Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 4 Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp

Mục 3. TRÁCH NHIỆM PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 53. Trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng

1. Trách nhiệm của chủ rừng là tổ chức

a) Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng mình quản lý;

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực rừng mình quản lý;

d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng;

đ) Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền;

e) Đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng;

g) Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

h) Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý;

i) Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

k) Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

l) Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

2. Trách nhiệm của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư

a) Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

b) Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định;

d) Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

đ) Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

e) Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

g) Phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

Điều 54. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hoạt động ở trong rừng, ven rừng

1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

2. Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong phạm vi quản lý của mình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Phát hiện cháy, báo cháy và tham gia chữa cháy rừng.

4. Phối hợp với chủ rừng, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.

5. Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tích cực tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

Điều 55. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sinh sống, hoạt động ở trong rừng, ven rừng

1. Thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật.

2. Đôn đốc nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện quy định, nội quy, các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Phối hợp với chủ rừng, các hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng.

4. Tham gia các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

5. Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng khi được phép sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và bảo quản, sử dụng chất cháy trong rừng và ven rừng.

6. Ngăn chặn và báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy rừng và hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; báo cháy và chữa cháy kịp thời khi phát hiện cháy và chấp hành nghiêm lệnh huy động tham gia chữa cháy rừng.

Điều 56. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án phát triển rừng

1. Cơ quan lập dự án phát triển rừng có trách nhiệm sau:

a) Bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy rừng khi lập dự án phát triển rừng;

b) Giám sát quá trình thực hiện dự án phát triển rừng và thi công xây dựng các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Tham gia nghiệm thu dự án phát triển rừng và các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm sau:

a) Tổ chức thực hiện dự án phát triển rừng, thi công xây dựng các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng theo đúng dự án, thiết kế đã được phê duyệt;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát thi công và nghiệm thu dự án phát triển rừng và công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Đơn vị thực hiện dự án phát triển rừng, thi công xây dựng các công trình phòng cháy và chữa cháy rừng có trách nhiệm sau:

a) Thực hiện dự án phát triển rừng, thi công công trình phòng cháy và chữa cháy rừng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt;

b) Bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thực hiện dự án phát triển rừng và thi công công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm sau:

a) Xem xét và trả lời về các giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với dự án phát triển rừng, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình phòng cháy và chữa cháy rừng;

b) Kiểm tra việc thực hiện những yêu cầu, quy định về phòng cháy và chữa cháy, xử lý các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

c) Cơ quan Kiểm lâm tham gia nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án phát triển rừng và công trình phòng cháy và chữa cháy rừng.

Nghị định 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Lâm nghiệp

  • Số hiệu: 156/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 05/12/2018
  • Số công báo: Từ số 1079 đến số 1080
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH