Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 171-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUY CHẾ MỞ TRƯỜNG VÀ LỚP ĐẠI HỌC VÀ TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để đưa việc tổ chức các trường, các lớp đại học và trung học chuyên nghiệp vào nền nếp;
Để tăng cường lãnh đạo và quản lý các trường, các lớp ấy;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ họp ngày 24-07-1963

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Các trường, các lớp đại học (hoặc cao đẳng) có nhiệm vụ đào tạo theo đường lối, phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước những cán bộ khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, nắm được một cách có hệ thống những lý thuyết về khoa học, kỹ thuật hoặc nghiệp vụ của ngành, nghề đã học và có khả năng vận dụng những điều đã học vào thực tế sản xuất, vào công tác nghiên cứu khoa học.

Đối tượng tuyển vào các trường và lớp đại học (hoặc cao đẳng) là những học sinh đã tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, những cán bộ, quân nhân có trình độ văn hóa tương đương lớp 10 phổ thông. Thời gian đào tạo từ bốn đến sáu năm. Đối với các trường và lớp đại học chuyên tu, đối tượng đào tạo là cán bộ trong ngành, thì thời gian đào tạo từ hai đến bốn năm.

Điều 2. – Các trường và lớp trung học chuyên nghiệp có nhiệm vụ đào tạo, theo đường lối, phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước, những cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, nắm được những điều lý thuyết cơ bản và có năng lực thực hành về ngành, nghề đã học.

Đối tượng tuyển vào các trường và lớp trung học chuyên nghiệp là những người đã tốt nghiệp lớp 7 phổ thông trở lên, những cán bộ, quân nhân có trình độ văn hóa tương đương. Thời gian đào tạo từ hai đến bốn năm. Đối với các trường và lớp trung học chuyên nghiệp chuyên tu, đối tượng đào tạo là cán bộ trong ngành, thì thời gian đào tạo từ hai đến ba năm.

Trong những năm tới, các trường và lớp trung học chuyên nghiệp sẽ tuyển chọn ngày càng nhiều người tốt nghiệp lớp 10 phổ thông, hoặc có trình độ tương đương

Điều 3. – Đối với một số trường và lớp trung học chuyên nghiệp thuộc các ngành nghệ thuật có những yêu cầu và đặc điểm riêng, không thể theo đúng những điều quy định chung nói ở điều 2 trên đây, bộ có trường sẽ cùng với Bộ Giáo dục, căn cứ vào quy chế chung của các trường và lớp trung học chuyên nghiệp và đặc điểm riêng của từng ngành, nghề mà quy định mục đích, yêu cầu của việc đào tạo, đối tượng tuyển sinh và thời gian đào tạo.

Điều 4. – Các trường, các lớp đại học (hoặc cao đẳng) và trung học chuyên nghiệp tại chức (học buổi tối, học bằng thư…) phải bảo đảm chất lượng đào tạo tương đương các trường và lớp tập trung. Thời gian học tại chức phải dài hơn thời gian tập trung.

Điều 5. – Các trường, các lớp đại học (hoặc cao đẳng) và trung học chuyên nghiệp phải có đủ cán bộ giảng dạy có trình độ, có trường sở, thiết bị học tập và giảng dạy, cơ sở thí nghiệm, thực tập và thư viện.

Điều 6. – Các bộ, cơ quan ngang bộ và các ủy ban hành chính địa phương có trường và lớp đại học (hoặc cao đẳng) hay trung học chuyên nghiệp có nhiệm vụ quản lý và chỉ đạo mọi mặt các trường và lớp đó, theo đúng quy chế chung về đại học và trung học chuyên nghiệp.

Điều 7. - Bộ Giáo dục có nhiệm vụ:

a) Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ áp dụng cho các trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp và kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ ấy.

b) Hướng dẫn các bộ có trường và lớp thực hiện các chính sách, chế độ chung về đại học và trung học chuyên nghiệp, giúp đỡ các bộ xây dựng chương trình học, biên soạn sách giáo khoa theo đúng đường lối, phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước.

c) Xây dựng và ban hành các quy chế, chế độ về nghiệp vụ giáo dục áp dụng cho các trường và lớp đại học (hoặc cao đẳng) và trung học chuyên nghiệp; chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các quy chế, chế độ ấy.

Điều 8. - Việc mở trường và lớp đại học (hoặc cao đẳng) tập trung hay tại chức do Hội đồng Chính phủ quyết định theo đề nghị của bộ dự định mở trường và Bộ Giáo dục, sau khi các bộ này đã thỏa thuận với Ủy ban kế hoạch Nhà nước về chỉ tiêu, kinh phí và biên chế.

Việc mở thêm hay thay đổi ngành học, thời gian học, hệ thống học trong các trường và lớp đại học do Bộ Giáo dục và bộ có trường hay lớp quyết định sau khi có sự thỏa thuận của Ủy ban kế hoạch Nhà nước về chỉ tiêu, kinh phí và biên chế.

Điều 9. - Việc mở trường và lớp trung học chuyên nghiệp tập trung hay tại chức thuộc Trung ương hay địa phương quản lý do bộ hay Ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh dự định mở trường và Bộ Giáo dục quyết định, sau khi có sự thỏa thuận của Ủy ban kế hoạch Nhà nước về chỉ tiêu, kinh phí và biên chế.

Việc mở thêm hay thay đổi ngành học, thời gian học, hệ thống học trong các trường và lớp trung học chuyên nghiệp cũng do bộ hay Ủy ban hành chính địa phương quản lý trường hay lớp và Bộ Giáo dục quyết định, sau khi có sự thỏa thuận của Ủy ban kế hoạch Nhà nước về chỉ tiêu, kinh phí và biên chế.

Điều 10. - Việc bãi bỏ một trường, một lớp đại học (hoặc cao đẳng) hay trung học chuyên nghiệp cũng như việc hợp nhất nhiều trường hay nhiều lớp thành một trường, một lớp hay việc tách một trường, một lớp thành nhiều trường, nhiều lớp phải do chính các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép mở trường hay lớp đó quyết định.

Điều 11. - Hồ sơ xin mở trường, mở lớp đại học (hoặc cao đẳng) hay trung học chuyên nghiệp gồm:

- Tờ trình về lý do và yêu cầu mở trường, mở lớp;

- Đề án về mục tiêu đào tạo, đối tượng đào tạo, kế hoạch giảng dạy, chương trình các môn học, phương pháp giảng dạy, kế hoạch tuyển sinh;

- Đề án tổ chức bộ máy nhà trường, xây dựng trường sở, thiết bị học tập và giảng dạy.

Điều 12. – Các trường, các lớp đại học (hoặc cao đẳng) và trung học chuyên nghiệp mở trước ngày ban hành nghị định này đều phải theo đúng những quy định nói trong các điều 8, 9, 10 và 11 trên đây.

Điều 13. – Ngoài hệ thống các trường và lớp đại học (hoặc cao đẳng) và trung học chuyên nghiệp tập trung và tại chức nói trên, các bộ, các địa phương có thể mở các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ hoặc kỹ thuật cho một số cán bộ, công nhân để họ có điều kiện làm tốt hơn công tác mà họ đang đảm nhiệm.

Thời gian và nội dung học tập ở các lớp bồi dưỡng này sẽ do các bộ, các Ủy ban hành chính địa phương có lớp quyết định sau khi đã thỏa thuận với Bộ Giáo dục.

Thời gian bồi dưỡng phải ngắn hơn thời gian đào tạo. Cuối khóa, người đi học được cấp giấy chứng nhận về kết quả học tập của mình.

Các bộ hay địa phương có lớp bồi dưỡng nói trên, có trách nhiệm quản lý và chỉ đạo mọi mặt các lớp đó. Mọi khoản chi phí sẽ do quỹ đào tạo cán bộ của bộ hoặc địa phương mở lớp đài thọ.

Điều 14. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây về việc mở hay bỏ trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp trái với các điều khoản trong nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 15. - Bộ Giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn thi hành đúng đắn nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 171-CP năm 1963 về quy chế mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp do của Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 171-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/11/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: 20/11/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản