Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị

Chương 4.

TỔ CHỨC ĐẤU NỐI, QUAN TRẮC KỸ THUẬT VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH NGẦM

MỤC 1. ĐẤU NỐI CÔNG TRÌNH NGẦM ĐÔ THỊ

Điều 25. Đấu nối kỹ thuật

1. Đấu nối kỹ thuật là việc kết nối giữa các công trình đường dây, đường cáp, đường ống kỹ thuật ngầm; hào và tuy nen kỹ thuật với nhau.

2. Yêu cầu đối với đấu nối kỹ thuật:

a) Phù hợp với quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng công trình;

c) Bảo đảm yêu cầu đồng bộ;

d) Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật quy định đối với từng loại công trình.

Điều 26. Đấu nối không gian

1. Đấu nối không gian là việc tạo ra khoảng không gian để kết nối giữa công trình xây dựng ngầm với các công trình lân cận bảo đảm cho sự hoạt động của con người và máy móc thiết bị.

2. Yêu cầu đối với đấu nối không gian.

a) Phải phù hợp với quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp chưa có quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị thì phải được chấp thuận của cơ quan quản lý quy hoạch địa phương;

b) Bảo đảm an toàn cho người và công trình, công trình lân cận;

c) Bảo đảm thuận lợi khi sử dụng, khai thác và thoát hiểm khi cần thiết.

Điều 27. Thỏa thuận đấu nối

Khi thiết kế xây dựng công trình ngầm, chủ đầu tư xây dựng công trình ngầm phải có thỏa thuận với các đơn vị quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật của đô thị hoặc chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình được đấu nối không gian (nếu có).

Điều 28. Thực hiện đấu nối

Trước khi thi công đấu nối công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo về kế hoạch và tiến độ thi công đấu nối công trình đến cơ quan, đơn vị thỏa thuận đấu nối để giám sát và phối hợp thực hiện.

MỤC 2. QUAN TRẮC ĐỊA KỸ THUẬT VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH NGẦM

Điều 29. Quan trắc địa kỹ thuật công trình ngầm

1. Công trình giao thông ngầm, công cộng ngầm, tuy nen và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật ngầm phải được thực hiện công tác quan trắc địa kỹ thuật.

2. Yêu cầu đối với công tác quan trắc địa kỹ thuật:

a) Quan trắc địa kỹ thuật phải được thực hiện theo quy định trong suốt quá trình thi công và khai thác, sử dụng công trình ngầm;

b) Quan trắc địa kỹ thuật bao gồm các quan trắc trên bản thân công trình ngầm, môi trường địa chất, các công trình lân cận;

c) Công tác quan trắc địa kỹ thuật thực hiện theo đúng phương án quan trắc đã được chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng phê duyệt;

d) Khi quan trắc thấy có yếu tố bất thường thì nhà thầu xây dựng phải thông báo cho chủ đầu tư hoặc chủ quản lý sử dụng và cơ quan thiết kế để có các biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 30. Yêu cầu về bảo trì công trình ngầm

1. Các công trình xây dựng ngầm phải được bảo trì theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Công trình giao thông ngầm; công trình công cộng ngầm; tuy nen, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm phải thực hiện chế độ bảo trì (thường xuyên và định kỳ).

3. Các công trình đường dây, đường ống và hào kỹ thuật ngầm phải thực hiện chế độ bảo trì định kỳ.

4. Khi thực hiện công tác bảo trì, phải chú ý kiểm tra nghiêm ngặt hệ thống đấu nối công trình; các thiết bị kiểm soát thông gió, chiếu sáng, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường (nếu có).

Điều 31. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bảo trì công trình ngầm

1. Chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện bảo trì công trình ngầm;

b) Thực hiện bảo trì công trình ngầm theo chỉ dẫn và quy định của nhà thầu thiết kế, nhà thầu cung ứng vật tư, thiết bị công nghệ, thiết bị công trình và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình xây dựng bị xuống cấp do không thực hiện quy trình bảo trì công trình xây dựng theo quy định;

d) Báo cáo định kỳ về công tác bảo trì và tình hình hoạt động của công trình ngầm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện công tác bảo trì của chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình ngầm.

Nghị định 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị

  • Số hiệu: 39/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/04/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 21/04/2010
  • Số công báo: Từ số 167 đến số 168
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH