Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế

Chương 3:

CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP, KHU CHẾ XUẤT VÀ KHU KINH TẾ

Điều 16. Ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế

1. Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, kể cả dự án đầu tư mở rộng, được hưởng ưu đãi như sau:

a) Dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và dự án đầu tư sản xuất trong khu công nghiệp được áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và thực hiện tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

c) Dự án đầu tư không thuộc quy định tại mục a và mục b khoản 2 Điều này được áp dụng ưu đãi theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào khu kinh tế, kể cả dự án đầu tư mở rộng, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của Nghị định này.

4. Các dự án đầu tư sau đây được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp:

a) Dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư và thực hiện tại khu kinh tế hoặc tại khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu phi thuế quan trong khu kinh tế;

c) Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu kinh tế;

d) Dự án đầu tư có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực tại khu công nghiệp, khu kinh tế sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

5. Giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế.

6. Chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Điều 17. Phương thức huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu kinh tế

1. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng của khu kinh tế được bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương. Điều kiện, nguyên tắc và loại công trình được hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển khu kinh tế được phát hành trái phiếu công trình.

3. Công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cần thiết của khu kinh tế được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các trợ giúp kỹ thuật khác.

4. Thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

5. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong khu kinh tế được huy động vốn thông qua việc cho nhà đầu tư (trừ đối tượng được quy định tại điểm d khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư) có khả năng về tài chính và kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích đất chưa cho thuê để đầu tư và cho thuê lại đất.

6. Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ chung trong khu kinh tế được huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 18. Xuất cảnh, nhập cảnh, đi lại và cư trú, tạm trú ở khu kinh tế

1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế và các thành viên gia đình của họ được cấp thị thực xuất, nhập cảnh có giá trị nhiều lần và có thời hạn phù hợp với thời hạn làm việc tại khu kinh tế; được cư trú, tạm trú có thời hạn trong khu kinh tế và ở Việt Nam.

2. Đối với khu kinh tế cửa khẩu, việc xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú được thực hiện theo quy định sau:

a) Công dân của huyện nước láng giềng có biên giới đối diện với khu kinh tế cửa khẩu được qua lại khu kinh tế cửa khẩu bằng chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước láng giềng cấp; trường hợp muốn vào các địa điểm khác của tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu thì cơ quan công an tại tỉnh cấp giấy phép một lần, có giá trị trong một thời gian nhất định;

b) Người mang hộ chiếu không thuộc diện miễn thị thực (là công dân của nước láng giềng hay nước thứ ba), được miễn thị thực nhập cảnh và được lưu trú tại khu kinh tế cửa khẩu, thời gian lưu trú không quá 15 ngày; nếu đi du lịch ra khu vực khác của Việt Nam theo chương trình do các doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xét cấp thị thực nhập cảnh tại khu kinh tế cửa khẩu;

c) Phương tiện vận tải hàng hoá của nước láng giềng và nước thứ ba được vào khu kinh tế cửa khẩu theo các hợp đồng kinh doanh của đối tác nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp phương tiện vận tải này có nhu cầu giao nhận hàng hoá tại các địa điểm khác ngoài địa phận khu kinh tế cửa khẩu thì phải thực hiện theo quy định hiện hành.

Người điều hành phương tiện (thuyền viên trên các tàu, lái xe, phụ xe) được ra vào khu kinh tế cửa khẩu bằng hộ chiếu, sổ thuyền viên, chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

d) Cho phép mở rộng việc đón khách du lịch của nước láng giềng đi du lịch bằng hộ chiếu, thẻ hoặc các giấy tờ tương đương khác tại khu kinh tế cửa khẩu để đi đến các tỉnh, thành phố trong cả nước theo quy định tại mục b khoản 2 Điều này;

đ) Chủ hàng, chủ phương tiện của Việt Nam, có quan hệ kinh doanh với đối tác nước láng giềng được phép theo hàng hóa và phương tiện sang nước láng giềng để giao nhận hàng hoá bằng chứng minh thư hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

e) Công dân Việt Nam làm ăn, sinh sống trên địa bàn huyện, thị xã có khu kinh tế cửa khẩu được sang nước láng giềng bằng chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới phù hợp với điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước láng giềng hữu quan hoặc nếu được nước này đồng ý.

Điều 19. Quy định về tài chính và tín dụng đối với khu kinh tế

1. Việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu có thể thực hiện bằng Đồng Việt Nam, Đồng Nhân dân Tệ Trung Quốc, Kíp Lào, Riên Campuchia và các ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Các tổ chức tín dụng được phép thành lập và hoạt động tại khu kinh tế theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng.

3. Khách tham quan du lịch trong nước và ngoài nước vào khu phi thuế quan trong khu kinh tế cửa khẩu được phép mua các loại hàng hóa nhập khẩu và mang về nội địa, được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4. Tổ chức, cá nhân có thành tích vận động vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vận động dự án đầu tư vào khu kinh tế được khen, thưởng theo Quy chế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.

Điều 20. Lưu trú, tạm trú trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

1. Trong khu công nghiệp, khu chế xuất không có dân cư sinh sống.

2. Chỉ những nhà đầu tư, người làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và những người có quan hệ công tác với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được ra vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất. Các đối tượng nêu trên không được lưu trú trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất trừ trường hợp được phép của Ban Quản lý.

3. Trường hợp cần thiết, chuyên gia nước ngoài được phép tạm trú tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc tạm trú của chuyên gia nước ngoài phải đáp ứng điều kiện sau:

a) Để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Không kèm theo gia đình và người thân;

c) Phải tuân thủ thủ tục đăng ký và khai báo tạm trú theo quy định hiện hành về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

d) Doanh nghiệp phải tổ chức nơi ở riêng biệt và phải cam kết việc tạm trú của chuyên gia nước ngoài đảm bảo an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động của khu công nghiệp, khu chế xuất.

Điều 21. Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

1. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu phi thuế quan theo quy định của pháp luật. Quy định là doanh nghiệp chế xuất được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư.

2. Khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.

3. Doanh nghiệp chế xuất được mua văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với những loại hàng hóa này.

4. Thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo pháp luật về hải quan.

5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu phi thuế quan, là quan hệ xuất, nhập khẩu.

6. Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan.

Nghị định 29/2008/NĐ-CP về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế

  • Số hiệu: 29/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/03/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 26/03/2008
  • Số công báo: Từ số 201 đến số 202
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH