Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Chương 4.

QUẢN LÝ MỘ VÀ CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

MỤC 1. TÌM KIẾM, QUY TẬP VÀ XÁC ĐỊNH HÀI CỐT LIỆT SĨ CÒN THIẾU THÔNG TIN

Điều 56. Trách nhiệm tìm kiếm, quy tập

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong và ngoài nước.

2. Ủy ban nhân dân các cấp hoặc các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện nơi có hài cốt liệt sĩ hoặc khả năng còn hài cốt Liệt sĩ có trách nhiệm thông báo với cơ quan quân sự địa phương để tổ chức khảo sát và kết luận.

4. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát hiện và cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ.

Điều 57. Nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập

1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách và tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

2. Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin liệt sĩ để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

3. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

4. Cơ quan, đơn vị quy tập hài cốt liệt sĩ có trách nhiệm lập hồ sơ bao gồm: Sơ đồ, vị trí nơi phát hiện ra mộ, biên bản hài cốt, di vật (nếu có) để bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi an táng hài cốt liệt sĩ.

Điều 58. An táng hài cốt liệt sĩ

1. Bàn giao hài cốt liệt sĩ như sau:

a) Hài cốt liệt sĩ đã xác định được thông tin:

Đơn vị quy tập bàn giao hài cốt cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.

Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thì đơn vị quy tập bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo nguyện vọng của người thờ cúng liệt sĩ;

b) Hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin thì đơn vị quy tập bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quy tập;

c) Hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện chưa xác định được thông tin thì đơn vị quy tập bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi được giao đón nhận;

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi an táng hài cốt liệt sĩ tiếp nhận hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều 57 của Nghị định này.

2. Tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ do các đơn vị tìm kiếm, quy tập trong nước;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ đối với trường hợp hài cốt liệt sĩ được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ.

Điều 59. Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện:

a) Xây dựng hệ thống dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ;

b) Tiếp nhận, xử lý thông tin để xác định hài cốt liệt sĩ;

c) Thông báo kết quả xác định hài cốt liệt sĩ;

d) Báo tin phần mộ liệt sĩ có đủ thông tin tới thân nhân liệt sĩ.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cơ quan chức năng và các tổ chức quốc tế tổ chức giám định gen để xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

MỤC 2. XÂY DỰNG, QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 60. Công trình ghi công liệt sĩ

1. Công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng bảo đảm mỹ quan, bền vững, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương.

Nghĩa trang liệt sĩ là nơi chỉ an táng hài cốt liệt sĩ, được xây dựng trang nghiêm thể hiện lòng tôn kính đối với các liệt sĩ.

Đài tưởng niệm liệt sĩ được xây dựng ở trung tâm chính trị, văn hóa của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trung tâm của huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh không có nghĩa trang liệt sĩ hoặc nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.

Đền thờ liệt sĩ là nơi thờ và ghi danh các liệt sĩ, được xây dựng ở nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu.

Nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận huyện không có nghĩa trang liệt sĩ.

2. Công trình ghi công liệt sĩ được xây dựng phù hợp với quy hoạch trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tôn vinh, thăm viếng liệt sĩ của nhân dân, giáo dục truyền thống cách mạng.

Điều 61. Kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ

1. Công trình ghi công liệt sĩ được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của cộng đồng.

2. Ngân sách trung ương chi đầu tư xây dựng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ từ nguồn vốn sự nghiệp, Tổng mức đầu tư căn cứ số lượng mộ trong nghĩa trang và nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu, căn cứ địa cách mạng.

3. Ngân sách trung ương chi hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

4. Ngân sách địa phương chi:

a) Xây dựng, nâng cấp đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ;

b) Tu bổ, sửa chữa thường xuyên mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ.

5. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ.

Điều 62. Mộ liệt sĩ

1. Mộ liệt sĩ trong cùng một nghĩa trang liệt sĩ phải được xây dựng thống nhất về kích thước, quy cách.

2. Nội dung trên bia mộ liệt sĩ được ghi thống nhất theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Mộ liệt sĩ tại nghĩa trang dòng họ do gia đình quản lý được hỗ trợ kinh phí một lần để xây vỏ mộ mức 2.500.000 đồng.

4. Cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ lập hồ sơ và quản lý phần mộ trong nghĩa trang liệt sĩ.

Điều 63. Quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ

1. Công trình ghi công liệt sĩ phải được thường xuyên chăm sóc, quản lý, sửa chữa, tu bổ.

2. Nhà nước khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia chăm sóc, giữ gìn công trình ghi công liệt sĩ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định biên chế quản trang đối với nghĩa trang liệt sĩ.

MỤC 3. THĂM VIẾNG, DI CHUYỂN MỘ LIỆT SĨ

Điều 64. Thăm viếng mộ liệt sĩ

1. Thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ khi thăm viếng mộ liệt sĩ trong nước đối với các trường hợp sau:

a) Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ;

b) Trường hợp liệt sĩ chưa xác định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng có tên trong danh sách quản lý của nghĩa trang;

c) Liệt sĩ có thông tin địa phương nơi hy sinh ghi trong giấy báo tử hoặc theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử.

2. Thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ khi thăm viếng mộ liệt sĩ được nhà nước hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn mỗi năm một lần.

Điều 65. Di chuyển hài cốt liệt sĩ

1. Mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin an táng trong nghĩa trang liệt sĩ được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ.

2. Nhà nước hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn đối với thân nhân liệt sĩ hoặc người được thân nhân liệt sĩ ủy quyền hoặc người thờ cúng liệt sĩ (không quá ba người) khi di chuyển hài cốt liệt sĩ; hỗ trợ kinh phí cất bốc và di chuyển hài cốt liệt sĩ.

3. Không hỗ trợ kinh phí di chuyển hài cốt liệt sĩ đối với những trường hợp đã được di chuyển theo nguyện vọng của thân nhân hoặc người thờ cúng liệt sĩ.

Nghị định 31/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

  • Số hiệu: 31/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/04/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 20/04/2013
  • Số công báo: Từ số 203 đến số 204
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH