Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 145-VP-FC

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC TIỂU THƯƠNG LAO ĐỘNG

I. SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH TIỂU THƯƠNG LAO ĐỘNG VÀ CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ ĐỐI VỚI TIỂU THƯƠNG LAO ĐỘNG

Sau ngày hòa bình lập lại Chính phủ đã điều chỉnh một số lớn tiểu thương lao động sang ngành sản xuất, nhưng số tiểu thương hiện nay còn chiếm đến 1,6% dân số toàn miền Bắc, 11,5% dân số thành thị, nghĩa là tiểu thương còn khá đông và chiếm một tỷ lệ không hợp lý.

Là người lao động, tiểu thương có tác dụng góp phần luân chuyển hàng hóa giữa thành thị và nông thôn trong khi Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán chưa đủ khả năng mở rộng mạng lưới. Nhưng mặt khác tiểu thương là người tư hữu kinh doanh, hoạt động trên thị trường tự do, chạy theo lợi nhuận, lại có liên hệ với giai cấp tư sản nên có thể tự phát làm hỗn loạn thị trường.

Do tính chất hai mặt của tiểu thương nên việc tổ chức sắp xếp, giáo dục giúp đỡ họ cải tạo là một việc cấp thiết. Hiện nay các tiểu thương đang được tổ chức vào các tổ hợp tác dưới ba hình thức như sau:

1 - Tổ hợp tác loại thấp: mua chung, bán riêng, lỗ lãi hưởng riêng, có quỹ tương trợ.

2 - Tổ hợp tác loại vừa: mua chung, bán chung, lỗ lãi cùng chịu, một phần nhỏ lãi chia cho vốn, một phần để tích lũy và lập quỹ xã hội, còn đại bộ phận lãi chia theo lao động.

3 - Tổ hợp tác loại cao: Tiền vốn, vật dụng dùng vào kinh doanh là tài sản chung của toàn tổ, lãi sau khi trích một phần nhỏ để trích lũy vốn và lập quỹ xã hội, còn chia theo lao động.

Trừ một vài vùng nông thôn hẻo lánh và miền núi, còn nói chung trong toàn quốc thì tiểu thương rất thừa nên chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ đối với tiểu thương là:

1 – Không khuyến khích phát triển tiểu thương lao động.

2 – Đối với những tiểu thương lao động hiện có cần phải tổ chức sắp xếp lại cho hợp lý.

Đối với số tiểu thương đã đăng ký rồi nhưng thừa so với yêu cầu hoạt động và những tiểu thương chưa đăng ký thì cần chuyển sang ngành sản xuất, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Số còn lại cần thiết phải duy trì thì cơ quan Công thương có nhiệm vụ tổ chức họ lại và Mậu dịch quốc doanh, Hợp tác xã mua bán hướng dẫn giúp đỡ họ kinh doanh.

II. CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH CỦA NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TIỂU THƯƠNG

1 – Ngân hàng không cho tiểu thương cá thể và tư thương vay mà chỉ giúp đỡ vốn cho những tổ chức hợp tác tiểu thương lao động đã được cơ quan Công thương công nhận trong trường hợp thiếu vốn để kinh doanh.

2 – Ngân hàng thi hành chính sách lợi suất phân hóa đối với các tổ chức tiểu thương tùy theo tính chất của từng loại để góp phần xúc tiến việc hợp tác hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa tiểu thương lao động.

Ngân hàng quốc gia cho các tổ chức hợp tác tiểu thương lao động vay nhằm mục đích:

Giúp các tổ chức tiểu thương lao động có thêm vốn để kinh doanh phục vụ cho kế hoạch của Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán trong việc cung cấp hàng hóa cho nhân dân, góp phần ổn định thị trường, đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Khuyến khích các tầng lớp tiểu thương lao động tham gia vào các tổ chức hợp tác, đi dần vào lề lối mua bán tập thể, có hướng dẫn, có lãnh đạo.

Tạo quan hệ mật thiết giữa tiểu thương, Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán, cắt đứt quan hệ của họ với giai cấp tư sản.

Hạn chế và thủ tiêu dần nạn cho vay nặng lãi ở thành thị và nông thôn.

III. - BIỆN PHÁP CHO VAY ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TIỂU THƯƠNG LAO ĐỘNG

a) Nguyên tắc cho vay:

1 – Ngân hàng trực tiếp cho vay các tổ chức tiểu thương lao động thiếu vốn.

2 - Tiền vay phải sử dụng đúng mục đích và phải hoàn trả lại đúng kỳ hạn đã thỏa thuận.

3 - Tiền vay phải có hàng hóa tương đương bảo đảm.

b) Điều kiện cho vay:

Điều kiện quan trọng nhất là đơn vị vay tiền phải có đăng ký kinh doanh, được cơ quan Công thương công nhận và được Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán giới thiệu, hướng dẫn và sử dụng phục vụ cho kế hoạch Nhà nước. Việc buôn bán phải chính đáng, hợp pháp dưới sự lãnh đạo của các tổ chức thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra đơn vị vay tiền:

Phải có kế hoạch mua vào bán ra đơn giản, kế hoạch trả nợ Ngân hàng.

Phải có vốn riêng tham gia vào luân chuyển hàng hóa (Ngân hàng không cho vay toàn bộ số tiền để kinh doanh).

Phải mở tài khoản ở Ngân hàng.

Phải chịu sự kiểm soát của Ngân hàng và cung cấp tình hình kinh doanh khi Ngân hàng cần đến.

c) Đối tượng, mặt hàng và mức tiền cho vay:

Đối tượng cho vay: Ngân hàng quốc gia chỉ cho các tổ hợp tác tiểu thương vay kể cả các tổ hợp tác loại thấp, loại vừa và loại cao. Ngân hàng quốc gia không cho từng cá nhân trong tổ vay.

Mặt hàng cho vay:

1. – Đối với những mặt hàng mua của Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán, Ngân hàng cho vay bằng cách chuyển khoản trả thẳng cho Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán.

2. – Đối với những mặt hàng mà Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán không có bán phải mua ngoài thị trường thì Ngân hàng sẽ cho vay bằng tiền mặt nhưng phải có sự lãnh đạo của Công thương về địa điểm mua, giá cả và doanh số kinh doanh.

3. – Đối với những mặt hàng được Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán ủy thác mua cho ăn hoa hồng thì Ngân hàng cho vay trên cơ sở hợp đồng ký kết với Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán.

Mức tiền cho vay: Mức cho vay là số tiền cần thiết để mua hàng từng đợt cộng với phí vận động chuyển trừ vốn tự có của đơn vị vay tiền. Trường hợp đơn vị mua hàng phải nộp thuế hàng hóa ngay mà thiếu tiền thì Ngân hàng có thể cho vay.

d. - Thời hạn cho vay:

Thời hạn cho vay là thời hạn mua vào và bán ra một chuyến hàng. Trong quá trình bán hàng đơn vị vay có thể trả bớt dần nợ cho Ngân hàng.

Đối với những mặt hàng thu mua hộ Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán Ngân hàng sẽ thu hồi nợ qua Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán bằng chuyển khoản khi tổ hợp tác tiểu thương giao hàng cho Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã.

e. - Lợi suất cho vay:

Mức lợi suất cho vay các tổ chức hợp tác tiểu thương lao động còn đợi Thủ tướng phủ thông qua. Tạm thời quy định như sau:

- 0,75% một tháng đối với các tổ hay cửa hàng hợp tác loại cao.

- 1% một tháng đối với tổ hay cửa hàng hợp tác loại vừa.

1,2% một tháng đối với tổ hợp tác loại thấp.

g. - Thủ tục giấy tờ:

Đơn vị vay tiền phải làm các giấy tờ:

1. – Đơn vị vay (mẫu số 1)

2. – Kế hoạch kinh doanh ghi rõ nơi mua hàng, mặt hàng và số lượng mua, trị giá tiền, cách vận chuyển, thời gian bán (mẫu số 2)

3. – Giấy của tổ ủy quyền giao dịch với Ngân hàng, có cơ quan Công thương chứng nhận.

4. – Hợp đồng thu mua ký kết với Mậu dịch quốc doanh hay Hợp tác xã mua bán nếu là vay để thu mua.

5. – Khi được vay tiền, đơn vị vay phải làm giấy nhận nợ với Ngân hàng (mẫu số 3).

h. - Kiểm tra sử dụng vốn và kỷ luật tín dụng:

Kiểm tra: Ngân hàng tiến hành kiểm tra thường xuyên bằng cách:

Dựa vào tổ trưởng các tổ hợp tác, Ban quản trị chợ, các phòng thuế để nắm tình hình kinh doanh, sử dụng vốn, tình hình thu nhập.

- Kiểm tra lại chỗ hàng hóa tồn kho làm đảm bảo cho số tiền vay.

Kỷ luật tín dụng:

Đối với những đơn vị vay không tôn trọng những điều đã ký kết như sử dụng tiền vay sai mục đích, vay tiền rồi không mua hàng, không chịu sự lãnh đạo và hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước thì Ngân hàng sẽ thu nợ về trước kỳ hạn.

Quá thời hạn quy định mà không trả nợ, Ngân hàng sẽ chuyển qua nợ quá hạn và áp dụng lãi suất cao gấp rưỡi đối với số tiền quá hạn và trong thời gian quá hạn. Nếu để xẩy ra hai lần liên tiếp nợ quá hạn thì Ngân hàng tạm thời đình chỉ không cho vay.

Trường hợp trây lười không trả nợ, sau khi Ngân hàng đã báo cho biết trước thì Ngân hàng sẽ đưa ra truy tố trước tòa án.

Nhận được chỉ thị này, các ông Trưởng chi nhánh Ngân hàng các tỉnh cần tổ chức nghiên cứu và phổ biến để chấp hành cho đúng.

Trong quá trình thi hành, thấy có những khó khăn trở ngại gì, các ông Trưởng chi nhánh có trách nhiệm báo cáo lên Ngân hàng trung ương. (Vụ Tín dụng Công thương nghiệp) kèm theo tình hình cụ thể và đề nghị giải quyết.

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng

Mẫu số 1

ĐƠN XIN VAY TIỀN CỦA NGÂN HÀNG

Tôi tên ………………………… Đại diện cho tổ ……………………………

Chợ ………………………., đề nghị Ngân hàng cho vay một số tiền để kinh doanh theo kế hoạch tháng …………………………………………………...

………………………………………………………………………………...

I. – Kế hoạch mua hàng một chuyến:

a) Tổng số tiền mua hàng ……………………………………………… đồng

Số tiền đã có …………………………………………………………… đồng

Số tiền cần vay ………………………………………………………… đồng

b) Thời gian mua hàng:

Luồng hàng …………………………………………………………………...

Mặt hàng ………………………. Số lượng ………………………………….

Trị giá tiền ……………………………………………………………... đồng

Phí vận chuyển ………………………………………………………… đồng

Thuế hàng hóa (nếu có)………………………………………………. ..đồng

Cộng …………………………………. đồng

c) Thời gian đi về một chuyến: ………………………………………… ngày

2. – Thời gian bán và cách trả nợ:

a) Thời gian bán số hàng là……………………………………………...ngày

b) Cách trả nợ: Trả ………………………………………………………. lần từ ngày ………………………………………………………………………..

Rất mong Ngân hàng xét duyệt.

Ngày………….. tháng…………năm 195…..

Người đại diện tổ

Ý kiến của Chi nhánh Ngân hàng quốc gia

Mẫu số 2

KẾ HOẠCH KINH DOANH TRONG ……………..

của tổ .................

I. - KẾ HOẠCH MUA VÀO:

1. - Tổng số tiền mua hàng trong tháng:

- Mặt hàng ……………….. số lượng ………………………………………..

Giá đơn vị ……………………………………………………………………

Giá trị tiền ………………………………………………………. đồng

Phí vận chuyển ………………………………………………….. đồng

Thuế hàng hóa (nếu có) …………………………………………. đồng

Cộng ……………………………đồng

2. – Thời gian mua:

- Mua ở đâu: ………………………………. hết ………………ngày một chuyến.

- Một tháng đi ……………………………… chuyến

- Vận chuyển bằng phương tiện :…………………………………………......

………………………………………………………………………………...

II. - KẾ HOẠCH BÁN RA:

- Thời gian bán số hàng trong tháng: …………………………………... ngày

III. – VAY VÀ TRẢ:

- Số tiền xin vay trong tháng: ………………………………………….. đồng

- Số tiền trả nợ trong tháng: ……………………………………………. đồng

- Dư nợ cuối tháng ………: ……………………………………………. đồng

Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng xét duyệt.

…………… ngày …………….. tháng …………….. năm 195……

Đại diện Tổ

Ý kiến của cơ quan Công thương:

Mẫu số 3

Số …………..

GIẤY NHẬN NỢ

Tôi tên ……………………………………… đại diện cho tổ ………………

Chợ …………………………….. Xin nhận khoản nợ vay tại Chi nhánh Ngân hàng ………………………….. là (viết cả chữ)……………………….

………………………………………………………………………………..

kể từ ngày ………… tháng …………. năm 195……với lợi suất một tháng, và sẽ trả lãi Ngân hàng vào các thời hạn dưới đây:

- Từ ………….. ngày ……………… số tiền: ………………………… đồng

- Từ ………….. ngày …………….... số tiền: ……………………….... đồng

CỘNG: ……………………….. đồng

Chúng tôi xin lấy hàng hóa tồn kho của toàn tổ để đảm bảo số tiền vay của Ngân hàng và chịu trách nhiệm thanh toán nợ đúng kỳ hạn kể trên.

Nếu quá hạn, hoặc dây dưa không trả nợ Ngân hàng sẽ áp dụng các điều kỷ luật tín dụng đã quy định trong thể lệ cho vay Hợp tác tiểu thương.

Ngày …………….. tháng …………….. năm 195……….

Người đại diện tổ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 145-VP-FC năm 1958 về việc cho vay với các tổ chức hợp tác tiểu thương lao động do Tổng giám đồc Ngân hàng Quốc gia ban hành

  • Số hiệu: 145-VP-FC
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/10/1958
  • Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: 26/11/1958
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 13/11/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản