Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-HĐBT

Hà Nội, ngày 29 tháng 1 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 29-HĐBT NGÀY 29-1-1990 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ DÂN QUÂN TỰ VỆ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ vào các điều 50, 51, 52 và 77 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ vào Điều 12 và 15 của Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ quy định về tổ chức, xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ (gọi tắt là Điều lệ dân quân tự vệ).

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với nội dung của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ tưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Đỗ Mười

(Đã ký)

ĐIỀU LỆ
DÂN QUÂN TỰ VỆ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 29-HĐBT ngày 29-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ luôn luôn giữ một vị trí chiến lược quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã". (1)

Để phát huy truyền thống và tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Điều lệ này quy định về tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, và các đoàn thể đối với nhiệm vụ xây dựng dân quân tự vệ.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo, là một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng dân quân tự vệ là trách nhiệm của toàn dân, toàn quân, của chính quyền các cấp và các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Điều 2. Tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của các cấp uỷ đảng, sự điều hành của chính quyền và sự chỉ huy của Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở. ở nông thôn, lực lượng này gọi là dân quân, ở thành thị và các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị cơ sở khác (sau đây gọi tắt là đơn vị cơ sở) gọi là tự vệ.

Điều 3.

Dân quân tự vệ là lực lượng làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, là một công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân ở cơ sở.

Dân quân tự vệ có 4 nhiệm vụ cơ bản:

1- Phối hợp với công an nhân dân và các lực lượng chuyên chính khác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của tập thể, của Nhà nước, của quân đội ở địa phương.

2- Chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao địch, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, bảo vệ địa phương, bảo vệ cơ sở.

3- Bổ sung cho quân đội, phối hợp và phục vụ quân đội chiến đấu, phục vụ tiền tuyến.

4- Xung kích trong phong trào lao động sản xuất, chống thiên tại, khắc phục hậu quả thiên tại, dịch hoạ; gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều 4.

Mọi công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, thành phần xã hội, từ 18 đến 50 tuổi đều có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Ngoài độ tuổi trên, ai tình nguyện cũng có thể được kết nạp.

Từng thời gian, căn cứ vào tình hình nhiệm vụ bảo vệ địa phương, bảo vệ cơ sở, theo sự hướng dẫn của chỉ huy quân sự tỉnh, huyện, ban chỉ huy quân sự cơ sở xác định số lượng và tổ chức tuyển chọn người có đủ điều kiện do Bộ Quốc phòng quy định để đưa vào tổ chức dân quân tự vệ ở cơ sở.

Điều 5.

Xây dựng dân quân tự vệ theo phương châm vững mạnh và rộng khắp, trên cơ sở xây dựn lực lượng chính trị của quần chúng, kết hợp giữa nghĩa vụ và tự nguyện.

Tất cả các xã, phường, các đơn vị cơ sở, phải xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ sức bảo vệ địa phương, bảo vệ cơ sở trong mọi tình huống. Cá nhân thuộc các tổ chức kinh tế tập thể, tư nhân, hợp doanh... có trách nhiệm tham gia các tổ chức dân quân tự vệ của địa phương nơi mình cư trú.

Điều 6. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ phải chấp hành các chế độ, quy định của Bộ Quốc phòng; được cấp giấy chứng nhận và được mang phù hiệu dân quân tự vệ trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 7. Lấy ngày 28 tháng 3 năm 1935, ngày Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất ra Nghị quyết về tổ chức "Công nông tự vệ đội" làm ngày truyền thống của lực lượng dân quân tự vệ.

Chương 2:

TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ, TRANG BỊ

Điều 8. Tổ chức, biên chế dân quân tự vệ phải căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu, phù hợp với hệ thống tổ chức lãnh đạo của Đảng, hệ thống tổ chức đơn vị hành chính Nhà nước, gắn với tổ chức sản xuất, ngành, nghề, gắn với địa hình và đặc điểm cụ thể từng nơi, bảo đảm thuận tiện cho việc quản lý, chỉ đạo, chỉ huy.

Điều 9.

Tổ chức dân quân tự vệ có bộ binh và các binh chủng cần thiết, có lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động. ở xã, lấy thôn, bản; ở phường, lấy đường phố; ở các đơn vị cơ sở khác lấy đơn vị sản xuất, công tác làm cơ sở để tổ chức.

Quy mô tổ chức, biên chế như sau:

Ở xã đồng bằng, ven biển, trung di, quy mô tổ chức phổ biến là tiểu đội, trung đội và đại đội.

Ở xã vùng núi, quy mô tổ chức phổ biến là tổ đến tiểu đội, trung đội.

Ở phường, quy mô tổ chức là tiểu đội, trung đội; nơi có điều kiện, có thể tổ chức đại đội.

Ở đơn vị cơ sở của Nhà nước, quy mô tổ chức phổ biến là trung đội, đại đội; nơi có điều kiện, có thể tổ chức đến tiểu đoàn.

Việc tổ chức với quy mô cao hơn ở những nơi có yêu cầu và điều kiện do Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 10. Cán bộ chỉ huy dân quân tự vệ ở cơ sở phải có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở cương vị được giao và đã qua rèn luyện thử thách trong chiến đấu, công tác, sản xuất.

Điều 11. Ban chỉ huy quân sự xã, phường và các đơn vị cơ sở là cơ quan tham mưu giúp đảng uỷ, chính quyền cơ sở chỉ đạo các mặt công tác quân sự, là cơ quan trực tiếp chỉ huy dân quân, tự vệ trong xây dựng và hoạt động. Thành phần Ban chỉ huy quân sự xã, phường và các đơn vị cơ sở gồm:

Chỉ huy,

Chính trị viên,

1 Phó chỉ huy

Ở xã, phường: chỉ huy trưởng là cán bộ chuyên trách, phó chỉ huy là cán bộ kiêm nhiệm, được bố trí ổn định. Chỉ huy trưởng phụ trách chung và trực tiếp phụ trách dân quân tự vệ. Phó chỉ huy giúp chỉ huy trưởng chuyên trách chỉ đạo công tác động viên.

Ở đơn vị cơ sở: Chỉ huy trưởng do Thủ trưởng đon vị đảm nhiệm, Phó chỉ huy là cán bộ chuyên trách (nếu đơn vị có từ 150 tự vệ và quân dự bị trở lên) hoặc cán bộ kiêm nhiệm (nếu đơn vị có dưới 150 tự vệ và quân dự bị).

Ở tất cả các cơ sở, chính trị viên do Bí thư cấp uỷ Đảng cơ sở kiêm nhiệm.

Cấp chỉ huy Tiểu đoàn, đại đội có 3 người gồm chỉ huy, chính trị viên, 1 Phó chỉ huy.

Cấp chỉ huy trung đội, tiểu đội có 2 người gồm một trưởng, một phó.

Điều 12. Bộ Quốc phòng quy định chức trách cụ thể và chế độ quản lý đội ngũ cán bộ dân quân tự vệ ở cơ sở.

Điều 13. Vũ khí trang bị của dân quân tự vệ gồm vũ khí do Bộ Quốc phòng cấp, do địa phương và nhân dân chế tạo và vũ khí lấy được của địch.

Việc quản lý, sử dụng, bảo quản vũ khí, trang bị của dân quân tự vệ, chấp hành theo quy chế của Bộ Quốc phòng.

Điều 14. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ngành và các cơ sở thuộc quyền giải quyết các vấn đề về bảo đảm hậu cần và bảo dảm trang bị, kỹ thuật cho dân quân tự vệ trên địa bàn phụ trách.

Chương 3:

GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ

Điều 15.

Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ được học tập chính trị, huấn luyện quân sự theo chương trình quy định của Bộ Quốc phòng với thời gian như sau:

1- Chiến sĩ mới được huấn luyện 7 ngày trong năm đầu.

2- Cán bộ tiểu đội và chiến sĩ dân quân tự vệ đã qua chương trình chiến sĩ mới, được huấn luyện 5 ngày mỗi năm.

3- Cán bộ trung đội, đại đội được tập huấn ở huyện 5 ngày mỗi năm.

4- Cán bộ chỉ huy quân sự xã, phường, cán bộ chuyên trách công tác quân sự ở đơn vị cơ sở của Nhà nước mới được bổ nhiệm được bồi dưỡng tại trường quân sự địa phương 15 ngày. Sau đó mỗi năm được tập huấn 5 ngày.

5- Chỉ huy là thủ trưởng đơn vi cơ sở và chính trị viên xã, phường, đơn vị cơ sở được tập huấn và tham gia diễn tập 5 ngày mỗi năm.

Khi có chiến tranh, thời gian huấn luyện cho các đối tượng có thể dài hơn, theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 16. Thời gian học tập chính trị, huấn luyện quân sự của dân quân tự vệ được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ lao động công ích và phải được đưa vào chỉ tiêu kế hoạch.

Chương 4:

HOẠT ĐỘNG CHIẾN ĐẤU CỦA DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 17.

Hoạt động chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự của dân quân tự vệ tiến hành chủ yếu tại xã, phường, đơn vị cơ sở dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp uỷ Đảng và chính quyền ở cơ sở, sự chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự cơ sở và chỉ huy chung của người chỉ huy quân sự cấp trên.

Khi sử dụng dân quân tự vệ vào việc bảo vệ an ninh trật tự, phải theo đúng chức năng của dân quân tự vệ và các quy định của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 18.

Khi cần sử dụng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu ngoài phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố, huyện, quận, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận ra quyết định điều động theo đề nghị của người chỉ huy cơ quan quân sự cùng cấp.

Điều 19. Căn cứ vào kế hoạch tác chiến cơ bản ở cơ sở, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phương, thủ trưởng đơn vị cơ sở chỉ đạo việc triển khai các kế hoạch đảm bảo chiến đấu của dân quân tự vệ.

Chương 5:

CHẾ ĐỘI, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DÂN QUÂN TỰ VỆ

Điều 20. Nhà nước có chế độ, chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong thời gian phải thoát ly sản xuất để làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quân sự được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Điều 21.

Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ có thành tích trong chiến đấu và xây dựng, được xét khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ hoàn thành nhiệm vụ từ 5 năm trở lên, không có khuyến điểm nghiêm trọng, cán bộ các ngành, các đoàn thể có công chăm lo xây dựng dân quân tự vệ, được xét khen thưởng (tiêu chuẩn, hình thức khen do Bộ Quốc phòng nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định).

Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ khi thi hành nhiệm vụ, nếu phạm sai lầm, khuyến điểm, thì tuỳ theo mức độ vi phạm, sẽ bị thi hành kỷ luật hoặc bị xử lý theo pháp luật.

Chương 6:

TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

Điều 22.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng về chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ theo đúng đường lối quân sự của Đảng và các Nghị quyết, chỉ thị. .. của Hội đồng Bộ trưởng; nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành các chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trước có trách nhiệm chỉ đạo mọi mặt xây dựng và hoạt động của tự vệ cơ quan; theo dõi và đôn đốc các đơn vị cơ sở trong ngành mình xây dựng tự vệ theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương; giải quyết những vấn đề có liên quan đến tổ chức, xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ theo phạm vi chức năng và quyền hạn của mình.

Điều 23.

Chỉ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiện chỉ đạo các ngành và cơ quan quân sự cấp mình tổ chức thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến tổ chức, xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ theo nghị quyết của cấp uỷ cấp mình và mệnh lệnh của cơ quan quân sự cấp trên và thực hiện các chế độ, chính sách hiện hành đối với dân quân tự vệ.

Thủ trưởng các đơn vị cơ sở có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ ở cơ sở thuộc quyền theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương nơi cơ sở đóng.

Người đứng đầu các cơ sở kinh tế tập thể, chủ cơ sở kinh tế tư nhân, hợp doanh... có trách nhiệm bảo đảm cho người trong cơ sở mình tham gia dân quân, tự vệ được huấn luyện và hoạt động theo thời gian quy định.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng đơn vị cơ sở phải dành kinh phí, vật tư, phương tiện cho việc tổ chức, xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ.

Điều 24.

Các tư lệnh quân khu có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các tỉnh, thành phố, đặc khu về tổ chức, xây dựng và hoạt động của dân quân tự vệ.

Người chỉ huy cơ quan quân sự tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương), huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) và cơ sở (xã, phương, đơn vị cơ sở) là người chịu trách nhiệm trước cơ quan quân sự cấp trên và cấp uỷ, chính quyền cấp mình về chỉ đạo, chỉ huy lực lượng dân quân tự vệ trong xây dựng và hoạt động).

Bộ Tư lệnh quân chủng và binh chủng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc xây dựng các đơn vị dân quân tự vệ quân chủng, binh chủng.

Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn nào đều có trách nhiệm quan hệ với cơ quan quân sự địa phương tham gia xây dựng, củng cố dân quân tự vệ, phối hợp dìu dắt dân quân tự vệ trong hoạt động tác chiến, trị an.

Điều 25.

Các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Nông dân và tổ chức xã hội khác để đồng viên, giáo dục đoàn viên, hội viên, cán bộ, công nhân viên chức các tổ chức quần chúng trong độ tuổi quy định tích cực tham gia dân quân tự vệ, vận động nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức hăng hái giúp đỡ và thực hiện các chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ.

----------------------------

(1) Trích thư gửi nam nữ chiến sĩ dân quân, tự vệ và du kích toàn quốc năm 1947, in trong quyển "Hồ Chủ Tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân", nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội 1968.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 29-HĐBT năm 1990 ban hành Điều lệ dân quân tự vệ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 29-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/01/1990
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 29/01/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản