Hệ thống pháp luật

Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.

2. Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của người chết.

3. Các hình thức táng người chết bao gồm: Mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác.

4. Táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết.

5. Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất.

6. Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn.

7. Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.

8. Cải táng là việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.

9. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng.

10. Hỏa táng (bao gồm cả điện táng) là thực hiện việc thiêu thi hài hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.

11. Hoạt động xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng là hoạt động bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

12. Cơ sở hỏa táng là cơ sở vật chất bao gồm lò hỏa táng và các công trình phụ trợ khác (khu văn phòng, khu kỹ thuật, khu lưu trữ tro cốt, nhà tang lễ, các công trình hạ tầng kỹ thuật).

13. Quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh là việc tổ chức hệ thống các nghĩa trang, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ trong địa giới hành chính của một tỉnh phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

14. Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang/cơ sở hỏa táng là việc tổ chức không gian, phân khu chức năng và tổ chức hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật cho một nghĩa trang/cơ sở hỏa táng.

15. Cải tạo và mở rộng nghĩa trang là việc chỉnh trang, nâng cấp các công trình trong nghĩa trang đang sử dụng và xây dựng mới theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với diện tích mở rộng nhằm bảo đảm về cảnh quan, môi trường.

16. Đóng cửa nghĩa trang là việc không cho phép tiếp tục thực hiện các hoạt động táng trong nghĩa trang.

17. Di chuyển nghĩa trang là thực hiện việc chuyển toàn bộ thi hài, hài cốt trong nghĩa trang đến một nghĩa trang khác được xây dựng theo quy hoạch.

18. Dịch vụ nghĩa trang bao gồm tổ chức tang lễ, mai táng; xây mộ, cải táng, chăm sóc mộ, tu sửa mộ; bảo quản, lưu giữ tro cốt và dịch vụ phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm.

19. Dịch vụ hỏa táng bao gồm tổ chức tang lễ, hỏa táng thi hài hoặc hài cốt và bảo quản, lưu giữ tro cốt.

20. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang, hỏa táng là người trực tiếp ký hợp đồng sử dụng dịch vụ nghĩa trang hoặc là người có quan hệ với người được táng đứng tên ký hợp đồng sử dụng dịch vụ nghĩa trang, hỏa táng.

21. Giá dịch vụ nghĩa trang là toàn bộ các chi phí được tính đúng, tính đủ cho phần mộ cá nhân và mức lợi nhuận hợp lý để thực hiện dịch vụ nghĩa trang.

22. Giá dịch vụ hỏa táng là toàn bộ các chi phí hỏa táng được tính đúng, tính đủ cho một ca hỏa táng và mức lợi nhuận hợp lý để thực hiện dịch vụ hỏa táng.

Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng

  • Số hiệu: 23/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/04/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 14/04/2016
  • Số công báo: Từ số 285 đến số 286
  • Ngày hiệu lực: 27/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH