Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1999

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 26/1999/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 4 NĂM 1999 VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo pháp luật;
Theo đề nghị của Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo.

Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 2. Công dân theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ công dân.

Điều 3. Các hoạt động tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 4. Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng và hợp pháp của tín đồ được bảo đảm.

Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân được khuyến khích.

Điều 5. Mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân, làm hại đến nền văn hóa lành mạnh của dân tộc và hoạt động mê tín dị đoan đều bị xử lý theo pháp luật.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Mọi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo nào, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo.

Điều 7.

1. Tín đồ có quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo không trái với chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tiến hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện tại gia đình và tham gia các hoạt động tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức, phục vụ lễ nghi tôn giáo tại cơ sở thờ tự.

2. Tín đồ không được lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm trái pháp luật, không được hoạt động mê tín dị đoan.

Điều 8.

1. Tổ chức tôn giáo có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức phù hợp với pháp luật và được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động thì được pháp luật bảo hộ.

2. Các hoạt động tôn giáo tại cơ sở thờ tự tôn giáo (các buổi cầu nguyện, hành lễ, giảng đạo, học tập giáo lý) đã đăng ký hàng năm và thực hiện trong khuôn viên cơ sở thờ tự thì không phải xin phép.

3. Những hoạt động tôn giáo vượt ra ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự hoặc chưa đăng ký hàng năm phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Tổ chức tôn giáo được tạo nguồn tài chính từ sự ủng hộ tự nguyện của cá nhân, tổ chức, từ những thu nhập hợp pháp khác.

Việc tổ chức quyên góp phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép. Nghiêm cấm việc ép buộc tín đồ đóng góp.

Việc quản lý, sử dụng các khoản tài chính có được từ các nguồn trên đây thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức tôn giáo hoạt động trái tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thì bị đình chỉ hoạt động. Những cá nhân chịu trách nhiệm về những vi phạm đó bị xử lý theo pháp luật.

Điều 9. Các cuộc tĩnh tâm của linh mục trong giáo phận, của các tu sĩ tập trung từ nhiều cơ sở, dòng tu của đạo Thiên chúa, các cuộc bồi linh của mục sư và truyền đạo của đạo Tin lành, các kỳ an cư của tăng, ni đạo Phật và những sinh hoạt tôn giáo tương tự của các tôn giáo khác thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về tôn giáo.

Điều 10.

1. Đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo cấp toàn quốc hoặc có liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được phép của Thủ tướng Chính phủ;

2. Đại hội, hội nghị của tổ chức tôn giáo các cấp ở địa phương phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 11.

1. Nhà nước bảo hộ nơi thờ tự của tổ chức tôn giáo.

2. Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm giữ gìn, tu bổ nơi thờ tự.

3. Nhà, đất và các tài sản khác đã được tổ chức, cá nhân tôn giáo chuyển giao cho các cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng do thực hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tặng, hiến cho Nhà nước thì đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 12.

1. Việc sửa chữa, xây dựng tại cơ sở thờ tự đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh thực hiện theo quy định tại "Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh" ngày 31 tháng 3 năm 1984.

2. Việc tu bổ và sửa chữa nhỏ, không làm thay đổi cấu trúc, kiến trúc công trình thuộc cơ sở thờ tự do cơ sở thờ tự tổ chức thực hiện sau khi thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại.

3. Việc sửa chữa lớn làm thay đổi cấu trúc, kiến trúc công trình tại cơ sở thờ tự, việc khôi phục công trình thờ tự bị hoang phế, bị hủy hoại do chiến tranh, thiên tai, rủi ro; việc tạo lập cơ sở thờ tự, việc xây dựng công trình thờ tự (nhà, tượng, bia, đài, tháp và các công trình nhằm mục đích thờ tự) phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Việc tổ chức quyên góp để tạo nguồn tài chính cho việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 13. Việc hành đạo được bảo đảm thực hiện bình thường tại cơ sở thờ tự tôn giáo được xếp hạng theo quy định tại "Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh" ngày 31 tháng 3 năm 1984.

Điều 14.

1. Việc in, xuất bản các loại kinh, sách và các xuất bản phẩm tôn giáo, việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng trong việc đạo thực hiện theo các quy chế của Nhà nước về in, xuất bản, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, hàng hóa.

2. Cấm in, sản xuất, kinh doanh, lưu hành, tàng trữ sách báo, văn hóa phẩm có nội dung chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc, gây mất đoàn kết trong nhân dân.

Điều 15.

1.Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo có quyền:Được thực hiện chức trách, chức vụ tôn giáo của mình trong phạm vi trách nhiệm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;Được Nhà nước xét khen thưởng công lao đóng góp trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;Được hưởng các quyền lợi chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân.

2. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo có nghĩa vụ:

- Thực hiện đúng chức trách, chức vụ tôn giáo trong phạm vi trách nhiệm tôn giáo đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động tôn giáo trong phạm vi trách nhiệm đó;

- Động viên tín đồ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Điều 16. Người mạo danh chức sắc, nhà tu hành tôn giáo bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị quản chế hành chính không được thực hiện chức trách, chức vụ tôn giáo. Việc phục hồi chức trách, chức vụ tôn giáo của người đã hết hạn chấp hành các hình phạt kể trên phải do tổ chức tôn giáo quản lý người đó đề nghị và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 17.

1. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo được hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội như mọi công dân khác.

2. Chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo hoạt động từ thiện theo quy định của Nhà nước. Các cơ sở từ thiện do chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo bảo trợ hoạt động theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Điều 18.

1. Việc mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

2. Tổ chức và hoạt động của các trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thực hiện theo các quy định của Ban Tôn giáo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thực hiện các quy chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng của Nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sở tại.

Điều 19.

1. Các dòng tu (hoặc các hình thức tổ chức tu hành tập thể tương tự) muốn hoạt động phải xin phép và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc tiếp nhận người nhập tu thực hiện theo quy định của Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Điều 20.

1. Việc phong giáo phẩm Hòa thượng trong đạo Phật, Hồng y, Giám mục, chức vụ Giám quản trong đạo Thiên chúa và các giáo phẩm, chức vụ tương đương trong các tôn giáo khác phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc phong chức cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo không thuộc diện nói tại khoản 1 Điều này phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 21. Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển những chức sắc, nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo, kể cả những người do tín đồ bầu ra tùy theo địa bàn hoạt động cụ thể phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân quản lý hành chính các địa bàn đó chấp thuận.

Điều 22.

1. Tổ chức, cá nhân tôn giáo báo cáo với Ban Tôn giáo của Chính phủ về những hướng dẫn của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài và thực hiện những hướng dẫn đó theo sự chấp thuận của Ban Tôn giáo của Chính phủ.

2. Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo được tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài phong giáo phẩm, phong chức, bổ nhiệm phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 23. Hoạt động quốc tế của tổ chức, cá nhân tôn giáo phải tuân thủ pháp luật và phù hợp với chính sách đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghiã Việt Nam trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và hữu nghị.

Điều 24.

1. Tổ chức, cá nhân tôn giáo ở trong nước mời tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài vào Việt Nam phải được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân ở trong nước tham gia làm thành viên của tổ chức tôn giáo ở nước ngoài, tham gia các hoạt động tôn giáo hoặc có liên quan đến tôn giáo ở nước ngoài thực hiện theo quy định của Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Điều 25.

1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật Việt Nam. Việc tập trung thành nhóm riêng để sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự phải được phép của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, kể cả tổ chức, cá nhân tôn giáo, vào Việt Nam để hoạt động ở các lĩnh vực không phải là tôn giáo thì không được tổ chức, điều hành hoặc tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động tôn giáo không được truyền bá tôn giáo.

Điều 26.

1. Các hoạt động viện trợ của các tổ chức tôn giáo nước ngoài hoặc có liên quan đến tôn giáo nước ngoài đều tuân theo chính sách, chế độ quản lý viện trợ hiện hành và thông qua các cơ quan được Chính phủ Việt Nam giao phụ trách công tác quản lý viện trợ.

2. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước muốn nhận viện trợ thuần tuý tôn giáo phải xin phép Thủ tướng Chính phủ.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Nghị định này thay thế Nghị định số 69/HĐBT ngày 21 tháng 3 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 28. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 29. Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 26/1999/NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo

  • Số hiệu: 26/1999/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/04/1999
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/05/1999
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 04/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản