Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản

Chương 4.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

Điều 22. Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản

Người có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, hình thức bán đấu giá quy định tại Nghị định này để bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 23. Xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá

1. Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được xác định trước khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản hoặc trước khi chuyển giao tài sản để bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá được thực hiện như sau:

a) Đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Đối với tài sản bán đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trong trường hợp không xác định được giá tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì thành lập hội đồng để xác định giá tài sản;

c) Đối với tài sản là tang chứng, vật chứng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán đấu giá, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan;

d) Đối với tài sản bán đấu giá là tài sản nhà nước, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

đ) Đối với tài sản là quyền sử dụng đất được bán đấu giá để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuế đất, thì giá khởi điểm được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai;

e) Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có yêu cầu bán đấu giá, thì giá khởi điểm do tổ chức, cá nhân tự xác định hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác xác định.

Điều 24. Giám định tài sản bán đấu giá

1. Tài sản bán đấu giá được giám định khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu giám định phải thanh toán chi phí giám định, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp giám định theo quy định của pháp luật, thì người có tài sản bán đấu giá phải thanh toán chi phí giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 25. Hợp đồng bán đấu giá tài sản

1. Hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó.

Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện căn cứ quyết định tịch thu và biên bản chuyển giao tài sản để tổ chức bán đấu giá mà không phải ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản.

2. Hợp đồng bán đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản và có các nội dung chính sau đây:

a) Họ, tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá; tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

b) Liệt kê, mô tả tài sản bán đấu giá;

c) Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

d) Thời hạn, địa điểm bán đấu giá tài sản;

đ) Thời hạn, địa điểm, phương thức giao tài sản để bán đấu giá;

e) Thời hạn, địa điểm, phương thức thanh toán tiền bán tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành;

g) Phí, chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá thành và chi phí bán đấu giá tài sản trong trường hợp bán đấu giá không thành;

h) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

i) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

k) Các nội dung khác do các bên thỏa thuận.

Điều 26. Ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản

1. Trong trường hợp bán đấu giá một số loại tài sản dưới đây thì các bên ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản được xác định như sau:

a) Tài sản để thi hành án thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chấp hành viên có thẩm quyền xử lý tài sản đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

b) Tài sản nhà nước thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá tài sản;

c) Tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa các chủ sở hữu chung hoặc người đại diện của họ với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

d) Tài sản thuộc sở hữu chung theo phần thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa chủ sở hữu phần tài sản bán đấu giá hoặc người đại diện của người đó với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp;

đ) Tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa người có quyền xử lý tài sản đó theo thỏa thuận trong hợp đồng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc theo quy định của pháp luật với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp;

e) Tài sản là tang chứng, vật chứng trong quá trình tố tụng thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp;

g) Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức thì hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký kết giữa cá nhân, tổ chức có tài sản hoặc người được cá nhân, tổ chức có tài sản ủy quyền với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp.

2. Khi ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản, người có tài sản bán đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức bán đấu giá tài sản giấy chứng nhận hợp pháp hoặc bằng chứng khác chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bằng chứng đó.

3. Tổ chức bán đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác của các thông tin về nguồn gốc tài sản, quyền sở hữu, quyền sử dụng của tài sản do người có tài sản bán đấu giá cung cấp.

Điều 27. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản

1. Người có tài sản bán đấu giá hoặc tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự trước khi tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia và phải trả chi phí thực tế phát sinh (nếu có).

Điều 28. Niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

1. Tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản là động sản tại nơi bán đấu giá, nơi trưng bày tài sản và nơi đặt trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản chậm nhất là bảy ngày trước khi tiến hành bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, thời hạn niêm yết việc bán đấu giá tài sản có thể được rút ngắn theo thỏa thuận của các bên.

2. Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ ba mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản. Thời hạn thông báo công khai được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Việc thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được thực hiện đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm dưới ba mươi triệu đồng, nếu người có tài sản bán đấu giá yêu cầu.

3. Niêm yết, thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

b) Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

c) Danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản bán đấu giá;

d) Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

đ) Địa điểm, thời hạn trưng bày tài sản bán đấu giá;

e) Địa điểm, thời hạn tham khảo hồ sơ tài sản bán đấu giá;

g) Địa điểm, thời hạn đăng ký mua tài sản bán đấu giá;

h) Những thông tin cần thiết khác liên quan đến tài sản bán đấu giá, gồm cả những thông tin mà người có tài sản bán đấu giá yêu cầu thông báo công khai.

Điều 29. Đăng ký tham gia đấu giá tài sản

1. Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

2. Người tham gia đấu giá tài sản có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.

3. Trong trường hợp người tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước mua được tài sản bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Điều 30. Người không được tham gia đấu giá tài sản

1. Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

2. Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó.

3. Người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước; người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước; cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.

4. Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Người không được tham gia mua tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

b) Người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật về loại tài sản đó.

