Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 127-HĐBT

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 1986

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 127-HĐBT NGÀY 16-10-1986 VỀ CHẾ ĐỘ UỶ VIÊN KIÊM CHỨC THUỘC TỔ CHỨC THANH TRA CÁC CẤP

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Nghị quyết số 26-HĐBT ngày 15-2-1984 về tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra;
Xét đề nghị của Uỷ ban Thanh tra Nhà nước

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Ban Thanh tra huyện và cấp tương đương, ngoài Chủ nhiệm, các Phó chủ nhiệm, các Uỷ viên chuyên trách nay có thêm các Uỷ viên kiêm chức như sau:

Uỷ ban Thanh tra Nhà nước có các Uỷ viên kiêm chức là cấp phó của các Bộ, ngành và đoàn thể sau đây: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Tổng Công đoàn Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có các Uỷ viêm kiêm chức là cấp phó của các Sở, ngành và đoàn thể sau đây: Uỷ ban Kế hoạch tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động, Ngân hàng, Uỷ ban Vật giá, Liên hiệp công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ.

Ban Thanh tra huyện và cấp tương đương có các Uỷ viêm kiêm chức là cấp phó của các đoàn thể sau đây: Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ.

Điều 2.- Các Uỷ viên kiêm chức có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, đoàn thể và ý kiến nguyện vọng của quần chúng, đề xuất ý kiến, thảo luận và tham gia quyết định:

- Phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hoạt động thanh tra.

- Báo cáo việc xét các khiếu nại, tố cáo của công dân hàng quý; sơ kết, tổng kết công tác thanh tra 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.

- Báo cáo chuyên đề, báo cáo kết luận của các cuộc thanh tra hoặc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo quan trọng cần trình lên các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

b) Tổ chức thực hiện trong ngành, đoàn thể mình những vấn đề thuộc về tổ chức và hoạt động thanh tra có liên quan đến trách nhiệm của ngành, hoặc đoàn thể mình.

c) Tham gia vào các hoạt động thanh tra có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành, đoàn thể mình.

d) Được cung cấp những tài liệu cần thiết về hoạt động của cơ quan thanh tra cấp mình.

Điều 3.- Các Uỷ viên kiêm chức ở Uỷ ban Thanh tra Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Nhà nước.

Các Uỷ viêm kiêm chức ở Uỷ ban thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương ra quyết định bổ nhiệm sau khi có sự thoả thuận của Uỷ ban Thanh tra Nhà nước.

Các Uỷ viêm kiêm chức của Ban thanh tra huyện và cấp tương đương do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện hoặc cấp tương đương ra quyết định bổ nhiệm sau khi có sự thoả thuận với Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

Điều 4.- Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Chí Công

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 127-HĐBT năm 1986 về chế độ Uỷ viên kiêm chức thuộc tổ chức thanh tra các cấp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 127-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/10/1986
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản