Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN KỸ THUẬT CỦA HỆ THỐNG ANTEN QUÂN SỰ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Quốc phòng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Tần số Vô tuyến điện ngày 04 tháng 12 năm 2009;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 19 tháng 5 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hành lang an toàn kỹ thuật, quản lý và bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi tắt là hệ thống anten quân sự).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân là người Việt Nam và nước ngoài có hoạt động liên quan đến hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hệ thống anten quân sự là tổ hợp các trang thiết bị anten được triển khai trong bãi anten, dùng để bức xạ hoặc thu sóng điện từ trong không gian phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, là công trình quốc phòng và khu quân sự loại 1.

2. Mép ngoài bãi anten quân sự là một đường khép kín tập hợp bởi các điểm ngoài cùng của hệ thống anten quân sự.

3. Hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự là khoảng cách từ mép ngoài bãi anten quân sự trở ra vùng xung quanh, gồm trên mặt đất, mặt nước, trên không và trong lòng đất đến giới hạn để bảo đảm tính năng hoạt động bình thường của hệ thống anten quân sự.

4. Chướng ngại vật anten là vật cản, vật phản xạ, vật bức xạ do tự nhiên hoặc con người tạo ra có ảnh hưởng đến việc truyền và thu sóng điện từ trong không gian của hệ thống anten quân sự, như các công trình nhà ở (nhóm nhà), nhóm cây, rừng rậm, đường điện, nhà xưởng, khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông, các trạm phát sóng điện từ.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý và bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự

1. Hệ thống anten quân sự phải được bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động bình thường nhằm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng của đất nước.

2. Chủ động phòng ngừa các vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự; mọi hành vi xâm phạm an ninh, an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống anten quân sự phải phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

3. Việc xử lý vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự, khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra phải ưu tiên bảo đảm an ninh, an toàn và hoạt động bình thường của hệ thống anten quân sự.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu quản lý và bảo vệ hệ thống anten quân sự với yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chương 2.

QUẢN LÝ, BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN KỸ THUẬT CỦA HỆ THỐNG ANTEN QUÂN SỰ

Điều 5. Quy định hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự

Hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự phụ thuộc vào tính năng kỹ thuật của anten, quy định cụ thể như sau:

1. Đối với hệ thống anten thông tin liên lạc (trung tâm phát, trung tâm thu vô tuyến điện, thông tin vệ tinh), hành lang an toàn kỹ thuật là 2.000 mét, được tính từ mép ngoài bãi anten quân sự trở ra.

2. Đối với hệ thống anten trinh sát kỹ thuật (anten định hướng, anten thu sóng ngắn và anten thu vệ tinh), hành lang an toàn kỹ thuật là 3.000 mét, được tính từ mép ngoài bãi anten quân sự trở ra.

3. Đối với hệ thống anten ra đa và tác chiến điện tử, hành lang an toàn kỹ thuật là 5.000 mét, được tính từ mép ngoài bãi anten quân sự trở ra.

4. Khoảng cách tối thiểu của các chướng ngại vật nằm trong hành lang an toàn kỹ thuật đến mép ngoài bãi anten quân sự, được quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 6. Quản lý hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự

1. Tất cả các hệ thống anten quân sự phải được xác định hành lang an toàn kỹ thuật bảo đảm yêu cầu tính năng hoạt động bình thường của hệ thống anten, ngăn chặn được các yếu tố xâm hại, gây mất an toàn kỹ thuật cho hệ thống anten.

2. Mép ngoài bãi anten quân sự phải được xác định trên thực địa bằng cột mốc, biển báo. Hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự được xác định trên bản đồ địa chính khu vực, bằng văn bản giữa Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh với đơn vị quản lý hệ thống anten.

3. Các hệ thống anten quân sự phải có hồ sơ quản lý hành lang an toàn kỹ thuật. Hồ sơ quản lý hành lang an toàn kỹ thuật được quản lý theo quy định về tài liệu mật. Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn kỹ thuật.

4. Mọi tổ chức, cá nhân khi quy hoạch, xây dựng công trình liên quan đến phạm vi hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự phải chấp hành các quy định về quản lý hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự và có ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng trước khi phê duyệt, xây dựng công trình.

Điều 7. Bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự

1. Đơn vị quản lý hệ thống anten có trách nhiệm trực tiếp bảo vệ hệ thống anten và khu quân sự do mình quản lý. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống anten quân sự trong bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự thuộc địa phương mình.

2. Nghiêm cấm xây dựng nhà ở, các công trình kinh tế dân sinh vi phạm các quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này.

3. Trong phạm vi cách mép ngoài bãi anten quân sự 500 mét, cấm những hoạt động sau:

a) Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản;

b) Săn bắn, nổ mìn;

c) Tham quan, du lịch, quay phim, chụp ảnh, các hoạt động tập thể (trừ các hoạt động phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn).

4. Trong hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự, được phép:

a) Xây dựng công trình chống sét, phòng chống cháy, nổ, bảo đảm cho hoạt động của hệ thống anten quân sự theo yêu cầu kỹ thuật;

b) Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp;

c) Xây dựng các công trình thủy nông quy mô vừa và nhỏ, đê kè phòng chống lụt bão không vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này.

5. Việc sử dụng hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự vào mục đích khác ngoài quy định Khoản 3, 4 Điều này phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

6. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với chỉ huy đơn vị quản lý hệ thống anten quân sự để tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời khi có nguy cơ hoặc xảy ra sự cố cháy, nổ tại khu vực hành lang an toàn kỹ thuật; báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự.

Điều 8. Quy hoạch, xây dựng hệ thống anten quân sự

1. Quy hoạch, xây dựng hệ thống anten quân sự phải phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng và các quy định tại Điều 5 Nghị định này, đồng thời phải gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khi quy hoạch, xây dựng hệ thống anten quân sự phải lựa chọn đảm bảo vị trí, phạm vi bố trí đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo việc hoạt động bình thường của hệ thống anten quân sự.

3. Việc quy hoạch, xây dựng hệ thống anten quân sự phải gắn với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, BẢO VỆ HÀNH LANG AN TOÀN KỸ THUẬT HỆ THỐNG ANTEN QUÂN SỰ

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan, xác định hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự theo quy định tại Nghị định này.

2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất thuộc hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định tại Nghị định này.

3. Chỉ đạo các đơn vị quản lý hệ thống anten quân sự, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác định hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự và tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự thuộc phạm vi quản lý.

4. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến xây dựng, quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự theo thẩm quyền.

Điều 10. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành gắn với quản lý và bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với đơn vị quản lý hệ thống anten quân sự xác định hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự và lập bản đồ địa chính khu vực.

3. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, chỉ đạo các tổ chức xã hội tuyên truyền, giáo dục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự.

4. Xử lý các vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ hành lang an toàn kỹ thuật của hệ thống anten quân sự theo thẩm quyền.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2011.

2. Đối với các hệ thống anten quân sự mà hành lang an toàn kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi các chướng ngại vật đã tồn tại trước ngày Nghị định này có hiệu lực, thì đơn vị quản lý hệ thống anten phải tổ chức đánh giá xác định mức độ ảnh hưởng và tìm biện pháp khắc phục; trường hợp đơn vị quản lý hệ thống anten không thể tự khắc phục được báo cáo Bộ Quốc phòng để phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Điều 13. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

PHỤ LỤC

QUY ĐỊNH KHOẢNG CÁCH TỐI THIỂU CỦA CÁC CHƯỚNG NGẠI VẬT NẰM TRONG HÀNH LANG AN TOÀN KỸ THUẬT ĐẾN MÉP NGOÀI BÃI ANTEN QUÂN SỰ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 30/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ)

Đơn vị tính: Mét

TT

DANH MỤC CHƯỚNG NGẠI VẬT ANTEN

LOẠI HỆ THỐNG ANTEN

Thông tin liên lạc

Trinh sát Kỹ thuật

Tác chiến điện tử

Rađa

1

Nhà cấp 4, không có kết cấu kim loại

-

Một nhà

50

100

150

50

-

Một nhóm nhà

50

200

200

100

2

Nhà cấp 4 có mái kim loại và công trình cao từ 6 đến 10 mét không có kết cấu kim loại

100

250

250

200

3

Công trình cao từ 10 mét trở lên không có kết cấu kim loại

150

300

250

200

4

Công trình nhà ở có kết cấu kim loại cao dưới 8 mét

200

250

300

300

5

Công trình nhà ở có kết cấu kim loại cao từ 8 đến 15 mét

200

300

500

500

6

Công trình nhà ở có kết cấu kim loại cao từ 15 đến 40 mét

500

500

700

1000

7

Các tòa nhà cao tầng có kết cấu kim loại cao trên 40 mét

1000

1000

1000

2000

8

Đường ôtô cấp 1 và cấp 2, đường tàu hỏa

150

300

250

200

9

Rừng rậm

“0”

700

“0”

“0”

10

Hồ nước diện tích từ 1000 m2 trở lên

“0”

1000

“0”

“0”

11

Hàng rào kim loại thấp hơn 2,5 mét, ống kim loại, ống dẫn dầu, anten dân dụng

200

200

100

100

12

Các đường dây điện thoại, đường dây điện hạ thế điện áp dưới 1000 V

200

300

350

100

13

Đường điện cao thế từ 1000 V đến 110KV

1000

2000

1000

2000

14

Đường điện cao thế điện áp trên 110KV

2000

3000

3000

5000

15

Nhà máy, khu công nghiệp

1000

1500

3000

“0”

16

Các bồn chứa có dung tích trên 40 mét khối

“0”

2000

5000

1000

17

Trạm phát sóng điện từ công suất nhỏ hơn 10W

“0”

300

500

1000

18

Trạm phát sóng điện từ công suất từ 10W đến 100W

“0”

500

1000

2000

19

Trạm phát sóng điện từ công suất từ 100W đến 1000W

“0”

1000

3000

3000

20

Trạm phát sóng điện từ công suất lớn hơn 1000W

“0”

3000

5000

5000

Ghi chú: “0” là không quy định.