5. Người không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 31. Trưng bày, xem tài sản bán đấu giá

1. Đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản thì người tham gia đấu giá tài sản được trực tiếp xem tài sản từ khi niêm yết và thông báo công khai cho đến trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản hai ngày.

2. Đối với tài sản bán đấu giá là động sản thì ít nhất hai ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá tài sản phải tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá được xem tài sản bán đấu giá. Trên tài sản hoặc mẫu tài sản phải ghi rõ tên của người có tài sản bán đấu giá và thông tin về tài sản đó.

Điều 32. Địa điểm bán đấu giá

Cuộc bán đấu giá tài sản có thể được tổ chức tại trụ sở của tổ chức bán đấu giá tài sản, tại nơi có tài sản hoặc tại một địa điểm khác theo thỏa thuận của tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá.

Điều 33. Hình thức bán đấu giá

Tổ chức bán đấu giá tài sản có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá sau đây để tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản:

1. Đấu giá trực tiếp bằng lời nói;

2. Đấu giá bằng bỏ phiếu;

3. Các hình thức khác do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận.

Điều 34. Trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản

1. Cuộc bán đấu giá tài sản phải được tiến hành liên tục theo trình tự sau đây:

a) Mở đầu cuộc bán đấu giá tài sản, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá giới thiệu bản thân, người giúp việc; thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản; công bố danh sách người đăng ký mua tài sản bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá tài sản; giới thiệu từng tài sản bán đấu giá; nhắc lại giá khởi điểm; thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá (nếu có); trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá;

b) Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá. Sau mỗi lần người tham gia đấu giá tài sản trả giá, đấu giá viên thông báo công khai về giá đã trả cho người người tham gia đấu giá tài sản;

c) Nếu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã trả mà không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên công bố người mua được tài sản bán đấu giá. Sau khi đấu giá viên công bố, người mua được tài sản bán đấu giá được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

Trong trường hợp giá trả cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá tài sản coi như không thành.

Trong trường hợp đấu giá bằng bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất, thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá. Nếu không có người trả giá cao hơn thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

2. Diễn biến của cuộc bán đấu giá tài sản phải được ghi vào biên bản bán đấu giá tài sản. Biên bản bán đấu giá tài sản phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản, người ghi biên bản, một người tham gia đấu giá và một người tham dự cuộc bán đấu giá (nếu có).

3. Kết quả cuộc bán đấu giá tài sản được ghi vào Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

4. Tùy từng trường hợp bán đấu giá tài sản cụ thể hoặc theo yêu cầu của người có tài sản bán đấu giá thì tổ chức bán đấu giá tài sản mời tổ chức, cá nhân có liên quan đến tham dự cuộc bán đấu giá.

Điều 35. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá

1. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá có giá trị xác nhận việc mua bán tài sản bán đấu giá, là cơ sở pháp lý để chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản bán đấu giá.

2. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá có các nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản;

b) Họ, tên của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản;

c) Họ, tên, địa chỉ của người có tài sản bán đấu giá;

d) Họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân của người mua được tài sản bán đấu giá;

đ) Thời gian, địa điểm bán đấu giá tài sản;

e) Tài sản bán đấu giá;

g) Giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá;

h) Giá bán tài sản;

i) Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá;

k) Thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được tài sản bán đấu giá phù hợp với hợp đồng bán đấu giá tài sản, trừ khi các bên liên quan có thỏa thuận khác;

l) Trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ của các bên.

3. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá. Đối với những tài sản mà pháp luật quy định hợp đồng mua bán phải có công chứng hoặc phải được đăng ký, thì hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá phải phù hợp với quy định đó.

4. Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được lập thành ít nhất là 04 bản, trong đó tổ chức bán đấu giá tài sản giữ một bản và gửi cho người mua được tài sản bán đấu giá, người có tài sản bán đấu giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, mỗi nơi một bản. Trong trường hợp tài sản bán đấu giá là bất động sản thì một bản hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá còn được gửi cho cơ quan thuế.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá

1. Quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá được xác định từ thời điểm đấu giá viên tuyên bố người đó mua được tài sản bán đấu giá.

2. Người mua được tài sản bán đấu giá có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản;

b) Nhận tài sản đã mua, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được xác định trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá;

c) Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá;

d) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá

1. Việc bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá không áp dụng đối với tài sản được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định này.

2. Trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có một người đăng ký mua tài sản bán đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc bán đấu giá và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó, nếu người có tài sản bán đấu giá đồng ý. Việc bán tài sản trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết, thông báo công khai, trưng bày tài sản và không có khiếu nại liên quan đến trình tự, thủ tục cho đến khi quyết định bán tài sản.

3. Khi bán tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều này, đấu giá viên chịu trách nhiệm về việc bán đấu giá tài sản phải lập biên bản về việc bán tài sản, ghi kết quả vào Sổ đăng ký bán đấu giá tài sản và lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá.

Biên bản về việc bán tài sản phải thể hiện quá trình thực hiện bán đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá, sự đồng ý của người có tài sản, có chữ ký của đấu giá viên, người ghi biên bản, người có tài sản và người mua được tài sản.

Điều 38. Rút lại giá đã trả

1. Tại cuộc bán đấu giá tài sản, người đã trả giá cao nhất mà rút lại giá đã trả trước khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá công bố người mua được tài sản thì cuộc bán đấu giá vẫn tiếp tục và bắt đầu từ giá của người trả giá liền kề trước đó. Trong trường hợp không có người trả giá tiếp thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

2. Người rút lại giá đã trả bị truất quyền tham gia trả giá tiếp và không được hoàn trả khoản tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước của người rút lại giá đã trả thuộc về tổ chức bán đấu giá tài sản.

Điều 39. Từ chối mua tài sản bán đấu giá

1. Tại cuộc bán đấu giá, khi đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua.

Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua nêu trên mà có từ hai người trở lên cùng trả giá liền kề, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối mua thì tài sản được bán cho một trong hai người trả giá liền kề đó, sau khi đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản bán đấu giá.

Trong trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

2. Trong trường hợp người trả giá liền kề không đồng ý mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

3. Khoản tiền đặt trước của người từ chối mua theo quy định tại khoản 1 Điều này thuộc về người có tài sản bán đấu giá.

Điều 40. Trả lại tài sản bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá không thành

Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại tài sản cho người có tài sản bán đấu giá trong thời hạn chậm nhất là ba ngày làm việc, kể từ ngày bán đấu giá tài sản không thành, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 41. Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản, giao tài sản đã bán đấu giá.

1. Thời hạn, phương thức, địa điểm thanh toán tiền mua tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thời hạn, địa điểm giao tài sản đã bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 42. Mua lại tài sản đã bán đấu giá

1. Người có tài sản bán đấu giá chỉ được mua lại tài sản đã bán đấu giá nếu người mua được tài sản bán đấu giá đồng ý.

2. Việc mua lại tài sản đã bán đấu giá được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng mua bán tài sản.

Điều 43. Phí, chi phí bán đấu giá tài sản

1. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản thành, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, người có tài sản bán đấu giá thanh toán cho tổ chức bán đấu giá các khoản phí và chi phí sau đây:

a) Phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

b) Chi phí thực tế, hợp lý cho việc bán đấu giá tài sản do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận.

2. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì người có tài sản bán đấu giá tài sản thanh toán cho tổ chức bán đấu giá tài sản các chi phí thực tế, hợp lý quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Đối với tài sản thi hành án, trong trường hợp bán đấu giá không thành thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thanh toán chi phí bán đấu giá tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

4. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trong trường hợp bán đấu giá không thành thì cơ quan tài chính có trách nhiệm thanh toán chi phí bán đấu giá cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện theo quy định của pháp luật.

Điều 44. Chi phí dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng và dịch vụ khác liên quan đến tài sản bán đấu giá (sau đây gọi chung là chi phí dịch vụ)

1. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu và được tổ chức bán đấu giá tài sản cung cấp dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và dịch vụ khác liên quan đến tài sản bán đấu giá thì phải trả chi phí dịch vụ cho tổ chức bán đấu giá tài sản.

2. Mức chi phí dịch vụ do các bên thỏa thuận trên cơ sở chi phí cần thiết hợp lý và giá thị trường.

Điều 45. Quản lý, sử dụng phí, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác

1. Việc quản lý, sử dụng phí, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

2. Việc quản lý, sử dụng phí, chi phí bán đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định pháp luật về phí, lệ phí và chế độ tài chính của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý, sử dụng chi phí bán đấu giá tài sản của hội đồng bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 46. Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.

2. Thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đã bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đó.

3. Căn cứ vào văn bản xác nhận kết quả bán đấu giá, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua được tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 47. Trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đã bán đấu giá

Tổ chức bán đấu giá tài sản không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đã bán đấu giá, trừ trường hợp không thông báo đầy đủ, chính xác cho người tham gia đấu giá tài sản những thông tin cần thiết có liên quan đến giá trị, chất lượng của tài sản đã bán đấu giá theo hợp đồng bán đấu giá tài sản.

Điều 48. Hủy kết quả bán đấu giá tài sản

1. Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:

a) Do thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án, thì còn phải có thỏa thuận của người phải thi hành án;

b) Hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy theo quy định của pháp luật dân sự;

c) Kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Nghị định này.

2. Trong trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy theo quy định tại Điều này thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Tổ chức bán đấu giá lại

1. Trong trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì việc xử lý tài sản bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản.

Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì sau hai lần giảm giá mà cuộc bán đấu giá tài sản vẫn không thành, thì tổ chức bán đấu giá tài sản trả lại cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu để thực hiện thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.

2. Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá lại thì trình tự, thủ tục bán đấu giá lại được tiến hành như đối với việc bán đấu giá tài sản lần đầu.

Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản

  • Số hiệu: 17/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/03/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 19/03/2010
  • Số công báo: Từ số 125 đến số 126
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH