Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 19/2001/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

Chương 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ bao gồm:

a) Hành vi vi phạm quy định về khai báo, đăng ký, giấy phép quy định tại Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát Bức xạ;

b) Hành vi vi phạm các quy định về kỹ thuật đảm bảo an toàn bức xạ;

c) Hành vi vi phạm các quy định cụ thể của Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát Bức xạ và Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát Bức xạ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thiết bị bức xạ là thiết bị có thể phát ra bức xạ ion hoá, bao gồm các thiết bị chỉ phát bức xạ khi ở chế độ hoạt động (như các máy phát tia X, máy gia tốc...) và thiết bị bức xạ có gắn nguồn phóng xạ ở bên trong (như thiết bị xạ trị từ xa, thiết bị xạ trị áp sát, các máy phát tia X dùng trong phân tích ở các cửa hàng vàng bạc, các cơ sở chiếu xạ, lò phản ứng hạt nhân...).

2. Nguồn phóng xạ hiệu dụng (trong Nghị định này gọi tắt là nguồn phóng xạ) bao gồm nguồn phóng xạ kín và nguồn phóng xạ hở. Nguồn phóng xạ là các chất phóng xạ được sử dụng cùng với máy móc thiết bị hoặc sử dụng một mình trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào một mục tiêu xác định.

3. Nguồn phóng xạ kín là nguồn phóng xạ trong đó chất phóng xạ được bao kín trong lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt đảm bảo không cho chất phóng xạ của nó thoát ra môi trường trong điều kiện làm việc bình thường hoặc trong trường hợp có sự cố bức xạ.

4. Nguồn phóng xạ hở là nguồn phóng xạ không được bao kín trong một lớp vỏ bọc mà nó có cấu trúc đặc biệt như nguồn phóng xạ kín, chất phóng xạ có thể bị rò rỉ khi có sự cố bức xạ.

5. Công việc bức xạ đặc biệt là những công việc lắp đặt, vận hành, sửa chữa, khắc phục sự cố bức xạ, hỏng hóc lò phản ứng hạt nhân, máy gia tốc, máy xạ trị, thiết bị chiếu xạ bán công nghiệp và công nghiệp, các máy xạ hình công nghiệp và các công việc bức xạ có liên quan đến sức khoẻ và đòi hỏi môi trường làm việc đặc biệt.

6. Dịch vụ an toàn bức xạ là các hoạt động phục vụ các công việc về an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ, làm dịch vụ đo liều xạ cá nhân, thiết kế xây dựng cải tạo, mở rộng, nâng cấp các cơ sở bức xạ như phòng X quang, khoa y học hạt nhân, cơ sở xạ trị từ xa, kho chứa nguồn phóng xạ, kho chứa chất phóng xạ và chất thải phóng xạ, thẩm định an toàn bức xạ, đánh giá tác động bức xạ đối với môi trường, kiểm định chất lượng của các thiết bị bức xạ, hiệu chuẩn thiết bị đo lường bức xạ và thiết bị bức xạ.

7. Chỉ số vận chuyển là chỉ số dùng để kiểm soát sự chiếu xạ, để quy định lượng chất phóng xạ đựng trong kiện hàng phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.

8. Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ là Ban An toàn Bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Việc xử lý vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ khi có các hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 1.

3. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh; mọi hậu quả do hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ gây thiệt hại về vật chất, sức khoẻ con người phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Một hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ chỉ bị xử phạt 1 lần.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ thì bị xử phạt từng hành vi vi phạm.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ thì mọi người vi phạm đều bị xử phạt.

5. Việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng để quyết định hình thức xử phạt và các biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của Nghị định này.

Không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc các hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

6. Trong trường hợp xử phạt bằng tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm quy định của Nghị định này là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Trường hợp hành vi vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể thấp hơn mức trung bình, nhưng không được thấp hơn mức thấp nhất của khung tiền phạt. Trường hợp hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt cụ thể cao hơn mức trung bình, nhưng không được cao hơn mức cao nhất của khung tiền phạt.

7. Tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được áp dụng theo Điều 7 và Điều 8 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

1. Hình thức xử phạt chính: cảnh cáo hoặc phạt tiền.

2. Hình thức phạt bổ sung:

a) Tước có thời hạn hoặc không thời hạn quyền sử dụng giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ cấp;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ.

3. Áp dụng các biện pháp khác:

a) Buộc tẩy xạ những vùng bị nhiễm xạ;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc tiêu huỷ, chôn cất vật phẩm, hàng hoá chứa chất phóng xạ theo đúng quy định an toàn bức xạ;

d) Buộc cải tạo lại kết cấu xây dựng, che chắn theo tiêu chuẩn an toàn bức xạ để đảm bảo môi trường xung quanh.

đ) Buộc tái xuất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tang vật vi phạm đã nhập khẩu;

e) Buộc bố trí công việc thích hợp đối với người dưới 18 tuổi, người bị các bệnh cấm theo quy định của Bộ Y tế; phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian cho con bú theo quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 10 của Nghị định số 50/1998/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ và Luật Môi trường.

g) Buộc bồi thường thiệt hại: việc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra được tiến hành theo nguyên tắc thoả thuận giữa các bên. Đối với những thiệt hại có giá trị đến 1.000.000 đồng mà các bên không tự thoả thuận được thì mức bồi thường do người có thẩm quyền xử phạt quyết định; những thiệt hại có giá trị trên 1.000.000 đồng nếu các bên không tự thoả thuận được thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Thời hạn trên được tính là hai năm đối với hành vi vi phạm hành chính trong xuất khẩu, nhập khẩu nguồn bức xạ, bảo vệ môi trường. Nếu quá các thời hạn nói trên thì tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi vi phạm không bị xử phạt, nhưng có thể bị áp dụng các biện pháp quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

2. Đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án, thì bị xử phạt hành chính nếu vi phạm các quy định nêu tại nghị định này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng kể từ ngày có quyết định đình chỉ.

3. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính mới hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu được tính lại kể từ khi thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc từ khi hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt chấm dứt.

4. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ, nếu qua một năm kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn và kiểm soát bức xạ.

Nghị định 19/2001/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ

  • Số hiệu: 19/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 11/05/2001
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 15/06/2001
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH