Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 3 Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước

sohoa.ver.1.1.0.0--->

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TÍN DỤNG ĐẦU TƯ VÀ TÍN DỤNG XUẤT KHẨU CỦA NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12 tháng 02 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 5 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định, gồm:

a) Tín dụng đầu tư, bao gồm: cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư;

b) Tín dụng xuất khẩu, bao gồm: cho vay xuất khẩu (cho nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu vay), bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng.

2. Đối tượng điều chỉnh, bao gồm:

a) Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có dự án thuộc diện vay vốn đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư (sau đây gọi là chủ đầu tư);

b) Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước có hợp đồng xuất khẩu hoặc các tổ chức nước ngoài nhập khẩu hàng hóa thuộc diện có vay vốn, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu;

c) Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu

1. Cho vay, bảo lãnh những dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu hàng hoá do Việt Nam sản xuất, có thu hồi vốn trực tiếp.

2. Một dự án đầu tư chỉ được áp dụng một hình thức của tín dụng đầu tư; một hợp đồng xuất khẩu hoặc nhập khẩu chỉ được áp dụng một hình thức của tín dụng xuất khẩu nếu hội đủ các điều kiện theo quy định.

3. Dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu khi vay vốn, bảo lãnh phải được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay.

4. Chủ đầu tư, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu vay vốn hoặc được bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư phải sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ gốc và lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký; thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng bảo lãnh, hỗ trợ sau đầu tư và các quy định của Nghị định này.

5. Danh mục dự án vay vốn tín dụng đầu tư và Danh mục mặt hàng vay vốn tín dụng xuất khẩu do Chính phủ quy định.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Nhà xuất khẩu" là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế Việt Nam xuất khẩu hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

2. “Nhà nhập khẩu nước ngoài" (sau đây viết tắt là nhà nhập khẩu) là tổ chức nước ngoài mua hàng hoá do Việt Nam sản xuất.

3. “Thời hạn cho vay” là khoảng thời gian từ khi rút vốn lần đầu đến khi trả hết nợ vay theo hợp đồng tín dụng.

4. “Thời hạn ân hạn” là khoảng thời gian thực hiện dự án, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu mà chủ đầu tư, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu chưa phải trả nợ gốc; nhưng phải trả nợ lãi.

5. “Thời hạn trả nợ” là khoảng thời gian từ khi trả nợ khoản vay lần đầu tiên cho đến khi trả hết nợ vay theo hợp đồng tín dụng.

6. “Kỳ hạn trả nợ” là khoảng thời gian quy định cho từng lần trả nợ trong thời hạn trả nợ.

7. “Cho vay” là việc Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các chủ đầu tư, nhà xuất khẩu hoặc nhà nhập khẩu vay vốn để thực hiện dự án đầu tư, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng nhập khẩu hàng hoá.

8. “Bên bảo lãnh” là Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

9. “Bên được bảo lãnh” là chủ đầu tư, nhà xuất khẩu được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh.

10. “Bên nhận bảo lãnh” là các tổ chức cho chủ đầu tư, nhà xuất khẩu vay vốn hoặc bên mời thầu các hợp đồng xuất khẩu.

11. “Bảo lãnh vay vốn” là cam kết của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổ chức cho vay vốn về việc sẽ trả nợ thay cho chủ đầu tư, nhà xuất khẩu trong trường hợp chủ đầu tư, nhà xuất khẩu không trả hoặc trả nợ không đủ cho bên nhận bảo lãnh.

12. “Bảo lãnh dự thầu” là cam kết của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với bên mời thầu, để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của nhà xuất khẩu. Trường hợp nhà xuất khẩu phải nộp phạt do vi phạm quy định đấu thầu mà không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền phạt cho bên mời thầu thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ thực hiện thay.

13. “Bảo lãnh thực hiện hợp đồng” là cam kết của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với bên nhận bảo lãnh, bảo đảm việc thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của nhà xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp nhà xuất khẩu vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho bên nhận bảo lãnh mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam sẽ thực hiện thay.

14. “Hỗ trợ sau đầu tư” là việc Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất cho chủ đầu tư vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư dự án, sau khi dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng và trả được nợ vay.

Điều 4. Kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước

1. Kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước được thông báo hàng năm, bao gồm các chỉ tiêu sau:

a) Tổng mức tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

b) Nguồn vốn để thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

c) Ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ sau đầu tư.

2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước hàng năm và kế hoạch dài hạn để tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chương 2:

TÍN DỤNG ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC

Mục 1:

CHO VAY ĐẦU TƯ

Điều 5. Các hình thức cho vay đầu tư

1. Cho vay các dự án đầu tư trong nước.

2. Cho vay các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Điều 6. Đối tượng cho vay

Đối tượng cho vay là chủ đầu tư có dự án đầu tư thuộc Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư được ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 7. Điều kiện cho vay

1. Thuộc đối tượng quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. Chủ đầu tư có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

4. Chủ đầu tư có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm trả được nợ; được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay.

5. Chủ đầu tư phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án và các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.

6. Chủ đầu tư thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này.

7. Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm tài sản tại một công ty bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn.

8. Trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài theo Hiệp định giữa hai Chính phủ và dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện theo Điều 11 Nghị định này.

Điều 8. Mức vốn cho vay

1. Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án đó (không bao gồm vốn lưu động).

2. Mức vốn cho vay đối với từng dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp đặc biệt, dự án nhất thiết phải vay với mức cao hơn 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động) mới đủ điều kiện để thực hiện, thì Ngân hàng Phát triển Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 9. Thời hạn cho vay

1. Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm.

2. Một số dự án đặc thù (dự án Nhóm A, trồng cây thông, cây cao su) cần có thời gian vay vốn trên 12 năm mới đủ điều kiện thực hiện thì thời hạn cho vay tối đa là 15 năm.

3. Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 10. Đồng tiền và lãi suất cho vay

1. Đồng tiền cho vay là đồng Việt Nam. Việc cho vay bằng ngoại tệ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi đối với một số dự án có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị mà chủ đầu tư có khả năng cân đối ngoại tệ trả nợ.

2. Lãi suất cho vay đầu tư bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm cộng 0,5%/năm.

3. Đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm.

4. Lãi suất cho vay bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, giao Bộ Tài chính quyết định theo nguyên tắc có ưu đãi trên cơ sở lãi suất Sibor 6 tháng cộng thêm tỷ lệ %.

5. Lãi suất cho vay được xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng lần đầu tiên và không thay đổi cho cả thời hạn vay vốn.

6. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn ghi trong hợp đồng tín dụng.

7. Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố lãi suất cho vay đầu tư để Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện. Số lần công bố lãi suất hàng năm tối đa là 2 lần.

Điều 11. Cho các dự án vay theo Hiệp định của Chính phủ và dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ

1. Điều kiện, lãi suất, thời hạn, mức vay và những nội dung có liên quan đến khoản vay của dự án được thực hiện theo các quy định ghi trong Hiệp định.

2. Trường hợp Hiệp định không quy định cụ thể về điều kiện, lãi suất, thời hạn, mức vay và bảo đảm tiền vay thì thực hiện theo quy định về cho vay đầu tư tại Nghị định này.

3. Các dự án đầu tư ra nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo quy định về cho vay đầu tư của Nghị định này.

Nghị định 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước

  • Số hiệu: 151/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/12/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 01/01/2007
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: 16/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH