Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 20/2016/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

Chương II

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Mục 1. XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ DUY TRÌ CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 8. Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng tập trung, thống nhất, dùng chung trên toàn quốc.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được xây dựng phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật.

3. Thiết kế cấu trúc của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm việc mở rộng và phát triển.

Điều 9. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Thông tin về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính:

a) Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính:

Trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số chứng minh Công an nhân dân hoặc số chứng minh quân nhân hoặc số hộ chiếu (nếu có); giới tính.

Trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức: Tên tổ chức; địa chỉ trụ sở; mã số (đối với doanh nghiệp) hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; số Giấy phép thành lập/số Đăng ký hoạt động (đối với tổ chức khác); họ và tên của người đại diện theo pháp luật hoặc chủ doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức.

b) Số, ngày, tháng, năm ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

c) Hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, mức phạt; biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);

d) Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; chức danh của người ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Thông tin về việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có):

a) Hoãn thi hành quyết định phạt tiền; tạm đình chỉ thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có);

b) Giảm, miễn tiền phạt; nộp tiền phạt nhiều lần (số tiền đã nộp phạt, số tiền chưa nộp phạt (nếu có);

c) Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có);

d) Thời Điểm chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

đ) Khiếu nại, khởi kiện Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

3. Thông tin về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính:

a) Họ và tên người vi phạm; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu (nếu có); giới tính;

b) Số, ngày, tháng, năm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Hành vi vi phạm;

d) Biện pháp xử lý hành chính bị áp dụng;

đ) Thời hạn áp dụng;

e) Hoãn, miễn; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

g) Thời Điểm chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

h) Cơ quan hoặc cơ quan của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

i) Khiếu nại, khởi kiện, kiến nghị, kháng nghị Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (nếu có).

4. Thông tin về việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình:

a) Họ và tên người chưa thành niên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu (nếu có); giới tính;

b) Số, ngày, tháng, năm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

c) Lý do áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

d) Thời hạn áp dụng, ngày thi hành Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

đ) Tên tổ chức, cá nhân phối hợp giám sát;

e) Thời Điểm chấm dứt áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (nếu có); lý do của việc chấm dứt; biện pháp xử lý tiếp theo;

g) Thời Điểm chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

h) Cơ quan của người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình; chức danh của người ra Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình;

i) Khiếu nại, khởi kiện Quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình (nếu có).

Điều 10. Trách nhiệm cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính

1. Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cơ quan thi hành các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính do mình thực hiện đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Căn cứ tình hình thực tế, các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm bố trí người hoặc tổ chức bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính từ người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

3. Quy trình cung cấp, tiếp nhận thông tin về xử lý vi phạm hành chính:

a) Cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải cung cấp thông tin cho bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin của cơ quan để kiểm tra, phân loại.

Tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn, hoặc trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm cung cấp thông tin cho bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin của cơ quan trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nộp tiền phạt đã thu được tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài Khoản của Kho bạc Nhà nước;

b) Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin thực hiện kiểm tra thông tin về xử lý vi phạm hành chính trên cơ sở bảo đảm tính chính xác, toàn vẹn của văn bản, tài liệu được chuyển giao và thuộc trách nhiệm để tránh việc cập nhật thông tin, văn bản trùng lặp.

Trong trường hợp thông tin còn thiếu hoặc chưa rõ ràng thì đề nghị cơ quan đã cung cấp thông tin quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này bổ sung hoặc làm rõ thông tin.

4. Việc nhập mới thông tin về xử lý vi phạm hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thực hiện như sau:

a) Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin của cơ quan quy định tại Khoản 2 Điều này, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thực hiện số hóa các thông tin đầu vào theo các biểu mẫu nhập tin và nhập mới thông tin quy định tại Khoản 1; các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 3; các Điểm a, b, c, d, đ và h Khoản 4 Điều 9 Nghị định này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Kiểm tra lại các nội dung quy định tại Điểm a Khoản này trước khi duyệt thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

5. Việc cập nhật thông tin về xử lý vi phạm hành chính vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thực hiện như sau:

a) Bộ phận tiếp nhận, cập nhật thông tin của cơ quan quy định tại Khoản 2 Điều này, trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin quy định tại Khoản 2; các Điểm e, g và i Khoản 3; các Điểm e, g và i Khoản 4 Điều 9 Nghị định này phải thực hiện số hóa các thông tin đầu vào theo các biểu mẫu nhập tin và cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Kiểm tra lại các nội dung quy định tại Điểm a Khoản này trước khi duyệt thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

6. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể quy trình cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 11. Đính chính, bổ sung, hiệu chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được đính chính, bổ sung khi phát hiện có sai sót, nhầm lẫn hoặc còn thiếu.

Thủ trưởng cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này quyết định việc đính chính hoặc bổ sung thông tin do cơ quan mình cung cấp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được hiệu chỉnh khi có căn cứ để xác định có sự sai lệch về nội dung giữa dữ liệu điện tử về xử lý vi phạm hành chính và hồ sơ, tài liệu về xử lý vi phạm hành chính đang được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này phải tiến hành truy nguyên thông tin gốc trên tài liệu lưu trữ để xác định thông tin chính xác và tự mình hoặc đề nghị cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tiến hành hiệu chỉnh theo quy định.

Điều 12. Lưu dữ liệu điện tử về xử lý vi phạm hành chính

Dữ liệu điện tử về xử lý vi phạm hành chính được lưu giữ lâu dài trừ những thông tin về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điểm a các Khoản 1, 3 và 4 Điều 9 Nghị định này mà đã qua thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 và Điều 137 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 13. Bảo đảm an toàn Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng cho các hoạt động sau: đăng nhập quản trị hệ thống, đăng nhập vào các ứng dụng, gửi nhận dữ liệu tự động giữa các máy chủ, nhập và biên tập dữ liệu.

2. Mã hóa và bảo mật đường truyền, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

3. Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

4. Thực hiện lưu vết việc tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ cho việc quản lý, giám sát hệ thống.

5. Thực hiện các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 14. Quản lý tài Khoản quản trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý tài Khoản quản trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính như sau:

1. Cấp, thu hồi tài Khoản quản trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

2. Giới hạn, rà soát, kiểm tra quyền quản trị Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính của cơ quan hoặc người được phân quyền.

Điều 15. Duy trì và nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Bộ Tư pháp thực hiện việc duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính như sau:

a) Bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường cho việc cài đặt, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vật lý và môi trường tại Trung tâm dữ liệu điện tử của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

c) Thực hiện các biện pháp sao lưu, dự phòng để bảo đảm khả năng khắc phục sự cố, phục hồi dữ liệu khi xảy ra sự cố do thiên tai hoặc bị làm sai lệch, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái phép;

d) Thực hiện các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính hoạt động liên tục 24 giờ trong tất cả các ngày.

2. Bộ Tư pháp định kỳ thực hiện rà soát, đề xuất phương án nâng cấp, phát triển hạ tầng kỹ thuật và phần mềm của Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Mục 2. KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 16. Khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Các hình thức khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

a) Kết nối qua mạng máy tính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

b) Tra cứu thông tin trực tuyến trên cổng thông tin điện tử do Bộ Tư pháp quy định;

c) Văn bản yêu cầu.

2. Đối tượng được khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

a) Các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;

b) Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khác có liên quan trực tiếp đến công tác xử lý vi phạm hành chính;

c) Các cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện chức năng giám sát công tác xử lý vi phạm hành chính có quyền yêu cầu và được cung cấp thông tin để phục vụ hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính được cung cấp thông tin về việc xử lý vi phạm hành chính của mình khi có đơn đề nghị và phải trả phí theo quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 17. Kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác

Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính được kết nối với:

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản để sử dụng thông tin gốc về công dân.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo hướng dẫn của cơ quan chủ quản để sử dụng thông tin cơ bản về doanh nghiệp.

3. Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để sử dụng thông tin của văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Kết nối, tích hợp dữ liệu và truy cập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc kết nối, tích hợp dữ liệu và truy cập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính:

a) Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính chỉ cho phép truy cập thông tin với cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

b) Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có sử dụng dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính khi nâng cấp hoặc xây dựng mới phải bảo đảm khả năng kết nối và tích hợp dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính;

c) Việc kết nối, tích hợp dữ liệu, truy cập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

2. Thủ tục kết nối, tích hợp dữ liệu, truy cập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính:

a) Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành gửi văn bản đề nghị kết nối, tích hợp dữ liệu, truy cập thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính tới Bộ Tư pháp. Trong văn bản nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phạm vi, phương thức kết nối, tích hợp dữ liệu, Mục đích và số lượng trường thông tin cần được truy cập;

b) Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định phương thức kết nối, tích hợp dữ liệu và số lượng trường thông tin chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phù hợp với phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Nghị định 20/2016/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính

  • Số hiệu: 20/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/03/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 12/04/2016
  • Số công báo: Từ số 283 đến số 284
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH