Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu

Chương IV

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG

Điều 29. Phân định, phân loại và lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại.

2. Việc phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

Điều 30. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Thực hiện trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định tại Điều 29 Nghị định này.

2. Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

3. Định kỳ báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Điều 31. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.

2. Các chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.

3. Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm chuyển giao chất thải cho cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được phép hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải.

2. Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trạm trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

3. Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

4. Có chương trình quản lý và giám sát môi trường.

5. Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

6. Trước khi thực hiện vận hành thử nghiệm, chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường về kế hoạch vận hành thử nghiệm. Thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường không quá 06 (sáu) tháng.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với:

a) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh, giá tác động môi trường;

b) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn liên tỉnh;

c) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường kết hợp với xử lý chất thải nguy hại (thay thế bằng Giấy phép xử lý chất thải nguy hại).

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của địa phương và cơ sở chỉ tiếp nhận xử lý từ các chủ nguồn thải trên địa bàn nội tỉnh.

9. Thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường như sau:

a) Không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày bắt đầu vận hành thử nghiệm đối với dự án được phê duyệt báo cáo tác động môi trường;

b) Dự án có nhiều giai đoạn thì được nộp hồ sơ đăng ký xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cho từng giai đoạn của dự án.

10. Trường hợp cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ thì phải lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh xác nhận theo quy định.

11. Việc xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đã đưa vào hoạt động và được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;

b) Tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường;

c) Tự sơ chế, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở;

d) Nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong môi trường thí nghiệm.

12. Quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các trường hợp sau:

a) Cơ sở sản xuất đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu bổ sung hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường dựa trên công nghệ sản xuất sẵn có mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Cơ sở xử lý chất thải đã đưa vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật có nhu cầu cải tạo, nâng cấp với công nghệ tiên tiến hơn để giảm hoặc không làm gia tăng tác động xấu đến môi trường, nâng cao hiệu quả xử lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng mà không thuộc đối tượng phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Điều 33. Trách nhiệm của chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Lập hồ sơ đăng ký để được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

2. Đối với trường hợp được quy định tại Khoản 12 Điều 32 thì phải có phương án trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 7, 8 Điều 32 Nghị định này để xem xét, chấp thuận trước khi triển khai hoạt động.

3. Xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phù hợp với địa bàn hoạt động, công suất, loại chất thải, các hệ thống, thiết bị xử lý chất thải đã được đầu tư xây dựng, lắp đặt và xác nhận.

4. Trường hợp có phát sinh chất thải nguy hại từ cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.

5. Thực hiện đầy đủ các nội dung xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và hồ sơ để nghị xác nhận bảo đảm yêu cầu đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường kèm theo nội dung Giấy xác nhận. Hồ sơ này là căn cứ cụ thể cho hoạt động quản lý, giám sát môi trường đối với chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

6. Lập, sử dụng, lưu trữ và quản lý báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định, Trường hợp chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đồng thời là chủ xử lý chất thải nguy hại hoặc chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì được tích hợp các báo cáo, hồ sơ, tài liệu, nhật ký cho cả việc quản lý chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường.

7. Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống quản lý môi trường (TCVN ISO 14001) trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ khi được xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc 24 (hai mươi bốn) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đối với cơ sở đang hoạt động.

8. Thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng kể từ khi chấm dứt hoạt động.

Điều 34. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn công nghiệp thông thường và ban hành quy định về:

a) Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn công nghiệp thông thường; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và việc thực hiện trách nhiệm trong giai đoạn hoạt động của chủ nguồn thải, chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

b) Trình tự, thủ tục xác nhận, điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;

c) Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với trường hợp không yêu cầu xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định tại Khoản 11 Điều 32 Nghị định này và các trường hợp khác phát sinh trên thực tế.

2. Tổ chức quản lý, kiểm tra hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo liên quan đến chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường theo thẩm quyền.

3. Tổ chức xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

4. Tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phục vụ công tác lập và triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường.

Điều 35. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường

1. Tổ chức quản lý, kiểm tra hoạt động và các hồ sơ, hợp đồng, báo cáo liên quan đến các chủ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chất thải rắn công nghiệp thông thường; tăng cường sử dụng hệ thống thông tin hoặc thư điện tử để thông báo, hướng dẫn, trao đổi với tổ chức, cá nhân trong quá trình xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.

3. Hàng năm thống kê, cập nhật về tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại địa phương và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, theo dõi; thời hạn của báo cáo trước ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu

  • Số hiệu: 38/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/04/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 10/05/2015
  • Số công báo: Từ số 543 đến số 544
  • Ngày hiệu lực: 15/06/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH