Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Số : 176-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 1970

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI CHƯƠNG III CỦA ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 175-CP NGÀY 28-10-1961

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 12-3-1970;

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Nay hủy bỏ chương III nói về kế toán trưởng, gồm các điều từ 33 đến 42 trong Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 175-CP ngày 28 tháng 10 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ và thay bằng chương III mới ban hành kèm theo nghị định này.

Điều 2. Các điều khoản khác trong điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước vẫn giữ nguyên như cũ.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC ([1])
(ban hành kèm theo Nghị định số 176-CP ngày 10-9-1970)

Chương 3: (mới)

KẾ TOÁN TRƯỞNG

MỤC 1. VỊ TRÍ CỦA KẾ TOÁN TRƯỞNG

Điều 33. - Kế toán trưởng có chức năng bảo đảm việc kế toán chính xác, kịp thời, theo đúng chế độ, thể lệ của Nhà nước và giám đốc việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, việc sử dụng tiết kiệm và hợp lý lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước.

Chức vụ kế toán trưởng đặt tại các đơn vị xí nghiệp hạch toán kinh tế độc lập, Công ty, Công ty liên hiệp, Tổng công ty, Cục và Tổng cục trực thuộc Bộ hạch toán kinh tế toàn ngành, cơ quan sự nghiệp có khối lượng công tác quan trọng và sử dụng số vốn lớn.

Kế toán trưởng phụ trách cả công tác tài vụ ở những đơn vị mà công tác tài vụ chưa tổ chức thành một bộ phận riêng biệt.

Đối với các đơn vị không đặt kế toán trưởng thì trưởng phòng hoặc tổ trưởng kế toán là người phụ trách công tác kế toán của đơn vị.

Tại các Bộ và Tổng cục thì Vụ trưởng Vụ tài vụ và kế toán là người chỉ đạo công tác kế toán trong ngành.

Điều 34. - Kế toán trưởng làm nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán, vừa giúp thủ trưởng đơn vị quản lý kinh tế tài chính trong đơn vị, vừa làm nhiệm vụ kiểm soát viên Nhà nước tại đơn vị đó.

Kế toán trưởng chịu trách nhiệm trước thủ trưởng đơn vị, đồng thời chịu trách nhiệm trước thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị cấp trên về các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng.

Thủ trưởng đơn vị cần tạo mọi điều kiện cho kế toán trưởng hoàn thành nhiệm vụ, và thường xuyên kiểm tra công việc của kế toán trưởng.

Thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần kiểm tra và giúp đỡ kế toán trưởng làm tròn nhiệm vụ và cần:

- Theo dõi, đôn đốc kế toán trưởng thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ, thể lệ tài chính và kế toán;

- Giải quyết kịp thời các vấn đề mà kế toán trưởng đề xuất và báo cáo;

- Góp ý kiến, khi xét cần thiết, với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, nâng cấp bậc, khen thưởng, thi hành kỷ luật kế toán trưởng, nhằm khuyến khích và bảo vệ những kế toán trưởng làm tốt nhiệm vụ, xử lý thích đáng những kế toán trưởng vi phạm chính sách, chế độ, thể lệ của Nhà nước.

Kế toán trưởng trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các bộ phận, các cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị và các đơn vị cấp dưới tiến hành những công việc thuộc phạm vị trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng.

Mọi người trong đơn vị và đơn vị cấp dưới bắt buộc phải thi hành nghiêm chỉnh những điều hướng dẫn của kế toán trưởng và chịu sự kiểm tra của kế toán trưởng; đồng thời mọi người có trách nhiệm giám sát công việc của kế toán trưởng.

Điều 35. - Việc bổ nhiệm, thuyên chuyển, nâng cấp bậc, khen thưởng, thi hành kỷ luật kế toán trưởng các đơn vị do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm thủ trưởng các đơn vị đó quyết định, sau khi hỏi ý kiến kế toán trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp của đơn vị đó; riêng kế toán trưởng các xí nghiệp loại I, các Tổng công ty, các Cục và Tổng cục trực thuộc Bộ thì do Bộ trưởng Bộ chủ quản bổ nhiệm.

Trước khi đề nghị bổ nhiệm, thuyên chuyển, thi hành kỷ luật Vụ trưởng Vụ tài vụ kế toán, thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ cần tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trường hợp thay đổi kế toán trưởng, thủ trưởng đơn vị phải tổ chức bàn giao công việc giữa kế toán trưởng cũ và kế toán trưởng mới; nếu xét thấy cần thiết, có thể yêu cầu kế toán trưởng cấp trên hoặc người được ủy quyền đến chứng kiến. Thủ trưởng đơn vị, hai kế toán trưởng cũ và mới phải cùng ký vào biên bản bàn giao và gửi một bản cho đơn vị cấp trên.

Bàn giao xong, thủ trưởng đơn vị phải thông tri ngay cho các bộ phận có liên quan trong đơn vị và cho Ngân hàng nơi mở tài khoản gửi tiền biết tên, họ và mẫu chữ ký của kế toán trưởng mới.

Trường hợp tạm thời vắng mặt ở đơn vị, kế toán trưởng phải ủy quyền cho người có đủ khả năng thay thế. Việc ủy quyền này phải được thủ trưởng đơn vị chấp thuận.

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM CỦA KẾ TOÁN TRƯỞNG

Điều 36. - Kế toán trưởng có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo các mặt nghiệp vụ kế toán:

1. Tổ chức công tác kế toán và bộ máy kế toán phù hợp với tổ chức sản xuất kinh doanh, không ngừng cải tiến tổ chức và công tác kế toán.

2. Tổ chức việc tính toán, ghi chép và phản ánh chính xác, kịp thời:

- Tình hình tài sản của đơn vị;

- Tình hình lao động, tiền lương;

- Các chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, các khoản chi tiêu hành chính, sự nghiệp;

- Khối lượng, chất lượng thành phẩm, công trình xây dựng cơ bản, công việc phục vụ, thu mua, cung cấp, tiêu thụ sản phẩm v .v…;

- Giá nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa thu mua, giá thành sản phẩm, công trình xây dựng cơ bản, các công việc phục vụ;

- Kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị;

- Các nghiệp vụ tài chính, tín dụng và thanh toán.

3. Tổ chức tính toán và trích chuyển đúng, kịp thời các khoản nộp ngân sách (thuế, thu quốc doanh, lợi nhuận, khấu hao v .v… ) các khoản nộp cấp trên, các quỹ để lại cho đơn vị và thanh toán sòng phẳng, đúng hạn các khoản vay của Ngân hàng.

4. Xác định và phản ánh chính xác, kịp thời, đúng chế độ kết quả kiểm kê tài sản trên sổ sách và báo cáo kế toán; làm đầy đủ và kịp thời các thủ tục và tài liệu cần thiết về việc xử lý các khoản mất mát, hao hụt, hư hỏng, các vụ tham ô và các trường hợp lạm dụng tài sản của Nhà nước, đồng thời đề nghị với thủ trưởng đơn vị các biện pháp giải quyết.

5. Lập chính xác, đầy đủ và gửi đúng hạn báo cáo quyết toán của đơn vị như quy định trong điều 21.

Kiểm tra, xét duyệt các báo cáo kế toán, báo cáo quyết toán của các đơn vị cấp dưới gửi lên; lập và nộp đầy đủ, đúng hạn các báo cáo kế toán, báo cáo quyết toán tổng hợp của các đơn vị thuộc phạm vi mình quản lý.

6. Tổ chức kiểm tra kế toán, kiểm tra việc thi hành các chế độ, thể lệ tài chính của các bộ phận trong đơn vị và của các đơn vị cấp dưới, mỗi năm ít nhất một lần.

7. Tổ chức phổ biến và hướng dẫn thi hành kịp thời các chế độ, thể lệ tài chính, kế toán của Nhà nước và các quy định của cấp trên cho các bộ phận, cá nhân có liên quan trong đơn vị và cho các đơn vị cấp dưới.

8. Tổ chức bảo quản, lưu trữ các tài liệu kế toán, giữ bí mật tài liệu và số liệu kế toán theo chế độ của Nhà nước.

9. Nghiên cứu và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, xây dựng đội ngũ cán bộ kế toán trong đơn vị mình và các đơn vị cấp dưới.

Điều 37. Kế toán trưởng có trách nhiệm giám đốc:

1. Việc chấp hành chế độ bảo vệ tài sản như bảo quản, dự trữ, sử dụng tài sản, nhập, xuất tài sản, việc làm thủ tục khiếu nại và theo dõi tình hình xử lý tài sản, vật tư, hàng hóa thiếu hụt, hư hỏng, không đồng bộ v .v…

2. Việc chấp hành và cải tiến định mức lao động, việc chấp hành chế độ quản lý lao động, tiền lương và phụ cấp, và quỹ lương, chế độ và kỷ luật lao động, chế độ bảo đảm điều kiện, làm việc, sức khỏe và đời sống của công nhân, viên chức.

3. Việc chấp hành chế độ và kỷ luật tài chính, tiền mặt và thanh toán, việc sử dụng các khoản tiền nhận của ngân sách, Ngân hàng và các khoản vốn của đơn vị, việc thu hồi và các thanh toán các khoản nợ.

4. Việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật, tài chính, các dự toán chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, các dự toán chi tiêu hành chính, sự nghiệp, các định mức tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật, tài chính.

5. Việc chấp hành các chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước.

6. Việc tiến hành các cuộc kiểm kê tài sản chính xác, đúng kỳ hạn, đúng chế độ.

7. Việc kết chuyển đúng đắn các khoản thiếu hụt, mất mát, các khoản nợ không đòi được và các tài sản khác của đơn vị vào khoản lỗ.

8. Việc tiến hành đánh giá lại tài sản của đơn vị đúng chế độ của Nhà nước.

Điều 38. Kế toán trưởng có trách nhiệm giúp thủ trưởng đơn vị:

1. Tổng hợp các số liệu và tình hình cụ thể, kết hợp với các bộ phận khác tiến hành phân tích kết quả hoạt động kinh tế của đơn vị một cách thường xuyên, nhằm phát hiện những lãng phí và thiệt hại đã xẩy ra, những việc làm không có hiệu quả, những sự trì trệ trong sản xuất và kinh doanh, để thủ trưởng có kế hoạch khắc phục, bảo đảm kết quả hoạt động và doanh lợi của đơn vị ngày càng tăng.

2. Nghiên cứu cải tiến quản lý kinh doanh của đơn vị nhằm khai thác khả năng tiềm tàng, tiết kiệm vốn đầu tư và nâng cao hiệu quả đồng vốn.

3. Thúc đẩy thi hành và củng cố chế độ hạch toán kinh tế tại đơn vị mình và các đơn vị cấp dưới.

MỤC 3. QUYỀN HẠN CỦA KẾ TOÁN TRƯỞNG

Điều 39. Quyền hạn của kế toán trưởng như sau:

1. Tất cả nhân viên kế toán tại đơn vị, bất kỳ làm việc ở bộ phận nào, đều phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của kế toán trưởng và do kế toán trưởng phân công.

Việc tuyển dụng, thuyên chuyển, nâng cấp bậc, khen thưởng, thi hành kỷ luật các nhân viên kế toán và thủ quỹ, thủ kho trong đơn vị đều phải tham khảo ý kiến của kế toán trưởng.

Khi thuyên chuyển hay thay đổi những người nói trên, phải thực hiện bàn giao công việc và kế toán trưởng hoặc người được kế toán trưởng ủy quyền phải chứng kiến việc bàn giao.

2. Kế toán trưởng có quyền yêu cầu tất cả các bộ phận trong đơn vị chuyển đầy đủ, kịp thời cho kế toán trưởng tất cả các tài liệu pháp quy và các tài liệu khác cần thiết cho công việc kế toán và kiểm tra của kế toán trưởng; các bộ phận trong đơn vị phải coi đấy là trách nhiệm không được từ chối.

Những người có nhiệm vụ lập, ký duyệt và gửi các tài liệu, chứng từ có liên quan đến công tác kế toán, phải chịu trách nhiệm về những sự sai sót, không xác thực, không rõ ràng, không hợp lệ, không gửi đúng thời hạn quy định, làm ảnh hưởng đến việc ghi chép sổ sách kế toán, báo các kế toán và công việc kiểm tra, giám đốc của kế toán trưởng.

Người nào không thi hành hoặc thi hành sai những điều hướng dẫn của kế toán trưởng, làm ảnh hưởng đến công tác kế toán, ngăn trở công việc kiểm tra, giám đốc của kế toán trưởng, thì có thể bị thi hành kỷ luật: truất tiền thưởng, hạ tiền lương, phê bình, cảnh cáo, cách chức và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy tố trước pháp luật.

3. Các báo cáo thống kê, các hợp đồng, khế ước, các chứng từ tín dụng, các tài liệu có liên quan đến việc thanh toán, trả lương, trả tiền thưởng v .v… đều phải có chữ ký xác nhận của kế toán trưởng. theo như quy định trong điều 6.

4. Khi phát hiện những hành động của bất cứ người nào trong đơn vị vi phạm những luật lệ và thể lệ đã được quy định thì tùy trường hợp, kế toán trưởng có quyền báo cáo cho thủ trưởng đơn vị mình hoặc thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp, và trong những trường hợp nghiêm trọng thì báo cáo cho Ủy ban Thanh tra của Chính phủ hoặc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 40. Kế toán trưởng không được ký, lập hoặc duyệt các báo cáo, chứng từ, tài liệu, khi xét không phù hợp với luật lệ của Nhà nước, với chỉ thị của đơn vị kế toán cấp trên.

Trường hợp có mệnh lệnh của thủ trưởng đơn vị thì kế toán trưởng phải trực tiếp trình bày với thủ trưởng đơn vị những chỗ vi phạm luật lệ của mệnh lệnh đó. Nếu sau khi trình bày mà thủ trưởng đơn vị vẫn giữ ý kiến thì thủ trưởng phải ký giấy ra lệnh, kế toán trưởng phải chấp hành, nhưng có quyền ghi ý kiến của mình vào lệnh đó, đồng thời phải báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng đơn vị cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp.

Trường hợp thủ trưởng ra lệnh (bằng giấy hay bằng miệng) thực hiện một việc bị luật pháp trừng phạt (như sửa chữa, giả mạo giấy tờ để tham ô tài sản của Nhà nước v .v…) thì kế toán trưởng nhất thiết phải từ chối không chấp hành; đồng thời phải báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng đơn vị cấp trên.

Kế toán trưởng nào không thực hiện đúng điều quy định trên đây thì phải chịu trách nhiệm như người thủ trưởng đã ra lệnh.

Điều 41. Trong hạn tối đa là hai tuần lễ kể từ ngày nhận được báo cáo của kế toán trưởng như quy định trong điều 39 (điểm 4) và điều 40, người và đơn vị nhận báo cáo phải có biện pháp giải quyết và thông báo cho kế toán trưởng đó biết.

Thủ trưởng và kế toán trưởng đơn vị cấp trên nhận được báo cáo của kế toán trưởng đơn vị cấp dưới về các mệnh lệnh và những hành động phi pháp mà không có biện pháp giải quyết thích đáng và kịp thời thì phải chịu trách nhiệm về những hậu quả có thể xảy ra.

Trường hợp không có sự nhất trí về cách giải quyết giữa kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị, thì thủ trưởng đơn vị cấp trên xử lý sự không nhất trí đó sau khi tham khảo ý kiến của kế toán trưởng đơn vị mình.

Các báo cáo của kế toán trưởng được gửi đi theo chế độ gửi công văn của đơn vị.

MỤC 4. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI KẾ TOÁN TRƯỞNG

Điều 42. Tùy theo trình độ, kế toán trưởng được hưởng lương cấp bậc quy định trong thang lương riêng của cán bộ kế toán sẽ ban hành. Ngoài lương cấp bậc, kế toán trưởng còn được hưởng phụ cấp chức vụ trong thời gian giữ chức vụ kế toán trưởng.

Kế toán trưởng được hưởng tiền thưởng như sức cán bộ quản lý và kỹ thuật khác.

Kế toán trưởng có thành tích trong việc chấp hành đầy đủ những điều lệ, chế độ, thể lệ kinh tế tài chính, kế toán, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành động tham ô, lãng phí trong đơn vị, bảo vệ được tài sản của Nhà nước, có sáng kiến thúc đẩy sản xuất, tiết kiệm trong đơn vị, thì được khen thưởng thích đáng về mặt vật chất và tinh thần.

Trường hợp không làm tròn nhiệm vụ, kế toán trưởng có thể bị thi hành kỷ luật: truất tiền thưởng, hạ tiền lương, phê bình, cảnh cáo, cách chức và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy tố trước pháp luật.