Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 24/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Quảng cáo

Chương 3:

HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Điều 21. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo do Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp được hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân nước ngoài để kinh doanh dịch vụ quảng cáo dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư.

Điều 22.

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tiếp nhận, gửi hồ sơ cho Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan nhà nước liên quan lấy ý kiến tham gia trong việc thẩm định các dự án có vốn đầu tư nước ngoài về lĩnh vực quảng cáo.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin tham gia ý kiến trong việc thẩm định đối với các dự án đầu tư nước ngoài về lĩnh vực quảng cáo.

3. Trong thời hạn tối đa không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hoá - Thông tin phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đầu tư.

4. Nội dung tham gia ý kiến trong việc thẩm định đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài gồm:

a) Mức độ phù hợp của dự án đối với quy hoạch quảng cáo;

b) Trình độ kỹ thuật và công nghệ quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

c) Lợi ích kinh tế - xã hội;

d) Phạm vi và lĩnh vực quảng cáo;

đ) Các quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

Điều 23. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép đầu tư nước ngoài trước khi hoạt động trong thời hạn năm ngày làm việc phải thông báo bằng văn bản đến Sở Văn hoá - Thông tin nơi đặt trụ sở, kèm theo bản sao giấy phép đầu tư nước ngoài (có công chứng).

Điều 24.

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam khi đã có đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc các giấy tờ tương tự hợp pháp theo quy định của nước mà tổ chức, cá nhân đó mang quốc tịch.

2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đề nghị thành lập Văn phòng đại diện có trách nhiệm cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

3. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện và người làm việc tại Văn phòng đại diện:

a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về quảng cáo;

b) Chỉ được hoạt động theo nội dung cụ thể ghi trong giấy phép thành lập;

c) Được thuê người Việt Nam và người nước ngoài vào làm việc; người làm việc tại Văn phòng đại diện phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Được mở tài khoản chuyên chi bằng ngoại tệ và tài khoản chuyên chi bằng đồng tiền Việt Nam có gốc ngoại tệ ở ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện; Văn phòng đại diện có con dấu riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Báo cáo định kỳ mỗi năm một lần về các hoạt động của Văn phòng đại diện với cơ quan cấp phép.

Điều 25.

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được cấp giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây :

a) Có đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc các giấy tờ tương tự hợp pháp theo quy định của nước mà tổ chức, cá nhân đóng trụ sở chính;

b) Đã hoạt động từ năm năm trở lên kể từ khi đăng ký kinh doanh và có Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ bảy năm trở lên kể từ tháng 12 năm 2001 nếu không vi phạm pháp luật Việt Nam.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập Chi nhánh hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

3. Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh và người làm việc tại Chi nhánh :

a) Hoạt động theo các nội dung ghi trong giấy phép;

b) Được thuê người Việt Nam và người nước ngoài vào làm việc; người làm việc tại Chi nhánh phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;

c) Phải thực hiện chế độ kế toán và chỉ được áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Báo cáo định kỳ mỗi năm một lần đến cơ quan cấp phép các hoạt động của Chi nhánh, báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan kiểm toán Việt Nam hoặc cơ quan kiểm toán độc lập được phép hoạt động tại Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam, Chi nhánh có nghĩa vụ báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề liên quan đến hoạt động của mình.

Điều 26.

1. Hồ sơ cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh gồm :

a) Đơn của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đề nghị cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh (theo mẫu do Bộ Văn hoá - Thông tin quy định);

b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các giấy tờ tương tự hợp pháp theo quy định của nước sở tại được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận và bản dịch ra tiếng Việt Nam. Bản sao đó phải được cơ quan công chứng nước sở tại hoặc cơ quan Đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đến cơ quan cấp phép quy định tại Điều 24, Điều 25 của Nghị định này.

3. Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp phép phải có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

4. Nội dung, thời gian hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh được ghi cụ thể trong giấy phép.

5. Trong thời hạn bốn mươi lăm ngày làm việc, kể từ ngày được cấp giấy phép, Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải hoạt động và phải có văn bản thông báo cho cơ quan cấp phép về địa điểm đặt trụ sở, số người Việt Nam, số người nước ngoài làm việc tại Văn phòng đại diện, Chi nhánh.

6. Trong trường hợp Văn phòng đại diện, Chi nhánh của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài có thay đổi về tên gọi, quốc tịch; họ tên người đại diện; số người nước ngoài làm việc tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện; nội dung hoạt động, địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải thông báo cho cơ quan cấp phép biết.

Điều 27.

1. Giấy phép đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn giấy phép nhưng vẫn tiếp tục hoạt động;

b) Hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong giấy phép;

c) Dùng danh nghĩa Văn phòng đại diện để tiến hành kinh doanh dịch vụ quảng cáo;

d) Vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động quảng cáo và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài có Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh tại Việt Nam;

b) Khi có quyết định về việc thu hồi, huỷ bỏ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải gửi văn bản thông báo việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh đến cơ quan cấp phép trong thời hạn ít nhất ba mươi ngày làm việc trước ngày chấm dứt hoạt động và phải nộp lại giấy phép cho cơ quan cấp phép.

Điều 28. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam được quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình ở nước ngoài theo các quy định của pháp luật nước sở tại và quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Nghị định 24/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Quảng cáo

  • Số hiệu: 24/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/03/2003
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 19 đến số 20
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH