Hệ thống pháp luật

Điều 3 Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Bán doanh nghiệp” là việc chuyển đổi sở hữu toàn bộ một doanh nghiệp hoặc đơn vị hạch toán phụ thuộc cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.

2. “Giao doanh nghiệp” là việc chuyển quyền sở hữu không thu tiền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty thành viên cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp có phân định rõ sở hữu của từng người.

3. “Chuyển giao doanh nghiệp” là việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty thành viên giữa bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao.

4. “Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước” là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là đại diện chủ sở hữu.

5. “Công ty mẹ” là công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty.

6. “Người mua doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp” là tập thể người lao động trong doanh nghiệp, pháp nhân, nhóm người hoặc cá nhân mua doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp.

7. “Người nhận giao doanh nghiệp” là tập thể người lao động trong doanh nghiệp nhận giao doanh nghiệp.

8. “Người giao, người bán doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp” là cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp.

9. “Bên chuyển giao doanh nghiệp” là công ty mẹ hoặc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm đại diện chủ sở hữu nhà nước.

10. “Bên nhận chuyển giao doanh nghiệp” là công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty hoặc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong những trường hợp chuyển giao doanh nghiệp giữa các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chuyển giao doanh nghiệp từ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty sang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ quyết định).

11. “Chuyển giao doanh nghiệp có thanh toán” là phương thức hoàn trả bằng tiền tương ứng với giá trị doanh nghiệp chuyển giao của bên nhận chuyển giao cho bên chuyển giao.

12. “Chuyển giao doanh nghiệp không thanh toán” là phương thức không phải hoàn trả tiền cho bên chuyển giao doanh nghiệp.

13. “Bán theo phương thức trực tiếp” là phương thức đàm phán, thỏa thuận và ký hợp đồng trực tiếp giữa người bán doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp với người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trong trường hợp chỉ có một tổ chức hoặc tập thể người lao động trong doanh nghiệp hoặc một nhóm người hoặc một cá nhân đăng ký mua (sau đây gọi tắt là người đăng ký mua).

14. “Bán theo phương thức đấu giá” là phương thức lựa chọn người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp khi có từ hai người đăng ký mua trở lên thông qua trả giá cạnh tranh công khai tại phiên đấu giá.

15. “Tập thể người lao động trong doanh nghiệp” là tập hợp có tổ chức của những người lao động có trong danh sách làm việc thường xuyên của doanh nghiệp tự nguyện thực hiện nghị quyết Hội nghị người lao động doanh nghiệp về nhận giao, mua doanh nghiệp, đơn vị hạch toán phụ thuộc tại thời điểm có hiệu lực của quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lao động.

16. “Ban Đổi mới tại doanh nghiệp” là tổ chức được thành lập tại doanh nghiệp thực hiện bán, giao, chuyển giao doanh nghiệp do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công ty mẹ quyết định thành lập.

17. “Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp” là tổ chức thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 99/2012/NĐ-CP) thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Nghị định này khi bán doanh nghiệp, đơn vị hạch toán phụ thuộc hoặc giao, chuyển giao doanh nghiệp.

18. “Ban Chỉ đạo nhận doanh nghiệp” là tổ chức do công ty mẹ hoặc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong những trường hợp chuyển giao doanh nghiệp giữa các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và chuyển giao doanh nghiệp từ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, nhóm công ty sang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ quyết định) quyết định thành lập khi nhận chuyển giao doanh nghiệp.

19. “Doanh nghiệp không cổ phần hóa được” là doanh nghiệp mà theo Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt thuộc danh mục cổ phần hóa, sau khi đã áp dụng tất cả biện pháp theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa nhưng vẫn không cổ phần hóa được hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cổ phần hóa.

20. “Doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai” là doanh nghiệp:

a) Có quyền sử dụng đất đối với diện tích dưới 200 m2;

b) Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc giá thuê đất trên thị trường trong điều kiện bình thường không vượt quá 20% so với giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và công bố tại thời điểm gần nhất. Trường hợp không xác định được giá thì sử dụng giá chuyển nhượng hoặc giá thuê đất của khu đất có vị trí, điều kiện và mục đích sử dụng tương tự để xác định.

Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

  • Số hiệu: 128/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 21/01/2015
  • Số công báo: Từ số 107 đến số 108
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH