Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 13-CP NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 1996 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH VỀ HÀM, CẤP NGOẠI GIAO

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao ngày 31 tháng 5 năm 1995; Căn cứ Quyết định số 517/QĐ-CTN ngày 28 tháng 12 năm 1995 của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phong hàm, cấp ngoại giao trừ hàm tuỳ viên đến hàm Công sứ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC XÉT PHONG HÀM, CẤP NGOẠI GIAO

Điều 1.- Công chức đang công tác tại các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Ngoại giao có đủ tiêu chuẩn quy định tại các Điều 13, 14, 15 của Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh), và các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 của Nghị định này thì được xét phong hàm ngoại giao.

Điều 2.- Người mang hàm ngoại giao, khi được điều động sang công tác tại các cơ quan, tổ chức khác hoặc nghỉ hưu được giữ nguyên hàm, cấp ngoại giao đang mang như một vinh dự của ngành ngoại giao, nhưng không được sử dụng với tư cách đại diện cho ngành ngoại giao ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Điều 3.-

1. Công chức đang công tác tại các cơ quan, tổ chức khác được điều động sang công tác tại Bộ Ngoại giao được tuyển vào biên chế của Bộ Ngoại giao từ 3 năm trở lên có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 1 của Nghị định này cũng được xét phong hàm ngoại giao.

2. Công chức thuộc cơ quan, tổ chức khác được cử đi công tác tại cơ quan đại diện Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nếu có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và căn cứ vào nhu cầu công tác, được xét bổ nhiệm giữ một chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự trong thời gian công tác, nhưng không được xét phong hàm, cấp ngoại giao.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN CÁC HÀM NGOẠI GIAO

Điều 4.- Hàm đại sứ:

Người được phong hàm đại sứ phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Nắm chắc và có khả năng vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách về đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Có khả năng phối hợp với các cơ quan Nhà nước để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách và các hoạt động đối ngoại được giao.

- Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về các chủ trương, chính sách đối ngoại và công tác xây dựng ngành.

- Chủ trì các công trình nghiên cứu, hoàn chỉnh các văn bản, quyết định cấp Bộ và cấp Nhà nước về các vấn đề đối ngoại quan trọng.

- Có khả năng tổ chức công tác nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực thuộc nghiệp vụ ngoại giao.

- Chủ trì hoặc tham gia với cương vị là thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán, hội nghị, hội thảo quốc tế quan trọng.

- Nắm vững tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, có kiến thức cơ bản về lịch sử quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế và luật pháp quốc tế.

- Có kiến thức tổng hợp sâu rộng, tầm nhìn xa và khả năng phân tích, đánh giá tình hình, xu thế phát triển của các khu vực, các châu lục và toàn thế giới.

- Thành thạo trong việc viết và sửa các văn kiện ngoại giao quan trọng của cấp Bộ và cấp Nhà nước.

- Có trình độ và năng lực đào tạo bồi dưỡng công chức cấp dưới.

- Tốt nghiệp đại học trở lên, có trình độ chính trị cao cấp. Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và kinh tế.

- Có đóng góp lớn vào các công trình nghiên cứu khoa học về công tác đối ngoại hoặc xây dựng ngành được nghiệm thu và áp dụng có hiệu quả trong ngành .

- Có khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phổ thông (theo Liên hợp quốc quy định) và có khả năng giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh (nếu ngoại ngữ chính không phải là tiếng Anh).

- Là Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc tương đương, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương, chuyên viên cao cấp ngành ngoại giao hoặc đã là người đứng đầu cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Có thời gian công tác trong ngành Ngoại giao từ 10 năm trở lên.

Điều 5.- Hàm Công sứ:

Người được phong hàm Công sứ phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách về công tác đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Có khả năng phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương để thực hiện các đề án của Bộ Ngoại giao về công tác đối ngoại hoặc công tác xây dựng ngành.

- Xây dựng các đề án của Bộ Ngoại giao về công tác đối ngoại và xây dựng ngành.

- Chủ trì hoặc tham gia với cương vị là thành viên chính trong các cuộc đàm phán, hội nghị, hội thảo quốc tế quan trọng.

- Nắm vững tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, có kiến thức cơ bản về lịch sử quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế và luật pháp của quốc tế.

- Có kiến thức tổng hợp, khả năng dự báo xu thế phát triển của tình hình thế giới và khu vực hoặc các tổ chức quốc tế lớn.

- Có khả năng dự thảo và sửa các văn kiện ngoại giao và các văn bản pháp quy quan trọng liên quan đến ngoại giao.

- Có khả năng bồi dưỡng, đào tạo công chức cấp dưới.

- Đã tốt nghiệp đại học, có trình độ chính trị cao cấp. Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và kinh tế.

- Có đóng góp tích cực vào các công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác đối ngoại hoặc xây dựng ngành đã được nghiệm thu và áp dụng trong ngành.

- Có khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phổ thông, và có khả năng giao tiếp thông thường bằng tiếng Anh (nếu ngoại ngữ chính không phải là tiếng Anh).

- Là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương, chuyên viên cao cấp ngành ngoại giao, chuyên viên chính ngành ngoại giao, hoặc đã công tác với cương vị là viên chức ngoại giao tại cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 8 năm trở lên.

Điều 6.- Hàm tham tán:

Người được phong hàm Tham tán phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Biết vận dụng các đường lối chính sách về công tác đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

- Có khả năng đề xuất với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về các chủ trương, chính sách có liên quan đến hoạt động ngoại giao hoặc công tác xây dựng ngành.

- Chủ trì soạn thảo văn bản kiến nghị về các chủ trương, chính sách, sách lược đối với một nước lớn, một trọng điểm, một khu vực hoặc một số tổ chức quốc tế quan trọng.

- Có khả năng chủ trì hoặc là thành viên của các cuộc đàm phán, hội nghị, hội thảo quốc tế có liên quan đến các vấn đề phụ trách.

- Có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá những diễn biến tình hình thế giới, những vấn đề quốc tế lớn.

- Nắm vững tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, biết ứng phó linh hoạt, đảm bảo đúng đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Nhà nước ta trong các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế.

- Có kiến thức cơ bản về lịch sử quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế và luật pháp quốc tế.

- Có khả năng soạn thảo và sửa các văn kiện ngoại giao và các văn bản pháp quy liên quan đến công đối ngoại và công tác xây dựng ngành.

- Có khả năng bồi dưỡng công chức cấp dưới về nghiệp vụ ngoại giao.

- Đã tốt nghiệp đại học, có trình độ chính trị trung, cao cấp. Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và kinh tế.

- Có đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu.

- Có khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phổ thông và có khả năng giao dịch thông thường bằng tiếng Anh (nếu ngoại ngữ chính không phải là tiếng Anh).

- Là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng hoặc tương đương, chuyên viên cao cấp ngành ngoại giao, chuyên viên chính ngành ngoại giao, chuyên viên ngành ngoại giao, hoặc đã công tác với cương vị là viên chức ngoại giao ở cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ Việt Nam ở nước ngoài. Có thời gian công tác trong ngành Ngoại giao từ 8 năm trở lên.

Điều 7.- Hàm Bí thư thứ nhất:

Người được phong hàm Bí thư thứ nhất phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Biết vận dụng đúng đường lối, chủ trương, chính sách về công tác đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước và chủ trương công tác của Bộ Ngoại giao.

- Có khả năng đề xuất với Bộ về các chủ trương và biện pháp công tác đối ngoại và xây dựng ngành.

- Có khả năng tham gia các đoàn đàm phán cấp Bộ, hoạt động độc lập trong các tiểu ban khi tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế có liên quan đến công tác đối ngoại.

- Có kiến thức cơ bản về lịch sử quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế và luật pháp quốc tế liên quan đến hoạt động ngoại giao.

- Có khả năng dự thảo các văn kiện ngoại giao và các văn bản pháp quy khác có liên quan đến công tác đối ngoại.

- Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho công chức cấp dưới.

- Đã tốt nghiệp đại học, có trình độ chính trị trung cấp. Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao.

- Có khả năng sử dụng thông thạo một ngoại ngữ thuộc khu vực mình phụ trách và biết giao dịch thông thường bằng tiếng Anh (nếu ngoại ngữ chính không phải là tiếng Anh).

- Là chuyên viên chính hoặc chuyên viên ngành ngoại giao. Có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 5 năm trở lên.

Điều 8.- Hàm Bí thư thứ hai:

Người được phong hàm Bí thư thứ hai phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Biết vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách về công tác đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước và chủ trương công tác của Bộ Ngoại giao.

- Có khả năng đề xuất với Bộ về một số lĩnh vực của công tác đối ngoại và công tác xây dựng ngành.

- Tham gia nghiên cứu về đề tài có liên quan đến nghiệp vụ ngoại giao.

- Có khả năng nghiên cứu, công tác độc lập và áp dụng các kiến thức chuyên môn vào công việc được giao. Có khả năng giúp đỡ công chức cấp dưới về nghiệp vụ chuyên môn.

- Có hiểu biết về lịch sử quan hệ quốc tế, kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế và luật pháp quốc tế liên quan đến hoạt động ngoại giao.

- Có khả năng dự thảo các văn kiện ngoại giao, văn bản pháp quy khác có liên quan đến công tác mình phụ trách.

- Đã tốt nghiệp đại học, có trình độ chính trị sơ cấp. Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao.

- Có khả năng sử dụng một ngoại ngữ thuộc khu vực mình phụ trách và có thể giao dịch thông thường bằng tiếng Anh (nếu ngoại ngữ chính không phải là tiếng Anh).

- Là chuyên viên ngành ngoại giao. Có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 5 năm trở lên.

Điều 9.- Hàm Bí thư thứ ba:

Người được phong hàm Bí thư thứ ba phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Nắm được đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước và chủ trương công tác của Bộ Ngoại giao.

- Giúp Thủ trưởng đơn vị đề xuất các chủ trương công tác của Bộ có liên quan đến quan hệ với nước hoặc lĩnh vực mình phụ trách.

- Tham gia dự thảo các văn bản ngoại giao có liên quan đến nước hoặc lĩnh vực mình phụ trách.

- Có khả năng nghiên cứu, theo dõi một mặt tình hình của một nước, một khu vực hoặc một lĩnh vực nghiệp vụ ngoại giao.

- Có hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ ngoại giao. Có thể dự thảo được các văn bản ngoại giao loại trung bình.

- Đã tốt nghiệp đại học, có trình độ chính trị sơ cấp. Đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao.

- Có khả năng sử dụng một ngoại ngữ thuộc khu vực mình phụ trách và có thể giao dịch thông thường bằng tiếng Anh (nếu ngoại ngữ chính không phải là tiếng Anh).

- Là chuyên viên ngành ngoại giao. Có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 3 năm trở lên.

Điều 10.- Hàm Tuỳ viên:

Người được phong hàm Tuỳ viên phải có trình độ hiểu biết và năng lực nghiệp vụ sau:

- Nắm được đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước và chủ trương công tác của Bộ Ngoại giao.

- Triển khai thực hiện một phần việc cụ thể trong các quyết định của Bộ có liên quan đến công tác đối ngoại hoặc công tác xây dựng ngành.

- Có khả năng thu nhập tư liệu, chuẩn bị hồ sơ, dự kiến tình hình cho lãnh đạo đơn vị.

- Có hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ ngoại giao. Dự thảo các văn bản ngoại giao theo mẫu có sẵn.

- Có khả năng xây dựng các tờ trình, đề án nhằm triển khai quyết định Bộ đã ban hành có liên quan đến công việc được giao.

- Đã tốt nghiệp đại học hoặc có trình độ tương đương. Có trình độ chính trị sơ cấp.

- Có khả năng sử dụng một ngoại ngữ thuộc khu vực mình phụ trách và có thể giao dịch thông thường bằng tiếng Anh.

- Là chuyên viên ngành ngoại giao. Có thời gian công tác trong ngành ngoại giao từ 3 năm trở lên.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG TƯ VẤN VỀ HÀM, CẤP NGOẠI GIAO VÀ VIỆC PHONG, THĂNG, HẠ VÀ TƯỚC HÀM NGOẠI GIAO

Điều 11.-

1. Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao.

2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và quy chế làm việc của Hội đồng.

3. Hàng năm, căn cứ vào tiêu chuẩn quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của Nghị định này, trên cơ sở yêu cầu công tác đối ngoại, Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao xem xét và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện việc phong, thăng, hạ và tước hàm ngoại giao theo quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị định này.

Điều 12.- Việc phong, thăng, hạ và tước hàm Đại sứ:

1. Sau khi xem xét ý kiến của Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao và tham khảo ý kiến các cơ quan hữu quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định việc phong hoặc thăng hàm Đại sứ.

2. Trường hợp người mang hàm Đại sứ vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định việc hạ hoặc tước hàm Đại sứ.

Điều 13.- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét ý kiến đề xuất của Hội đồng tư vấn về hàm, cấp ngoại giao, quyết định việc phong, thăng, hạ và tước hàm ngoại giao từ Tuỳ viên đến Công sứ theo sự uỷ quyền của Chủ tịch nước.

1. Phong hàm Ngoại giao cho công chức ngành ngoại giao căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định tại các Điều 14, 15 của Pháp lệnh và tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10 của Nghị định này.

2. Thăng hàm ngoại giao:

- Công chức mang hàm ngoại giao được xét thăng lên hàm ngoại giao liền kề khi có nhu cầu và đạt tiêu chuẩn của hàm mới.

- Người mang hàm ngoại giao từ Tuỳ viên đến Bí thư thứ hai phải có thời gian mạng hàm cũ tối thiểu là 2 năm mới được xem xét thăng lên hàm ngoại giao liền kề;

- Người mang hàm ngoại giao từ Bí thư thứ nhất đến Công sứ phải có thời gian mang hàm cũ tối thiểu là 3 năm mới được xét thăng lên hàm ngoại giao liền kề;

- Đối với những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có thể được xem xét thăng vượt một hàm ngoại giao liền kề.

3. Hạ hàm ngoại giao:

Công chức mang hàm ngoại giao không hoàn thành nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tư cách đạo đức không đáp ứng tiêu chuẩn quy định, vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì bị hạ xuống hàm ngoại giao thấp hơn.

4. Tước hàm ngoại giao: Công chức mang hàm ngoại giao vi phạm kỷ luật nghiêm trọng chịu hình phạt bị buộc thôi việc, bị sa thải khỏi ngành hoặc phạm tội bị kết án và bản án có hiệu lực pháp luật thì bị tước hàm ngoại giao hiện có.

Chương 4:

NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI MẠNG HÀM NGOẠI GIAO

Điều 14.- Ngoài các nghĩa vụ quy định tại Điều 21 của Pháp lệnh, người mang hàm ngoại giao còn có trách nhiệm:

1. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công chức Nhà nước.

2. Không được sử dụng hàm ngoại giao vào mục đích cá nhân hoặc tập thể trái với quy định của Pháp lệnh và của Nghị định này.

Điều 15.- Ngoài các quyền lợi do Nhà nước quy định đối với công chức Nhà nước, người mang hàm ngoại giao còn được hưởng các quyền lợi sau:

1. Được ưu tiên đào tào về nghiệp vụ ngoại giao và ngoại ngữ cả ở trong nước và ngoài nước.

2. Khi có nhu cầu, người mang hàm ngoại giao được bổ nhiệm giữ một chức vụ ngoại giao hoặc chức vụ lãnh sự tại cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh, không phải qua kiểm tra, thi tuyển.

- Người mang hàm ngoại giao công tác tại cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các chế độ ưu đãi của ngành ngoại giao để phục vụ công tác đối ngoại và có thể được điều động công tác sang các địa bàn khác theo nhu cầu công tác.

3. Việc phong, thăng hàm cấp ngoại giao được coi là một cơ sở để xem xét, bố trí công tác, đề bạt và nâng lương cho công chức theo đúng quy định của Pháp luật.

4. Trong những trường hợp cần thiết khi thi hành công vụ, người mang hàm ngoại giao xuất trình giấy chứng nhận về hàm, cấp ngoại giao phải được các cơ quan Nhà nước giúp đỡ, tạo điều kiện dễ dàng và được bảo vệ trước mọi sự đe doạ hoặc cản trở để thực thi các nhiệm vụ đối ngoại.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Nghị định này.

Điều 17.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 13-CP năm 1996 Hướng dẫn Pháp lệnh về hàm, cấp Ngoại giao

  • Số hiệu: 13-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/03/1996
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 16/03/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản