Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 13/2001/NĐ-CP về bảo hộ giống cây trồng mới

Chương 3:

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ SỞ HỮU VĂN BẰNG BẢO HỘ VÀ CỦA TÁC GIẢ GIỐNG CÂY TRỒNG MỚI

Điều 11. Quyền của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ

1. Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới có quyền cho phép sử dụng hay không cho phép sử dụng vật liệu nhân của giống được bảo hộ, sản phẩm thu hoạch nhận được từ việc gieo trồng vật liệu nhân của giống được bảo hộ trong các hoạt động sau:

a) Sản xuất hay nhân giống vì mục đích kinh doanh;

b) Chế biến giống vì mục đích kinh doanh;

c) Chào hàng;

d) Bán hay các hình thức kinh doanh khác;

đ) Xuất khẩu;

e) Nhập khẩu;

g) Tàng trữ nhằm thực hiện các hoạt động quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản này.

2. Trong thời hạn kể từ ngày nộp đơn hợp lệ đến ngày cấp Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới, chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân khác bồi thường thiệt hại do việc thực hiện các hành vi liên quan đến vật liệu nhân và sản phẩm thu hoạch của giống cây được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa được phép của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ.

3. Quyền của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ đối với các hoạt động quy định tại khoản 1 và 2 Điều này còn được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Giống cây trồng mới có nguồn gốc thực chất từ giống được bảo hộ khi giống được bảo hộ bản thân nó không phải là giống có nguồn gốc thực chất từ một giống được bảo hộ khác;

b) Giống cây trồng mới không khác biệt rõ ràng với giống được bảo hộ;

c) Giống cây trồng mới mà việc nhân giống của nó đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống được bảo hộ.

4. Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ có quyền tự mình khai thác hoặc chuyển giao quyền khai thác giống cây trồng mới cho tổ chức, cá nhân khác. Hợp đồng chuyển giao quyền khai thác giống cây trồng mới được lập thành văn bản và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

5. Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ có quyền thừa kế, chuyển nhượng quyền sở hữu Văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật.

6. Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu người xâm phạm bồi thường thiệt hại.

7. Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống không có quyền được bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

a) Giống sử dụng cho nhu cầu cá nhân không vì mục đích thương mại;

b) Nông dân gieo trồng các vật liệu nhân của giống được bảo hộ lấy sản phẩm thu hoạch để làm giống cho các vụ tiếp theo tại trang trại của họ hoặc trao đổi cho nhau giữa các hộ nông dân;

c) Giống sử dụng để lai tạo ra các giống cây trồng mới khác, trừ trường hợp giống đó là giống có nguồn gốc thực chất từ giống được bảo hộ.

Điều 12. Nghĩa vụ của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ

Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới có các nghĩa vụ sau:

1. Trực tiếp duy trì hoặc ủy quyền cho người khác duy trì vật liệu nhân của giống được bảo hộ và cung cấp vật liệu nhân đó theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để lưu giữ quỹ gen, làm mẫu chuẩn và gieo trồng để kiểm tra tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống được bảo hộ;

2. Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ là tổ chức, cá nhân Việt Nam phải trả thù lao cho tác giả giống được quy định tại Điều 5 của Nghị định này. Nếu giữa tác giả và chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ không có thoả thuận nào khác, thì mức thù lao tối thiểu không thấp hơn 20% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ thu được trong mỗi năm khai thác giống cây trồng mới; hoặc 30% tổng số tiền mà chủ sở hữu Văn bằng nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do bán lixăng hoặc do được đền bù từ việc cấp lixăng không tự nguyện;

3. Nộp lệ phí khi nộp hồ sơ yêu cầu thẩm định về hình thức và nội dung hồ sơ để cấp Văn bằng bảo hộ và nộp phí hàng năm kể từ năm được cấp Văn bằng bảo hộ để duy trì hiệu lực của Văn bằng đó;

4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam khi muốn chuyển nhượng quyền sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 13. Hạn chế quyền của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ

1. Chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới chỉ có thể thực hiện quyền khai thác giống cây trồng mới vào mục đích sản xuất đại trà trên lãnh thổ Việt Nam khi giống cây trồng mới được công nhận giống quốc gia theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Vì lợi ích quốc gia hoặc lợi ích chung, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định cấp lixăng không tự nguyện để khai thác giống cây trồng mới đã được bảo hộ. Việc cấp lixăng không tự nguyện chỉ được thực hiện với các điều kiện quy định tại Điều 802 Bộ luật Dân sự.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và ra quyết định cấp lixăng không tự nguyện để khai thác giống cây trồng được bảo hộ.

Tổ chức, cá nhân nhận lixăng không tự nguyện phải trả lệ phí khai thác giống cho chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ, mức phí này do các bên thoả thuận theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cấp lixăng không tự nguyện, nếu chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo

Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của tác giả giống cây trồng mới

Tác giả giống cây trồng mới được quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 5 của Nghị định này có quyền:

Được ghi tên trong Văn bằng bảo hộ giống cây trồng mới, đăng bạ quốc gia về giống cây trồng mới;

Nhận thù lao của chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định này;

Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, khởi kiện về việc xâm phạm các quyền quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

Tác giả giống cây trồng mới có nghĩa vụ giúp chủ sở hữu Văn bằng bảo hộ thực hiện nghĩa vụ duy trì vật liệu nhân của giống cây trồng mới được bảo hộ.

Nghị định 13/2001/NĐ-CP về bảo hộ giống cây trồng mới

  • Số hiệu: 13/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/04/2001
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 22/05/2001
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH