Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ DẤU HIỆU, PHÙ HIỆU VÀ TRANG PHỤC CỦA CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN NGÀNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 160-CP ngày 09 tháng 10 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giao thông vận tải,
Để đề cao tinh thần trách nhiệm ý thức tổ chức kỷ luật và vinh dự của cán bộ, công nhân, nhân viên ngành vận tải đường biển,
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải.
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 13 tháng 6 năm 1963,

NGHỊ ĐỊNH:

Nay quy định dấu hiệu, phù hiệu và trang phục của cán bộ, công nhân, nhân viên ngành vận tải đường biển như sau:

I. DẤU HIỆU, PHÙ HIỆU NGÀNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN

Điều 1. – Dấu hiệu ngành vận tải đường biển hình trái tim làm bằng dạ màu tím than chiều cao 56 ly, chiều rộng 59 ly, gắn ở mũ dùng thống nhất cho cán bộ, công nhân, nhân viên các tầu vận tải đi biển đường xa, đường gần, đường ven biển, tầu công trình đường biển, cảng vụ và hoa tiêu.

1. Dấu hiệu gắn trên mũ cán bộ:

- Giữa có ngôi sao vàng chồng lên mỏ neo, xung quanh có hai bông lúa thêu kim tuyến vàng, có phân biệt:

+ Tầu đi biển đường xa: sao vàng nền đỏ viền vàng, ngoài hai bông lúa có đường viền vàng nhỏ một ly theo hình trái tim.

- Tầu đi biển đường gần, cảng vụ và hoa tiêu: sao vàng nền đỏ viền vàng.

+ Tầu đi ven biển: sao vàng viền đỏ.

2. Dấu hiệu gắn trên mũ của công nhân, nhân viên:

- Giữa có ngôi sao vàng viền đỏ chồng lên mỏ neo vàng xung quanh không có bông lúa, có phân biệt:

+ Tầu đi biển đường xa và đường gần: dấu hiệu có đường viền nhỏ hai ly theo hình trái tim thêu kim tuyến vàng.

+ Tầu đi ven biển: dấu hiệu không có đường viền.

Điều 2. – Phù hiệu ấn định những hình tượng trưng để phân biệt nghề nghiệp theo hệ chuyên môn dưới đây:

- Cán bộ làm việc trên boong: hình mỏ neo.

- Cán bộ máy: hình chân vịt.

- Chính trị viên: hình ngôi sao.

- Y tế: hình hồng thập tự.

- Cán bộ máy điện: hình làn điện hai đầu nhọn.

- Vô tuyến điện: hình làn điện có ba gợn sóng,

- Cảng vụ, hoa tiêu: hình tay lái tầu,

II. DẤU HIỆU VỀ CHỨC VỤ VÀ PHÙ HIỆU NGÀNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN

Điều 3. – Dấu hiệu về chức vụ và phù hiệu của cán bộ ngành vận tải đường biển phân biệt theo chức vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ công tác trên tầu hoặc trên cảng: thuyền trưởng, thuyền phó, chính trị viên trên tầu, máy trưởng, máy phó, kỹ sư máy điện, chủ nhiệm điện đài, điện đài trưởng, cảng vụ trưởng và một số cán bộ cảng vụ có công tác trực tiếp với tầu biển, hoa tiêu, cán bộ tập sự dưới tầu, bác sĩ, y sĩ công tác trên tầu biển.

Công nhân, nhân viên làm việc trên tầu không đeo dấu hiệu chức vụ và phù hiệu.

Điều 4. – Dấu hiệu chức vụ có từ một vạch đến bốn vạch bằng kim tuyến vàng. Vạch một tượng trưng làn sóng chiều rộng 8 ly còn các vạch khác thẳng và rộng 6 ly. Dấu hiệu kết hợp với phù hiệu mùa nóng đeo ở vai áo, mùa lạnh đeo ở trên bạc hai ống tay áo thống nhất cho cán bộ làm việc trên các tầu vận tải đường biển, tầu công trình đường biển và cảng vụ, hoa tiêu (kích thước của dấu hiệu chức vụ theo bản mẫu kèm theo).

Điều 5. – Dấu hiệu chức vụ gồm có các loại.

a) Dấu hiệu 4 vạch ngang dùng cho các cán bộ sau đây:

- Thuyền trưởng tầu đi biển đường xa.

- Máy trưởng tàu đi biển đường xa.

- Chính trị viên tầu đi biển đường xa.

b) Dấu hiệu 3 vạch ngang dùng cho các cán bộ sau đây:

- Thuyền phó hạng nhất tầu đi biển đường xa.

- Thuyền trưởng tầu đi biển đường gần.

- Máy nhất tầu đi biển đường xa.

- Máy trưởng tầu đi biển đường gần.

- Chính trị viên tầu đi biển đường gần,

- Cảng vụ trưởng,

- Hoa tiêu trưởng.

c) Dấu hiệu 2 vạch ngang dùng cho các cán bộ sau đây:

- Thuyền phó hạng hai tầu đi biển đường xa;

- Thuyền phó hạng nhất tầu đi biển đường gần;

- Thuyền trưởng tầu đi ven biển,

- Máy hai tầu đi biển đường xa,

- Máy nhất tầu đi biển đường gần,

- Máy trưởng tầu đi ven biển,

- Chính trị viên tầu đi ven biển,

- Chủ nhiệm điện đài tầu đi biển đường xa (VTĐ),

- Kỹ sư máy điện tầu đi biển đường xa,

- Cảng vụ hạng nhất,

- Hoa tiêu hạng nhất,

- Bác sĩ tầu đi biển đường xa.

d) Dấu hiệu 1 vạch ngang dùng cho các cán bộ sau đây:

- Thuyền phó hạng ba, bốn tầu đi biển đường xa,

- Thuyền phó hạng hai, ba tầu đi biển đường gần,

- Thuyền phó hạng một, hai, ba tầu đi ven biển,

- Máy hạng ba, bốn tầu đi biển đường xa,

- Máy hạng hai, ba tầu đi biển đường gần,

- Máy hạng một, hai tầu đi ven biển,

- Đài trưởng vô tuyến điện tầu đi biển đường xa, đường ven biển,

- Cảng vụ hạng hai, ba,

- Hoa tiêu hạng hai, ba,

- Y sĩ công tác dưới tầu đi biển đường gần.

đ) Không có vạch ngang dùng cho cán bộ tập sự trên tầu về:

boong, máy, điện, hoa tiêu.

III. TRANG PHỤC NGÀNH VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN

Điều 6. – Trang phục của cán bộ, công nhân, nhân viên các tầu vận tải đi biển, tầu công trình biển, cảng vụ, hoa tiêu ấn định như sau:

1. Mũ lưỡi trai, thân mũ cao 4 phân màu tím than, lưỡi trai đen, chỗ rộng nhất 5 phân, trước thân mũ có quai đen. Mũ của cán bộ, công nhân, nhân viên thống nhất một kiểu, mùa nóng mũ bọc vải ka-ki trắng, mùa lạnh mũ của cán bộ bọc dạ mầu tím than, mũ của công nhân, nhân viên bọc vải ka-ki xanh. Riêng thuyền trưởng, cảng vụ trưởng, hoa tiêu trưởng có thêm dây tết kim tuyến vàng chỗ quai da phía trước mũ.

2. Mùa lạnh áo quần của cán bộ bằng dạ màu tím than, kiểu áo cổ bẻ có ca-ra-vát, bốn khuy, bốn túi trong, khuy lớn và nhỏ đều có hình mỏ neo nổi màu vàng. Áo quần của cán bộ tập sự bằng vải ka-ki màu xanh nước biển. Mùa nóng áo quần của cán bộ bằng vải ka-ki trắng; kiểu áo cổ bẻ, ngắn tay, bốn khuy, bốn túi ngoài có khuy, các khuy lớn và nhỏ đều có hình mỏ neo nổi màu vàng.

Mùa lạnh, áo quần của công nhân, nhân viên làm việc trên tầu bằng vải ka-ki màu xanh nước biển kiểu cổ kín chữ V 5 khuy, bốn túi trong có khuy, các khuy lớn và nhỏ đều có hình mỏ neo nổi màu vàng, mùa nóng áo bằng vải ka-ki trắng, kiểu sơ-mi cổ bẻ, ngắn tay; quần bằng vải ka-ki màu xanh nước biển dùng cho cả hai mùa (lạnh và nóng).

3. Giầy da đồng màu và cùng một kiểu chung cho cán bộ và công nhân, nhân viên.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. – Nghị định này thi hành kể từ ngày ban hành.

Điều 8. – Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 165-CP năm 1963 quy định về dấu hiệu, phù hiệu và trang phục của cán bộ, công nhân, nhân viên ngành vận tải đường biển do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 165-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/11/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 02/11/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản