Hệ thống pháp luật

Mục 6 Chương 2 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Mục 6. CÁC VI PHẠM KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 32. Xử phạt cá nhân, tổ chức sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị tịch thu biển số, phương tiện sản xuất, lắp ráp trái phép và đình chỉ hoạt động.

Điều 33. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

b) Tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với Giấy đăng ký xe.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước của xe;

d) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe;

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông.

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn;

b) Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe; không thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xóa hoặc sửa chữa Giấy đăng ký xe, hồ sơ đăng ký xe, Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc các loại giấy tờ khác về phương tiện;

c) Không chấp hành việc thu hồi Giấy đăng ký xe; biển số xe; sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định;

d) Vẽ, dán quảng cáo trên xe không đúng quy định;

đ) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

e) Không làm thủ tục đổi lại Giấy đăng ký xe khi xe đã được cải tạo;

g) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông;

h) Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, Giấy đăng ký xe.

5. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, mượn linh kiện, phụ kiện của xe ô tô khi kiểm định;

b) Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định ra tham gia giao thông.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;

b) Cải tạo các loại xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách.

7. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Vi phạm điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này buộc phải khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe;

b) Vi phạm điểm b, điểm d khoản 2; điểm b, điểm h khoản 4 Điều này bị thu hồi biển số, Giấy đăng ký xe (trường hợp đã được cấp lại), tịch thu hồ sơ, các loại giấy tờ, tài liệu giả mạo;

c) Vi phạm điểm a khoản 3, điểm a khoản 6 Điều này buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước hoặc tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe; vi phạm điểm b khoản 6 Điều này bị tịch thu phương tiện.

Điều 34. Xử phạt nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng đối với hành vi không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách đi xe là người già, em nhỏ không tự lên xuống xe được, người khuyết tật vận động hoặc khuyết tật thị giác.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định vi phạm hành vi thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, thu tiền vé cao hơn quy định.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sang nhượng hành khách dọc đường cho xe khác mà không được hành khách đồng ý; đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo hành khách; bắt ép hành khách sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn;

b) Xuống khách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hành hung hành khách.

Điều 35. Xử phạt hành khách đi xe vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông

1. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành nội quy đi xe;

b) Gây mất trật tự trên xe.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mang hóa chất độc hại, chất dễ cháy, nổ, hàng nguy hiểm hoặc hàng cấm lưu thông trên xe khách;

b) Đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc xâm phạm tài sản của người khác đi xe;

c) Đu, bám vào thành xe; đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chở hành lý; tự ý mở cửa xe hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn khi xe đang chạy.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này còn bị tịch thu hóa chất độc hại, chất dễ cháy, nổ, hàng nguy hiểm, cấm lưu thông mang theo trên xe chở khách.

Điều 36. Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách)

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường từ 10% đến 20%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;

b) Không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm d, điểm đ khoản 3 Điều này.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng xe khi có tín hiệu yêu cầu kiểm tra tải trọng xe.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ;

b) Điều khiển xe có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành;

c) Điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20%, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng;

d) Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành;

đ) Điều khiển xe bánh xích tham gia giao thông không có Giấy phép lưu hành theo quy định hoặc lưu thông trực tiếp trên đường.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Vi phạm quy định khoản 1, khoản 3 Điều này bị đình chỉ lưu hành cho đến khi thực hiện đúng quy định hoặc bị buộc phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ; nếu gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Vi phạm khoản 1 Điều này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 30 (ba mươi) ngày;

c) Vi phạm khoản 3 Điều này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 60 (sáu mươi) ngày.

Điều 37. Xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;

b) Đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ;

b) Tổ chức đua xe trái phép.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: vi phạm điểm b khoản 1 Điều này bị tịch thu phương tiện vi phạm (trừ súc vật kéo, cưỡi); vi phạm khoản 3, khoản 4, điểm a khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe.

Điều 38. Xử phạt người có hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về: các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện;

b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 8 Điều 8, khoản 8 Điều 9, khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 37 của Nghị định này;

c) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ;

d) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây: vi phạm điểm d khoản 2 Điều này còn bị tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; nếu người vi phạm là người điều khiển phương tiện thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, mô tô, máy kéo, các loại xe tương tự ô tô, các loại xe tương tự mô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 60 (sáu mươi) ngày.

Điều 39. Xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Phương tiện không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia theo quy định;

b) Giấy tờ của phương tiện không có bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt theo quy định;

c) Xe chở khách không có danh sách hành khách theo quy định.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định;

b) Hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động;

c) Điều khiển phương tiện không có Giấy phép vận tải quốc tế, phù hiệu vận tải quốc tế liên vận theo quy định hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng;

d) Không gắn biển số tạm thời hoặc gắn biển số tạm thời không do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có quy định phải gắn biển số tạm thời);

đ) Vận chuyển hành khách hoặc hàng hóa không đúng với quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ, Nghị định thư đã ký kết;

e) Điều khiển xe ô tô có tay lái bên phải tham gia giao thông mà không có xe dẫn đường theo quy định;

g) Điều khiển xe ô tô có tay lái bên phải tham gia giao thông mà người điều khiển xe không đúng quốc tịch theo quy định.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp sau đây: vi phạm điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều này còn bị đình chỉ hoạt động, buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam.

Điều 40. Xử phạt người điều khiển phương tiện đăng ký hoạt động trong Khu kinh tế thương mại đặc biệt

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất theo quy định;

b) Điều khiển xe không có phù hiệu kiểm soát theo quy định hoặc sử dụng phù hiệu hết hạn, phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

a) Không có tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập, tái xuất theo quy định;

b) Điều khiển xe không có phù hiệu kiểm soát theo quy định hoặc sử dụng phù hiệu hết hạn, phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này bị buộc đưa phương tiện quay trở lại Khu kinh tế thương mại; trường hợp sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp còn bị tịch thu phù hiệu;

b) Tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần khoản 1, khoản 2 Điều này bị tịch thu phương tiện.

Điều 41. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với giáo viên dạy thực hành có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Để học viên không có phù hiệu “Học viên tập lái xe” lái xe tập lái;

b) Chở người, hàng trên xe tập lái trái quy định;

c) Chạy sai tuyến đường, thời gian quy định trong Giấy phép xe tập lái;

d) Không có phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe” hoặc có nh­ưng không đeo theo quy định.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không bố trí giáo viên dạy thực hành ngồi bên cạnh học viên tập lái xe;

b) Xe tập lái không có “Giấy phép xe tập lái”, biển xe "Tập lái" theo quy định;

c) Xe tập lái không trang bị thêm bộ phận hãm phụ hoặc có nhưng không có tác dụng;

d) Tuyển sinh học viên không đủ tiêu chuẩn theo quy định;

đ) Bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn để giảng dạy;

e) Không lưu trữ đầy đủ hồ sơ các khóa đào tạo theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe không có Giấy phép đào tạo hoặc có Giấy phép đào tạo nhưng đã hết hạn; không có đủ điều kiện theo quy định; không thực hiện đúng nội dung, chương trình đào tạo; đào tạo vượt quá lưu lượng cho phép;

b) Trung tâm sát hạch lái xe không đủ điều kiện hoạt động.

4. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Cơ sở đào tạo lái xe vi phạm điểm a khoản 3 Điều này bị đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện đúng quy định;

b) Trung tâm sát hạch lái xe vi phạm điểm b khoản 3 Điều này bị đình chỉ hoạt động cho đến khi có đủ điều kiện theo quy định.

Điều 42. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới

1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với Trung tâm đăng kiểm vi phạm một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không có đủ điều kiện theo quy định;

b) Không đủ điều kiện hoạt động theo quy định;

c) Không thực hiện đúng nội dung, quy trình kiểm định theo quy định.

2. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

  • Số hiệu: 34/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/04/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 17/04/2010
  • Số công báo: Từ số 163 đến số 164
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH