Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 206-VP/NgĐ

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH THỂ LỆ CHO VAY ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM

Căn cứ phong trào hợp tác hóa ở nông thôn miền Bắc;
Xét nhu cầu vốn sản xuất của các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp;
Theo công văn số 3849-TN ngày 21-10-1959 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nội dung bản thể lệ cho vay đối với Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành thể lệ cho vay đối với Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kèm theo Nghị định này.

Điều 2: - Thể lệ này áp dụng kể từ ngày ban hành.

Điều 3: - Cục Tín dụng nông thôn có trách nhiệm nghiên cứu chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Điều 4: - Ông Chánh Văn phòng Ngân hàng trung ương, ông Giám đốc Cục Tín dụng nông thôn và các ông Trưởng chi nhánh Ngân hàng các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng

THỂ LỆ TẠM THỜI

CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Sau cải cách ruộng đất, để đủ điều kiện cải tiến kỹ thuật canh tác, hợp lý hóa công việc làm ăn, tăng năng suất lao động làm cho sức sản xuất tăng lên, Đảng và Chính phủ đã hướng dẫn nông dân tổ chức các Hợp tác xã sản xuất, thực hiện cải tạo nền kinh tế tiểu nông.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16 và khóa họp Quốc hội lần thứ 10 đã nhận định phong trào hợp tác hóa nông thôn hiện nay đang trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi và quyết nghị “Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội là một nhiệm vụ cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân”

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đang phát triển và sẽ tiến triển mạnh mẽ, đi từ trình độ thấp đến trình độ cao, từ sản xuất đơn thuần đến toàn diện, nhiều ngành nhiều nghề. Quy mô sản xuất sẽ ngày một lớn, vấn đề cải tiến kỹ thuật nông nghiệp sẽ được thực hiện, do đó nhu cầu về vốn sản xuất và xây dựng cơ bản cũng ngày càng nhiều. Nhà nước cần có sự giúp đỡ đúng mức mới có thể thực hiện thắng lợi được nhiệm vụ cải tạo nông nghiệp lớn lao đó, Lê-nin đã dạy rằng: “Cuộc chuyển biến này chỉ có thể thực hiện được với điều kiện là Nhà nước nhân dân giúp đỡ rộng rãi các nông trường tập thể và các hợp tác xã về mặt tổ chức vật chất và tài chính”. Trong các mặt đó, Ngân hàng thông qua biện pháp tín dụng phải là đòn xeo đẩy mạnh nền kinh tế tiểu nông tiến theo con đường hợp tác và vĩnh viễn xóa bỏ chế độ người bóc lột người làm cho kinh tế nông thôn phát triển không ngừng.

Để giúp cho phong trào đó tiến triển thuận lợi và nhanh chóng mau thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, bên cạnh các chính sách và biện pháp khuyến khích khác của Đảng và Chính phủ, Ngân hàng cần giúp đỡ giải quyết một phần về vốn sản xuất càng ngày càng lớn của hợp tác xã. Nhằm mục đích đó, Ngân hàng quốc gia ban hành bản thể lệ cho vay đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.

Chương 1:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Mục A. Mục đích ý nghĩa cho vay đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp

Điều 1. – Ngân hàng quốc gia cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay nhằm mục đích:

1. Giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp giải quyết nhu cầu về vốn sản xuất nông nghiệp làm cho hợp tác xã trở thành hạt nhân của việc cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

2. Giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp giải quyết những khó khăn về vốn sản xuất để phát triển nhiều ngành nhiều nghề chủ yếu là nông nghiệp để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và vật tư cho xuất khẩu, góp phần vào việc phát triển kinh tế quốc dân.

3. Thông qua công tác cho vay, Ngân hàng thực hiện giúp đỡ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, tài vụ và thực hiện chế độ hạch toán kinh tế làm cho hợp tác xã càng ngày càng tích lũy thêm vốn, phát triển thêm sản xuất theo kế hoạch phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa.

Trên cơ sở sản xuất được phát triển, đời sống xã viên được nâng cao, phong trào hợp tác hóa được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho khối liên minh công nông được củng cố vững chắc.

Mục B. - Nguyên tắc cho vay đối với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp:

Điều 2. – Ngân hàng quốc gia cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay theo các nguyên tắc sau đây:

1. Các hợp tác xã sản xuất chỉ được dùng vốn vào mục đích nhất định ghi trong kế hoạch vay vốn và chỉ được nhận vốn vay theo mức thực hiện kế hoạch.

2. Các hợp tác xã phải dùng vốn vay theo đúng kế hoạch nếu dùng không hết thì phải hoàn trả ngay số tiền thừa. Nếu nhường bán phương tiện mua sắm bằng vốn vay thì phải trả nợ ngay mặc dù chưa đến hạn, trừ trường hợp có thay thể bằng một phương tiện tương tư ngang giá hay cao giá hơn thì không phải trả trước hạn.

3. Các hợp tác xã sản xuất phải trả lại cả vốn và lãi theo đúng kế hoạch và thời hạn đã được thỏa thuận ấn định khi vay vốn.

Mục C. Điều kiện vay vốn

Điều 3. – Các hợp tác xã nông nghiệp cần vay vốn của Ngân hàng phải có các điều kiện sau đây:

1. Phải được cấp trên công nhận (nếu là hợp tác xã cao cấp cũng phải được cấp trên công nhận là cao cấp).

2. Phải tổ chức được vốn tự có và bỏ vốn tự có vào các mặt sản xuất.

3. Phải mở tài khoản và gửi những số tiền tạm thời chưa dùng đến vào chi điếm Ngân hàng hoặc một hợp tác xã tín dụng được ủy nhiệm. Tiền quỹ không thể phân chia phải gửi theo tài khoản riêng.

4. Phải lập các kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài vụ và kế hoạch vay vốn và thông qua Đại hội xã viên.

5. Phải có sổ sách kế toán ghi chép rõ ràng.

Chương 2:

CÁC LOẠI CHO VAY

Tiết I: CHO VAY DÀI HẠN: CHO VAY MUA SẮM PHƯƠNG TIỆN ĐẶT TIỀN XÂY DỰNG THIẾT BỊ CƠ BẢN

Mục A: Cho vay mua sắm phương tiện, đặt tiền thiết bị xây dựng cơ bản, trồng trọt chăn nuôi và chế biến:

Điều 4. – Ngân hàng Quốc gia cho các Hợp tác xã vay để mua sắm phương tiện thiết bị, xây dựng kiến thiết cơ bản thêm trồng trọt, chăn nuôi và chế biến. Thuộc loại cho vay này có các đối tượng sau:

1. Mua sắm các súc vật lao động và các súc vật sinh đẻ.

2. Mua sắm các phương tiện sản xuất thô sơ không có tính chất cơ giới như nông cụ cải tiến, guồng nước, quạt hòm, máy tuốc lúa, gieo hạt các phương tiện vận tải không có động cơ.

3. Mua sắm các phương tiện bán cơ giới và cơ giới như máy móc các loại chạy bằng sức hơn nước, bằng sức điện, chạy bằng chất dầu như máy bơm nước, máy phát điện nhỏ v.v…

4. Mua sắm các loại phân để thay đổi chất đất.

5. Chi phí trong các cây công kỹ nghệ lâu năm, các cây ăn quả và để khai thác đất hoang.

6. Làm các công trình thủy lợi bậc trung.

7. Xây dựng các cơ sở chăn nuôi và chế biến sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm chăn nuôi.

Thuộc chăn nuôi có các loại chăn nuôi cá, chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi tằm. Thuộc loại chế biến khi nguyên vật liệu là sản phẩm trồng trọt hoặc chăn nuôi của chính Hợp tác xã sản xuất ra. Ví dụ: làm bột, bật bông, kéo sợi, ép mật, lò xấy thuốc lá v.v…. Nếu hợp tác xã phải mua đại bộ phận nguyên vật liệu để chế biến thành không thuộc loại cho vay này.

Điều 5. – Những công trình có tính chất thí nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi và những công trình không trực tiếp phục vụ cho sản xuất đều không được Ngân hàng cho vay.

Điều 6. – Khi Hợp tác xã cần vay để xây dựng những công trình tương đối lớn thuộc loại cơ giới, trung, thủy lợi phải lập dự trù thiết kế hẳn hoi và được các ty chuyên môn có liên quan cho ý kiến.

Điều 7. – Tổng số cho vay các đối tượng thuộc loại này nói chung tối đa không quá 50% tổng số vốn cần thiết để mua sắm xây dựng cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi và chế biến trong thời gian kế hoạch. Những chi phí xây dựng do xã viên bỏ ra bằng sức lao động cũng được tính vào tổng số vốn bỏ ra xây dựng khi tính tỷ lệ cho vay.

Điều 8. – Thời hạn cho vay đối với loại cho vay này định như sau:

- Đối với các công trình thủy lợi bậc trung, các mua sắm xây dựng thiết bị có tính chất cơ giới và bán cơ giới có thời hạn tối đa nói chung không quá 5 năm.

- Đối với các đối tượng khác thời hạn cho vay nói chung không quá 3 năm.

Điều 9. – Hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch Hợp tác xã phải trích hoàn vốn và lãi dần cho Ngân hàng và thanh toán nợ đúng hạn đã ghi trong khế ước.

Số tiền hoàn trả lại cho những đối tượng trên căn cứ ở số tiền khấu hao phương tiện cơ bản công với số tiền ở quỹ tích lũy của các Hợp tác xã và tiền góp cổ phần của xã viên mới.

Mục B. Cho vay dài hạn mua sắm và xây dựng cơ bản về tiểu thủ công, đánh cá, làm muối:

Điều 10. – Thuộc loại cho vay này có các loại:

- Cho vay để mua sắm các dụng cụ thiết bị, để trả các chi phí xây dựng các cơ sở sản xuất.

- Cho vay để mua sắm thuyền lưới đánh cá, khai hoang đồng muối.

Những nghề có tính chất chế biến những nguyên vật liệu chủ yếu là Hợp tác xã mua ở ngoài không do Hợp tác xã sản xuất ra thì thuộc loại cho vay này mà không thuộc loại cho vay chế biến ở trên.

Điều 11. – Ngân hàng cho vay loại này nói chung tối đa không quá 40% tổng số chi phí về xây dựng và trang bị cho cơ sở sản xuất.

Điều 12. – Ngân hàng cho vay loại này với điều kiện là Hợp tác xã phải có dự trù tính toán kế hoạch sản xuất, kế hoạch đảm bảo nguyên vật liệu, kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, kế hoạch thu chi tài vụ lỗ lãi, nghĩa là phải hạch toán riêng. Trong kế hoạch của Hợp tác xã có tiểu khoản theo dõi riêng về mặt sản xuất này cả về thu hoạch và chi phí. Ngân hàng không cho Hợp tác xã vay về tiểu thủ công khi Hợp tác xã kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa là thuê mượn nhân công ngoài để kiếm lãi tăng thu cho xã viên. Chủ yếu nhân công phải là xã viên chuyên nghiệp, xã viên làm việc được ghi công điểm, lỗ lãi thu hoạch góp và thu hoạch của Hợp tác xã.

Điều 13. – Thời hạn cho vay nói chung tối đa là 3 năm.

Tiết II: CHO VAY NGẮN HẠN CHO VAY CHI PHÍ SẢN XUẤT

Mục A: Cho vay chi phí sản xuất trồng trọt, chăn nuôi chế biến:

Điều 14. – Ngân hàng cho vay những đối tượng chi phí bằng tiền trực tiếp cho sản xuất. Các chi phí trực tiếp gồm có: chi phí mua nguyên vật liệu (mua thêm nguyên liệu khi cần thiết cho chế biến, nguyên vật liệu khác như phân, vôi) nhiên liệu than củi, xăng, dầu mỡ, mua thêm giống, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, mua sắm dụng cụ nhỏ trong sản xuất, các phương tiện ít tiền, các dụng cụ thay thế và sửa chữa các máy móc, mua giống để chăn nuôi cho béo, cho lớn, các dụng cụ nuôi tằm, tiền thuê nhân công chuyên môn. Những tiền công trả ứng trước cho xã viên và những chi phí gián tiếp như quản lý phí, hành chính phí, Ngân hàng không cho vay.

Điều 15. – Ngân hàng cho vay loại này với mức tối đa không quá 50% tổng số chi phí trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

Điều 16. – Thời hạn cho vay ấn định căn cứ vào thời gian thu hoạch sản phẩm, trong trường hợp Hợp tác xã chưa hạch toán riêng về chế biến, trồng trọt và chăn nuôi, nếu sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi lại đem dùng vào chế biến thì thời hạn định tới khi bán các sản phẩm đã chế biến, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Mục B: Cho vay chi phí sản xuất về tiểu thủ công khai thác đánh cá và làm muối:

Điều 17. – Ngân hàng cho vay loại này để giúp cho Hợp tác xã mua sắm các dụng cụ nhỏ sửa chữa và thay thế, mua nguyên vật liệu sắm dọn thuyền lưới đánh cá từng chuyến, từng vụ, và trả tiền công thợ chuyên môn kỹ thuật trường hợp cần thiết để hướng dẫn lúc mới kinh doanh.

Nhưng nghề có tính chất chế biến nhưng nguyên liệu đại bộ phận phải mua ở ngoài vào không phải do chính Hợp tác xã sản xuất ra thì thuộc loại cho vay này không thuộc loại cho vay chế biến.

Ngân hàng áp dụng thể lệ này đối với các Hợp tác xã nông ngư nghiệp, còn đối với Hợp tác xã ngư nghiệp không áp dụng thể lệ này.

Điều 18. – Ngân hàng cho vay loại này nói chung tối đa không quá 50% số chí phí cần thiết để sản xuất ghi theo kế hoạch tính theo những đối tượng cho vay trên (nghĩa là không được tính những chi phí nhân công và chi phí gián tiếp vào).

Điều 19. – Thời hạn cho vay nói chung không quá 12 tháng. Khi đã ấn định thời hạn phải căn cứ vào thu hoạch. Nếu là sản xuất có thời vụ thì sau khi hết thời vụ Hợp tác xã phải hoàn lại nợ. Nếu là nghề sản xuất thường xuyên trong suốt năm thì Hợp tác xã phải hoàn lại nợ khi Hợp tác xã quyết toán phân chia hoa lợi ruộng đất (tức là lúc phân chia cả hoa lợi về tiểu thủ công): Để tiếp tục sản xuất, Hợp tác xã có thể dùng quỹ sản xuất về trồng trọt đã hoàn lại khi quyết toán nhưng chưa dùng đến. Khi nào cần trồng trọt thiếu vốn Ngân hàng lại xét và cho vay chi phí trồng trọt. Nếu Hợp tác xã sản xuất tiểu thủ công mà sản phẩm lại dùng ngay vào cho trồng trọt (ví dụ vôi, phân) mỗi khi đem dùng sản phẩm vào trồng trọt, Ngân hàng thu lại nợ. Nếu Hợp tác xã không có đủ tiền để trả thì Ngân hàng sẽ điều chỉnh từ nợ chi phí sản xuất tiểu thủ công sang nợ chi phí trồng trọt.

Tiết III. CHO VAY GÓP CỔ PHẦN CÔNG HỮU HÓA

Điều 20. – Ngân hàng cho vay góp cổ phần công hữu hóa nhằm giúp đỡ những xã viên nghèo lúc khó khăn, làm cho nông dân thiếu thốn có điều kiện tham gia Hợp tác xã đông đảo. Đối tượng giúp đỡ là những bần nông và trung nông nghèo thiếu tiền để góp cổ phần khi đến hạn đóng góp. Trường hợp thiếu vốn nghĩa là nếu góp cổ phần lúc thu hoạch mùa màng thì sẽ có khó khăn trong sản xuất, trong sinh hoạt hàng năm không giải quyết nổi.

Điều 21. – Ngân hàng cho những xã viên nghèo vay để góp cổ phần cho Hợp tác xã thôn thường chỉ giải quyết đóng góp của năm thứ nhất khi mới công hữu hóa, khi mới gia nhập Hợp tác xã sau lúc Hợp tác xã công hữu hóa. Trong những năm sau chỉ cho vay tiếp trong trường hợp thu nhập kém sút còn bình thường thì người nông dân có thể dùng số thu nhập tăng thêm do tăng năng suất mà đóng góp, Ngân hàng không cần phải cho vay.

Ngân hàng cho vay góp cổ phần sau khi thu hoạch mùa màng và phân chia hoa lợi tức là lúc nông dân phải góp cổ phần. Chưa đến mùa thu hoạch người nông dân thiếu cổ phần chưa phải góp, Ngân hàng chưa cho vay.

Về mức độ cho vay sau khi xã viên đã cố gắng tự lực và nhờ xã viên khác và nhân dân giúp đỡ mà không đủ góp thì Ngân hàng sẽ cho vay thêm cho đủ với cổ phần góp trong năm nay hay trong vụ đó.

Việc cho vay góp cổ phần công hữu hóa không áp dụng đối với nghề tiểu thủ công. Các tư liệu sản xuất về nghề tiểu thủ công nếu hợp tác xã hóa giá và công hữu hóa Hợp tác xã sẽ dùng tiền khấu hao và một phần tích lũy để thanh toán dần.

Điều 22. – Thời hạn cho vay cổ phần công hữu hóa định theo thời hạn góp cổ phần của từng Hợp tác xã. Ví dụ Hợp tác xã định 3 năm phải góp hết cổ phần thì Ngân hàng cho vay cùng với thời hạn 3 năm. Để giúp xã viên nghèo có điều kiện tự góp cổ phần trong những năm sau, số tiền cho vay góp cổ phần không bắt buộc phải trả dần hàng năm.

Điều 23. – Vốn cho vay cổ phần công hữu hóa sẽ phân biệt với vốn cho vay dài hạn về sản xuất.

Các xã viên nghèo mỗi khi cần vay góp cổ phần phải làm đơn riêng chịu nợ với Ngân hàng. Hợp tác xã sản xuất sẽ chứng nhận và có ý kiến về món vay đó. Khi đến hạn Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm giữ phần thu nhập chia cho xã viên để trả nợ cho Ngân hàng.

Chương 3:

LỢI SUẤT CHO VAY

Điều 24. – Để phù hợp với tình hình kinh doanh của Hợp tác xã, lợi suất cho vay có phân biệt đối với từng loại:

A. Đối với Hợp tác xã cao cấp:

1. Lợi suất cho vay dài hạn:

- Về trồng trọt chăn nuôi, chế biến 4,5% 1 năm.

- Về tiểu thủ công, khai thác, đánh cá và làm muối 5% 1 năm.

2. Lợi suất cho vay ngắn hạn:

- Về trồng trọt chăn nuôi, chế biến 0,4% 1 tháng.

- Về tiểu thủ công, khai thác, đánh cá và làm muối 0,5% 1 tháng.

B. Đối với Hợp tác xã cấp thấp:

1. Lợi suất cho vay dài hạn:

- Về trồng trọt chăn nuôi, chế biến 6% 1 năm

- Về tiểu thủ công, khai thác, đánh cá và làm muối 7% 1 năm

2. Lợi suất cho vay ngắn hạn:

- Về trồng trọt chăn nuôi, chế biến 0,6% 1 tháng

- Về tiểu thủ công, khai thác, đánh cá và làm muối 0,7% 1 tháng

C. Lợi suất cho vay góp cổ phần công hữu hóa 3,5% 1 năm.

Chương 4:

VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH VAY VỐN

Điều 25. – Muốn vay vốn của Ngân hàng, Hợp tác xã phải lập kế hoạch vay vốn hàng năm hay 6 tháng một lần gửi chi điếm Ngân hàng. Để việc tính toán phù hợp với thời gian sản xuất của Hợp tác xã, Hợp tác xã lập kế hoạch vay vốn 6 tháng theo thời vụ nghĩa vu kế hoạch vay vụ chiêm từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, kế hoạch vay vụ mùa từ tháng 5 đến tháng 10. Kế hoạch vay vốn phải gửi tới Chi điếm Ngân hàng một tháng trước thời kỳ kế hoạch kèm theo kế hoạch sản xuất và kế hoạch thu chi tài vụ, để Ngân hàng hàng căn cứ đó mà xét duyệt mức cho vay.

Điều 26. – Sau khi nhận được kế hoạch xin vay của các hợp tác xã, Chi điếm Ngân hàng phải xét duyệt và báo cho Hợp tác xã biết mức ấn định cho vay về từng loại để Hợp tác xã kịp thời trù liệu đối với những món không được vay.

Điều 27. – Căn cứ vào mức đã được duyệt, Hợp tác xã sẽ lĩnh tiền vay dần dần. Mỗi lần lĩnh tiền vay, Ban Quản trị Hợp tác xã sẽ làm giấy chứng nhận nợ thành 3 bản và chịu lãi từ ngày đó. Chi điếm sẽ căn cứ vào mức độ thực hiện kế hoạch sản xuất mà phát triển cho vay cho phù hợp. Như vậy là áp dụng cách xét một lần và cho vay nhiều lần trong toàn vụ. Mỗi kế hoạch sản xuất của Hợp tác xã có thay đổi thì phải kịp thời điều chỉnh kế hoạch xin vay vốn, Chi điếm sẽ xét lại và điều chỉnh.

Điều 28. – Trong trường hợp Ngân hàng ủy nhiệm cho Hợp tác xã Tín dụng cho vay thì kế hoạch cho vay vốn Hợp tác xã sản xuất sẽ gửi đến Hợp tác xã Tín dụng đúng theo thể thức trên.

Chương 5:

KỶ LUẬT VAY TRẢ

Điều 29. – Các Hợp tác xã vay vốn của Ngân hàng đến hạn phải trả nợ cả vốn và lãi. Nếu đến hạn Hợp tác xã không trả được nợ Ngân hàng sẽ xét.

- Nếu có trường hợp có khó khăn khách quan không do Hợp tác xã gây ra như thiên tai, hạn hán v.v…thì Ngân hàng có thể xét mà gia thêm một hạn tối đa không quá 12 tháng, đối với những món cho vay ngắn hạn. Còn đối với những món cho vay dài hạn thì được chịu lại và phân ra trả mỗi năm một phần vào những năm sau của thời hạn nợ món nợ đó…Trường hợp không trả được nợ vì lý do khách quan Ngân hàng vẫn có thể xét mà cho hay tiếp vốn để giúp cho Hợp tác xã giải quyết khó khăn trong sản xuất.

- Nếu vì trường hợp Hợp tác xã có khả năng mà không chịu trả nợ thì số tiền nợ quá hạn sẽ bị phạt lãi những ngày quá hạn theo quy định của Chính phủ.

Chương 6:

KIỂM TRA SỬ DỤNG VỐN

Điều 30. – Ngân hàng có thể kiểm tra trước khi quyết định cho vay. Sau khi cho vay vốn, Ngân hàng sẽ trực tiếp kiểm tra việc sử dụng vốn của Hợp tác xã.

2. Ban quản trị và Ban kiểm soát có nhiệm vụ giúp đỡ cán bộ Ngân hàng trong việc kiểm tra, trình bày kế hoạch cụ thể kết quả việc sử dụng vốn của Hợp tác xã và những thiếu sót, khó khăn trong sản xuất.

3. Nếu thấy có khoản vốn vay nào sử dụng không đúng mục đích hoặc không được bảo đảm bằng vật tư, Ngân hàng quyết định thu hồi vốn đó về trước thời hạn.

4. Trong khi kiểm tra Ngân hàng có dịp giúp đỡ ý kiến cho Hợp tác xã trong việc cải tiến công tác tài vụ, đặc biệt là giúp đỡ về mặt kế toán để thực hiện tốt kế hoạch sản xuất đã đề ra. Mặt khác phát hiện các thiếu sót cho các cấp lãnh đạo để kịp thời có biện pháp giúp đỡ Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bổ sung sửa chữa tạo điều kiện phát triển tốt.

Chương 7:

NHIỆM VỤ CỦA HỢP TÁC XÃ VAY VỐN

Điều 31. – Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải dùng vốn vay đúng mục đích sản xuất đã kê khai trong đơn vay, và trong khế ước vay vốn. Nếu vì lý do gì không dùng đến, hoặc sử dụng không hết phải trả lại Ngân hàng. Vốn vay cho loại nào không dùng vào loại ấy, không được dùng nhập nhằng giữa loại này với loại khác, nhất thiết không được dùng vào quản trị phí, sinh hoạt phí hay chia cho xã viên, Ngân hàng kiên quyết thu hồi tất cả hay một phần số vốn vay về sử dụng sai.

2. Nếu muốn thay đổi về việc dùng vốn vay, Hợp tác xã phải báo cho Ngân hàng biết khi Ngân hàng đồng ý mới được sử dụng vào việc khác.

3. Khi đến hạn Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải trả nợ sòng phẳng cho Ngân hàng. Đến khi thu hoạch loại nào Hợp tác xã phải tính trích phần trả nợ cho Ngân hàng về loại ấy, rồi mới phân phối xã viên.

4. Nếu đến hạn mà chưa trả được nợ, Hợp tác xã phải báo cáo Ngân hàng biết rõ phải báo cáo Ngân hàng biết rõ lý do. Ngân hàng sẽ xét và tùy từng trường hợp cụ thể mà quyết định.

5. Nếu sản xuất bị lỗ là vì thiên tai bất trắc trong khi chưa tổ chức được quỹ bảo hiểm, Ngân hàng trong phạm vi vốn dự trữ cho vay Hợp tác xã có thể giúp đỡ thêm để hợp tác xã tiếp tục sản xuất.

6. Nếu sản xuất bị lỗ vì quản trị kém hay Hợp tác xã có ý dây dưa thì Ngân hàng tạm đình chỉ cho vay Hợp tác xã ấy trong một thời gian đến khi nào Hợp tác xã trả xong nợ thì Ngân hàng mới tiếp tục cho vay lại và đồng thời báo cáo cho các cấp lãnh đạo có ý kiến giúp đỡ Hợp tác xã ấy.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 32. – Trường hợp có người nào hay ra Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp:

1. Trường hợp có người nào hay ra Hợp tác xã khi Hợp tác xã còn nợ của Ngân hàng thì do Hợp tác xã giải quyết đối với những người ấy. Ngân hàng chỉ thu nợ của Hợp tác xã, mà không trực tiếp thu của người mới vào hay ra Hợp tác xã.

2. Trường hợp giải tán hay sát nhập Hợp tác xã.

Nếu muốn sát nhập với một Hợp tác xã khác, thì Hợp tác xã có vốn phải thanh toán xong nợ của Ngân hàng trước rồi mới sát nhập sau. Nếu chưa thanh toán thì Hợp tác xã sát nhập phải viết giấy nhận nợ và chịu trách nhiệm thanh toán có Ủy ban Hành chính và Nông hội xã chứng nhận.

Căn cứ vào những nguyên tắc đã quy định và tình hình cụ thể từng thời gian, Ngân hàng trung ương có thể bổ sung những chi tiết thi hành.

HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
*****
Tỉnh…………….....

Huyện……………..

Xã………………….

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

MẪU 1

ĐƠN XIN VAY TIỀN

Kính gửi: Ông TRƯỞNG CHI NHÁNH NGÂN HÀNG……………………..

Chúng tôi Ban quản trị Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp …………….Xã…………

Huyện………………Tỉnh…………..thay mặt cho toàn thể xã viên, xin vay Ngân hàng một số tiền.

Về dài hạn:

- Để dùng cho trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…………………………………

- Để dùng cho nghề phụ tiểu thủ công…………………………………………

Cộng dài hạn: ………………….

Về ngắn hạn:

- Để dùng cho trồng trọt, chăn nuôi, chế biến…………………………………

- Để dùng cho nghề phụ tiểu thủ công…………………………………………

Cộng ngắn hạn: ………………….

Chúng tôi xin cam đoan theo đúng thể lệ cho vay Ngân hàng, sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ đúng kỳ hạn.

- Kèm theo bản tính kế hoạch vay vốn………………….1 bản (Mẫu 3, 4)

- Bản kế hoạch sản xuất ……………..…………………..1 bản

- Bản kế hoạch thu chi tài vụ……………………………..1 bản

([1]) - Bản sơ đồ thiết kế các công trình xây dựng lớn …..1 bản

Chứng nhận
của Ủy ban Hành chính Xã

Ngày …tháng…năm 196…

TM. Ban quản trị Hợp tác xã ……

CHỦ NHIỆM

Ý kiến của cán bộ Tín dụng

Phê chuẩn của Trưởng chi điếm


VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

MẪU 2

GIẤY NHẬN NỢ

Ngày …tháng…năm 196…

Tên Hợp tác xã ………………………

Số hiệu tài khoản này…………………

Thanh toán……………………………

Kính gửi ông Trưởng Chi điếm Ngân hàng Quốc gia Việt nam. Chúng tôi xin nhập khoản nợ vay của Ngân hàng là:………………………………..

…………………………………………

…………………………………………

kể từ ngày.…tháng….năm 19….và sẽ trả lại Ngân hàng vào các thời hạn kể trên đây.

Khi đến hạn yêu cầu Ngân hàng chiểu theo giấy này mã trích từ tài khoản thánh toán của đơn vị chúng tôi để trả nợ.

BAN QUẢN TRỊ HỢP XÃ

CHỦ NHIỆM

(Ký tên và đóng dấu)

Trích vay theo đơn vay số:…………….

Ngày vay................................................

Số tiền vay……………………………..

Ngày trả xong………………………….

THỜI HẠN VÀ SỐ TIỀN TRẢ

Ngày tháng

Số tiền trả

…………………...

…………………...

…………………...

…………………...

Cộng:

…………………...

Giải thích: Mẫu này làm thành 3 bản. Các số tiền vay, số tiền trả từng thời gian phải ghi theo sự phê chuẩn các Trưởng chi điếm. Khi cho vay giao bản thứ 3 cho Hợp tác xã thay giấy báo có (nếu là chuyển sang tài khoản thanh toán). Khi thu xong nợ trả bản 2 cho Hợp tác xã để báo món nợ đã thanh toán.


MẪU 3

BẢNG TÍNH KẾ HOẠCH VAY VỐN TỔNG HỢP

PHẦN DÀI HẠN

PHẦN NGẮN HẠN

Trồng trọt

Chăn nuôi

Chế biến

Tiểu thủ công

Tổng số dài hạn

Trồng trọt

Chăn nuôi

Chế biến

Tiểu thủ công

Tổng số dài hạn

1. Tổng số vốn thiết xây dựng mua sắm phương tiện cơ bản (1)

2. Vốn tự có của hợp tác xã định tham gia vào …

- Quỹ tích lũy bỏ vào mua sắm…

- Vốn bán tài sản cố định trong năm…

- Vốn xã viên bỏ thêm …

3. Số vốn còn thiếu cần vay…

1. Tổng số tiền chi phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngoài các chi phí xã viên bỏ bằng hiện vật và sức lao động.

- Số chi phí trực tiếp sản xuất …

- Số chi phí gián tiếp…

2. Vốn tự có của xã viên…

- Vốn chi phí sản xuất cổ phần…

- Vốn quỹ tích lũy tạm sử dụng (nếu thiếu)

- Vốn vay của xã viên.

- Tiền mặt bán sản phẩm chưa chia ngay có thể dùng được…

- Vốn ứng trước của các cơ quan mua bán…

3. Số vốn còn thiếu.

MẪU 4

BẢNG KÊ CHI TIẾT TÀI SẢN CỐ ĐỊNH HIỆN CÓ VÀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH MUA SẮM

TÀI SẢN CỐ ĐỊNH ĐÃ CÓ (1)

TÀI SẢN CỐ ĐỊNH MUA SẮM

Loại

Đơn vị

Nguyên giá

Đã khấu hao đến nay

Loại

Đơn vị định mua

Giá đơn vị

Thành tiền

- Trâu bò

- Nông cụ

- Máy móc

- Thủy lợi

- v .v…

(1) Chỉ kể những thứ này dùng cho sản xuất trực tiếp.

THỦ TỤC KẾ TOÁN VỀ CHO VAY ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Căn cứ theo thể lệ hiện nay, cho vay hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có 3 loại:

- Cho vay dài hạn: cho vay mua sắm phương tiện đắt tiền, xây dựng thiết bị cơ bản

- Cho vay ngắn hạn: chi phí sản xuất

- Cho vay dài hạn: cho vay góp cổ phần công hữu hóa.

Ngân hàng cho vay trực tiếp hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng có những trường hợp ủy nhiệm hợp tác xã tín dụng cho vay (ch hợp tác xã tín dụng vay để cho vay lại hợp tác xã sản xuất nông nghiệp).

Để phản ảnh đầy đủ số liệu hoạt động của các loại cho vay nói trên, để theo dõi kiểm soát chặt chẽ số tiền cho vay cũng như việc thu hồi nợ… Trung ương quy định dưới đây nội dung về thủ tục kế toán, cách ghi chép và theo dõi giấy tờ sổ sách kế toán.

I. THỦ TỤC KẾ TOÁN ĐỐI VỚI CHO VAY DÀI HẠN: CHO VAY MUA SẮM PHƯƠNG TIỆN ĐẮT TIỀN, XÂY DỰNG THIẾT BỊ CƠ BẢN

A. Thủ tục xin vay và cho vay:

Khi đến xin vay, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải xuất trình kế hoạch vay vốn đã được duyệt, đồng thời lập giấy nhận nợ về số tiền vay theo yêu cầu của từng đợt (số tiền vay này phải nằm trong phạm vi số vốn theo kế hoạch đã được duyệt).

Mỗi đợt vay lập giấy nhận nợ 3 liên có dấu và chữ ký của chủ nhiệm hợp tác xã. Sau khi được bộ phận tín dụng nghiên cứu đồng ý và Trưởng chi điếm ký duyệt trên liên 3 giấy nhận nợ thì chuyển giấy tờ này cho kế toán. Cán bộ kế toán kiểm soát các giấy nhận nợ xem có thiếu sót gì không, các liên nội dung ghi chép có khớp nhau không, có đầy đủ chữ ký chưa, nghĩa là kiểm soát những điểm cơ bản của giấy nhận nợ, xong sẽ sử dụng như sau:

Liên 1 giấy nhận nợ làm chứng từ gốc để lập phiếu kế toán hành tự:

NỢ: Cho vay dài hạn hợp tác xã nông nghiệp

CÓ: Tiền gửi hợp tác xã nông nghiệp

Trong trường hợp cần thiết do Trưởng chi điếm đồng ý cho vay bằng tiền mặt thì ghi:

NỢ: Cho vay dài hạn hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản).

CÓ: Tiền mặt.

Trường hợp cho vay để trả ngay tiền mua sắm phương tiện thiết bị…cho Mậu dịch Quốc doanh hay trả đơn vị sản xuất khác, thì căn cứ thêm vào biên bản, hóa đơn hay hợp đồng gia nhận hàng để làm chứng từ kế toán chuyển khoản trực tiếp cho đơn vị bán hàng (và lập giấy báo có).

NỢ: Cho vay dài hạn hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản…)

CÓ: Tiền gửi…

Liên 1 và phiếu kế toán cuối ngày đóng vào sổ nhật ký và là cơ sở để ghi vào sổ cho vay.

Liên 2 giấy nhận nợ (Liên này kế toán cũng phải đóng dấu ngày hành tự và ký tên) trả lại cho đơn vị vay tiền để làm chứng từ. Nếu là trường hợp cho vay bằng chuyển khoản gửi và tài khoản “Tiền gửi hợp tác xã nông nghiệp” thì kết hợp dùng 2 liên này làm giấy báo có, kế toán ghi thêm phần báo cáo, ký tên và trao cho đơn vị vay tiền.

Liên 3 giấy nhận nợ xếp lưu vào hồ sơ riêng. Các liên này sắp xếp theo tài khoản cho vay, thể thức vay và trong đó xếp theo kỳ hạn trả nợ. Khi thu nợ các liên này sẽ dùng làm chứng từ kế toán.

Hàng ngày kể tổng số giấy nhận nợ cho vay trong ngày và tổng số giấy nhận nợ đã thu hồi nợ, để ghi chép vào sổ thu chi ngoại bản theo dõi giấy nhận nợ.

Các liên 1, 2, 3 nói trên sử dụng đều nhất thiết phải đóng dấu hoặc ghi đã hành tự ngày mấy và kế toán ký tên để dễ tìm kiếm sau này, mặt khác để tránh có thể hành tự lần thứ hai.

B. Thủ tục thu nợ:

a) Căn cứ vào sổ kỳ hạn nợ (sắp xếp các liên 3 giấy nhận nợ lại thành sổ) để theo dõi những món nợ đến hạn. Khi đến hạn, kế toán rút ở hồ sơ lưu các liên 3 giấy nhận nợ đến hạn để hành tự thu hồi nợ và dùng liên 3 làm chứng từ lập phiếu kế toán và ghi số vốn trả:

NỢ: Tiền gửi hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Cho vay dài hạn hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Thu nghiệp vụ (lãi cho vay).

Đối với loại cho vay mua sắm tài sản cố định có quy định khấu hao thì khi thu nợ ghi:

NỢ: Tiền gửi khấu hao vốn cơ bản của hợp tác xã (tiểu khoản hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị…)

CÓ: Cho vay dài hạn Hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản…) đồng thời lập phiếu chuyển khoản thu lãi cho vay (chú ý trên phiếu kế toán ghi thẩm chiếu giấy nhận nợ):

NỢ: Tiền gửi hợp tác xã nông nghiệp

CÓ: Thu nghiệp vụ (tiểu khoản: thu lãi cho vay)

Trường hợp tiền gửi khấu hao vốn cơ bản của Hợp tác xã không đủ tiền để thanh toán nợ, thì trích vào thêm ở tài khoản Tiền gửi Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Như vậy nghĩa là ghi:

NỢ: Tiền gửi khấu hao vốn cơ bản của Hợp tác xã.

NỢ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Cho vay dài hạn Hợp tác xã nông nghiệp, và số tiền lãi thì hành tự như ở trên.

Chú ý: khi trích tài khoản thanh toán nợ cần phải lập giấy báo nợ cho đơn vị Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trả nợ biết. Việc tính lãi tính theo từng giấy nhận nợ kể từ ngày vay đến ngày trả. Phiếu kế toán và chứng từ phải đóng vào nhật ký ngày hôm đó và là cơ sở để ghi sổ sách (ghi bên Có số cho vay, ghi và xóa nợ trong sổ kỳ hạn nợ…).

Trong sổ theo dõi giấy nhận nợ kế toán ngoại bảng, cuối ngày căn cứ tổng số giấy nhận nợ đã thu hồi ghi vào cột xuất của cột này. Số còn lại trong số này phải phù hợp với giấy nhận nợ thực tế.

b) Trả nợ trước kỳ hạn: vẫn xử lý như thường lệ, lãi tính đến ngày trả nợ, trên các chứng từ kế toán đóng dấu trả trước kỳ hạn và ghi ngày hành tự dưới con dấu ấy.

c) Trường hợp chưa đến hạn cuối cùng nhưng hàng năm đến ngày đã quy định trước, định một tỷ lệ trả dần, thì số tiền trả dần hành tự như nói ở trên. Chỉ khác là: giấy nhận nợ chưa đến hạn cuối cùng chưa dùng làm chứng từ kế toán đóng nhật ký ngay được: phiếu kế toán thu hồi nợ chỉ cần ghi thẩm chiếu đầy đủ nội dung của giấy nhận nợ.Trên giấy nhận nợ phải ghi rõ thêm số vốn đã trả dần lần thứ mấy, ghi số tiền bằng chữ và bằng số, trả theo phiếu kế toán số…ngày... và ký tên xác nhận đúng, đồng thời ghi số vốn còn lại phải tiếp tục trả vào các đợt sau. Giấy nhận nợ này vẫn để lại hồ sơ lưu như cũ, sổ thu chi ngoại bản trong trường hợp này không ghi; tính lãi theo số vốn và ngày trả, trên sổ kỳ hạn nợ chỉ ghi ngày và số tiền trả nợ dần chứ chưa xóa nợ.

d) Khi đến kỳ hạn cuối cùng của giấy nhận nợ, thì căn cứ vào số nợ còn lại cuối cùng phải trả để lập phiếu kế toán. Giấy nhận nợ sẽ dùng làm chứng từ phiếu kế toán đóng vào nhật ký. Thủ tục thu nợ trường hợp này như đã nói ở điều a).

II. THỦ TỤC KẾ TOÁN VỀ CHO VAY DÀI HẠN: CHO VAY GÓP CỒ PHẦN CÔNG HỮU HÓA

A. Thủ tục xin vay và cho vay:

Những xã viên nghèo cần vay vốn góp cổ phần vào Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, khi đến xin vay phải làm giấy nhận nợ, 3 liên. Trên 3 liên giấy nhận nợ phải có chứng nhận của hợp tác xã và ý kiến chịu trách nhiệm trả nợ của Hợp tác xã về số tiền vay của xã viên. Xã viên vay phải ký nhận nợ. Sau khi đã được Trưởng chi điếm duyệt cho vay trên cả 3 liên, kế toán kiểm soát lại và sử dụng các liên như đã nói ở điểm A thuộc mục I:

Nhưng cần chú ý những điểm chính sau đây:

- Khi cho vay sử dụng tài khoản:

NỢ: Cho vay dài hạn nộp cổ phần nhập xã (tiểu khoản…)

CÓ: Tiền gửi Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp

Lập giấy báo cáo Có cho Hợp tác xã nông nghiệp. Trong giấy báo cáo Có ghi rõ số tiền của xã viên… vay và nộp cổ phần vàp Hợp tác xã, giấy báo Có này giao trực tiếp cho xã viên được vay để đưa về cho Hợp tác xã.

B. Thủ tục thu nợ:

(Nói chung thủ tục xử lý như đã nói ở điểm a) thủ tục thu nợ đối với loại cho vay dài hạn “Mua sắm phương tiện đắt tiền, xây dựng thiết bị cơ bản”. Nhưng có những điểm khác cần chú ý:

- Khi thu sử dụng các tài khoản sau đây:

Trường hợp đến hạn mà xã viên có nợ chưa đến trả thì ghi:

NỢ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Cho vay dài hạn nộp cổ phần nhập xã.

Và số tiền vay nộp cổ phần của xã viên chịu lại cũng ghi.

NỢ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Thu nghiệp vụ (tiểu khoản thu lãi).

Trong giấy báo Nợ cho Hợp tác xã cần ghi thật đầy đủ chi tiết thẩm chiếu theo giấy nhận nợ. Trường hợp xã viên đem tiền thanh toán nợ, sẽ ghi.

NỢ: Tiền mặt.

CÓ: Cho vay dài hạn nộp cổ phần nhập xã.

CÓ: Thu nghiệp vụ (tiểu khoản thu lãi cho vay) cấp cho xã viên trả nợ: biên lai thanh toán nợ.

Đối với các loại cho vay này đến ngày đến hạn trả một lần, không trả dần theo tỷ lệ hàng năm. Sổ sách cho vay và kỳ hạn nợ ghi chép và theo dõi riêng theo tài khản này, không lẫn lộn với sổ sách cho vay dài hạn Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vì là hai tài khoản riêng biệt.

III. THỦ TỤC KẾ TOÁN VỀ CHO VAY NGẮN HẠN: CHO VAY CHI PHÍ SẢN XUẤT

Về thủ tục kế toán loại này nói chung như kế toán cho vay ngắn hạn đối với xí nghiệp quốc doanh, tuy vậy, cũng có một số điểm cần phân biệt. Dưới đây là nội dung cụ thể.

A. Thủ tục xin vay và cho vay:

Ngoài những điểm đã quy định theo thể lệ đối với Hợp tác xã vay vốn như lập kế hoạch vay vốn… khi đến xin vay về loại này, Hợp tác xã lập giấy nhận nợ làm 3 liên. Giấy nhận nợ phải có dấu, chữ ký của chủ nhiệm Hợp tác xã. Sau khi được Trưởng chi điếm ký duyệt cho vay trên 3 liên giấy nhận nợ, chuyển cho kế toán để giải quyết. Cán bộ kế toán sau khi đã kiểm soát đầy đủ những yêu cầu cần thiết (xem có thiếu sót gì không, các liên giấy nhận nợ các khớp nhau không, có đầy đủ các chữ ký đơn vị vay và Trưởng chi điếm chưa?) của giấy nhận nợ sẽ sử dụng như sau:

-Liên 1 giấy nhận nợ: làm chứng từ gốc để lập phiếu kế toán hành tự:

NỢ: Cho vay Hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản…)

CÓ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp.

Trường hợp cần thiết cho vay bằng tiền mặt được thưởng chi điếm đồng ý, thì hành tự phiếu chi:

NỢ: Cho vay hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản..)

CÓ: Tiền mặt.

Nếu cho vay để mua qua Mậu dịch quốc doanh hay một đơn vị sản xuất khác thì kè, thêm chứng từ cần thiết như hóa đơn, biên bản hay hợp đồng để lập phiếu chuyển khoản, ghi:

NỢ: Cho vay Hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản)

CÓ: Tiền gửi (đơn vị được hưởng).

và báo Có cho đơn vị được hưởng, phiếu chuyển khoản lập phí cho vay có 3 liên (phiếu chuyển khoản về Nợ, về Có và giấy báo Có) theo thông thường.

- Liên 2 giấy nhận nợ trả lại đơn vị vay tiền làm chứng từ (liên này phải đóng dấu ngày hành từ và ký tên). Nếu trường hợp cho vay bằng chuyển khoản ghi vào tài khoản “Tiền gửi của Hợp tác xã” thì sử dụng liên này để ghi thêm những điểm cần thiết thay giấy báo Có (ký tên đóng dấu gửi cho Hợp tác xã)

- Liên 3 giấy nhận nợ xếp lưu vào hồ sơ riêng đối với loại cho vay ngắn hạn. Các liên này phải được sắp xếp theo khoản cho vay, tiểu khoản loại vay và trong đó sắp theo kỳ han trả nợ và đơn vị vay tiền, sắp xếp có hệ thống giấy nhận nợ thành sổ theo dõi kỳ hạn nợ luôn.

Khi thu nợ các liên này dùng làm chứng từ lập phiếu kế toán (sẽ rút ra khỏi hồ sơ lưu).

Hàng ngày kê tổng số giấy nhận nợ cho vay để ghi thu sổ theo dõi ngoại bản giấy nhận nợ. Các liên 1, 2, 3 nói trên khi sử dụng đều nhất thiết phải đóng dấu hoặc ghi ngày hành tự và ký tên để dễ tìm kiếm và tránh hành tự lần thứ 2.

Trường hợp cho vay và trả dần lẻ tẻ thì cũng không phải làm các liên giấy nhận nợ phụ, mà chỉ lập 3 liên nói trên mà thôi (sẽ nói cụ thể ở phần thu nợ) vì việc theo dõi kỳ hạn nợ là kỳ hạn cuối cùng, còn vấn đề đôn đốc thanh toán dần là nhiệm vụ thường xuyên.

B. Thủ tục thu nợ:

Căn cứ vào các liên 3 giấy nhận nợ đã sắp xếp trước đây để biết kỳ hạn trả nợ. Các giấy nhận nợ được rút ra khỏi hồ sơ lưu (hàng ngày kê tổng số giấy nhận nợ đã trả để ghi xuất kế toán ngoại bảng) và sử dụng làm chứng từ kế toán thu hồi nợ, lập phiếu chuyển khoản.

NỢ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Cho vay Hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Thu nghiệp vụ (thu số lãi cho vay).

Khi thanh toán nợ, cần có giấy báo nợ gửi cho Hợp tác xã về số tiền ghi nợ tài khoản “Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp”.

Trên bản kê theo dõi kỳ hạn giấy nhận nợ lưu cần xóa những giấy nhận nợ đã trả xong.

Trường hợp đến hạn, những tài khoản “Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp” tiểu khoản đơn vị có vay tiền, không đủ tiền trả nợ, việc để nợ quá hạn lại do lỗi bản thân Hợp tác xã, do Hợp tác xã kinh doanh kém, thì số phiếu sẽ chuyển sang nợ, quá hạn. Lập phiếu chuyển khoản, ghi:

NỢ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp (ghi số tiền trích để trả nợ)

NỢ: Nợ quá hạn (tiểu khoản…) (ghi phần tiền nợ chưa trả được).

CÓ: Cho vay Hợp tác xã nông nghiệp (tiểu khoản …) ghi toàn bộ số vốn đã vay trước đây.

Về số tiền lãi, chỉ tính lãi đối với số vốn trả nợ, số nợ quá hạn chưa trả đến khi nào trả sẽ tính lãi sau (tính lãi từ ngày vay đến ngày thực sự trả theo lợi suất quy định, và tỷ lệ phạt nợ quá hạn cho những ngày quá hạn).

Giấy nhận nợ quá hạn phải được đóng dấu “Nợ quá hạn”, phải ghi số tiền đã trả bằng chữ và bằng số trên giấy nhận nợ này, đồng thời ghi “số lãi chỉ mới tính cho số vốn thực trả”. Ghi số nợ còn lại phải trả (lãi số nợ này khi nào trả phải tính cả từ ngày vay). Giấy nhận nợ này sẽ rút ra khỏi hồ sơ lưu giấy nhận nợ theo kỳ hạn thông thường, và chuyển lưu hồ sơ nợ quá hạn. Trên kế toán ngoại bảng cũng ghi chi những giấy nhận nợ rút ra trong ngày và ghi thu những giấy nhận nợ quá hạn.

Nếu tài khoản “Tiền gửi Hợp tác xã” có tiền thì chi điếm chủ động trích thanh toán nợ quá hạn, dùng giấy nhận nợ quá hạn lập phiếu chuyển khoản:

NỢ: Tiền gửi Hợp tác xã nông nghiệp.

CÓ: Nợ quá hạn (tiểu khoản …)

CÓ: Thu nghiệp vụ (tính lãi cho vay và phạt lãi quá hạn) trên bảng theo dõi nợ quá hạn trong hồ sơ lưu sẽ xóa giấy nhận nợ đã thu hồi xong.

Trường hợp trả dần trước kỳ hạn cuối cùng, thì lập phiếu chuyển khoản hành tự số tiền vốn và lãi trả như thông thường. Phiếu chuyển khoản ghi thẩm chiếu đầy đủ chi tiết theo giấn nhận nợ và lập kèm theo giấy báo Nợ cho đơn vị trả tiền qua chuyển khoản. Giấy nhận nợ phải được ghi số tiền trả bằng chữ và bằng số theo phiếu kế toán, số…, ngày… có chữ ký của trưởng chi điếm và phụ trách kế toán. Khi ký giấy báo nợ và chuyển khoản cần kiểm soát kỹ lại với tiền trả ghi trên kế toán nhận nợ. Giấy nhận nợ sau khi ghi chép và kiểm soát đầy đủ xếp lưu lại chỗ cũ theo kỳ hạn cuối cùng.

IV. TRƯỜNG HỢP NGÂN HÀNG ỦY NHIỆM CHO HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG CHO VAY HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Khi Ngân hàng cho Hợp tác xã tín dụng vay để cho vay lại Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã Tín dụng lập kế hoạch vay vốn… như thể lệ đã quy định.

Cho vay dài hạn đối với Hợp tác xã Tín dụng, về thủ tục ghi chép và sử dụng giấy tờ như đã nói ở phần trên. Khi hành tự kế toán cần ghi vào tài khoản “Cho vay dài hạn Hợp tác xã Tín dụng” hoặc tài khoản “Cho vay dài hạn quỹ Tín dụng miền núi”

Đến kỳ hạn vẫn thu hồi nợ như các thể thức cho vay khác.

Từng tuần kỳ 10 ngày Hợp tác xã Tín dụng phải thống kê chi tiết các khoản cho Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vay cho Ngân hàng để theo dõi, thí dụ cho vay chăn nuôi bao nhiêu, chế biến bao nhiêu.

NHỮNG KHOẢN CHUNG

1. Giấy báo nợ: Mỗi lần trả nợ bằng chuyển khoản đều phải lập giấy báp nợ, mặc dầu chỉ là trường hợp trả dần. Trả nợ bằng tiền mặt phải cấp biên lai do thủ quỹ và trưởng chi điếm ký.

2. Nợ quá hạn: Chỉ ghi qua nợ quá hạn theo thời hạn quy định trả nợ cuối cùng, kỳ hạn quy định trả dần chỉ để theo dõi, đôn đốc thu hồi, nếu quá kỳ hạn này không ghi qua nợ quá hạn. Nợ quá hạn chỉ áp dụng đối với loại cho vay ngắn hạn và trong trường hợp Hợp tác xã kinh doanh kém. Nợ quá hạn phải mở tiểu khoản riêng cho từng tài khoản cho vay.

3. Trường hợp cho gia hạn: Nếu có lý do chính đáng do Trường chi điếm quyết định được cho gia hạn thì ghi số ngày cho gia hạn và ký tên, kế toán không chuyển tài khoản cho vay sang nợ quá, giấy nhận nợ ghi thêm ngày gia hạn và lưu hồ sơ thuộc ngày đến hạn mới.

4. Trường hợp chưa đến hạn nhưng đơn vị vay vì không sử dụng đúng mục đích, không sử dụng đúng mục đích, không có vật tư bảo đảm, căn cứ vào ý kiến quyết định của Trưởng chi điếm thu hồi nợ, kế toán làm thủ tục thu hồi nợ như trường hợp đến hạn.

5. Cách sắp xếp giấy nhận nợ để bảo quản: Giấy nhận nợ các liên 3 chỉ lưu tại kế toán, không phải lưu tại quỹ. Kế toán sắp xếp các giấy này theo hệ thống tài khoản tiểu khoản trong đó bố trí theo kỳ hạn trả nợ. Mỗi kỳ hạn là một sơ-mi riêng. Trước sơ-mi có kẻ những giấy nhận nợ trong sơ-mi ấy. Cách sắp xếp này phải phân biệt riêng hồ sơ loại cho vay dài hạn riêng, ngắn hạn riêng. Đối với loại cho vay ngắn hạn, vì công việc cho vay thu nợ thường xuyên hơn nên việc sắp xếp này có tác dụng thay sổ kỳ hạn nợ. Đối với loại cho vay dài hạn có sổ hạn nợ riêng, nhưng từng thời gian 3 tháng, 6 tháng phải đối chiếu thực tế với số ký hạn nợ.

6. Sổ sách và đối chiếu sổ sách:

- Phải có sổ cho vay theo từng khoản cho vay. Sổ này phải ghi cả phần vốn cho vay và phân vốn thu nợ. Lãi thu nợ ghi vào sổ sách và các tài khoản lỗ lãi.

- Giấy nhận nợ như nói ở trên thành sổ ký hạn nợ.

Đối với loại cho vay ngắn hạn, hàng tháng phải kiểm tra đối chiếu số dư nợ trên các tài khoản cho vay với số tiền trên các giấy nhận nợ. Đồng thời kiểm tra số giấy nhận nợ thực tế với sổ theo dõi ngoại bảng. Đối với các loại cho vay dài hạn 3 tháng phải kiểm tra đối chiếu với số dư nợ trên các tài khoản cho vay với số tiền trên các giấy nhận nợ về các loại này, đồng thời kiểm tra đối chiếu số giấy nhận nợ với sổ theo dõi ngoại bảng.

7. Tính lợi tức cho vay: Theo từng món tiền trả nợ. Lợi tức đối với những món nợ quá hạn khi thanh toán phải tính từ thời gian vay cho đến ngày đến hạn theo lợi suất bình thường, phải tính thêm lợi suất cho vay và lợi suất quá hạn (Tỷ lệ phạt) trong thời gian quá hạn đối với số vốn đó.

Cách tính lãi: những tháng tròn tính theo tháng, những ngày lẻ tính theo số ngày thực tế. Phải chú ý những số lãi đã tính xong nhất thiết phải có người kiểm soát lại.

8. Tài khoản cho vay:

Chú ý sử dụng đúng tài khoản theo kế toán đó. Cần chú ý phân biệt rõ loại cho vay dài hạn và cho vay ngắn hạn, loại cho vay miền núi và cho vay miền xuôi. Trong tài khoản, cho vay dài hạn Hợp tác xã nông nghiệp mở 2 tiểu khoản.

- Cho vay mua sắm phương tiện đắt tiền xây dựng thiết bị cơ bản trong trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.

- Cho vay mua sắm và xây dựng cơ bản và tiểu thủ công, đánh cá, làm muối.

Tài khoản: Cho vay Hợp tác xã nông nghiệp (ngắn hạn) có 2 tiểu khoản:

- Cho vay chi phí sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến.

- Cho vay chi phí sản xuất về tiểu thủ công khai thác, đánh cá làm muối.

Như vậy, tiểu khoản là các loại cho vay và tế khoản là đơn vị vay.

Trong quá trình tiến hành ghi chép kế toán cho vay, cần chú ý công tác kiểm soát chặt chẽ, kiểm soát giấy tờ hành tự từng sự việc và kiểm soát lại sau từng thời gian đối chiếu chính xác giữa các sổ sách và giấy nhận nợ, bảo quản chu đáo giấy nhận nợ, tăng cường theo dõi đầy đủ thu hồi nợ đúng hạn, thông qua số liệu phát hiện vấn đề giúp cho Tín dụng đi sâu kiểm tra công tác.



[1] Hợp tác xã không có xây dựng công trình lớn (áp dụng cho trung thủy lợi, tiểu thủ công cơ sở lớn) thì không phải gửi bản này.

(1) Chỉ lấy số vốn xây dựng phương tiện cơ bản trực tiếp dùng vào sản xuất . Những kiến thiết không sản xuất không ghi vào đây.



HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 206-VP/NgĐ năm 1959 về thể lệ cho vay đối với Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Tổng giám đồc Ngân hàng Quốc Gia ban hành

  • Số hiệu: 206-VP/NgĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/12/1959
  • Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 51
  • Ngày hiệu lực: 23/12/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản