Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 155/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định việc xác định trị giá hải quan nhằm mục đích tính thuế và thống kê đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng áp dụng Nghị định này.

3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích các từ ngữ

1. “Trị giá giao dịch” là tổng số tiền người mua thực tế đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán trực tiếp hay gián tiếp cho người bán để mua hàng hoá nhập khẩu, sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

2. “Bán để xuất khẩu đến Việt Nam” là hoạt động thương mại trong đó có sự chuyển dịch hàng hoá từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa, nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu hàng hoá từ người bán sang người mua.

3. “Ngày xuất khẩu” sử dụng trong phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt và phương pháp trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự là ngày xếp hàng lên phương tiện vận tải theo vận đơn; đối với hàng hoá vận chuyển bằng đường bộ thì “ngày xuất khẩu” là ngày đăng ký tờ khai hải quan.

4. “Cửa khẩu nhập đầu tiên” là cảng đích ghi trên vận tải đơn. Đối với loại hình vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt hoặc đường sông quốc tế thì “cửa khẩu nhập đầu tiên” là cảng đích ghi trên hợp đồng.

5. “Thông tin có sẵn” là tất cả các thông tin liên quan đến việc kiểm tra, xác định trị giá tính thuế do người khai hải quan cung cấp cho cơ quan hải quan hoặc do cơ quan hải quan thu thập được tính đến thời điểm kiểm tra, xác định trị giá tính thuế. Các thông tin này phải được cơ quan hải quan lưu giữ, phân tích, quản lý tại cơ quan hải quan.

6. “Hàng hoá nhập khẩu giống hệt” là những hàng hoá giống nhau về mọi phương diện, kể cả đặc điểm vật lý, chất lượng và danh tiếng; được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác theo sự uỷ quyền của nhà sản xuất đó, được nhập khẩu vào Việt Nam.

7. “Hàng hoá nhập khẩu tương tự” là những hàng hoá mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau, được làm từ các nguyên, vật liệu giống nhau; có cùng chức năng và có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại; được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác theo sự uỷ quyền của nhà sản xuất đó, được nhập khẩu vào Việt Nam.

8. “Còn nguyên trạng như khi nhập khẩu” sử dụng trong phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá khấu trừ, là hàng hoá sau khi nhập khẩu không bị bất cứ một tác động nào làm thay đổi hình dạng, đặc điểm, tính chất, công dụng của hàng hoá hoặc làm tăng, giảm trị giá của hàng hoá nhập khẩu.

9. Người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt khi:

a) Họ là nhân viên hoặc giám đốc của một doanh nghiệp khác;

b) Họ là những thành viên hợp danh, góp vốn trong kinh doanh được pháp luật công nhận;

c) Họ là chủ và người làm thuê;

d) Người bán có quyền kiểm soát người mua hoặc ngược lại;

đ) Họ đều bị một bên thứ ba kiểm soát;

e) Họ cùng kiểm soát một bên thứ ba.

Một người có quyền kiểm soát người khác quy định tại các điểm d, đ, e khoản 9 Điều này là người có thể hạn chế được hay chỉ đạo được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người kia.

g) Họ có mối quan hệ gia đình sau:

- Vợ chồng;

- Bố mẹ và con cái được pháp luật công nhận;

- Ông bà và cháu, có quan hệ huyết thống với nhau;

- Cô chú bác và cháu, có quan hệ huyết thống với nhau;

- Anh chị em ruột;

- Anh chị em dâu, rể.

h) Một người thứ ba sở hữu, kiểm soát hoặc nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của cả hai bên;

i) Các bên liên kết với nhau trong kinh doanh, trong đó một bên là đại lý độc quyền, nhà phân phối độc quyền hoặc nhà chuyển nhượng độc quyền của bên kia được coi là có mối quan hệ đặc biệt nếu như mối quan hệ đó phù hợp với quy định từ điểm a đến điểm h trên đây.

Điều 3. Thời điểm xác định trị giá hải quan

Thời điểm xác định trị giá hải quan là ngày người khai hải quan đăng ký tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định thì thời điểm xác định trị giá hải quan là ngày cơ quan hải quan xác định trị giá theo quy định tại Nghị định này.

Điều 4. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan nhằm mục đích tính thuế

Trị giá hải quan nhằm mục đích tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là trị giá tính thuế) được xác định theo nguyên tắc và phương pháp sau:

1. Đối với hàng hoá xuất khẩu, trị giá tính thuế là giá bán tại cửa khẩu xuất (giá FOB, giá DAF), không bao gồm phí bảo hiểm (I) và phí vận tải (F).

2. Đối với hàng hoá nhập khẩu, trị giá tính thuế là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên và được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định từ Điều 7 đến Điều 12 Nghị định này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá tính thuế.

Trường hợp người khai hải quan có văn bản đề nghị thì trình tự áp dụng các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này có thể thay đổi cho nhau.

3. Bộ Tài chính căn cứ vào nguyên tắc xác định trị giá tính thuế quy định tại khoản 2 Điều này để quy định cụ thể việc kiểm tra, xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu trong các trường hợp sau:

a) Hàng hoá nhập khẩu đã được miễn thuế, đã đưa vào sử dụng tại Việt Nam nhưng sau đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng hoặc thay đổi mục đích đã được miễn thuế trước đây;

b) Hàng hoá nhập khẩu là hàng đi thuê mượn;

c) Hàng hoá nhập khẩu là hàng đem ra nước ngoài sửa chữa, gia công;

d) Hàng bảo hành và hàng khuyến mại;

đ) Hàng hoá nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hoá, bao gồm:

- Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới;

- Hàng nhập khẩu của hành khách nhập cảnh, quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển vượt tiêu chuẩn (định mức) miễn thuế;

- Hàng hoá nhập khẩu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, phát chuyển nhanh.

e) Hàng hoá nhập khẩu đặc thù khác.

Điều 5. Trị giá hải quan phục vụ mục đích thống kê

1. Trị giá hải quan phục vụ mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là trị giá thống kê) được xác định theo nguyên tắc sau:

a) Đối với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế, trị giá thống kê được xác định dựa trên trị giá tính thuế đã được xác định theo các nguyên tắc và phương pháp quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Đối với hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế, xét miễn thuế hoặc không xác định được trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 4 Nghị định này thì trị giá thống kê là trị giá do người khai hải quan khai báo theo nguyên tắc sau:

- Đối với hàng hoá nhập khẩu, trị giá thống kê là giá bán tại cửa khẩu nhập đầu tiên (giá CIF);

- Đối với hàng hoá xuất khẩu, trị giá thống kê là giá bán tại cửa khẩu xuất (giá FOB, giá DAF).

2. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu thập, xử lý, sử dụng và lưu trữ trị giá thống kê.

Điều 6. Thông tin, cơ sở dữ liệu giá

1. Trị giá tính thuế đối với hàng nhập khẩu được kiểm tra, xác định trên cơ sở dữ liệu giá, các thông tin có sẵn.

2. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá và các thông tin có sẵn.

Chương 2:

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ TÍNH THUẾ HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU

Điều 7. Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu

1. Trị giá tính thuế của hàng hoá nhập khẩu là trị giá giao dịch.

Trị giá giao dịch được xác định bằng tổng số tiền người mua thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hoá nhập khẩu, sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Tổng số tiền người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hoá nhập khẩu, bao gồm các khoản sau đây:

a) Giá mua ghi trên hoá đơn thương mại. Trường hợp giá mua ghi trên hoá đơn thương mại có bao gồm các khoản giảm giá cho lô hàng nhập khẩu phù hợp thông lệ thương mại quốc tế, thì các khoản này được trừ ra để xác định trị giá tính thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể việc khấu trừ khoản giảm giá này ra khỏi trị giá tính thuế.

b) Các khoản tiền người mua phải thanh toán nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hoá đơn thương mại, bao gồm:

- Tiền trả trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, bảo hiểm hàng hoá;

- Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán như: khoản tiền người mua trả cho người thứ ba theo yêu cầu của người bán; khoản tiền được thanh toán bằng cách bù trừ nợ.

2. Điều kiện áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch:

a) Người mua không bị hạn chế quyền định đoạt hoặc sử dụng hàng hoá sau khi nhập khẩu, ngoại trừ các hạn chế sau:

- Hạn chế về việc mua bán, sử dụng hàng hoá theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Hạn chế về nơi tiêu thụ hàng hóa sau khi nhập khẩu;

- Những hạn chế khác nhưng không làm ảnh hưởng đến trị giá của hàng hoá;

b) Giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không thể xác định được trị giá của hàng hoá cần xác định trị giá tính thuế;

c) Sau khi bán lại hàng hoá, người nhập khẩu không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hoặc sử dụng hàng hoá mang lại, không kể các khoản điều chỉnh quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

d) Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch.

Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ cho rằng mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho người khai hải quan biết căn cứ đó.

Cơ quan hải quan tạo điều kiện để người khai hải quan cung cấp thêm thông tin nhằm làm rõ mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch. Nếu quá 30 ngày (ngày làm việc), kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan mà người khai hải quan không cung cấp thêm thông tin thì cơ quan hải quan xác định trị giá tính thuế theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định này.

Mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán được coi là không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch khi trị giá giao dịch xấp xỉ với một trong những trị giá dưới đây của lô hàng được xuất khẩu đến Việt Nam trong cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế:

- Trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt hay tương tự được bán cho người nhập khẩu khác không có mối quan hệ đặc biệt với người xuất khẩu (người bán);

- Trị giá tính thuế của hàng hoá nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;

- Trị giá tính thuế của hàng hoá nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Điều 8. Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt

1. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu không xác định được trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 7 Nghị định này thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt đã được xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

2. Hàng hoá nhập khẩu giống hệt phải thoả mãn các điều kiện sau:

a) Lô hàng nhập khẩu giống hệt được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;

b) Lô hàng nhập khẩu giống hệt có giao dịch mua bán ở cùng cấp độ hoặc đã được điều chỉnh về cùng cấp độ bán buôn hoặc bán lẻ; có cùng số lượng hoặc đã được điều chỉnh về cùng số lượng với lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;

c) Lô hàng nhập khẩu giống hệt có cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển hoặc đã được điều chỉnh về cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển giống như lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế.

3. Khi áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều này, nếu không có lô hàng nhập khẩu được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất thì mới xét đến hàng hoá được sản xuất bởi nhà sản xuất khác, nhưng phải đảm bảo các quy định về hàng hoá nhập khẩu giống hệt.

4. Khi xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều này mà xác định được từ hai trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu giống hệt trở lên thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch thấp nhất, sau khi đã điều chỉnh mức giá về cùng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 9. Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự

1. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu không xác định được trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự đã được xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.

2. Hàng hoá nhập khẩu tương tự phải thoả mãn các điều kiện sau:

a) Lô hàng nhập khẩu tương tự được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong vòng 60 ngày trước hoặc sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;

b) Lô hàng nhập khẩu tương tự có giao dịch mua bán ở cùng cấp độ hoặc đã được điều chỉnh về cùng cấp độ bán buôn hoặc bán lẻ, có cùng số lượng hoặc đã được điều chỉnh về cùng số lượng với lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế;

c) Lô hàng nhập khẩu tương tự có cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển hoặc đã được điều chỉnh về cùng khoảng cách và phương thức vận chuyển giống như lô hàng đang được xác định trị giá tính thuế.

3. Khi áp dụng phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều này, nếu không có lô hàng nhập khẩu được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất thì mới xét đến hàng hoá được sản xuất bởi nhà sản xuất khác, nhưng phải đảm bảo các quy định về hàng hoá nhập khẩu tương tự.

4. Khi xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều này mà xác định được từ hai trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu tương tự trở lên thì trị giá tính thuế là trị giá giao dịch thấp nhất, sau khi đã điều chỉnh mức giá về cùng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 10. Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá khấu trừ

1. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu không xác định được trị giá tính thuế theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định này thì trị giá tính thuế là trị giá khấu trừ. Trị giá khấu trừ được xác định căn cứ vào giá bán của hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá nhập khẩu giống hệt, hàng hoá nhập khẩu tương tự trên thị trường Việt Nam trừ (-) đi các chi phí hợp lý phát sinh sau khi nhập khẩu.

2. Giá bán hàng hoá nhập khẩu trên thị trường Việt Nam được xác định theo những nguyên tắc sau:

a) Giá bán hàng hoá nhập khẩu là giá bán thực tế, nếu không có giá bán thực tế của hàng hoá nhập khẩu cần xác định trị giá tính thuế thì lấy giá bán thực tế của hàng hoá nhập khẩu giống hệt hay hàng hoá nhập khẩu tương tự còn nguyên trạng như khi nhập khẩu được bán trên thị trường trong nước để xác định giá bán thực tế;

b) Người nhập khẩu và người mua hàng trong nước không có mối quan hệ đặc biệt;

c) Mức giá bán tính trên số lượng bán ra lớn nhất và d? d? hỡnh thành don giỏ;

d) Hàng hoá được bán ra (bán buôn hoặc bán lẻ) vào ngày sớm nhất ngay sau khi nhập khẩu, nhưng không chậm quá 90 ngày (ngày theo lịch) sau ngày nhập khẩu lô hàng đó.

3. Các chi phí hợp lý phát sinh sau khi nhập khẩu hàng hoá:

a) Trường hợp người nhập khẩu mua hàng theo phương thức mua đứt bán đoạn, các khoản được khấu trừ gồm:

- Các chi phí về vận tải và chi phí mua bảo hiểm cho hàng hoá khi tiêu thụ trên thị trường nội địa;

- Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước khi nhập khẩu và bán hàng nhập khẩu mà theo quy định của pháp luật hiện hành được hạch toán vào doanh thu bán hàng, giá vốn và chi phí bán hàng nhập khẩu;

- Chi phí quản lý chung liên quan đến việc bán hàng nhập khẩu;

- Lợi nhuận bán hàng sau khi nhập khẩu.

b) Trường hợp người nhập khẩu là đại lý bán hàng cho thương nhân nước ngoài thì chi phí được trừ là hoa hồng bán hàng.

Trường hợp đại lý bán hàng được thương nhân nước ngoài uỷ quyền thực hiện một số hoạt động có liên quan đến việc bán hàng sau khi nhập khẩu tại Việt Nam ngoài hợp đồng đại lý thì những chi phí của các hoạt động này phát sinh tại Việt Nam cũng được trừ trong phạm vi các chi phí đã được thoả thuận trong hợp đồng.

Chi phí phát sinh sau khi nhập khẩu được phép khấu trừ quy định tại khoản 3 Điều này phải phản ánh trung thực chi phí chung và lợi nhuận thực tế, phổ biến trong kinh doanh ngành hàng đó và phù hợp với các nguyên tắc của chế độ kế toán Việt Nam.

4. Hàng hoá nhập khẩu qua quá trình gia công, chế biến thêm ở trong nước thì cũng được xác định trị giá tính thuế theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trừ đi các chi phí gia công, chế biến làm tăng thêm trị giá của hàng hoá.

Phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều này sẽ không được áp dụng khi:

- Hàng hoá nhập khẩu sau khi gia công, chế biến không còn nguyên trạng như khi nhập khẩu;

- Hàng hoá nhập khẩu sau khi gia công, chế biến vẫn giữ nguyên đặc điểm, tính chất, công dụng như khi nhập khẩu nhưng chỉ còn là một bộ phận của hàng hoá được bán ra trên thị trường Việt Nam.

Trường hợp sau khi gia công, chế biến hàng hoá nhập khẩu không còn nguyên trạng như khi nhập khẩu, nhưng vẫn có thể xác định được chính xác giá trị tăng thêm do quá trình gia công, chế biến thì trị giá tính thuế vẫn được xác định theo quy định tại Điều này.

5. Việc khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này phải dựa vào các tài liệu, số liệu khách quan và định lượng được. Các số liệu này phải được ghi chép và phản ánh trên sổ sách kế toán phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán.

Điều 11. Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá tính toán

1. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu không xác định được trị giá tính thuế theo các phương pháp quy định từ Điều 7 đến Điều 10 Nghị định này thì trị giá tính thuế là trị giá tính toán. Trị giá tính toán được xác định bao gồm các khoản sau:

a) Giỏ thành ho?c tr? giỏ c?a nguyờn v?t li?u, chi phớ c?a quỏ trỡnh s?n xu?t ho?c quỏ trỡnh gia cụng khỏc của việc s?n xu?t hàng nh?p kh?u;

b) Chi phí, lợi nhuận để bán hàng hoá nhập khẩu;

c) Các chi phí điều chỉnh quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

2. Việc xác định trị giá tính toán phải dựa trên các số liệu của nhà sản xuất cung cấp và phù hợp với các nguyên tắc kế toán của nước sản xuất hàng hoá.

Điều 12. Phương pháp suy luận xác định trị giá tính thuế

1. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam nếu không xác định được trị giá tính thuế theo các phương pháp quy định từ Điều 7 đến Điều 11 Nghị định này thì trị giá tính thuế được xác định bằng phương pháp suy luận.

Phương pháp suy luận là áp dụng tuần tự, linh hoạt các phương pháp xác định trị giá tính thuế quy định từ Điều 7 đến Điều 11 và dừng ngay tại phương pháp xác định được trị giá tính thuế, với điều kiện việc áp dụng đó phù hợp với các quy định tại khoản 2 Điều này và phải dựa vào các tài liệu, số liệu, thông tin có sẵn tại thời điểm xác định trị giá tính thuế.

2. Khi áp dụng phương pháp suy luận thì không được sử dụng các trị giá dưới đây để xác định trị giá tính thuế:

a) Giá bán trên thị trường nội địa của mặt hàng cùng loại đã được sản xuất tại Việt Nam;

b) Giá bán hàng hoá ở thị trường nội địa nước xuất khẩu;

c) Giá bán hàng hoá để xuất khẩu đến một nước khác;

d) Chi phí sản xuất hàng hoá, trừ chi phí sản xuất của hàng hoá nhập khẩu quy định tại Điều 11 Nghị định này;

đ) Giá tính thuế tối thiểu;

e) Các loại giá giả định;

g) Hệ thống xác định trị giá cho phép sử dụng trị giá cao hơn trong hai trị giá thay thế để làm trị giá tính thuế.

Điều 13. Các khoản điều chỉnh

1. Các khoản phải cộng vào trị giá giao dịch để xác định trị giá tính thuế:

a) Các chi phí dưới đây do người mua hàng hoá phải chịu nhưng chưa được tính vào trị giá giao dịch:

- Chi phí hoa hồng bán hàng và phí môi giới;

- Chi phí bao bì được coi là đồng nhất với hàng hoá nhập khẩu;

Bao bì được coi là đồng nhất với hàng hoá là các loại bao bì thường xuyên đi kèm với hàng hoá như một điều kiện để bảo quản hay sử dụng hàng hoá, được phân loại cùng với hàng hoá theo nguyên tắc phân loại và mã số hàng hoá hiện hành.

- Chi phí đóng gói, bao gồm cả chi phí vật liệu và chi phí nhân công.

b) Trị giá của hàng hoá, dịch vụ do người mua cung cấp cho người bán miễn phí hoặc giảm giá để sản xuất và tiêu thụ hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, chưa được tính vào giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, bao gồm:

- Nguyên vật liệu, bộ phận cấu thành hàng hoá, các phụ tùng và các chi tiết tương tự hợp thành trong hàng hoá nhập khẩu;

- Các công cụ, khuôn mẫu, khuôn rập và các chi tiết tương tự được sử dụng để sản xuất hàng hoá nhập khẩu;

- Nguyên liệu, nhiên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất hàng hoá nhập khẩu;

- Thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, kế hoạch triển khai, thiết kế mỹ thuật, thiết kế mẫu, sơ đồ và phác hoạ được thực hiện ở nước ngoài và cần thiết trong quá trình sản xuất hàng hoá nhập khẩu.

c) Tiền bản quyền, phí giấy phép sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hoá nhập khẩu mà người mua phải trả như điều kiện của việc mua bán hàng hoá nhập khẩu;

d) Các khoản tiền mà người mua thu được sau khi định đoạt, sử dụng hàng hoá nhập khẩu được chuyển dưới mọi hình thức cho người bán hàng nhập khẩu;

đ) Chi phí vận tải, bốc hàng, dỡ hàng, chuyển hàng có liên quan đến việc vận chuyển hàng nhập khẩu đến cửa khẩu nhập;

e) Chi phí bảo hiểm để vận chuyển hàng hoá nhập khẩu đến cửa khẩu nhập.

2. Các khoản dưới đây được trừ ra khỏi trị giá giao dịch nếu đã được tính trong giá mua hàng nhập khẩu:

a) Chi phí cho những hoạt động phát sinh sau khi nhập khẩu hàng hoá, bao gồm: chi phí về xây dựng, kiến trúc, lắp đặt, bảo dưỡng hoặc trợ giúp kỹ thuật;

b) Chi phí vận chuyển, bảo hiểm trong nội địa phát sinh sau khi nhập khẩu;

c) Các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ngân sách nhà nước tính trong giá mua hàng nhập khẩu;

d) Tiền lãi phải trả liên quan đến việc thanh toán tiền mua hàng nhập khẩu, với điều kiện lãi suất phải trả phải được thể hiện dưới dạng văn bản và phù hợp với lãi suất tín dụng thông thường do các tổ chức tín dụng của nước xuất khẩu áp dụng tại thời điểm ký kết hợp đồng;

đ) Các khoản giảm giá thực hiện trước khi xếp hàng lên phương tiện vận chuyển ở nước xuất khẩu hàng hoá, được lập thành văn bản và nộp cùng với tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu.

3. Việc cộng thêm hoặc trừ đi các chi phí quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chỉ được thực hiện trên cơ sở các số liệu khách quan, có sẵn và định lượng được, phù hợp với các quy định của pháp luật về kế toán.

4. Không được cộng thêm hay trừ đi bất cứ khoản nào khác ngoài các khoản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chương 3:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHAI HẢI QUAN TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan

1. Người khai hải quan có các quyền sau:

a) Yêu cầu cơ quan hải quan giữ bí mật các thông tin liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế đã cung cấp;

b) Yêu cầu cơ quan hải quan thông báo, hướng dẫn việc xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Nghị định này;

c) Chứng minh tính chính xác, trung thực của trị giá tính thuế đã kê khai;

d) Khiếu nại các quyết định về trị giá tính thuế của cơ quan hải quan;

đ) Yêu cầu cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản cho người khai hải quan biết trị giá tính thuế, phương pháp, cách tính được sử dụng để xác định trị giá tính thuế khi trị giá tính thuế do cơ quan hải quan xác định;

e) Yêu cầu được thông quan hàng hoá theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

2. Nghĩa vụ của người khai hải quan:

a) Tuân thủ nguyên tắc tự kê khai, tự xác định trị giá tính thuế chính xác và trung thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả xác định trị giá tính thuế của mình;

b) Cung cấp thông tin xác thực và các tài liệu, chứng từ hợp pháp hợp lệ làm căn cứ xác định trị giá tính thuế theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

c) Chịu sự kiểm tra của cơ quan hải quan về trị giá tính thuế quy định tại Nghị định này.

Điều 15. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan

1. Hướng dẫn người khai hải quan xác định trị giá tính thuế theo quy định tại Nghị định này.

2. Yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ hợp pháp, hợp lệ và các tài liệu có liên quan đến việc mua bán hàng hoá để chứng minh tính chính xác, tính trung thực của trị giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu đã khai báo.

Trường hợp không chấp nhận việc chứng minh, giải trình về trị giá tính thuế của người khai hải quan thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho người khai hải quan biết cơ sở, căn cứ của việc không chấp nhận.

3. Thông báo bằng văn bản cho người khai hải quan biết trị giá tính thuế, phương pháp, cách tính được cơ quan hải quan sử dụng để xác định trị giá tính thuế.

4. Giữ bí mật các thông tin do người khai hải quan cung cấp có liên quan đến việc xác định giá tính thuế, theo đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Thông quan hàng hóa theo yêu cầu của người khai hải quan, trên cơ sở nộp khoản bảo đảm theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

6. Xác định trị giá tính thuế trong các trường hợp sau:

a) Người khai hải quan không xác định được trị giá tính thuế theo các phương pháp quy định từ Điều 7 đến Điều 12 Nghị định này;

b) Người khai hải quan kê khai không trung thực trị giá tính thuế;

c) Người khai hải quan không giải trình hoặc không giải trình được về tính trung thực, chính xác của trị giá kê khai theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

7. Kiểm tra việc khai báo và xác định giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu. Ra quyết định truy thu, hoàn các khoản thuế do việc xác định sai trị giá tính thuế.

8. Thu thập, phân tích và quản lý thông tin cần thiết làm căn cứ kiểm tra, xác định trị giá tính thuế.

Điều 16. Trì hoãn xác định trị giá tính thuế

1. Trong quá trình xác định trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu, người khai hải quan chưa có đủ thông tin để xác định trị giá tính thuế thì theo yêu cầu của người khai hải quan, cơ quan hải quan chấp nhận cho thông quan hàng hóa với điều kiện người khai hải quan phải nộp một khoản bảo đảm cho tiền thuế của lô hàng dưới hình thức: bảo lãnh, đặt tiền ký quỹ hoặc những phương thức bảo đảm thích hợp khác ở mức đủ để thực hiện nghĩa vụ thuế.

2. Bộ Tài chính quy định mức, hình thức, thủ tục nộp khoản bảo đảm nêu tại khoản 1 Điều này.

Chương 4:

KHIẾU NẠI, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với quyết định về trị giá tính thuế của cơ quan hải quan thì vẫn phải chấp hành quyết định đó, đồng thời có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Điều 18. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức hải quan và các cá nhân khác thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định của Nghị định này, gây thiệt hại cho người khai hải quan thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

1. Bộ Tài chính hướng dẫn, tổ chức việc thực hiện Nghị định này.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cung cấp cho cơ quan hải quan đầy đủ tài liệu liên quan đến việc thanh toán hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ cho việc kiểm tra, xác định trị giá tính thuế.

3. Các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện công tác chống gian lận thương mại qua giá.

4. Các hiệp hội, tổ chức kinh doanh và cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan hải quan.

Điều 20. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b). A.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 155/2005/NĐ-CP về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

  • Số hiệu: 155/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/12/2005
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 21 đến số 22
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản