Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 389-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1959 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC CẤP HỘ CHIẾU

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. - Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đi ra nước ngoài phải mang theo hộ chiếu.

Điều 2. -  Hộ chiếu có ba loại:

- Hộ chiếu ngoại giao,

- Hộ chiếu công vụ,

- Hộ chiếu phổ thông.

Ngoài ra có những giấy tờ được coi có giá trị như hộ chiếu do Bộ Ngoai giao và Bộ Công an quy định.

Điều 3. - Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ chỉ cấp riêng cho từng người.

Hộ chiếu phổ thông có thể cấp riêng cho từng người hoặc cấp cho tập thể nhiều người đi thành đoàn,

Điều 4. - Hộ chiếu chỉ cấp cho công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ 18 tuổi chẵn trở lên.

Những trẻ em dưới 12 tuổi chẵn cùng đi với cha mẹ hoặc người đỡ đầu sẽ đuợc ghi chung vào hộ chiếu của cha hoặc mẹ, hoặc của người đỡ đầu.

Những người từ 12 đến 18 tuổi sẽ được cấp một loại giấy coi như hộ chiếu.

Chương 2:

CƠ QUAN CẤP HỘ CHIẾU

Điều 5. - Bộ Ngoại giao cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông cho những người đi việc công.

Bộ Công an cấp hộ chiếu phổ thông cho những người đi việc tư. Bộ Công an có thể ủy quyền này cho Sở hoặc Ty Công an trong những trường hợp xét cần thiết.

Đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cấp:

- Hộ chiếu phổ thông,

- Hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ theo ủy nhiệm của Bộ Ngoại giao

Chương 3:

HIỆU LỰC CỦA HỘ CHIẾU

Điều 6. - Hộ chiếu riêng cho từng người có thể cấp cho một thời hạn nhiều nhất là 3 năm và có thể được gia hạn một hay nhiều lần. Kể cả những lần gia hạn, thời hạn của hộ chiếu không được quá 5 năm kể từ ngày cấp hộ chiếu.

Hộ chiếu tập thể có thể cấp trong một thời hạn nhiều nhất là 18 tháng.

Điều 7. - Hộ chiếu chỉ có giá trị để đi đến những nước có ghi trong hộ chiếu.

Điều 8. - Mỗi khi xét cần, cơ quan cấp hộ chiếu có thể tuyên bố hộ chiếu hết giá trị và ra lệnh thu hồi hộ chiếu. Lệnh thu hồi hộ chiếu phải được thi hành ngay.

Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ở nước ngoài có thể tạm giữ hộ chiếu lại và đề nghị cơ quan cấp hộ chiếu hủy bỏ hộ chiếu ấy

Chương 4:

NHIỆM VỤ NGƯỜI ĐƯỢC CẤP HỘ CHIẾU

Điều 9. - Người được cấp hộ chiếu phổ thông phải nộp một số tiền làm thủ tục phí. Thủ tục phí và các thức thu thủ tục phí do Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Tài chính ấn định.

Điều 10. - Người có hộ chiếu phải mang hộ chiếu theo mình, không được cho mượn hoặc nhờ người khác giữ hộ.

Điều 11. - Khi ra đến nước ngoài, người mang hộ chiếu phải báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ở nước đó biết.

Điều 12. - Khi ở nước ngoài về, trong thời hạn 7 ngày, người mang hộ chiếu phải nộp lại hộ chiếu cho cơ quan đã cấp hộ chiếu.

Điều 13. - Khi đánh mất hộ chiếu, người đương sự phải khai báo theo thể lệ do Bộ Ngoại giao và Bộ Công an quy định.

Điều 14. - Người nào dùng hoặc làm hộ chiếu giả mạo, tự ý sửa đổi những điều ghi trong hộ chiếu, cho mượn hộ chiếu, sử dụng hộ chiếu của người khác, sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Điều 15. - Các ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 


 
Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 389-TTg năm 1959 quy định việc cấp hộ chiếu do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 389-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/10/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 04/11/1959
  • Số công báo: Số 42
  • Ngày hiệu lực: 11/11/1959
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản