức;
đ) Lễ hội truyền thống gồm tập hợp nhiều biểu đạt văn hóa mang tính nghi lễ do cộng đồng sáng tạo, thực hành; được cộng đồng thực hành theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan để thực hiện các chức năng: nhận thức về tự nhiên và xã hội, giáo dục nhân cách, điều chỉnh hành vi ứng xử, giao tiếp giữa con người với tự nhiên và với con người, giải trí cộng đồng và bảo đảm tính kế tục của lịch sử;
e) Nghề thủ công truyền thống gồm các biểu đạt văn hóa được thể hiện thông qua việc thực hành, sáng tạo của nghệ nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công với kỹ thuật, hình thức, trang trí, nghệ thuật, nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa cộng đồng;
g) Tri thức dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng được hình thành từ mối quan hệ qua lại trong lịch sử giữa cộng đồng với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội để thích ứng, tồn tại và thể hiện thông qua các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng xử linh hoạt, hài hòa với tự nhiên và xã hội.
2. Nội dung kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gồm:
a) Nhận diện và xác định tên gọi của di sản;
b) Nhận diện và xác định loại hình di sản;
c) Xác định địa danh, phạm vi phân bố của di sản; đối với di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở nhiều địa điểm trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì xác định cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn;
d) Nhận diện và xác định chủ thể di sản:
Đối với chủ thể di sản là một cá nhân: xác định họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản.
Đối với chủ thể di sản là cộng đồng, nhóm người: xác định họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản của những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó.
đ) Nhận diện quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể; các hình thức biểu hiện, biểu đạt, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
e) Nhận diện và xác định hiện trạng thực hành di sản, khả năng duy trì, các yếu tố tác động tới sự tồn tại của di sản, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể;
g) Nhận diện, xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay;
h) Đề xuất biện pháp bảo vệ;
i) Lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác;
k) Các quy định khác của pháp luật liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể.
3. Thời gian kiểm kê được thực hiện như sau:
a) Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách đại diện: 06 (sáu) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;
b) Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp: 04 (bốn) năm một lần hoặc theo quy định khác của UNESCO;
c) Đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia: 03 (ba) năm một lần tính từ thời điểm được ghi danh.
Điều 7. Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể
1. Các cá nhân, cộng đồng chủ thể duy trì hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài cộng đồng nhằm củng cố số lượng, chất lượng thực hành di sản văn hóa phi vật thể của nghệ nhân, người thực hành, người am hiểu.
2. Các hình thức truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể gồm:
a) Nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và các biểu đạt văn hóa cho thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể thông qua thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
b) Nghệ nhân, người thực hành truyền dạy tri thức, kỹ năng và biểu đạt văn hóa cho cộng đồng khác thông qua đào tạo có chủ đích.
3. Chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng tạo điều kiện hỗ trợ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục của quốc gia và di sản có nguy cơ mai một, thất truyền.
Điều 8. Tổ chức liên hoan, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và trong Danh mục của quốc gia
1. Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể (sau đây gọi là Liên hoan) là hoạt động bảo vệ di sản được cam kết trong hồ sơ trình UNESCO, bao gồm: tổ chức thực hành, trình diễn của cộng đồng chủ thể; trưng bày, triển lãm, giới thiệu, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, giáo dục, quảng bá về di sản văn hóa phi vật thể.
2. Thẩm quyền tổ chức Liên hoan:
a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc tổ chức Liên hoan quy mô từ 02 (hai) đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, quốc gia và quốc tế tại Việt Nam;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc tổ chức Liên hoan trên địa bàn.
3. Liên hoan được tổ chức theo quy mô và định kỳ như sau:
a) Liên hoan tất cả các loại hình di sản văn hóa phi vật thể do cơ quan chức năng về quản lý di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ở quy mô quốc gia, quốc tế tại Việt Nam theo định kỳ 03 (ba) năm một lần;
b) Liên hoan từng loại hình di sản văn hóa phi vật thể quy mô quốc gia ở trong nước do cơ quan chức năng về quản lý di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo định kỳ 01 (một) năm một lần;
c) Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể có phạm vi 02 (hai) tỉnh, thành phố trở lên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có di sản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định khi có sự thống nhất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại để tổ chức luân phiên 02 (hai) năm một lần;
d) Liên hoan một hoặc nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi 01 (một) tỉnh, thành phố do cơ quan chức năng về di sản văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.
4. Trưng bày và giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức như sau:
a) Trưng bày và giới thiệu dài hạn, ngắn hạn về di sản tại các bảo tàng; tổ chức giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể gắn với thông tin, tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày bảo tàng trong phạm vi bảo tàng do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện;
b) Trưng bày và giới thiệu, triển lãm lưu động trong và ngoài nước ở quy mô quốc gia, quốc tế; tổ chức giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể gắn với thông tin, tài liệu, hiện vật và nội dung trưng bày bảo tàng phạm vi quốc gia ở trong và ngoài nước do cơ quan chức năng về di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện, phối hợp thực hiện hoặc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có di sản thực hiện theo đề nghị của Chủ tịnh Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều 9. Thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể
Việc thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, Danh mục của quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và pháp luật khác liên quan.
Điều 10. Nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể
1. Nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể gồm: nghiên cứu, nhận diện về các biểu đạt, giá trị, chủ thể, hiện trạng, quá trình trao truyền, thực hành, sáng tạo, tái sáng tạo, chức năng xã hội, yếu tố tác động, biện pháp bảo vệ và các nội dung khác nhằm làm sâu sắc hơn về di sản và về việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong đời sống.
2. Các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn thực hiện nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và cơ quan quản lý di sản trên địa bàn. Các cá nhân thực hiện việc nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc nghiên cứu của mình.
3. Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do các cơ quan, tổ chức thực hiện phải được nghiệm thu, thông báo rộng rãi cho chủ thể di sản và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
4. Sản phẩm và báo cáo nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân thực hiện có thể được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Điều 11. Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể
1. Nội dung tư liệu hóa về di sản văn hóa phi vật thể gồm: các bài bản, biểu đạt và thực hành, những thông tin về chủ thể, hiện vật, không gian văn hóa liên quan, những thông tin khác về di sản.
2. Mục tiêu của việc tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, trưng bày, triển lãm, giáo dục, lưu giữ lâu dài và phục hồi di sản.
3. Hình thức tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể gồm: ghi chép trên giấy, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, số hóa hoặc các hình thức khác về thông tin, tài liệu, hiện vật, không gian thực hành của di sản.
4. Các cơ quan, tổ chức có chức năng, chuyên môn thực hiện tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và cơ quan quản lý về di sản văn hóa; chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình triển khai. Các cá nhân thực hiện việc tư liệu hóa di sản phải có sự đồng thuận của chủ thể di sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình triển khai.
5. Sản phẩm và báo cáo về tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể do các cơ quan, tổ chức thực hiện phải được nghiệm thu, số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
6. Sản phẩm và báo cáo về tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể do cá nhân thực hiện có thể được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Điều 12. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền
1. Di sản văn hóa phi vật thể được xác định là có nguy cơ mai một, thất truyền khi có một hoặc một số các tiêu chí sau đây:
a) Sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng nghệ nhân, người thực hành và thế hệ kế cận trong cộng đồng chủ thể;
b) Sự suy giảm và biến đổi nghiêm trọng những các biểu đạt văn hóa, các bài bản, công cụ, hiện vật và đồ tạo tác liên quan;
c) Sự biến đổi, thu hẹp thậm chí biến mất các không gian thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
d) Sự thay đổi điều kiện thực hành và hình thức thực hành di sản do biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa dẫn đến biến đổi ý nghĩa và chức năng xã hội của di sản văn hóa phi vật thể;
2. Căn cứ xác định di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền thuộc Danh mục kiểm kê hàng năm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Căn cứ các tiêu chí quy định tại Công ước 2003 đối với di sản đăng ký vào Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp;
b) Căn cứ kết quả kiểm kê thực trạng thực hành di sản văn hóa phi vật thể so với thời điểm được UNESCO ghi danh hoặc đưa vào Danh mục của quốc gia;
c) Căn cứ đề xuất của cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng về di sản văn hóa triển khai ngay lập tức các biện pháp, nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp gồm:
a) Tư liệu hóa các biểu đạt, thực hành và các bài bản của di sản văn hóa phi vật thể;
b) Phục hồi không gian thực hành di sản và môi trường liên quan;
c) Phục hồi các tập tục, biểu đạt và các thực hành;
d) Hỗ trợ nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy;
đ) Hỗ trợ các cá nhân trong cộng đồng theo học;
e) Hỗ trợ cộng đồng trang bị, chế tác công cụ, đồ tạo tác liên quan;
g) Hỗ trợ cộng đồng chủ thể thực hành và duy trì thực hành;
h) Các biện pháp bảo vệ khác theo đề xuất của cộng đồng, đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này và phù hợp từng loại hình di sản;
i) Xây dựng, tổ chức thực hiện đề án và có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khẩn cấp;
k) Có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được kịp thời hướng dẫn, phối hợp thực hiện; đề nghị UNESCO hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
4. Kinh phí bảo vệ khẩn cấp di sản có nguy cơ mai một, thất truyền thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Nghị định này.
Điều 13. Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể
1. Nhiệm vụ phục hồi gồm: phục hồi các biểu đạt, tập tục, thực hành, đồ vật, không gian thực hành và môi trường liên quan của di sản văn hóa phi vật thể.
2. Việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này và:
a) Việc phục hồi di sản văn hóa phi vật thể phải được lập thành Đề án, nhiệm vụ trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
b) Có sự tham gia, đồng thuận rộng rãi của chủ thể di sản và cơ quan quản lý về di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Tư liệu hóa quá trình phục hồi di sản;
d) Gửi báo cáo kết quả, sản phẩm tư liệu hóa cho cơ quan quản lý về di sản văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
3. Căn cứ vào kết quả thực hiện đề án phục hồi di sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí nguồn lực bảo đảm di sản được duy trì thực hành và phát huy trong đời sống.
Điều 14. Phát huy và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản phải được lập thành Đề án, nhiệm vụ trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
2. Các loại đề án gồm:
a) Đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một hoặc nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO;
b) Đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị một hoặc nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục của quốc gia;
c) Đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền, cần bảo vệ khẩn cấp.
3. Nội dung cơ bản của đề án gồm:
a) Sự cần thiết xây dựng đề án;
b) Quy định pháp lý trong nước và quốc tế có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
c) Mô tả về một hoặc nhiều di sản thuộc phạm vi, đối tượng của đề án; cá nhân, cộng đồng chủ thể di sản; giá trị của di sản;
d) Hiện trạng thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
đ) Các vấn đề, yếu tố, nguy cơ tác động tới thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
e) Phân tích, đánh giá tác động của đề án đến hiện trạng thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
g) Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, hoạt động triển khai;
h) Lộ trình, thời gian triển khai;
i) Kinh phí triển khai; tên, nội dung các dự án thành phần (nếu có);
k) Trách nhiệm (của cơ quan, tổ chức, cá nhân) tổ chức thực hiện;
l) Đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.
4. Đề án được xây dựng 05 (năm) năm một lần, tầm nhìn 10 (mười) năm.
5. Đề án được điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện theo lộ trình triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo hiện trạng của di sản để bảo đảm sự phù hợp, khả thi.
Điều 15. Trách nhiệm xây dựng, trình tự, hồ sơ và thẩm quyền phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Trách nhiệm xây dựng đề án:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Đề án trên địa bàn;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ xây dựng đề án theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
c) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tổ chức thỏa thuận về đề án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề nghị; có văn bản gửi cơ quan tổ chức có liên quan để lấy ý kiến khoa học hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia, cộng đồng chủ thể trong trường hợp cần thiết;
Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề nghị.
Quyết định lựa chọn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng đề án trên cơ sở đồng thuận của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan trong trường hợp phạm vi đề án từ 02 (hai) đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng và triển khai đề án.
2. Thẩm quyền phê duyệt đề án:
a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO sau khi có ý kiến của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt hoặc đồng phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn sau khi có thỏa thuận của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt đề án do Bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng sau khi lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đề án được triển khai, ý kiến chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng liên quan.
3. Hồ sơ gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận đề án, bao gồm:
a) Văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thỏa thuận đề án;
b) Dự thảo đề án;
c) Báo cáo thực trạng của di sản;
d) Biên bản họp xin ý kiến đồng thuận rộng rãi của cộng đồng chủ thể di sản trên địa bàn thực hiện đề án;
đ) Các tài liệu liên quan khác để tham khảo, làm minh chứng cho các nội dung nêu tại đề án thuận lợi cho việc phê duyệt, thỏa thuận.
4. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO, bao gồm:
a) Tờ trình của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án;
b) Dự thảo đề án;
c) Báo cáo thực trạng của di sản;
d) Ý kiến thỏa thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ý kiến của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
đ) Biên bản họp xin ý kiến đồng thuận rộng rãi của cộng đồng chủ thể di sản trên địa bàn thực hiện đề án;
e) Các tài liệu liên quan khác để tham khảo, làm minh chứng cho các nội dung nêu tại đề án hỗ trợ cho việc phê duyệt đề án.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm tổ chức sơ kết, đánh giá lại sau 02 (hai) năm triển khai đề án, xem xét điều chỉnh (nếu cần) để bảo đảm việc triển khai phù hợp với thực tiễn; có Báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muộn nhất 03 (ba) tháng sau khi tổng kết đề án.
Điều 16. Hợp tác quốc tế
Hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bao gồm:
1. Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực.
2. Tổ chức liên hoan, giao lưu, triển lãm, trưng bày và giới thiệu về di sản.
3. Đẩy mạnh việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, tư liệu hóa, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
4. Xây dựng các báo cáo, hồ sơ đa quốc gia.
5. Tiếp nhận, kêu gọi hỗ trợ quốc tế.
6. Phổ biến Công ước 2003.
7. Tham gia các kỳ họp, ứng cử, tham gia vào Ủy ban Liên Chính phủ của Công ước 2003 và các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan khác.
Điều 17. Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
1. Nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia bao gồm:
a) Hàng năm, Nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan căn cứ quy định hiện hành về phân cấp ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
b) Tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
2. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án khẩn cấp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Số hiệu: 39/2024/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 16/04/2024
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc trong thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 5. Nguyên tắc trong sử dụng và khai thác di sản văn hóa phi vật thể ngoài hoạt động thực hành
- Điều 6. Tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 7. Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 8. Tổ chức liên hoan, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và trong Danh mục của quốc gia
- Điều 9. Thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 10. Nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 11. Tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 12. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền
- Điều 13. Phục hồi di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 14. Phát huy và bảo vệ giá trị di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 15. Trách nhiệm xây dựng, trình tự, hồ sơ và thẩm quyền phê duyệt đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 16. Hợp tác quốc tế
- Điều 17. Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
- Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
- Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Điều 21. Trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan
- Điều 22. Trách nhiệm của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
- Điều 23. Trách nhiệm của cộng đồng và cá nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách của UNESCO và Danh mục của Quốc gia.
- Điều 24. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khác