Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 257-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỐ 101-SL/L003 NGÀY 20-05-1957 VỀ QUYỀN TỰ DO HỘI HỌP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật số 101-SL/L003 ngày 20 tháng 05 năm 1957 quy định quyền tự do hội họp;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nghị định này quy định chi tiết thi hành Luật số 101-SL/L003 ngày 20 tháng 05 năm 1957 về quyền tự do hội hợp.

Điều 2. – Những cuộc hội họp nói ở điều 2 của luật không phải xin phép, nhưng để đảm bảo việc giữ gìn trật tự an ninh chung, người tổ chức phải báo với Ủy ban Hành chính nơi hội họp (Ủy ban Hành chính khu phố, thị xã, thị trấn, hoặc xã trong những trường hợp sau đây:

1) Cuộc hội họp có tính chất gia đình, giữa thân thuộc bè bạn, không phải là cưới hỏi, ma chay hoặc giỗ tết mà có trên 20 người tham dự;

2) Cuộc hội họp là của một hội hợp pháp không ở trong Mặt trận dân tộc thống nhất, mà có trên 20 người tham dự:

3) Cuộc hội hợp tổ chức ở những nơi công cộng mà Ủy ban Hành chính thành phố hoặc tỉnh đã ấn định.

Điều 3. – Việc báo trước nói trong điều 2 trên đây phải làm chậm nhất là 24 giờ trước giờ hội họp bằng giấy tờ hoặc báo miệng.

Khi báo việc tổ chức cuộc họp thì phải cho biết rõ:

- Tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của người, tổ chức,

- Mục đích, nơi, ngày, giờ và thời gian hội hợp.

- Ước lượng số người tham dự

Điều 4.- Ngoài các cuộc hội họp nói trong điều 2 của Luật số 101-SL/l003 ngày 20 tháng 05 năm 1957, các cuộc hội họp khác đều phải xin phép trước theo thể thức quy định trong các điều 5 và 6 dưới đây.

Điều 5. - Hội họp ở nơi nào sẽ xin phép Ủy ban Hành chính nơi đó (Ủy ban Hành chính khu phố, thị xã, thị trấn hoặc xã)

Trong trường hợp tập hợp nhiều người ở các khu phố, thị xã, thị trấn, hoặc xã khác đến tham gia cuộc hội họp, thì phải xin phép Ủy ban Hành chính cấp trên tùy theo phạm vi tập hợp người đến hội hợp.

Điều 6. – Đơn xin phép hội hợp phải đưa đến cơ quan có thẩm quyền cho phép trước giờ định họp, chậm nhất là 3 ngày tròn nếu là họp ở thành phố và thị xã, và 5 ngày tròn nếu là họp ở nông thôn.

Trong đơn xin phép hội họp phải ghi rõ:

- Tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ của người tổ chức,

- Mục đích, chương trình cuộc họp,

- Nơi, ngày, giờ và thời gian hội họp,

- Ước lượng số người tham dự.

Trường hợp người xin phép không phải là người ở địa phương nơi hội hợp thì phải có một người ở địa phương ấy cùng đứng đơn xin phép.

Khi nhận đơn, Ủy ban Hành chính cấp ngay cho người nộp đơn một giấy biên nhận có ghi rõ ngày giờ nhận được.

Người xin phép tổ chức hội họp phải đợi có giấy phép rồi mới được triệu tập.

Điều 7.- Các cơ quan có thẩm quyền nhận việc báo trước hoặc đơn xin phép kể trong các điều 2 và 5 trên đây, có quyền cấm hoặc giải tán các cuộc hội hợp trong các trường hợp nói ở điều 5 và 7 của luật và cảnh cáo hoặc yêu cầu tòa án truy tố những người phạm pháp.

Điều 8. – Trong tình thế khẩn cấp, các Ủy ban Hành chính liên khu, khu, thành phố Hà Nội và Hải Phòng và các tỉnh trực thuộc Chính phủ trung ương có quyền tạm thời hạn chế các cuộc hội hợp ở địa phương mình trong thời gian dài nhất là 5 ngày, nhưng phải báo cáo ngay lên Bộ Nội vụ.

Điều 9. – Những thể lệ trái với nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 10. – Các Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 257-TTg năm 1957 hướng dẫn Luật quyền tự do hội họp do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 257-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/06/1957
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản