Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 117-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 1994

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 117-CP NGÀY 7-9-1994 VỀ ÁN PHÍ, LỆ PHÍ TOÀ ÁN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự ngày 26 tháng 8 năm 1988;
Căn cứ Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ngày 29 tháng 11 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài ngày 17 tháng 4 năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế ngày 16 tháng 3 năm 1994;
Căn cứ Luật phá sản doanh nghiệp ngày 30 tháng 12 năm 1993;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài chính có sự thống nhất với Chánh án Toà án nhân dân tối cao,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1- Án phí quy định tại Nghị định này bao gồm án phí dân sự, án phí kinh tế và án phí hình sự.

2- Lệ phí quy định tại Nghị định này bao gồm lệ phí cấp bản sao trích lục bản án, quyết định; lệ phí cấp bản sao toàn bộ bản án, quyết định; lệ phí nộp đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài và lệ phí nộp đơn yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; lệ phí giải quyết việc phá sản doanh nghiệp.

Điều 2.

1- Toàn bộ án phí, lệ phí thu được đều nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

2- Khi thu tiền tạm ứng án phí và án phí; tiền tạm ứng lệ phí và lệ phí phải sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính phát hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tư pháp. Trong trường hợp người nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp, thì cơ quan đã thu tiền tạm ứng phải làm thủ tục thoái trả tiền cho người đã nộp.

Chương 2:

ÁN PHÍ DÂN SỰ

Điều 3.

Án phí dân sự bao gồm án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm, án phí dân sự phúc thẩm.

Điều 4.

Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm đối với các vụ án dân sự không có giá ngạch là 50.000 đồng.

2- Mức án phí dân sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm đổi với các vụ án dân sự có giá ngạch được quy định như sau:

-------------------------------------------------------------------------------------------- Giá trị tài sản có tranh chấp Mức án phí

-------------------------------------------------------------------------------------------- a) Từ 1.000.000 đồng trở xuống 50.000 đồng

b) Từ trên 1.000.000 đồng đến 5% của giá trị tài sản

100.000.000 đồng có tranh chấp

c) Từ trên 100.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng + 4%

200.000.000 đồng của phần giá trị tài sản

có tranh chấp vượt quá

100.000.000 đồng

d) Từ trên 200.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng + 3% của

500.000.000 đồng phần giá trị tài sản

có tranh chấp vượt quá

200.000.000 đồng

đ) Từ trên 500.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng + 2% của

1.000.000.000 đồng phần giá trị tài sản

có tranh chấp vượt quá

500.000.000 đồng

e) Từ trên 1.000.000.000 đồng 28.000.000 đồng + 0,1%

của phần giá trị tài sản

có tranh chấp vượt quá

1.000.000.000 đồng

--------------------------------------------------------------------------------------------

3- Đối với vụ án hôn nhân và gia đình mà có tranh chấp tài sản chung của vợ chồng, thì ngoài việc phải chịu án phí quy định tại khoản 1 Điều này, các đương sự còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 5.

Mức án phí dân sự phúc thẩm đối với tất cả các loại vụ án dân sự là 50.000 đồng.

Điều 6.

Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự được quy định như sau:

1- Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ án dân sự không có giá ngạch hoặc có giá ngạch từ 1 triệu đồng trở xuống phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là năm mươi nghìn đồng; trong các vụ án dân sự có giá ngạch quy định tại các điểm b, c, d, đ, e khoản 2 Điều 4 của Nghị định này phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là 50% của mức án phí sở thẩm mà Toà án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp, trừ trường hợp được miễn nộp án phí quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

2- Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn kháng cáo, theo mức quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

Điều 7.

Trong các trường hợp dưới đây, tiền tạm ứng án phí đã nộp được xử lý như sau:

1- Người đã nộp tiền tạm ứng án phí, nếu rút đơn kiện trước khi mở phiên toà, thì được trả lại 50% số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

2- Người đã nộp tiền tạm ứng án phí được trả toàn bộ, nếu theo quyết định của Toà án họ là người không phải chịu án phí, hoặc được trả lại phần chênh lệch, nếu theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí ít hơn số tiền tạm ứng án phí mà họ đã nộp.

3- Nếu việc giải quyết vụ án dân sự bị đình chỉ theo quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 46 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, thì tiền tạm ứng án phí được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Điều 8

Việc chịu án phí dân sự sơ thẩm được quy định như sau:

1- Các đương sự đều phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận, kể cả các vụ án chia phần tài sản chung có tranh chấp, trừ trường hợp được miễn nộp án phí quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

Đối với tài sản chung mà các đương sự do không tự xác định được phần của mình, nếu họ yêu cầu Toà án giải quyết, thì các đương sự phải nộp án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

2- Nếu trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải mà các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì các đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định tại Điều 4 của Nghị định này. Các đương sự có thể thoả thuận với nhau về mức án phí mà mỗi bên phải chịu; nếu họ không thoả thuận được thì Toà án quyết định.

3- Đối với vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí dân sự sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp thuận tình ly hôn, thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí dân sự sơ thẩm.

4- Nếu việc giải quyết vụ án bị tạm đình chỉ, thì án phí được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết.

5- Trong trường hợp có đương sự được miễn án phí, thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí phần của mình theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này.

Điều 9.

Việc chịu án phí dân sự phúc thẩm được quy định như sau:

1- Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.

2- Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm, huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm.

Điều 10.

1- Những trường hợp sau đây được miễn án phí:

a) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho người con chưa thành niên ngoài giá thú;

b) Người lao động đòi huỷ quyết định sa thải, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;

c) Người lao động đòi tiền công lao động; đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội;

d) Người lao động đòi tiền bồi dưỡng về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đòi bồi thường thiệt hại;

đ) Người đòi bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ;

e) Người khiếu nại về danh sách cử tri.

2- Viện Kiểm sát khởi tố, tổ chức xã hội khởi kiện vì lợi ích chung không phải nộp tiền tạm ứng án phí và án phí.

3- Người có khó khăn về kinh tế được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan, tổ chức xã hội chứng nhận thì có thể được Toà án cho miễn nộp một phần hoặc toàn bộ tiền tạm ứng án phí và có thể được Toà án miễn một phần hoặc toàn bộ án phí.

Chương 3:

ÁN PHÍ KINH TẾ

Điều 11.

Án phí kinh tế bao gồm án phí kinh tế sơ thẩm và án phí kinh tế phúc thẩm.

Điều 12.

1- Mức án phí kinh tế sơ thẩm đối với các vụ án kinh tế không có giá ngạch là 500.000 đồng.

2- Mức án phí kinh tế sơ thẩm đối với các vụ án kinh tế có giá ngạch được quy định như sau:

--------------------------------------------------------------------------------------------

Giá trị tài sản có tranh chấp Mức án phí

--------------------------------------------------------------------------------------------

a) Từ 1.000.000 đồng trở xuống 50.000 đồng

b) Từ trên 1.000.000 đồng đến 5% giá trị tranh chấp

100.000.000 đồng kinh tế

c) Từ trên 100.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng + 4%

200.000.000 đồng của phần giá trị tranh chấp

vượt quá 100.000.000 đồng

d) Từ trên 200.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng + 3% của

500.000.000 đồng phần giá trị tranh chấp

vượt quá 200.000.000 đồng

đ) Từ trên 500.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng + 2% của

1.000.000.000 đồng phần giá trị tranh chấp

vượt quá 500.000.000 đồng

e) Từ trên 1.000.000.000 đồng 28.000.000 đồng + 0,1%

của phần giá trị tranh

chấp vượt quá

1.000.000.000 đồng

-------------------------------------------------------------------------------------------

Điều 13.

Mức án phí kinh tế phúc thẩm đối với tất cả các vụ án kinh tế là 200.000 đồng.

Điều 14.

Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí kinh tế được quy định như sau:

1- Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu độc lập đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ án kinh tế phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm là 50% của mức án phí theo thông báo của Toà án.

2- Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này. Viện Kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.

Điều 15.

Trong các trường hợp dưới đây, tiền tạm ứng án phí kinh tế đã nộp được xử lý như sau:

1- Người đã nộp tiền tạm ứng án phí, nếu rút đơn kiện trước khi mở phiên toà, thì được trả lại 50% số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

2- Người đã nộp tiền tạm ứng án phí được trả lại toàn bộ, nếu theo quyết định của Toà án họ là người không phải chịu án phí, hoặc được trả lại phần chênh lệch, nếu theo quyết định của Toà án họ phải chịu án phí ít hơn số tiền tạm ứng án phí mà họ đã nộp.

3- Nếu việc giải quyết vụ án kinh tế bị đình chỉ theo quy định tại điểm a, c, d, đ khoản 1 Điều 39 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, thì tiền tạm ứng án phí được nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Điều 16.

Việc chịu án phí kinh tế sơ thẩm được quy định như sau:

1- Các đương sự thua kiện đều phải chịu án phí sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận. Căn cứ vào các mức án phí quy định tại Điều 12 của Nghị định này, Toà án quyết định mức án phí mà các đương sự phải chịu.

2- Nếu trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải mà các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì các đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định tại Điều 12 của Nghị định này. Các đương sự thoả thuận với nhau về mức án phí mà mỗi bên phải chịu; nếu họ không thoả thuận được, thì Toà án quyết định.

3- Nếu việc giải quyết vụ án bị tạm đình chỉ, thì án phí được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết.

Điều 17.

Việc chịu án phí kinh tế phúc thẩm được quy định như sau:

1- Đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm.

2- Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm, huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm.

3- Viện Kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm không phải chịu án phí phúc thẩm.

Chương 4:

ÁN PHÍ HÌNH SỰ

Điều 18.

Án phí hình sự bao gồm án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm, án phí hình sự phúc thẩm.

Mức án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm, án phí hình sự phúc thẩm là 50.000 đồng.

Điều 19.

Án phí hình sự sơ thẩm, án phí hình sự sơ thẩm đồng thời chung thẩm được quy định như sau:

1- Người bị kết án phải chịu án phí sơ thẩm theo mức quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

2- Trong trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nếu Toà án tuyên bố bị cáo không phạm tội, thì người bị hại đã khởi kiện phải nộp án phí theo mức quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

3- Đối với phần dân sự về bồi thường thiệt hai trong các vụ án hình sự thì người phải bồi thường phải nộp án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này, trừ trường hợp được miễn án phí theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

Điều 20.

Án phí hình sự phúc thẩm được quy định như sau:

1- Bị cáo kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm, nếu Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án, quyết định sơ thẩm đối với bị cáo kháng cáo.

2- Người bị hại kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại và Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không phạm tội.

3- Viện Kiểm sát kháng nghị thì không phải chịu án phí phúc thẩm.

4- Đối với phần dân sự về bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự thì người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 9 của Nghị định này, trừ trường hợp được miễn án phí theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

Chương 5:

LỆ PHÍ

Điều 21.

Bị cáo, đương sự đã được cấp bản sao trích lục bản án, quyết định hoặc bản sao toàn bộ bản án, quyết định theo quy định của pháp luật, nếu xin cấp thêm bản sao trích lục bản án, quyết định hoặc bản sao toàn bộ bản án, quyết định thì phải nộp lệ phí là một nghìn đồng một trang.

Điều 22.

Cá nhân, tổ chức gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; cá nhân, tổ chức gửi đơn yêu cầu Toà án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam đều phải nộp lệ phí như sau:

500.000 đồng đối với cá nhân thường trú tại Việt Nam, tổ chức có trụ sở chính tại Việt Nam;

1.000.000 đồng đối với cá nhân không thường trú tại Việt Nam, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam.

2- Lệ phí phải được nộp đủ một lần tại cơ quan nhận đơn cùng với đơn yêu cầu và các giấy tờ kèm theo.

3- Khi chuyển hồ sơ cho Toà án, cơ quan nhận đơn yêu cầu của đương sự phải gửi kèm theo bản sao chứng từ thu lệ phí.

Điều 23.

1- Khi nộp đơn yêu cầu Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc phá sản là 300.000 đồng. Số tiền tạm ứng lệ phí này được doanh nghiệp mắc nợ hoàn trả lại cho các chủ nợ trong trường hợp Toà án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản hoặc Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp vì doanh nghiệp không còn lâm vào tình trạng phá sản.

2- Nếu chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thì phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc phá sản là 500.000 đồng.

3- Đại diện công đoàn nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc phá sản doanh nghiệp.

4- Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản phải chịu lệ phí giải quyết việc phá sản doanh nghiệp. Mức lệ phí giải quyết việc phá sản doanh nghiệp là 1.000.000 đồng. Khoản lệ phí này được thu khi phân chia tài sản còn lại của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

5- Trong trường hợp Toà án ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thì doanh nghiệp chỉ phải chịu 50% mức lệ phí quy định tại khoản 4 Điều này.

6- Trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, thì số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc phá sản đã nộp được nộp vào ngân sách Nhà nước; doanh nghiệp không còn lâm vào tình trạng phá sản phải hoàn trả cho các chủ nợ số tiền tạm ứng lệ phí giải quyết việc phá sản mà họ đã nộp.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24.

Bị cáo, đương sự là người nước ngoài phải nộp án phí, lệ phí theo quy định của Nghị định này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 25.

Khi mặt bằng giá cả trên thị trường có biến động từ 20% trở lên, thì Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính phối hợp với Toà án nhân dân tối cao điều chỉnh các mức án phí, lệ phí được xác định bằng số tiền cụ thể quy định tại Nghị định này theo sát thời giá.

Điều 26.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 61-CP ngày 17-9-1993 của Chính phủ. Các quy định trước đây về án phí, lệ phí Toà án đều bãi bỏ.

Điều 27.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Chánh án Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 117-CP năm 1994 về án phí, lệ phí Toà án

  • Số hiệu: 117-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/09/1994
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 30/11/1994
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 07/09/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản