Điều 13 Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
Điều 13. Nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
1. Điều kiện nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ:
a) Phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo giống ban đầu được thực hiện tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật đa dạng sinh học, trừ các trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều này;
b) Loài được ưu tiên bảo vệ được nuôi, trồng phải có nguồn gốc hợp pháp và thuộc Danh mục loài đã đăng ký nuôi, trồng khi thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
2. Hồ sơ đăng ký cấp giấy phép nuôi, trồng:
a) Đơn đăng ký nuôi, trồng loài được ưu tiên bảo vệ theo Mẫu số 11, Phụ lục II Nghị định này;
b) Đề án nuôi, trồng loài được ưu tiên bảo vệ theo đăng ký. Nội dung đề án gồm các thông tin cơ bản về: Đặc điểm sinh thái học của loài; quy mô và kế hoạch nuôi, trồng, phát triển loài; cơ sở hạ tầng, quy trình kỹ thuật nuôi, trồng; năng lực tài chính, chuyên môn; biện pháp bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường;
c) Giấy tờ chứng minh bảo đảm điều kiện nuôi, trồng loài bao gồm các thông tin được quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật đa dạng sinh học.
3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ nằm ngoài Danh mục loài đã đăng ký nuôi, trồng khi thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học:
a) Chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện ba (03) bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, tổ chức kiểm tra thực tế và cấp giấy phép nuôi, trồng theo Mẫu số 12, Phụ lục II Nghị định này, trường hợp từ chối cấp Giấy phép phải có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
4. Hộ gia đình, cá nhân hiện đang nuôi, trồng giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ nhưng chưa đủ điều kiện thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải khai báo với chính quyền địa phương sở tại và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
5. Trường hợp cá thể động vật hoang dã bị chết trong quá trình nuôi, chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận và quyết định xử lý theo một trong các phương án sau:
a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng;
b) Tiêu hủy đối với trường hợp cá thể động vật hoang dã chết do bị bệnh dịch hoặc không thể xử lý theo phương án quy định tại Điểm a Khoản này.
6. Thu hồi Giấy phép nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ:
a) Giấy phép nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ bị thu hồi trong các trường hợp sau: Không thực hiện đúng nội dung quy định trong Giấy phép; cơ sở nuôi, trồng loài không đảm bảo điều kiện nuôi, trồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật đa dạng sinh học; vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật đa dạng sinh học và văn bản pháp luật hiện hành về bảo tồn đa dạng sinh học;
b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài ưu tiên bảo vệ có trách nhiệm thu hồi giấy phép.
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi, trồng và tái thả lại nơi sinh sống tự nhiên đối với loài hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ.
Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ
- Số hiệu: 160/2013/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 12/11/2013
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 839 đến số 840
- Ngày hiệu lực: 01/01/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Tiêu chí xác định loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 5. Xác định loài có số lượng cá thể còn ít hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng
- Điều 6. Xác định loài có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử
- Điều 7. Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 8. Thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 9. Điều tra, quan trắc, đánh giá hiện trạng và lập hồ sơ loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 10. Bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 11. Khai thác loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 12. Trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 13. Nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 14. Cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng
- Điều 15. Xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ
- Điều 16. Trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong bảo tồn loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