Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 153-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 1982

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 153-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 1982 VỀ CHẾ ĐỘ SĨ QUAN DỰ BỊ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 30 tháng 12 năm 1981;
Căn cứ Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 30 tháng 12 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

SĨ QUAN DỰ BỊ VÀ VIỆC ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG SĨ QUAN DỰ BỊ

Điều 1.- Xét phong quân hàm và xếp vào ngạch sĩ quan dự bị những người sau đây:

- Hạ sĩ quan hết hạn phục vụ tại ngũ và học hết chương trình đào tạo sĩ quan dự bị.

- Nam học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng và học hết chương trình đào tạo sĩ quanh dự bị, thời gian là 5 tháng, trong đó có ít nhất 2 tháng huấn luyện tập trung hoặc thực tập trong các đơn vị quân đội.

- Cán bộ, nhân viên các ngành ngoài quân đội trong tuổi dự bị, có chuyên môn cần thiết cho công tác quân sự, học hết chương trình đào tạo sĩ quan dự bị, thời gian là 3 tháng.

Nội dung chương trình đào tạo sĩ quan dự bị cho các đối tượng nói trên do Bộ Quốc phòng biên soạn.

Điều 2.- Từ nay các trường đại học và cao đẳng phải có môn học huấn luyện quân sự và đào tạo sĩ quan dự bị, có kiểm tra kết quả để xét tốt nghiệp cho học sinh.

Theo kế hoạch thống nhất giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và các ngành có liên quan, nam học sinh có ngành nghề phù hợp với yêu cẩu của quân đội thì được đào tạo thành sĩ quan dự bị kỹ thuật, sĩ quan dự bị chỉ huy kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ, sĩ quan dự bị dạy quân sự cho học sinh phổ thông.

Điều 3.- Thành lập khoa quân sự ở các trường đại học , cao đẳng. Bộ Quốc phòng cử cán bộ, giáo viên công tác ở khoa này cung cấp trang thiết bị cần thiết cho công tác huấn luyện quân sự.

Điều 4.- Sĩ quan dự bị hạng một cứ hai năm một lần theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng được huấn luyện tập trung từ 1 đến 2 tháng. Trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm không quá 1 tháng.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc uỷ quyền cho chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định việc gọi sĩ quan dự bị đi huấn luyện hàng năm.

Sĩ quan dự bị hạng hai do cơ quan quân sự địa phương tổ chức huấn luyện quân sự tại chỗ, không thoát ly sản xuất.

Chương 2:

ĐĂNG KÝ QUẢN LÝ SĨ QUAN DỰ BỊ

Điều 5.- Cơ quan quân dự huyện quận, thị xã có trách nhiệm đăng ký quản lý sĩ quan dự bị cư trú trong địa phương mình. Mỗi khi chuyển nơi cư trú, trong vòng 15 ngày sĩ quan dự bị phải đến đăng ký tại cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã. Khi đến đăng ký phải đem theo giấy chứng minh, sổ đăng ký quản lý huấn luyện sĩ quan dự bị. Cơ quan công an và các ngành có liên quan chỉ đăng ký hộ khẩu, sắp xếp công tác giải quyết các quyền lợi khác sau khi cơ quan quân sự đã đăng ký sĩ quan dự bị.

Điều 6.- Khi thay đổi về nghề nghiệp, chức vụ công tác, tình trạng sức khoẻ của mình, sau 10 ngày, sĩ quan dự bị có trách nhiệm đến cơ quan quản lý đăng ký bổ sung.

Điều 7.- Tuỳ theo nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, sĩ quan dự bị được biên chế vào các đơn vị dự bị động viên để quản lý chặt chẽ từng người, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ quân sự, bảo đảm các yêu cầu động viên.

Điều 8.- Sĩ quan dự bị ra nước ngoài công tác, học tập:

- Từ 1 năm trở lên phải nộp giấy chứng minh sĩ quan dự bị cho cơ quan quân sự quản lý mình, khi về nước phải xin cấp lại.

- Dưới 1 năm thì gửi lại giấy chứng minh sĩ quan dự bị cho cơ quan quân sự nơi sĩ quan dự bị cư trú.

Điều 9.- Sĩ quan dự bị hạng hai hết hạn tuổi quy định hoặc không đủ điều kiện sức khoẻ để phục vụ trong ngạch dự bị thì cơ quan quản lý báo cáo lên cấp trên quyết định cho giải ngạch. Quyền hạn của sĩ quan dự bị giải ngạch, thực hiện theo quy định của điều 14 Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 10.- Hàng tháng cơ quan quân sự các ngành ở trung ương và địa phương phải thống kê sĩ quan dự bị thuộc ngành mình báo cho cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã, địa phương nơi sĩ quan dự bị cư trú để thống nhất quản lý.

Điều 11.- Khi sĩ quan dự bị bị án tù, cơ quan công an có trách nhiệm báo cho cơ quan quản lý sĩ quan dự bị biết để tước quân hàm , thu hồi giấy chứng minh sĩ quan dự bị và xoá tên trong danh sách sĩ quan dự bị; hết hạn tù, tuỳ theo trường hợp cụ thể được xét để đăng ký lại.

Điều 12.- Khi sĩ quan dự bị từ trần, ban chỉ huy quân sự xã, phường, hoặc bộ phận phụ trách công tác quân sự của tổ chức có sĩ quan đó phải báo cáo cho cơ quan quân sự huyện, quận, thị xã biết để xoá tên.

Chương 3:

GỌI SĨ QUAN DỰ BỊ RA PHỤC VỤ TẠI NGŨ.

Điều 13.- Trong thời bình, theo yêu cầu quốc phòng và chỉ tiêu quy định của Nhà nước, sĩ quan dự bị chưa qua thời gian phục vụ tại ngũ, được gọi vào phục vụ trong quân đội, thời gian là 3 năm. Hết hạn phục vụ trên, sĩ quan dự bị được Nhà nước phân phối tại các ngành hoặc địa phương, tiếp tục phục vụ tại ngạch dự bị. Bộ quốc phòng được giữ lại một số sĩ quan trên cơ sở quân đội có nhu cầu và sự tình nguyện ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội của sĩ quan.

Điều 14.- Khi tình hình khẩn trương hoặc có chiến tranh, sĩ quan dự bị phải sẵn sàng vào phục vụ tại ngũ theo quyết định của Hội đồng bộ trưởng và lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 15.- Khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ, sĩ quan dự bị phải có mặt đúng thời gian và địa điểm quy định, mang theo giấy chứng minh sĩ quan dự bị.

Điều 16.- Các ngành, các địa phương có sĩ quan dự bị công tác hoặc cư trú phải tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ quan dự bị thực hiện lệnh gọi nhập ngũ và phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện lệnh gọi nhập ngũ cua sĩ quan dự bị thuộc quyền.

Điều 17.- Việc miễn, hoãn gọi nhập ngũ đối với sĩ quan dự bị trong thời bình và thời chiến do chủ tịch Hội đồng bộ trưởng quy định.

Chương 4:

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA SĨ QUAN DỰ BỊ

Điều 18.- Sĩ quan dự bị có nghĩa vụ:

1. Phải không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị , trình độ quân sự, sẵn sàng vào phục vụ tại ngũ khi có lệnh.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế về sĩ quan dự bị, tích cực tham gia công tác củng cố quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang, tuyên truyền giáo dục về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc cho thanh niên, thiếu niên.

3. Chấp hành nghiêm chỉnh lệnh gọi tập trung huấn luyện quân sự, lệnh gọi nhập ngũ.

4. Chấp hành đầy đủ chế độ đăng ký quản lý và tham gia các khoá huấn luyện đạt kết quả tốt.

Điều 19.- Sĩ quan dự bị được hưởng các quyền lợi sau đây:

1. Trong quá trình phục vụ tại ngạch dự bị, sĩ quan dự bị hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phạm kỷ luật thì theo niên hạn được xét thăng cấp bậc quân hàm.

2. Khi vào phục vụ tại ngũ, sĩ quan dự bị mang cấp bậc quân hàm đã có và được giao nhiệm vụ phù hợp với cấp bậc quân hàm và khả năng công tác. Những sĩ quan dự bị giữ chức vụ quan trọng trong các ngành kinh tế, trong các tổ chức Đảng và Nhà nước ở các cấp, khi vào phục vụ tại ngũ, nếu được giao chức vụ cao hơn thì được thăng cấp quân hàm tương xứng.

3. Trong thời gian tập trung huấn luyện quân sự, sĩ quan dự bị được Bộ Quốc phòng cho mượn quân trang, được cấp tiền ăn, lương thực, thực phẩm và:

a) Nếu là cán bộ, công nhân viên Nhà nước, được cơ quan, đơn vị nơi công tác trả nguyên lương, phụ cấp, các khoản phúc lợi khác, tiền công tác phí và tiền tàu xe theo chế độ hiện hành.

b) Nếu là xã viên hợp tác xã và những người lao động khác được Bộ Quốc phòng cấp tiền tàu xe đi về và một khoản phụ cấp do Bộ Quốc phòng quy định. Thời gian tập trung huấn luyện được tính vào thời gian lao động nghĩa vụ của bản thân và gia đình. Nếu thời gian huấn luyện quá thời gian lao động nghĩa vụ quy định trong năm thì được trừ vào những năm sau .

4. Trong thời gian tập trung huấn luyện quân sự hoặc công tác phục vụ quốc phòng, sĩ quan dự bị có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thương, ốm đau sẽ được điều trị tại cơ sở quân hoặc dân y gần nhất. Nếu bị chết vì tai nạn luyện tập quân sự, hoặc rủi ro thì được hưởng theo chế độ, chính sách hiện hành quy định đối với quân nhân dự bị.

5. Sĩ quan dự bị được tham gia các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao trong các câu lạc bộ, thư viên của quân đội hoặc câu lạc bộ dành riêng cho các sĩ quan dự bị.

Điều 20.- Trong thời gian tập trung huấn luyện quân sự hoặc công tác phục vụ quốc phòng , sĩ quan dự bị phạm khuyết điểm thì bị xử phạt theo điều lệnh quân đội; nếu phạm tội thì do Toà án quân sự xét xử.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 21.- Việc tổ chức thực hiện công tác sĩ quan dự bị do vụ 1, phòng 1, ban 1 hoặc tổ chức chuyên trách về công tác quân sự ở các ngành, các cấp đảm nhiệm, Bộ Quốc phòng quy định cơ quan chuyên trách công tác sĩ quan dự bị trong các lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 22.- Bãi bỏ những quy định trước đây về sĩ quan dự bị trái với Nghị định này.

Điều 23.- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thi hành Nghị định này.

Điều 24.- Bộ trưởng các bộ, chủ nhiệm các Ủy ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 153-HĐBT năm 1982 về chế độ sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 153-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/09/1982
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 23/09/1982
  • Ngày hết hiệu lực: 05/04/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản